Lớp học toàn cầu

Khi còn giảng dạy tại Đại học Stanford (Stanford University) trong những năm 1970, tôi luôn luôn để ý tìm cách áp dụng các tiến bộ công nghệ để cải thiện việc học hành. Một cải tiến lớn của thời đó là các lớp học của tôi được truyền hình khắp khu vực Vịnh San Francisco. Ngoài ra, chúng tôi thậm chí còn gửi những cuốn băng ghi bài giảng tới những nơi ở xa hơn.

Ngày nay, các giáo viên ghi lại và tải lên mạng bài giảng của họ, và, nhờ Internet mà sinh viên ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể xem đi xem lại bao nhiêu lần cũng được. Giáo dục – một trong những ngành kinh tế lớn cuối cùng chậm chân trong việc chuyển hóa sang thời đại kỹ thuật số – nay đã tới thời điểm chín muồi cho một cuộc cách mạng số hóa. Đó là điều tất yếu, bởi mạng Internet là nguồn năng lượng mới của thế kỷ XXI, và nó sẽ đưa người học thuộc mọi lứa tuổi, từ mọi miền trên thế giới, đến một tương lai thành công.

Ví dụ, MOOCs (Massive Open Online Courses – tạm dịch: Các khóa học mở trực tuyến dành cho đại chúng) cung cấp các chương trình đại học miễn phí hoặc với chi phí thấp cho hàng trăm ngàn người trên Internet, giúp mọi người dễ dàng học hỏi bất cứ điều gì và ở bất cứ nơi nào họ muốn. Chúng ta có thể thấy trước những cơ hội tương tự như vậy sẽ đến với giáo dục tiểu học và trung học trong tương lai.

MOOCs tạo điều kiện cho một số lượng không hạn chế sinh viên học hầu như bất cứ môn nào, từ khoa học máy tính cho đến âm nhạc, do một số chuyên gia hàng đầu trên thế giới giảng dạy. Một số MOOCs có lượng người học rất lớn, thí dụ như các lớp của trường Đại học Alicante (University of Alicante) ở Tây Ban Nha và Đại học Humboldt (Humboldt Institute) ở Đức, hai trường đều cung cấp các khóa học mang đến những thông tin hữu ích đầy tính thực tiễn về quá trình khởi nghiệp doanh nghiệp. Đại học Alicante hiện đã có phiên bản thứ hai và đã có hơn 30.000 người học.

Các MOOCs khác, ví dụ như chương trình sắp được mở do Viện đại học Mines-Télécom của Pháp (Institut Mines-Télécom) được thiết kế phù hợp cho từng nhóm đối tượng đặc thù. MOOCs hoàn toàn có thể được biến thành những chương trình học tập có tính sáng tạo hoặc độc đáo riêng biệt. Những người muốn tìm hiểu vì sao và bằng cách nào mà các cầu thủ bóng đá được trả tiền nhiều như thế có thể đăng ký vào lớp học mở trên mạng có tên là Valoración de Futbolistas do Đại học Valencia cung cấp. Trong chương trình này, người ta có thể tìm hiểu tất những điều mà họ muốn biết về cách đánh giá giá trị của một cầu thủ bóng đá. Một lớp học như vậy có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta trải nghiệm một trận đấu bóng đá!

Ở những nơi mà tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn còn cao, MOOCs cung cấp một giải pháp mới tăng cường các kỹ năng và khả năng xin được việc làm. Một lĩnh vực quan trọng là hỗ trợ cho giáo viên, đặc biệt là trong ngành khoa học máy tính, nhất là trong các chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Một điều đáng mừng là nhiều chính phủ đang tiến hành những bước đi ban đầu nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng trong giáo dục trực tuyến. Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch cung cấp máy tính xách tay nhẹ cho các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc, và đã cho mười triệu học sinh, giáo viên và phụ huynh sử dụng miễn phí email cùng các phần mềm thời khóa biểu và xử lý văn bản. Cung cấp dịch vụ trên mạng cho học viên và giáo viên là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và làm cho thông tin đến được với tất cả mọi người – không phụ thuộc vào nguồn lực tài chính, địa điểm, hoặc ảnh hưởng – để họ có thể trở thành những người có học.

Nhưng còn nhiều việc phải làm hơn nữa. Chính phủ phải mở rộng cơ sở hạ tầng để những người học trong những khu thị tứ đông đúc cũng như ở những làng bản xa xôi đều có thể tiếp cận được với Internet như nhau.  Các dự án hợp tác công-tư (PPP) thường là biện pháp tốt để thực hiện điều này. Ví dụ, trong năm nay, thông qua hợp tác với một nhà cung cấp viễn thông địa phương, 10.000 trường công lập của Malaysia sẽ được truy cập mạng 4G.

Khi sinh viên truy cập được vào mạng thì họ có thể làm bất cứ điều gì với lượng thông tin khổng lồ mà họ có thể tiếp cận, đồng thời họ có thể hợp tác và học hỏi lẫn nhau một cách không giới hạn. Hãy tưởng tượng các sinh viên ở Malaysia làm việc với các sinh viên trên toàn thế giới trong một dự án về thời tiết. Họ có thể tiến hành thí nghiệm ảo, phối hợp cập nhật dữ liệu trong một bảng tính hoặc văn bản tại cùng một thời điểm, và cùng chia sẻ một bài báo cáo tường trình cuối cùng.

Ở những nơi máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay còn chưa được phổ biến rộng rãi, sinh viên có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng nhằm thúc đẩy việc học tập của mình. Ví dụ, họ có thể tương tác với một phiên bản 3D của tế bào thông qua các ứng dụng phức tạp trên điện thoại di động hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu sinh học, hoặc tiến hành một thí nghiệm tâm lý học bằng cách dùng các ứng dụng hỗ trợ việc khảo sát, trưng cầu, lấy ý kiến.

Người học có thể tham gia các nhóm học tập một cách dễ dàng và linh hoạt hơn với Internet. Một đứa trẻ khó có thể đi đến nhà bạn cùng lớp để học sau giờ học do đường xấu, khu dân cư không an toàn, hoặc cha mẹ đang làm việc và không đưa đi được (hay không có xe), nhưng chỉ cần có đủ băng thông, chúng có thể gặp gỡ và cùng học trên mang thông qua Google+ Hangouts hoặc các chương trình truyền thông xã hội khác – hoặc học với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Nhờ Internet, khoảng cách không còn là vấn đề trở ngại: thế giới rộng lớn có thể thực sự trở thành lớp học của chúng ta.

        Phạm Nguyên Trường dịch
từ bài viết của Vint Cerf, phó chủ tịch và trưởng phòng quảng bá Internet tại Google.
https://www.project-syndicate.org/commentary/vint-cerf-goes-inside-the-online-revolution-in-education

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)