Lễ hội khoa học tại Anh, Mỹ

Thuật ngữ STEM (Science – Technology – Engineering – Math) trở nên phổ biến trong một vài năm trở lại đây, khi các chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục khoa học ở bậc phổ thông, ngay từ bậc tiểu học, và một trong các hoạt động thu hút nguồn lực trẻ tham gia vào các lĩnh vực STEM là lễ hội khoa học toàn quốc.

Tại mỗi nước, các hoạt động, cách tổ chức lễ hội khoa học có thể khác nhau đôi chút nhưng tinh thần chung là  nhằm đem khoa học tới đông đảo quần chúng, thu hút sự quan tâm của giới trẻ tới các hoạt động khoa học qua việc các nhà khoa học trở thành các đại sứ truyền tải các nội dung khoa học một cách đơn giản, hấp dẫn; tổ chức các cuộc trình diễn trên sân khấu, ngoài đường phố, các hoạt động trải nghiệm làm khoa học cho trẻ con, người lớn, các buổi trò chuyện, gặp gỡ, ăn trưa với những nhà khoa học nổi tiếng, các cuộc trình diễn-tương tác giữa khoa học và nghệ thuật.

Tại Anh, lễ hội đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Tiếp sau đó, hằng năm vào tháng chín, tuần lễ khoa học lần lượt được tổ chức tại các thành phố lớn. Các hoạt động trung tâm của lễ hội do các trường đại học của thành phố đứng ra tổ chức.

Tháng 9/2014, Lễ hội Khoa học toàn Anh Quốc (Bristish Science Festival) lần thứ mười tổ chức tại thành phố Birmingham (Đại học Birmingham là đơn vị tổ chức chính) với 44.829 người tham dự các buổi nói chuyện, tranh biện, workshop, các ngày khoa học cộng đồng. Trong số người tham dự, 90% đánh giá các hoạt động khoa học tại lễ hội là xuất sắc, và 66% có cái nhìn tích cực hơn (so với trước khi tham dự lễ hội) về sự phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực STEM. Các hoạt động trong tuần lễ khoa học vô cùng đa dạng, phong phú: từ các hoạt động ngoài trời mang tính ấn tượng, giải trí như các hoạt động dành cho cả gia đình: tạo bóng khổng lồ, xem cấu tạo hoạt động của enzyme v.v… đến các hoạt động thực hành, trải nghiệm khoa học như lắp ráp và điều khiển robot, làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, dùng máy in 3D để tạo ra ô tô, nhà cửa… Các lĩnh vực khoa học được trình diễn trải rộng trong mọi lĩnh vực khoa học – công nghệ.

Tại Mỹ, lễ hội khoa học – kỹ thuật quy mô quốc gia (USA Science & Engineering Festival) lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2010, do các doanh nghiệp tài trợ, các nhà khoa học sáng lập và tổ chức. Liên tiếp sau đó, lễ hội lần thứ hai năm 2012 thu hút hơn 250 nghìn người tham dự, lần thứ ba năm 2014 với hơn 350 nghìn người. Nhà Trắng cũng đã đứng ra tổ  chức “Ngày hội Khoa học Nhà Trắng” (White House Science Festival) trong cùng năm 2010, nhằm tuyên dương, trao giải cho các cá nhân (học sinh phổ thông) có các dự án, sản phẩm khoa học – công nghệ xuất sắc trong năm. Đặc biệt, trong ngày hội khoa học toàn quốc lần thứ 5 tại Nhà Trắng vừa qua, 23/03/2015, Tổng thống Obama đã dành nguyên một ngày nghe từng học sinh trình bày dự án của mình, cùng họ chụp ảnh, truyền thông, họp báo…. Trong rất nhiều các  sản phẩm xuất sắc trưng bày tại Nhà Trắng, chiếc cốc Kangaroo để lại khá nhiều ấn tượng cho người xem bởi tính hữu dụng và bởi người sáng chế ra nó là cô bé 11 tuổi. Lilly Born có người ông bị bệnh Parkinson, mỗi khi quan sát ông sử dụng cốc uống nước rất khó khăn, vì chân tay run làm văng đổ nước, cô bé đã nung nấu ý tưởng về một chiếc cốc không thể bị đổ… Và chiếc cốc ba chân ra đời từ việc quan sát đời sống như thế. Cô bé 11 tuổi đã mạnh dạn biến ý tưởng khả dụng và khả thi của mình thành sản phẩm thương mại.  Lilly đã thu hút được nguồn vốn từ các cá nhân (crowdfunding) để sản xuất cốc Kangaroo và 10.000 chiếc cốc đầu tiên đã bán hết trên các trang mạng gây quỹ. Một cô bé 11 tuổi đã làm nên câu chuyện sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, câu chuyện luôn mới đối với hầu hết các nhà khoa học hiện nay.

Nước ta hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ – sáng tạo đều rất yếu và thiếu. Vậy nên chăng Việt Nam cũng cần một vài cú huých cho lớp người trẻ nhất, ngay từ học sinh tiểu học, để thúc đẩy họ theo đuổi con đường nghiên cứu và phát triển, một con đường dài hơn cho sự phát triển bền vững chứ không phải đi tắt đón đầu? Và có khả dụng, khả thi hay không việc tổ chức một lễ hội khoa học cho học sinh tiểu học?  Câu trả lời là có, khi cả xã hội cùng chung tay!1

—————

Nguồn tham khảo:

http://www.usasciencefestival.org/check-out-past-festivals.html

http://en.wikipedia.org/wiki/Science_festival

http://www.britishscienceassociation.org/british-science-festival

https://www.whitehouse.gov/sites/default/files/microsites/ostp/fy_2015_stem_ed.pdf

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)