Kinh doanh đại học ở Mỹ
Có thể khẳng định là hầu hết các đại học Mỹ, dù là công hay tư, đều không có mục đích kinh doanh, không có cổ phần viên hưởng lợi nhuận.
Hội đồng quản trị
Đại học tư hay đại học công đều có một hội đồng quản trị (thường gọi là Board of Trustees hay Board of Regents) có nhiệm vụ gây quỹ, theo dõi tài chính, đề ra phương hướng phát triển trường một cách tổng quát và bổ nhiệm hiệu trưởng (president). Ở đại học tư thì người trong hội đồng quản trị là do hội đồng quản trị đương nhiệm bổ nhiệm. Ở đại học công thì do thống đốc tiểu bang hoặc thị trưởng bổ nhiệm. Mỗi thành viên đều có nhiệm kỳ, thường là 5 năm, và tự giải nhiệm nếu không được bổ nhiệm lại. Trừ Chủ tịch hội đồng là có lương khi làm việc toàn thời gian, các thành viên khác không có lương nhưng được trả chi phí tham dự các cuộc họp. Hội đồng quản trị thường bao gồm những thành phần sau: (i) những người có đóng góp lớn về tiền bạc cho trường và có uy tín để gây quỹ cho trường; họ thường nhận được phần thưởng là tên trường, tên khoa, tên một tòa nhà hoặc một phòng học mang tên họ; (ii) các nhà doanh nhiệp có thể vừa cho tiền, vừa sẵn sàng nhận sinh viên khi ra trường; (iii) các nhà giáo dục và văn hóa có uy tín; (iv) các nhà chính trị về hưu có uy tín. Nói chung, họ là những người vừa có uy tín, vừa năng động hoặc có tiền sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng uy tín cho trường.
Về mặt luật pháp, các trường tư phần đông đều tổ chức vô vị lợi (non-profit corporations) chịu sự kiểm tra của sở thuế và luật pháp và khi hội đủ điều kiện về quá trình hoạt động được luật pháp chứng nhận là công ty vô vị lợi. Công ty vô vị lợi không phải trả thuế doanh thu trên học phí thu được và không trả thuế trên lợi nhuận công ty (tức là nếu thu nhập lớn hơn chi phí thường xuyên). Lợi nhuận công ty đương nhiên được giữ lại để đầu tư phát triển vì trường không có cổ phần viên. Cái lợi thứ hai cho công ty vô vị lợi nhưng có tầm quan trọng hơn cả là việc luật pháp Mỹ cho phép những người đóng góp vào công ty vô vị lợi được trừ phần đóng góp khỏi thu nhập chịu thuế. Thí dụ một người làm ra 100.000 USD một năm tức là ở mức lợi tức chịu thuế 30% thì nếu người này đóng góp 50.000 USD vào hoạt động vô vị lợi, họ chỉ phải đóng thuế trên lợi tức còn lại sau khi đóng góp vào hoạt động vô vị lợi là 50.000 USD. Ở mức lợi tức này, tỷ lệ thuế có thể thấp hơn, chẳng hạn 20%, như vậy sau khi đóng thuế là 10.000 USD họ giữ lại được 40.000 USD. Nếu không đóng góp vào hoạt động vô vị lợi họ mang về được 70.000 USD. Như vậy họ thiệt đi 30.000 USD nhưng giáo dục vô vị lợi thu được 50.000 USD. Đây là phương cách hay chính sách “nhân dân và nhà nước cùng làm” ở Mỹ để phát huy hoạt động vô vị lợi.
Tài chính
Đại học công từ học phí là 19%, từ chính quyền Trung ương 11%, 36% từ chính quyền địa phương, phần còn lại 10% dựa vào đóng góp của nhà hảo tâm hoặc từ tài trợ nghiên cứu.
Đại học tư dựa nhiều hơn vào học phí (42%) và đóng góp của giới hảo tâm (20%) và kinh doanh phụ (21%). Như vậy đại học tư, đặc biệt là trường vô vị lợi, không nhất thiết dựa chủ yếu vào học phí. Nhiều trường tư danh tiếng chỉ dựa 40-50% vào học phí, phần còn lại là do thu nhập tạo ra từ việc đầu tư tài sản mà các nhà hảo tâm đóng góp cho trường và những đóng góp thường xuyên của các nhà hảo tâm, cựu sinh viên, và tiền tài trợ cho các công trình nghiên cứu của chính phủ hoặc hoạt động kinh doanh.
Dĩ nhiên ở Mỹ vẫn có những người lập ra đại học để kinh doanh, có chủ sở hữu và lợi nhuận thuộc về chủ sở hữu nhưng những đại học này chỉ là những trường dạy nghề. Họ phải chịu đóng thuế doanh thu và thuế lợi tức và hầu hết không được công nhận (accredited) là có tư cách đại học bởi các hiệp hội công nhận tư cách đại học có uy tín.
Mỹ lại có không ít các đại học bán bằng tiến sĩ cho bất cứ ai. Những đại học này không nằm trong danh sách 4.300 đại học được công nhận là có tư cách đại học đã nói đến ở trên.
—
* Trích bài: Đại học Hoa Kỳ.