Một gam kinh nghiệm hơn một tấn lý thuyết
Trong tác phẩm nổi tiếng "Dân chủ và giáo dục" (bản tiếng Việt của Phạm Anh Tuấn, NXB Tri Thức, 2008, 2010, 2012), John Dewey có câu viết nổi tiếng không kém: “Một gam kinh nghiệm tốt hơn một tấn lý thuyết, đơn giản chỉ vì lý thuyết chỉ có ý nghĩa sống động và kiểm tra được ở trong kinh nghiệm. Kinh nghiệm, dù khiêm tốn nhất, cũng có thể sản sinh và chống đỡ cho lý thuyết, còn lý thuyết mà không liên hệ với kinh nghiệm thì không thể xác định và nắm bắt như là lý thuyết. Nó dễ trở thành công thức, thành khẩu hiệu đầu môi, khiến tư duy và ‘lý thuyết’ đích thực trở nên không cần thiết và không thể có được”.
John Dewey: Một cuộc đời rất dài…
Với tuổi thọ đến 93, Dewey (1859-1952) quả thật có một cuộc đời đầy kinh lịch. Và còn đầy sinh lực nữa: vợ mất sớm (từ năm 1927), ông lấy bà vợ thứ hai khi mới… 87 xuân xanh! Sức viết còn khủng khiếp hơn nữa: toàn tập gồm 37 tập! Đời ông trải qua hầu như toàn bộ lịch sử đầy biến cố của Hoa kỳ và thế giới hiện đại: cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-64), cuộc đại suy thoái những năm 20 của thế kỷ 20, hai cuộc thế chiến, sự bùng nổ của kinh tế sau 1945, đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc thế giới, chứng kiến những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ: xe hơi, máy bay, bom hạt nhân, sản xuất hàng loạt trên băng chuyền… Tất cả củng cố lòng tin vào kho kinh nghiệm phong phú và đa dạng của thế giới, nhất là về khả năng kiểm soát và thao túng thế giới và xã hội.
Từ năm 1844, sau khi tốt nghiệp đại học Johns Hopkins với luận văn về triết học Kant, ông bắt đầu giảng dạy tại đại học Michigan, rồi 10 năm sau, về đại học Chicago. Chính thời kỳ ở Chicago, ông thay đổi nhiều về nhận thức triết học, thiên về phái duy nghiệm, từ đó phát triển lý thuyết dụng hành và công cụ luận về việc truy tìm nhận thức và chân lý. Ông có cơ hội biến lý thuyết giáo dục thành thực hành: lãnh đạo “Viện Giáo dục” và “Trường thực nghiệm giáo dục” nổi tiếng thuộc đại học Chicago trong thời gian dài. Năm 1904, ông chuyển về đại học Columbia ở New York, tiếp tục giảng dạy triết học cho đến khi về hưu vào năm 1931.
Là một trong những nhà triết học giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, ông còn là người đại diện chính danh nhất cho trào lưu khai phóng và dân chủ hóa nền giáo dục trường ốc. Có lẽ chính cuộc đời giàu trải nghiệm về những sự đổi thay nhanh chóng, sôi động, không chút trì trệ của thế giới chung quanh, nhất là ở nước Mỹ quê hương ông, đã giúp ông hoài nghi và phê phán những cao vọng đi tìm “những chân lý vĩnh cửu và bất biến” của triết học truyền thống. Nhan đề vài tác phẩm của ông: “Đi tìm sự xác tín (1919)”, “Đổi mới triết học (1920)” phần nào nói lên điều ấy. Theo ông, nhiệm vụ của triết học là phải mang lại phương pháp để suy nghĩ và giải quyết những “vấn đề” (thực sự) của con người. Tức phải làm rõ, phê phán và xác định lại những giá trị và niềm tin của xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề và xung đột nảy sinh trong những thời kỳ có sự biến động văn hóa. Ông triệt để đề cao “thực học”, chống lại “hư học”! Từ triết học giáo dục sang triết học chính trị một cách nhất quán: đi tìm những “giải pháp” cho những vấn đề nội tại của nền dân chủ-tự do đương đại, cũng như tái tạo lý thuyết dân chủ cho phù hợp với những biến chuyển của thời đại.
Giáo dục là gì?
Giáo dục – độc lập với mọi ý định – là “một sự không ngừng mở rộng kinh nghiệm”. Nơi để thực hành và mở rộng kinh nghiệm, theo Dewey, là:
– thực tiễn hàng ngày trong từng hoàn cảnh,
– thực tiễn nghiên cứu khoa học, và
– thực tiễn giáo dục (sư phạm-văn hóa-chính trị…).
Theo nghĩa đó, “giáo dục” không khác với “văn hóa”, vì “văn hóa là khả thể thay đổi ý nghĩa, là mở rộng và cải thiện phạm vi của việc nắm bắt ý nghĩa”. Ở đây, không hề có điểm kết thúc hay mục đích sau cùng, mà chỉ có sự không ngừng mở rộng, dị biệt hóa, rồi tiếp tục mở rộng và dị biệt hóa, nói khác đi, chỉ có sự “tăng trưởng”. “Vì trong thực tế không có cái gì để sự tăng trưởng bấu víu cả, ngoại trừ việc tiếp tục tăng trưởng, nên khái niệm giáo dục cũng không phục tùng một khái niệm nào khác, ngoại trừ việc tiếp tục giáo dục. Tại sao thế? Ông trả lời giản dị: vì đó là “sự kiện nhân học hiển nhiên của việc tiếp nối và đan xen các thế hệ: người này mất đi, người kia sinh ra, tạo nên sự đổi mới liên tục những tế bào xã hội, với sự trao truyền tập quán và ý tưởng”.
Từ đó, dễ dàng nhận thấy trẻ em là một sinh thể năng động, thu thập kiến thức, kỹ năng, cách ứng xử để sử dụng trong tương lai, nhờ sự tương tác với môi trường sống chung quanh. Vậy, trẻ em và môi trường sống là hai cực mà giáo dục phải tìm cách nối liền. Ông gọi đó là “cực tâm lý” và “cực xã hội”. Cực tâm lý là “bản năng” (nhu cầu, lợi ích, năng lực do bản tính tự nhiên mang lại), là nền tảng của giáo dục; cực kia là trình độ “văn hóa” đương thời (thành tựu và di sản văn minh, cung cách ứng xử tích lũy từ bao đời) như là thành trì ngăn ngừa việc “rơi trở lại sự dã man”.
Hai cực ấy quan hệ với nhau như thế nào? Đóng góp nổi bật của Dewey ở đây là tránh cả hai lập trường cực đoan. Theo ông, giáo dục “truyền thống” đặt văn hóa lên trên đứa trẻ, xem đứa trẻ là kẻ thụ nhận, chứ không phải người cùng tham dự. Cực kia cũng “sai lầm” không kém. Nhân danh giáo dục “mới”, “tiến bộ”, đặt đứa trẻ lên trên văn hóa, chú tâm vào những kinh nghiệm giới hạn của đứa bé, thay vì hướng vào hậu cảnh và chân trời rông rãi của văn hóa, vốn cần thiết để hiểu thế giới và hoạt động hiệu quả. Sau khi phê bình cả hai chủ trương cực đoan, Dewey đề xướng giải pháp tổng hợp: hãy từ bỏ việc “đặt trên” và “đặt dưới”, thay vào bằng hình ảnh của sự “liên tục”, trong đó đứa bé là khởi điểm và văn hóa là đích đến của giáo dục. Việc “diễn giải” các nhu cầu của trẻ em và hoán chuyển chúng thành những yêu cầu xã hội là nhiệm vụ cao quý nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất mà thầy cô giáo và phụ huynh phải thực hiện.
Dewey không bao giờ tự nhận mình là “tiến bộ” theo nghĩa “lấy trẻ em làm trung tâm”, vì ông có quan niệm khác về nhà trường! Ông muốn vượt qua sự “nhị nguyên” giữa “cũ” và “mới”, giữa “truyền thống” và “tiến bộ”, như ta sẽ thấy.