Lại nói về luận văn tiến sĩ

Theo kế hoạch của Bộ giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới chúng ta phải có 2 vạn Tiến sĩ mới! Hóa ra là chúng ta đang thiếu nhiều Tiến sĩ, chứ không phải như có người nói là chúng ta đang có quá nhiều Tiến sĩ... Tuy nhiên cũng có nhiều người băn khoăn về con số 2 vạn. Để đạt được con số đó có lẽ cần phát động phong trào “người người làm Tiến sĩ, trường trường làm Tiến sĩ, ta nhất định tiến, địch nhất định qụy...”!

Có một cách đơn giản để có thể đạt kế hoạch, hoặc thậm chí vượt mức kế hoạch 2 vạn Tiến sĩ. Đó là hạ thấp yêu cầu của luận án Tiến sĩ, chẳng hạn chỉ cao hơn luận án Thạc sĩ  một chút là được. Trước đây ta cũng từng làm như vậy, khi đổi chức danh Phó Tiến sĩ thành Tiến sĩ. Điều đó thực chất là yêu cầu luận văn Tiến sĩ ngày nay chỉ bằng Phó Tiến ngày xưa mà thôi. Cũng một cách tương tự, trên cơ sở của các trường Cao đẳng ở địa phương (mà phần lớn là trường Cao đẳng Sư Phạm), ta có thể nâng lên trường Đại học Đa ngành một cách dễ dàng. Và các thầy giáo dạy Cao đẳng đương nhiên trở thành thầy giáo Đại học một cách dễ dàng… Thế là ta có thêm rất nhiều trường Đại học.

Nhưng có lẽ Bộ GD&ĐT không có chủ trương hạ thấp yêu cầu đối với luận án Tiến sĩ, mà ngược lại đang có kế hoạch “nâng tầm” luận án theo mức thế giới… Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã có lần nhắc nhở rằng (đại ý ) “Nếu làm luận án Tiến sĩ mà không có gì mới thì đừng có làm, mất thì giờ của mình và của người khác”. Điều đó  có nghĩa là: đã là luận án Tiến sĩ thì phải có cái mới. Cố nhiên “có cái mới” chỉ là điều kiện cần, mà hoàn toàn không phải là điều kiện đủ… Cái mới đó phải đúng, phải hay, phải dùng được thì mới đủ để “lấy bằng” Tiến sĩ…

Nhân đây tôi muốn nói thêm một chút rằng thật ra thì những điều đó không có gì mới. Sở dĩ  Bộ trưởng phải nhắc lại cái điều rất cũ ấy vì lâu nay hình như chúng ta (kể cả người viết luận án lẫn người chấm luận án Tiến sĩ ) “quên” mất cái điều kiện cần và đủ cho một luận án Tiến sĩ là phải có cái mới…        

Một người bạn kể cho tôi về một luận án Tiến sĩ  “Cây xanh đô thị” (chắc là thuộc ngành Môi trường). Luận án có nhiều chương, có nhiều thống kê, nhiều biểu đồ của từng vùng, từng thời gian… Phần  Kết luận của luận án gồm ba điểm chính: Một là, cây có tán rộng thì có nhiều bóng mát hơn, hai là cây có tán rộng thì khi gió to dễ bị đổ hơn, và ba là nên trồng cây tán rộng xen kẽ với cây tán hẹp… Có lẽ ông bạn tôi đã thêm thắt hoặc thổi phồng lên cho vui chuyện…, nhưng dẫu sao khi đọc qua một số tiêu đề của luận án gần đây cũng có thể thấy rằng có rất ít cái mới trong nhiều luận án…

Ai cũng biết rằng, tìm được cái mới không phải dễ dàng, đặc biệt là đối với các môn khoa học cơ bản. Trong một luận án về toán học chẳng hạn, những điều tác giả đưa ra phải là những định lí mới và cố nhiên phải được chứng minh đầy đủ và đúng đắn.

Tuy nhiên một điều hết sức khó khăn cho Hội đồng chấm luận án là không biết rằng “cái mới” đó có thật là “mới” hay không, hay là đã có ở đâu đó trước đây rồi, của ai đó đã đăng rồi… Đã có những luận án sau khi bảo vệ thành công, người ta mới phát hiện ra là tác giả của nó đã “đạo” (tức là “thuổng”) của người khác… Điều đó rất dễ xảy ra vì không biết có bao nhiêu tạp chí toán học trên thế giới, và không phải bài nào đăng trên các tạp chí – kể cả những tạp chí uy tín nhất- đều có người đọc… Tác giả các bài báo không phải ai cũng là các nhà toán học lớn có tên tuổi, mà có thể chỉ là những người đang tập sự nghiên cứu toán học, đang cần có “thành tích” về số bài được đăng, để được xét một cái gì đó (đại loại như ở Việt Nam ta), hoặc đơn giản là để khoe. Những bài như vậy thường không có người đọc và dĩ nhiên không được trích dẫn trong các bài báo khác. Bởi vậy nếu một ứng viên Tiến sĩ nào đó chép một vài kết quả của các bài báo như thế làm kết quả của chính mình, thì có nhiều hi vọng rằng Hội đồng chấm cũng không hay biết…

Còn “cái mới” trong luận văn Tiến sĩ của các môn Khoa học Xã hội và nhân văn lại càng khó khăn hơn nhưng là khó khăn theo kiểu khác: mới thì mới nhưng không được trái với những đường lối, chủ trương, chính sách hiện hành…

 Nếu Ông Kim Ngọc- tác giả của chủ trương “Khoán” trong Nông nghiệp- hồi còn sống mà làm cái luận án Tiến sĩ về “Khoán” thì  “cái mới” chắc là bao trùm toàn bộ luận văn… Nhưng chắc chắn là không có Hội đồng nào dám nhận lời chấm một cái luận án như thế. Chính ông Ngọc cũng không dám viết luận án, mà ông chỉ cố gắng làm “khoán chui” mà thôi…

Gần đây, thấy có xuất hiện nhiều bài báo ca ngợi một số nhân vật từng “có vấn đề “, từng  bị “lên án” như  Trần đức Thảo, Đào duy Anh, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần… Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là các bài báo, và chỉ nói về một vài cá nhân trong trào lưu “Nhân văn Giai phẩm”… Không hiểu rồi đây có thí sinh nào định làm một luận án về đề tài “Nhân văn Giai phẩm” hay không? Hay là phải chờ vài chục năm nữa mới có những luận văn như vây?

Có rất nhiều đề tài nhạy cảm khác như “Cải cách ruộng đất”, “Cải tạo Công thương”,“Biên giới Việt-Trung, xưa và nay”… rất cần có những nghiên cứu, ít nhất cũng tập hợp và lưu giữ những tư liệu lịch sử, những hồi ức của các nhân vật trong cuộc còn sống… Tuy nhiên và hiển nhiên là trong những vấn đề đó, “cái mới” thực sự là khó có thể ra đời… Bởi vậy để có được cái mới thì không dại gì mà chọn các đề tài như vậy cho một luân văn Tiến sĩ. Tốt nhất là nên chọn các đề tài đại loại  như: “Tổ chức tắm và giặt cho bộ đội phía Bắc”, “Quan niệm của sinh viên về tình yêu và hôn nhân”, “Về bệnh béo phì của trẻ em đô thị”, “Mắm tôm và  dịch tả”, “ Cách đánh số nhà”, “Phương pháp thi công tối ưu để cắt ngọn nhà cao tầng trái phép”… Đối với những đề tài như vậy, cứ gắng suy nghĩ một chút thế nào cũng tìm ra cái mới…

Vừa rồi trong báo cáo của HĐ Chức danh Giáo sư có đưa ra một con số đáng ngạc nhiên: 70% luận văn Tiến sĩ là của các nhà quản lí, 30% còn lại là của các nhà nghiên cứu khoa học. Vâng, tôi đã từng biết có ông giám đốc Sở, ông Phó chủ tịch tỉnh, ông hay bà Bộ trưởng hoặc thứ trưởng… bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, nhưng tôi không ngờ cái tỉ lệ các ông bà quản lí lại cao đến như vậy… Bắt buộc một Tiến sĩ  khoa học phải làm một nhà quản lí là điều bất đác dĩ, còn bắt nhà quản lí phải là một Tiến sĩ khoa học thì lại càng khó hiểu hơn, nhất là khi luận văn của ông ta không  thuộc về  khoa học quản lí. Thực ra thì chẳng ai bắt buộc ông quản lí phải làm bằng Tiến sĩ, nhưng thực tế thì ai cũng biết nếu có bằng cấp cao hơn thì dễ được cất nhắc hơn, thăng quan tiến chức nhanh hơn. Có lẽ đã đến lúc cần “nói không với bệnh bằng cấp” cũng giống như là “nói không với bệnh thành tích” vậy.

Văn Như Cương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)