Liên kết đào tạo sau đại học:
phân biệt thật và dỏm

Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất và giáo sư, liên kết đào tạo với các đại học nước ngoài là một giải pháp tốt. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khoa học kĩ thuật ở nước ta dẫn đến nhu cầu lớn về chuyên gia quản trị kinh doanh và quản lí hành chính. Nhưng các đại học nước ta không đáp ứng được nhu cầu này, do thiêu giáo sư và cơ sở vật chất đào tạo. Do đó, một phương án thực tế nhất là liên kết với các đại học nước ngoài để vừa đào tạo vừa học. Đó là một phương án chẳng những mang tính thực tiễn cao mà còn có thể xem là một giải pháp tốt cho các nghiên cứu sinh trong nước.





Trong liên kết đào tạo, vấn đề đặt ra là cần phải chọn đối tác có uy tín. Điều này thì chắc chẳng ai phản đối, bởi vì hợp tác với các trung tâm hay đại học có uy tín, chẳng những đảm bảo chất lượng đào tạo, mà còn giúp từng bước nâng cao uy danh và uy tín của đại học Việt Nam trên trường quốc tế.  Nhưng câu hỏi mấu chốt là: thế nào là một đại học có uy tín? Khi nói có “uy tín” (credential) ở đây, tôi muốn nói đến: (a) trường đó được cơ quan thẩm quyền của Nhà nước công nhận, (b) bằng cấp từ trường đó được giới chuyên ngành hay cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận, và (c) giáo sư trường đó hội đủ tiêu chuẩn của một nhà khoa bảng.

Đối với các trường ở Mỹ, có thể kiểm tra các trường được Nhà nước công nhận rất dễ dàng. Để xác định danh tính các trường đại học và cao đẳng hợp pháp ở Mỹ, có thể tra cứu tại Cơ sở lưu trữ dữ liệu các viện và chương trình đào tạo sau trung học được công nhận, thuộc Bộ Giáo dục Mỹ. Vào website đó, và gõ vào tên trường, kể cả tên viết tắt, nếu không tìm thấy, tức là trường đó chưa được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận. Chưa được Bộ Giáo dục công nhận cũng có nghĩa là bằng cấp từ trường đó cũng chưa được giới chuyên ngành công nhận.

Không khó để nhận dạng một giáo sư thật hay giả. Ở các đại học Mỹ nói riêng, hay các đại học phương Tây nói chung, các giáo sư đều có trang web riêng do trường quản lí.  Trong trang web đó, người ta cung cấp thông tin về bằng cấp cao nhất, chức danh, và công trình nghiên cứu. Không một giáo sư Mỹ từ một trường có uy tín nào mà không có công trình nghiên cứu khoa học. Thật ra, trong giới chuyên môn, chỉ cần nhìn qua lí lịch khoa học với những tập san khoa học mà người đó công bố, là có thể biết ngay người đó là giáo sư thật hay dỏm, thậm chí có thể đoán biết ngay giáo sư đó ở đẳng cấp nào.

Gần đây, có tín hiệu cho thấy một số cơ sở kinh doanh bằng cấp của Mỹ vào Việt Nam để tuyển sinh. Đã có ít nhất 20 cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm (tiếng Anh gọi là “Diploma Mill” – hãng sản xuất bằng cấp) đang có mặt ở Việt Nam tích cực tuyển sinh. Các cơ sở kinh doanh này xuất hiện dưới danh xưng “university” (đại học), nên dễ gây hiểu lầm trong những người chưa quen với hệ thống đại học Mỹ. Cũng giống như khi chúng ta mở cửa sổ thì ngoài việc có ánh sáng, cũng có ruồi muỗi bay vào quấy nhiễu. Sau một thời gian đóng cửa, giáo dục Việt Nam mở cửa, và khi cánh cửa mở rộng, thì bên cạnh những trung tâm giáo dục danh tiếng vào hợp tác, cũng có những cơ sở kinh doanh bằng dỏm nhân cơ hội làm ăn. Các cơ sở kinh doanh này thấy được nỗi khát khao có bằng ngoại quốc của người Việt, và họ lợi dụng tình trạng thiếu thông tin để kiếm chát. Đối với họ, việc in ra một tờ giấy làm học vị thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, là điều quá dễ dàng, vì họ chẳng quan tâm đến giáo dục (điều xa xỉ) mà chỉ quan tâm đến đồng tiền.

Chẳng những tuyển sinh, một vài cơ sở kinh doanh bằng cấp còn liên kết với đại học Việt Nam để đào tạo sau đại học.  Qua Tuổi Trẻ gần đây, chúng ta biết rằng một phó bí thư tỉnh ủy đã được cơ sở kinh doanh có tên là Irvine University cấp bằng thạc sĩ quản trị danh dự.  Tôi đã kiểm tra và biết rằng Irvine University nằm trong danh sách cơ sở kinh doanh bằng cấp, và không được giới chức giáo dục Mỹ công nhận là trường đại học.  Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là Irvine University đã liên kết với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đào tạo thạc sĩ!  Bản tin của ĐHQGHN “43 học viên được trao bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh quốc tế” còn cho biết 160 học viên đang theo học thạc sĩ theo chương trình liên kết giữa ĐHQGHN và Irvine University.  Bản tin trên còn tuyên bố rằng đây là “một trong những chương trình liên kết đào tạo có uy tín tại Việt Nam”! Thật khó tưởng tượng nổi một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm liên kết với một đại học hàng đầu và mang danh nghĩa “quốc gia” để đào tạo thạc sĩ!

Sự liên kết giữa Irvine University và ĐHQGHN là điều khó hiểu. Trong một bản tin khác có tựa đề “Ngày hội MBA” của Hanoi School of Business (HSB, một trung tâm đào tạo quản trị kinh doanh của ĐHQGHN) cho biết tham gia buổi lễ tốt nghiệp của học viên có nhiều quan chức và nhà khoa bảng nổi tiếng như GS. TSKH Vũ Minh Giang (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội); GS. TS Nguyễn Hữu Công (Trưởng Khoa sau đại học, ĐHQGHN); GS. Hà Tôn Vinh (Cố vấn cao cấp Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN); Ông Nguyễn Việt Thắng (Phó chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN), và bên Irvine University có “TS. Eric H. Furlong” (được giới thiệu là “Phó Chủ tịch Hội đồng Hàn lâm khoa học ĐH Irvine”). Nhưng trong thực tế Eric H. Furlong chưa có bằng tiến sĩ, và cái gọi là “Hội đồng Hàn lâm” đó chẳng phải là hội đồng học thuật gì cả. Điều ngạc nhiên là tham dự lễ bế giảng có có ông Brent Omdald, đại diện Đại Sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Chẳng lẽ sứ quán Mỹ ủng hộ chuyện bán bằng giả cho Việt Nam?

Vấn đề đáng quan tâm là giá trị của những văn bằng đã được cấp. Trong số những học viên được cấp bằng thạc sĩ sự liên kết (hay “liên doanh”) có nhiều người đang nắm giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống kinh tế và hành chính ở VN. Nhưng những bằng cấp đó không được công nhận, bởi vì Irvine University không được Nhà nước Mỹ và giới học thuật công nhận. Điều đáng tiếc là các giáo sư của một đại học hàng đầu tại Việt Nam không nhận ra đâu là dỏm và đâu là thật, và để cho Irvine University gây hoen ố tên trường như thế. 

Không thể chấp nhận được một đại học mang tiếng là “quốc gia” mà liên kết đào tạo với một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm. Tôi đề nghị các tất cả các đại học ta nên ngưng ngay “chương trình hợp tác” này để tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực về sau, và để bảo vệ uy tín của một đại học quốc gia Việt Nam.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)