Minh họa cho Cánh Buồm

Theo quan điểm tự học, tự làm ra chính mình, thì ngay chính hình minh họa đã dần trở thành một yếu tố thừa, chỉ nên ở lại trên trang sách như một sự gợi ý tưởng tượng cho trẻ em.

Khi còn bé, đắm chìm trong những trang sách của nhà xuất bản Cầu vồng – Liên Xô cũ, tôi mê mệt với những hình minh họa tuyệt hay – từ “đẹp” không đủ nói hết những hình minh họa ấy và phải nói là “hay,” vì chúng đã góp phần tạo nên cả một thế giới tươi đẹp, mơ mộng, đồng thời tăng kích thước não cho cả một thế hệ người Việt Nam thời đó. Chính nhờ những hình minh họa tuyệt vời đó trên nhiều sách của nhà xuất bản Tiến bộ (Liên Xô cũ) mà lứa chúng tôi hình thành thói quen chê bai những hình minh họa gọi là có trong sách suốt 12 năm phổ thông.

Vèo một cái bây giờ tôi đã thành họa sĩ vẽ bìa hoặc minh họa cho nhiều nhà xuất bản, cả trong nước và trên thế giới. Và những bức minh họa cần chê bai nhất bây giờ hóa ra lại là của chính bản thân mình, nhất là từ khi tôi làm sách cho nhóm Cánh Buồm.

Khác với những dự án vẽ theo lô và cầm về một cục tiền, sách của Cánh Buồm đưa ra một đường lối khiến nhóm minh họa chúng tôi không thể làm theo kiểu sách thị trường. Đó là tổ chức một môi trường cho trẻ em tự làm việc, tự làm ra chính mình. Hình minh họa của Cánh Buồm không còn đơn thuần là “họa” cho “minh” hay lấp chỗ trống cho những chỗ nhiều chữ, mà tự nó là một thao tác mang tính gợi mở, nói bằng hình ảnh, và chính nó cũng là nội dung.

Cái khó khi vẽ minh họa cho sách trẻ em, nhất là bậc tiểu học, là ở chỗ nó vừa không nên quá cụ thể theo kiểu tả thực, dễ làm cho sách giáo khoa trở thành một bộ từ điển hình ảnh, và sa đà vào lối cũ của sách cũ, thể hiện sự hạn chế tưởng tượng của chính họa sĩ, nhưng lại cũng không nên quá trừu tượng, vì đây không phải sách triết học cho người lớn.

Cái khó thứ hai là từ khi có Internet, có multimedia, trẻ em không còn hấp dẫn với những trang sách generic thuần túy. Các em đã quen với tư duy được tương tác với hầu như mọi hình ảnh được nhìn thấy hằng ngày – web, tivi, smart phone, ebook … do đó hình vẽ cho Cánh Buồm cố gắng cập nhật bằng cách tạo ra những hình minh họa mang tính gợi mở, để nhiều khoảng trống có chủ ý cho trẻ em có thể tương tác, vẽ thêm, vẽ nối, thậm chí vẽ mới. Theo quan điểm tự học, tự làm ra chính mình, thì ngay chính hình minh họa đã dần trở thành một yếu tố thừa, chỉ nên ở lại trên trang sách như một sự gợi ý tưởng tượng cho trẻ em. Các nền giáo dục lớn đã chỉ ra rằng người ta nhớ được đến trên 80% qua con đường thị giác, nhưng còn lớn hơn nữa nếu người học tự làm ra bài học của mình. Tưởng tượng trẻ em làm ra bài học của mình bằng chính các hình vẽ thì ta có thể khẳng định ít ra nếu không xuất sắc cũng không đến nỗi làm cho các em bị nhồi sọ đến mức sợ học như trong nhà trường hiện tại.

Do tính tương tác – không chỉ là đòi hỏi cấp thiết với sách giáo khoa, mà còn là sự khách quan lan tỏa trong mọi loại hình nghệ thuật hiện đại, cuộc sống ngày nay – giáo viên được hỗ trợ thêm rất nhiều trong công việc giảng dạy của chính mình. Minh họa tương tác – chỉ vẽ gợi mở – giống như đưa cho trẻ em cách làm việc chứ không phải kết quả, làm cho người dạy trẻ tham gia tương tác với trẻ và với chính mình. Khi nhìn một hình vẽ mà cái miệng cười bay ra khỏi khuôn mặt, thì đó là thái độ cười chứ không còn là khuôn mặt cười nữa. Đó là một bài học bằng hình ảnh, mà lại không phải bài học, vì nó thêm cho trẻ một ý niệm về sự cười, chứ không mô tả lại cái cười hằng ngày sẵn có.

Tuy đã nhiều năm làm việc với các dự án lớn, có những đơn hàng phức tạp như matte-painting đòi hỏi vẽ nền cho phim ảnh phải thật như chụp, nhưng khi làm sách cho Cánh Buồm tôi lại đặc biệt hâm mộ các họa sĩ trẻ, nhất là Phương Hoa. Cô bé này bắt đầu động bút cho Cánh Buồm từ khi chưa đến 20 tuổi, và 3 năm qua cô vẫn là họa sĩ chủ lực của Nhóm, thay thế khá nhiều họa sĩ quen tay khác. Ngay trong nhà tôi, trong phòng của một họa sĩ, vẫn đang treo những hình minh họa của Hoa mà tôi thích thú tự in ra. Cái hấp dẫn tôi ở chỗ Hoa vẽ không cầu kỳ, đôi lúc đơn giản đến mức nhìn vào không thể tin là một người trẻ đến thế lại vẽ được, và chịu vẽ đơn giản đến thế. Có thể gặp trong bộ minh họa của Hoa những người ngồi thiền nhưng hình vẽ thì lại nghiêng như bay, hay một người suy tưởng trong đó số nét vẽ không quá số ngón của bàn tay, hay có những hình thì lại mộc mạc như bộ tranh khắc trong sách của Henri Oger. Ngoài Tạ Huy Long – là họa sĩ ít hình thức nhất mà tôi hâm mộ tự treo tranh trong nhà, thì Phương Hoa là họa sĩ thứ hai, hiện chúng tôi vẫn may mắn giữ chân được cho sách Cánh Buồm.

Đôi khi tôi sợ những trang minh họa ngày nay đến nỗi đi các hiệu sách cũ để tìm mua những cuốn như Mít Đặc, Buratino, Tam đả Bạch Cốt Tinh… hay những tác phẩm mộc mạc của các cụ Nguyễn Bích, Tạ Thúc Bình… để giữ lại sau này cho con gái bé bỏng của mình. Nhưng đó là những hình minh họa tinh hoa, đẹp vì vốn sống của chính họa sĩ. Làm sao tôi có thể vẽ được những hình minh họa đẹp như của thời đại thực sự đẹp đẽ ngày xưa, có lẽ tôi chỉ có thể tạo ra những hình vẽ mang tính gợi mở, con gái tôi sẽ vẽ nốt phần của nó, và khi ấy một hình minh họa sẽ có giá trị không kém một bức tranh, có thể đàng hoàng treo trong nhà không phải e ngại.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)