Làm ra cái có
Một giải pháp giáo dục đích thực về cả triết học lẫn thực tiễn phải là Giải pháp phát triển giáo dục. Muốn phát triển thì phải có năng lượng vật chất cấp cho nó, lấy đâu ra? - Không thể lấy từ cái không. Chỉ có thể lấy từ cái có, hơn nữa, phải là cái có lần đầu tiên chủ động làm ra theo nguyên lý mới chưa hề có!
Em sinh năm 2001, năm đầu tiên thế kỷ XXI. Em sống trọn đời trong thế kỷ XXI.
Năm học 2007 – 2008, em đến trường, học lớp Một. Tất cả 100% trẻ em sinh năm 2001 đều đi học, dù sinh sống trên bất cứ vùng đất nào của Tổ Quốc Việt Nam.
Năm 2019, tất cả 100% các em này sẽ là 100% cử tri đi bầu đại biểu Quốc hội, nghĩa là từ năm 2019, toàn thể công dân Việt Nam, cả 100% đều là sản phẩm chính thức, chính thống, chính cống của nền giáo dục đầu thế kỷ XXI. Xin lưu ý, nền giáo dục đầu thế kỷ XXI không sinh ra từ một xã hội hiện đại có sẵn. Cũng vậy, xã hội đầu thế kỷ XXI không có sẵn cho mình một nền giáo dục hiện đại. Cả hai cùng sinh thành ra nhau. Chuyện chưa hề có trong quá khứ, nhưng là bước phát triển tất yếu theo logic nội tại của lịch sử.
Xã hội tồn tại và vận động bằng năng lượng vật chất của nền sản xuất đương thời. Một nền sản xuất đặc trưng bởi sức lao động. Làm nghề nông, nghề thủ công, thì cần sức lao động chân tay. Nền sản xuất hiện đại đặc trưng bởi sức lao động trí óc. Để trở thành người lao động sản xuất hiện đại, học sinh phải học để có sức lao động trí óc. Một tiêu chí này đủ sức “định nghĩa” nền giáo dục hiện đại.
Sức lao động trí óc hiện đại chẳng qua là một hình thái của Khoa học – Công nghệ hiện đại. Ngay từ lớp Một, nhà trường đã cho học sinh trực tiếp tiếp cận với hệ thống khái niệm khoa học (môn học khoa học) ở trình độ hiện đại. Chuyện chưa hề có trong quá khứ. Nghe nói đến “cái chưa hề có”, không ít người la toáng lên là “bị phủ định sạch trơn”. Ô hay, nói không với cái hiện có thì dấy lên một phong trào “tích cực”. Nói không với phương pháp đọc – chép (mà em nó là phương pháp chiếu – chép) lại được coi là theo xu hướng hiện đại! Thế đấy, tư duy trực quan kinh nghiệm là thế đấy, nghe có vẻ “cấp tiến”, kỳ thực cũng chỉ là một thái độ “tiêu cực”: Từ chối cái hiện có, xoá bỏ cái hiện có, đích thực là “phủ định sạch trơn” cái hiện có. Nhưng mà này, thà như thế còn hơn là cứ thản nhiên chấp nhận cái hiện có như “chân lý vĩnh cửu”! Chỉ có điều, nên lưu ý rằng lịch sử chỉ có thể tồn tại bằng cái có và phát triển bằng cái mới, lần đầu tiên có. Máy cày là cái mới so với cày chìa vôi. Máy cày biểu hiện sức mạnh trí tuệ (sức lao động trí óc) khác với sức mạnh cơ bắp tự nhiên thiên nhiên của trâu bò.
Một giải pháp giáo dục đích thực về cả triết học lẫn thực tiễn phải là Giải pháp phát triển giáo dục. Muốn phát triển thì phải có năng lượng vật chất cấp cho nó, lấy đâu ra?
– Không thể lấy từ cái không. Chỉ có thể lấy từ cái có, hơn nữa, phải là cái có lần đầu tiên chủ động làm ra theo nguyên lý mới chưa hề có!
Các bác lão nông thân mến, muốn có một nền nông nghiệp hiện đại, các bác chớ trông chờ vào cày chìa vôi thật “hiện đại”! Chẳng có đâu, chỉ có chiếc máy cày mới dám là hiện đại thôi! Cũng vậy, thưa các nhà giáo kính mến, phong trào “nói không” nhằm phục hồi “sự nghiêm túc” học hành thi cử thì vẫn chỉ biết độc một “cày chìa vôi” của mình, nói chữ là công thức Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ. Vấn đề hiện nay đâu phải là Thầy giảng giải cho nghiêm chỉnh, chứ không phải đọc – chép! Vấn đề là Thầy không giảng giải như không tiếp tục cày bằng cày chìa vôi nữa. Vấn đề hiện nay đâu phải là thi cử nghiêm túc theo kiểu ngàn năm như thế. Vấn đề là không tiếp tục thi cử như thế nữa! Vâng, tôi biết, chữ không này cũng là một ấy chữ không quen nói, vẫn chưa phải là giải pháp. Một giải pháp đích thực phải là giải pháp làm ra cái có theo công thức mới:
Thầy thiết kế – Trò thi công.
Học sinh hiện đại phải tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì lợi ích thiết thân của chính mình.