Liên kết đào tạo giữa ĐHQG Hà Nội và ĐH Griggs: Nhiều thông tin cần được làm rõ

Thông tin mà chúng tôi thu thập được cho thấy lời phản bác của ĐHQG Hà Nội đối với kết luận của Thanh tra chính phủ về những sai phạm trong liên kết đào tạo với ĐH Griggs chưa thực sự thuyết phục.  

Vừa qua, Thanh tra chính phủ vừa có kết luận về những sai phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài tại ĐHQG Hà Nội, kèm kiến nghị xem xét không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài cấp. Trong số các văn bằng này có một số không nhỏ từ chương trình liên kết với ĐH Griggs của Hoa Kỳ. Kiến nghị này sau đó đã được ĐHQG Hà Nội phản hồi khá gay gắt là “không đúng pháp luật và không hiểu biết”, vì “học viên hoàn toàn yên tâm về những tấm bằng do các chương trình liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia đã cấp cho các em”, và “chương trình MBA của [Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm] ETC [ĐHQG HN] liên kết với ĐH này [tức ĐH Griggs] đã được DETC – một tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ – kiểm định và cấp chứng nhận”.

Thực hư của việc này là như thế nào? Nhằm làm rõ hơn những vấn đề đang được dư luận quan tâm, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về trường ĐH Griggs và việc kiểm định chương trình đào tạo theo DETC.

Về tư cách pháp nhân của Griggs

Trường ĐH Griggs là một phần của tổ chức giáo dục tư nhân có tên là Griggs University & International Academy. Tổ chức này do Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm (Seventh-day Adventist, một hệ phái Tin Lành của Mỹ) thành lập từ năm 1909 trước hết nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo cho hệ phái tôn giáo này, và sau đó mở rộng cho các đối tượng khác. Cần chú ý đây không phải là một cơ sở giáo dục đầy đủ theo nghĩa truyền thống mà là một tổ chức chuyên cung cấp các chương trình đào tạo từ xa (các chương trình hàm thụ trước khi có mạng Internet, và các chương trình hỗn hợp kết hợp học tập truyền thống và học tập từ xa qua mạng). Điều này được phản ánh rõ qua lịch sử và các tên gọi của tổ chức này: đầu tiên nó mang tên là The Fireside Correspondence School (Trường Hàm thụ Lửa hồng, hàm ý người học có thể học tại nhà, bên lò sưởi), sau đó đổi thành Viện Đào tạo tại gia (The Home Study Institute), rồi Viện Đào tạo tại gia quốc tế (Home Study International), và từ đầu thập niên 1990 mới có tên Griggs University như hiện nay1.

Lời tự giới thiệu của Griggs University and International Academy trên trang web của tổ chức này cũng nêu rõ:

Griggs là một tổ chức có nguồn gốc tôn giáo chuyên cung cấp các chương trình học tập từ xa và học tập tại gia “được kiểm định”. Griggs cung cấp từng môn học riêng biệt hoặc toàn bộ chương trình đào tạo ở mọi trình độ từ mẫu giáo đến đại học2. (Tình trạng kiểm định của ĐH Griggs sẽ được bàn thêm ở phần sau).

Cần lưu ý rằng theo thông tin chính thức của Griggs thì từ ngày 1/11/2010 quyền sở hữu Griggs University & International Academy đã được chuyển toàn bộ sang ĐH Andrews, và trụ sở của Griggs cũng đã được chuyển từ Maryland sang Michigan, nơi ĐH Andrews tọa lạc. Cũng theo thông tin chính thức từ trên mạng của Griggs, với sự thay đổi quyền sở hữu này, tất cả các chương trình đào tạo từ xa của Griggs đều được chuyển về bộ phận đào tạo từ xa của ĐH Andrews3.

Một điểm khác cần lưu ý, cũng theo thông tin cập nhật nhất trên trang web chính thức của Griggs, thì tất cả  các chương trình đại học của Griggs đều do các trường đại học khác tổ chức giảng dạy và cấp bằng. Ba trường đại học mà Griggs có “liên kết đào tạo” là ĐH Andrews (nay là sở hữu chủ của Griggs), ĐH Oakwood, và ĐH Cơ Đốc Phục Lâm Washington – cả ba đều là các trường trong hệ thống các trường đại học của Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm đã nêu ở trên. Như vậy, có thể kết luận là hiện nay ĐH Griggs không có quyền cấp bằng đại học tại Mỹ, chỉ đóng vai trò người cung cấp tài liệu giảng dạy, quản lý việc học tập và thi cử qua mạng mà thôi4.

Điều không rõ ràng là hiện nay các chương trình đào tạo được thực hiện tại Việt Nam là do ai cấp bằng: ĐH Andrews, ĐH Cơ Đốc Phục Lâm Washington, hay ĐH Griggs? Nếu nơi cấp bằng cho các sinh viên của Việt Nam là ĐH Griggs thì liệu bằng cấp này có được ai công nhận hay không?

Về tình trạng kiểm định của Griggs

Lời tự giới thiệu của ĐH Griggs (đúng hơn là tổ chức có tên gọi là “Đại học và Học viên quốc tế Griggs” (Griggs University & International Academy) đã nêu ở trên khẳng định đây là một tổ chức “được kiểm định”. Như chúng ta đã biết, hệ thống kiểm định của Mỹ khá phức tạp, vì có rất nhiều tổ chức kiểm định khác nhau cho các chương trình và các loại hình cơ sở đào tạo khác nhau. Trong khi đó, Griggs là tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau, đồng thời vừa cung cấp từng môn học riêng rẽ (tương tự như dạy kèm) vừa cung cấp toàn bộ chương trình đào tạo thông qua việc liên kết với các trường đại học khác, nên chắc chắn sẽ được kiểm định bởi nhiều tổ chức kiểm định. Vậy tình trạng kiểm định của Griggs cụ thể là như thế nào?

Theo thông tin chính thức trên trang web của Griggs, ta thấy Griggs được kiểm định bởi bốn tổ chức khác nhau, trong đó có hai tổ chức chuyên kiểm định giáo dục phổ thông và một tổ chức chuyên kiểm định các trường có nguồn gốc tôn giáo nên không liên quan đến chương trình liên kết tại Việt Nam. Tổ chức còn lại là DETC (Distance Education and Training Council), là tổ chức được ĐHQG Hà Nội nêu như một bảo đảm về chất lượng chương trình đào tạo của Griggs đang được liên kết giảng dạy tại Việt Nam. Điều này có chính xác không?

Có lẽ ở Việt Nam ai cũng biết DETC là tổ chức chuyên kiểm định các hoạt động đào tạo từ xa (ít nhất 51% khối lượng học tập được thực hiện theo phương thức đào tạo từ xa); tuy nhiên, có lẽ chúng ta ít chú ý rằng DETC thực hiện kiểm định ở mọi trình độ từ mẫu giáo đến đại học. Như đã nêu ở trên, hiện nay Griggs không trực tiếp cấp bằng đại học tại Mỹ mà liên kết với các trường đại học khác để tổ chức giảng dạy, trong đó Griggs chỉ đóng vai trò người cung cấp chương trình, tài liệu học tập, và quản lý các hoạt động học tập từ xa. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng việc kiểm định của DETC đối với Griggs chỉ bao gồm các môn học/chương trình đào tạo ở các bậc đào tạo từ trung học trở xuống, chứ không bao gồm trình độ đại học và sau đại học như các chương trình liên kết tại ĐHQG Hà Nội.

Một điểm cần lưu ý là cho đến cuối năm 2011 thì DETC chỉ thực hiện kiểm định cho các cơ sở đào tạo hoạt động tại Mỹ, không kiểm định các chương trình triển khai ở nước ngoài. Nói cách khác, ngay cả khi Griggs có được DETC kiểm định cho các chương trình/môn học ở bậc đại học thì trong thời gian qua, điều đó cũng không có ý nghĩa đối với chương trình liên kết tại Việt Nam, mà chỉ có ý nghĩa nếu chương trình được triển khai tại Mỹ. Nói cách khác, trong một thời gian rất dài thì chất lượng của các chương trình đào tạo liên kết tại nước ngoài của các trường đại học của Mỹ không nằm trong phạm vi quan tâm của DETC; điều này chỉ mới thay đổi vào đầu năm 2012 mà thôi.

Quy định mới của DETC, có hiệu lực từ đầu từ năm nay, đã đưa ra những yêu cầu đối với những chương trình đào tạo từ xa được các trường đại học Mỹ thực hiện ở bên ngoài nước Mỹ. Theo quy định này, mọi chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bên ngoài nước Mỹ đều phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu mà DETC đã đặt ra cho các trường đại học tại Mỹ. Đặc biệt, cần lưu ý rằng DETC đòi hỏi mọi hợp đồng hợp tác với nước ngoài phải được báo cáo đến DETC để xem xét và phê duyệt trước khi được tiến hành5. Như vậy, lời khẳng định củ ĐHQG Hà Nội rằng chương trình liên kết tại Việt Nam của ĐH Griggs là thực sự có chất lượng vì đã được DETC kiểm định liệu có chính xác?

Một điều khác cần được làm rõ là khi ĐH Griggs đã đổi chủ sở hữu, đồng thời cũng không phải là cơ sở giáo dục được cấp bằng đại học tại Mỹ, thì những chất lượng của các chương trình liên kết tại Việt Nam và các tấm bằng được cấp cho sinh viên sau khi hoàn tất sẽ do ai chịu trách nhiệm giám sát, và giá trị của những tấm bằng này sẽ được ai công nhận?

***

Trên đây là một số thông tin mà chúng tôi đã thu thập được, tất cả đều từ những nguồn tin chính thức của ĐH Griggs hoặc của tổ chức kiểm định DETC. Những điểm chưa rõ ràng mà chúng tôi đã nêu ra cho thấy lời phản bác của ĐHQG Hà Nội đối với những kết luận và kiến nghị của Thanh tra chính phủ chưa thực sự thuyết phục. Thiết nghĩ ĐHQG Hà Nội cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng hơn và làm rõ những điều chưa rõ, hòng lấy lại niềm tin của người học đối với một đại học hàng đầu của Việt Nam nói riêng, và nền giáo dục Việt Nam nói chung.

1/ http://wsv2.griggs.edu/about-griggs/history

2/ http://www.griggs.edu/index.html

3/ http://www.griggs.edu/new-ownership.html

4/ http://www.griggs.edu/college.html

5/ http://www.detc.org/accreditationhandbook/2012/C.%2017.%20Policy%20on%20International%20Activities12.pdf

Tác giả

(Visited 181 times, 1 visits today)