Khủng hoảng giáo dục Đại học tại Trung Quốc
Giáo dục đại học Trung Quốc không chỉ thất bại trong tham vọng “tạo ra một số trường đại học đẳng cấp quốc tế”. Nhiều số liệu đã chỉ ra một khía cạnh khủng hoảng khác – khủng hoảng về chất lượng đào tạo nhân lực cho xã hội.
“Tốt nghiệp là thất nghiệp!”
Đó là tựa bài viết đăng ngày 24/3/2010 trên trang mạng youthiawaaz.com1, một diễn đàn trực tuyến xuất phát từ Ấn Độ nhằm kết nối thanh niên trên toàn thế giới. Bài viết mở đầu với những dòng sau: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, thật dễ dàng tìm được các mẩu tin và phóng sự về nạn thất nghiệp của thanh niên trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Vấn nạn thất nghiệp đã trở nên quá quen thuộc với thanh niên Trung Quốc đến nỗi hầu như mọi thanh niên Trung Quốc đều biết câu thành ngữ mới này: tốt nghiệp là thất nghiệp.”
Sinh viên tốt nghiệp xếp hàng dài để vào Hội chợ việc làm ở TP Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên |
Nạn thất nghiệp trong những người có bằng đại học ở Trung Quốc tệ đến như vậy sao, hay đây chỉ là cái nhìn thiếu khách quan của báo chí Ấn Độ? Vậy truyền thông chính thống của Trung Quốc nói gì về nạn thất nghiệp này? Dưới đây là những thông tin và số liệu lấy từ các tờ báo chính thống của Trung Quốc:
“Theo tin từ thành phố Đông Quản, một trong những trung tâm sản xuất chính ở vùng châu thổ sông Châu Giang miền Nam Trung Quốc, có đến hơn 90% các nhà máy nói rằng họ rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự vào sáu tháng cuối năm 2009, khi kinh tế bắt đầu hồi phục và các đơn đặt hàng từ nước ngoài bắt đầu đổ vào Trung Quốc. Việc hoạt động hết công suất dường như đối với các nhà máy ở Trung Quốc chỉ còn là một giấc mơ xa lắm rồi.”
Mẩu tin trên lấy từ trang web của Trung Hoa nhật báo bản tiếng Anh (China Daily) ngày 12/1/20102. Phải chăng tình trạng trên là do số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn lao của các khu công nghiệp? Hoàn toàn không! Theo bài viết, tình trạng trên phần lớn do sinh viên tốt nghiệp không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc. Bài viết có một cái tít nghe thật đau xót: “Nỗi đau giáo dục của người đi xin việc”.
Tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp không phải không ai biết, bản thân Nhà nước Trung Quốc rất quan tâm. Một mẩu tin gần đây trên China Daily cho biết “Tìm việc làm ở các địa phương cho sinh viên tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính quyền”3. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề trong một thời gian hợp lý cũng là một trong những yêu cầu đánh giá chất lượng trường đại học của Trung Quốc.
Nạn ngụy tạo số liệu
Trước yêu cầu trên của chính quyền, thật mỉa mai, thay vì cố gắng thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, và tăng cường hoạt động hỗ trợ việc làm, thì một số trường đại học lại giở bài “gian lận”, đưa ra thông tin giả về tình trạng việc làm của cựu sinh viên.
Mẩu tin có tiêu đề “Các trường đại học ngụy tạo số liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp” đăng trên trang web china.org tháng 7/20094 viết:
“Trong hồ sơ lưu của trường đại học nơi cậu tốt nghiệp, Tiểu Đồng được ghi là đã có việc làm. Nhưng thực ra hiện nay cậu vẫn đang vật vã cố tìm việc làm tại Bắc Kinh.
“Chỉ có 10 trong số 29 sinh viên tốt nghiệp lớp tôi đã tìm được việc làm đúng nghĩa,” Tiểu Đồng nói. Cậu tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. “Nhưng trường tôi lại khoe khoang với bên ngoài rằng 90% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.”
Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội (Ministry of Human Resources and Social Security) Trung Quốc5, tỷ lệ có việc làm của những người tốt nghiệp đại học trong vòng ba năm qua dao động quanh mức 70%, tức tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 30%.
Đặc biệt, theo tin ngày 18/2/2010 trên China Daily6 thì đến tháng 6/2010 năm nay, áp lực việc làm sẽ rất lớn, khi 6,3 triệu sinh viên đại học và cao đẳng tốt nghiệp. Đây là kết quả của sự phát triển liên tục về số lượng của giáo dục đại học trong hơn 10 năm qua. Thử tưởng tượng, với tỷ lệ 30% thất nghiệp hiện nay, sắp có thêm 2,1 triệu người trình độ đại học gia nhập đội quân thất nghiệp!
Nhưng số phận của những sinh viên tìm được việc làm cũng có vẻ chẳng khá hơn bao nhiêu. Kết quả khảo sát vừa được công bố hồi tháng 3/2010, cũng trên trang mạng China Daily7, cho biết:
“27% trong số 8.700 cựu sinh viên được khảo sát cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là không có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Mối quan tâm lớn thứ hai của họ là lương; có đến 20% những người được hỏi cho rằng sau khi trừ hết chi phí ăn ở, sinh hoạt thì lương của họ hầu như không còn xu nào.”
Áp lực của việc học ở bậc đại học, cùng với viễn cảnh tương lai không mấy sáng sủa khi tốt nghiệp, đã đè nặng lên tâm lý của sinh viên, đặc biệt sinh viên từ tỉnh lẻ lên thành phố ăn học. Theo China Daily cuối tháng 3/2010, một nữ sinh viên ở thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô đã tự vẫn trong nhà tắm tại ký túc xá, để lại bức thư cho gia đình, giải thích về cái chết của mình là do “áp lực quá sức chịu đựng khiến cho cô không thể quyết định sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc làm hay tiếp tục ôn tập để dự kỳ thi tuyển đầu vào sau đại học”
Những bức tranh ảm đạm vừa nêu, được phác họa lên từ tin tức và số liệu chính thức trên báo chí chính thống của Trung Quốc – đó là chưa kể đến rất nhiều tin tức ảm đạm khác trên báo chí phương Tây và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc UNESCO – liệu đã tạm đủ để bước đầu kết luận về sự khủng hoảng của nền giáo dục đại học của Trung Quốc hay chưa?
————
1 http://www.youthkiawaaz.com/2010/03/graduation-means-unemployment-say-youth-in-china/
2 http://www.chinadaily.com.cn/opinion/201001 /12/content_9303031.htm
3 http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2010-02/11/ content_9460345.htm
4 http://www.china.org.cn/china/news/2009-07/29/ content_18225468.htm
5 http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-01/23/ content_9366164.htm
6 http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-02/18/ content_9473273.htm
7 http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2010-03/ 23/content_9629367.htm