Kinh nghiệm tự chủ của giáo dục Thụy Điển

Với hệ thống phiếu thanh toán học phí trả tiền trực tiếp cho các trường theo số đầu học sinh thực tế, các trường học ở Thụy Điển đang được trao quyền tự chủ rất lớn, đồng thời cũng có nghĩa vụ phải luôn cải tiến để cạnh tranh lẫn nhau. 

Mô hình Trường tự chủ

Những năm 1970, các trường công lập ở Thụy Điển đã trở thành công cụ của chính sách xã hội nhắm tới bình đẳng chứ không nhắm tới thành tích giáo dục. Chính sách một loại hình trường lớp cho mọi người đã tạo ra một hệ thống nguyên khối, trong đó tất cả học sinh đều được cho là có nhu cầu như nhau và được dạy theo cùng một cách. Ngoại trừ một vài trường tư thục, dành cho con em những gia đình có thể trả học phí cao, hầu như tất cả các trường đều là trường công lập. Mặc dù, nhà nước phúc lợi với những khoản thuế khóa cao hứa sẽ cung cấp một nền giáo dục tốt cho tất cả mọi người, trên thực tế, kết quả hoàn toàn ngược lại. Con em các gia đình không có truyền thống học tập – tức là con em công nhân hay trung lưu bậc thấp – có kết quả học tập kém nhất. Theo tất cả các thước đo kết quả giáo dục quốc tế, Thụy Điển đều đi xuống. Cuộc tranh luận chính trị rộng rãi hồi cuối những năm 1980 về nhu cầu cải cách giáo dục, trong đó có tự do lựa chọn trường lớp, đưa ra thông điệp rất rõ ràng: để cho phụ huynh giữ số tiền mà ngân sách địa phương dành cho việc học tập của con em họ, và để họ tự tổ chức hoạt động nhà trường một cách hiệu quả hơn. Ý tưởng phiếu thanh toán học phí (school voucher) được chính thức hóa từ năm 1992, dẫn đến sự ra đời của các trường tự chủ nhưng vẫn dùng tiền ngân sách của Nhà nước.

Phiếu này được địa phương thanh toán trực tiếp cho nhà trường, hoàn toàn dựa trên số học sinh đang theo học, giá trị của phiếu thay đổi theo mức chi phí sinh hoạt ở từng địa phương. Các trường tự chủ có thể hoạt động vì mục đích lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận nhưng “phiếu thanh toán” là nguồn đầu tư duy nhất của họ, ngoài ra họ không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào của học sinh, và không được quyền yêu cầu thêm chi phí từ chính phủ mà phải “tái phân phối” chi phí được cấp cho phù hợp với lựa chọn của học sinh và phụ huynh. Các trường tự chủ cũng không được phép sàng lọc đầu vào mà phải tiếp nhận mọi học sinh theo nguyên tắc ai đến trước được nhận trước.

Về cách thức tổ chức hoạt động, ngoài một số nội dung chương trình giảng dạy căn bản do Nhà nước quy định, các trường tự chủ được toàn quyền quyết định việc tổ chức chương trình và phương pháp giảng dạy. Nhà nước chỉ kiểm soát kết quả và chất lượng đầu ra của học sinh các trường. Như vậy, với nguồn thu không lớn hơn so với các trường công lập được bao cấp, trong khi vẫn bị kiểm soát về chất lượng sản phẩm đầu ra, các trường tự chủ chỉ có thể đứng vững nếu chất lượng đào tạo tương đương hoặc cao hơn so với các trường công lập được bao cấp.

Mô hình trường tri thức

Mô hình trường tri thức (Kunskapsskolan) là một đề xuất đổi mới giáo dục từ khu vực tư nhân với những nhà đầu tư quan niệm giáo dục có tiềm lực kinh tế mạnh. Từ ý tưởng hình thành cho đến cách thức tổ chức, công nghệ, phương pháp giảng dạy của những trường này đều hướng đến việc cá nhân hóa giáo dục, lấy học sinh (được tôn trọng như những cá nhân độc đáo, riêng biệt, có tiềm năng lớn) làm trung tâm của giáo dục. Tất cả các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đều được hoạch định độc lập cho từng cá nhân học sinh, và được thường xuyên theo dõi, điều chỉnh nếu cần thiết. Các trường trong hệ thống hoạt động tương tác nhằm thường xuyên trao đổi phương pháp giảng dạy, để liên tục đổi mới, tạo ra một cách giảng dạy tốt, phù hợp và hiện đại nhất. Học sinh là người được hưởng lợi nhất từ những hoạt động hợp tác tích cực và mang tính chủ động của hệ thống này.

Nguồn đầu tư cho việc thành lập và duy trì hoạt động của trường đều từ các cá nhân. Theo số liệu của Peje Emilson (thành viên sáng lập mô hình), các nhà đầu tư đã bỏ khoảng 125 triệu SEK (khoảng 11 triệu bảng Anh) để xây dựng và phát triển hệ thống trường tri thức. Hoạt động với tư cách doanh nghiệp kinh doanh, nên hệ thống trường này chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động của thị trường. Trường học thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của khách hàng – học sinh và phụ huynh.

Kết quả từ những mô hình mới

Trước năm 1991, chỉ có 1% số học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 học trường dân lập, đến nay, con số này là 11%. Còn số học sinh từ 16 đến 18 tuổi theo học trường dân lập đã tăng từ 1% lên 23 %  vào năm 2011.

Xét về kết quả học tập thì học sinh trường tự chủ có điểm trung bình điểm thi các môn chính trong kì thi quốc gia luôn cao hơn các trường công lập. Đầu năm 2011, điểm trung bình của học sinh lớp 9, cả trường công lập và trường tự chủ là 211 (trên thang điểm tối đa là 320), nhưng riêng điểm của học sinh trường tự chủ là 229.

Hệ thống trường tự chủ cũng nhận được phản hồi tích cực qua các cuộc điều tra khảo sát. Đa số các phụ huynh, học sinh, và cả những người trực tiếp giảng dạy khẳng định họ thấy mãn nguyện hơn với các trường tự chủ. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là ở tác động tích cực (ngoài dự tính) với mô hình cũ: các trường công lập buộc phải hoạt động tốt hơn do phải cạnh tranh với những thành tích và ưu thế ngày một rõ rệt của các trường tự chủ.
Hiện nay, hơn 60% các trường được tự chủ hoạt động như các công ty trách nhiệm hữu hạn sinh lợi.

Đối với hệ thống trường tri thức, sau một thời gian hoạt động, các trường này đã giành được vị thế đáng kể trong hệ thống giáo dục toàn quốc. Hệ thống này bắt đầu từ năm 2000 với con số là 5 trường phổ thông trung học, nhưng đến năm 2011 đã phát triển thành 33 trường. Theo số lượng được Peje Emilson, hệ thống trường này hiện có 10.000 học sinh và 800 nhân viên. Về kết quả học tập, đầu năm 2011, học sinh của trường thi tốt nghiệp lớp 9 với số điểm trung bình là 237, so với điểm trung bình của toàn quốc là 211, và của học sinh các trường tự chủ là 229. 15 trong số 21 trường được xếp hạng trường tốt nhất ở các địa phương về kết quả tốt nghiệp học sinh lớp 9.

Có một loạt tác nhân đằng sau thành công của mô hình trường tự chủ nói chung và mô hình trường tri thức nói riêng. Thứ nhất, mô hình phiếu thanh toán học phí đem lại cho phụ huynh các phương án để họ lựa chọn và khuyến khích các nhà trường phải cạnh tranh.

Ngoài ra còn có một đặc điểm quan trọng nữa, đó là động cơ thị trường. Nếu trường tự chủ có số học sinh theo học đông thì họ sẽ có lời và chỉ có chất lượng cao mới làm cho số người đăng kí học gia tăng mà thôi. Các trường tự chủ chỉ có thể bền vững và có lời nếu họ cung cấp được chất lượng cao hơn so với các trường công lập hiện có. Tổ chức nguồn lực một cách hợp lí, tỉ lệ giáo viên-học sinh và những tác nhân đầu vào khác có thể ảnh hưởng đến chi phí; nhưng trong dài hạn, nếu những tác nhân đó không tạo được sự hấp dẫn và không giúp nâng cao chất lượng học tập thì chúng cũng không thể nào tạo được những ngôi trường có lời.

Nếu không có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận – và đền bù cho những người sở hữu và người đầu tư vì những rủi ro thông qua cổ tức trả cho các cổ đông – đã không có các trường tự chủ có thành tích tốt hơn là những trường công lập. Không có quyền trở thành công ty có lợi nhuận, hệ thống các trường tri thức không thể phát triển được.

—-

(*) Những số liệu trong bài được lấy từ bài viết Động cơ lợi nhuận trong nền giáo dục Thụy Điển của tác giả Peje Emlison do Phạm Nguyên Trường dịch. Bài viết của Emilson nằm trong cuốn Động cơ lợi nhuận trong giáo dục: Cuộc cách mạng đang tiếp diễn do James B. Stanfield biên soạn,Viện Các vấn đề kinh tế (IEA) xuất bản tại Anh.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)