Một khát vọng mang chung tên gọi

Càng hợp tác với nhau, tôi càng nghiệm ra rằng, nếu thiếu vắng cái mẫu số chung gọi tên thành hai chữ Việt Nam, chắc chắn ngọn gió cao nguyên sẽ chẳng bao giờ vờn tới cánh buồm mơ mộng của chúng tôi.

Tình bạn giữa một cao nguyên lồng lộng gió núi với một cánh buồm tình nguyện chọn “bão tố chốn bình yên” (Lermontov) hình như đã bắt đầu vào một buổi sáng se se lạnh Hà Nội, bữa đó Nguyên Vũ nhờ Văn Thành của báo Tia Sáng rủ tôi tới dùng cà phê ở đầu phố Ngô Quyền – cái quán thuộc hệ thống nhà hàng cà phê Trung Nguyên, nó vừa đủ nhỏ để ta được thân tình, và nó cũng vừa đủ to để khách cà phê ra vào không đụng nhau nhưng không “to” một cách huênh hoang, xa lạ.

Ngay lập tức trong hương cà phê pha với hương vị rất “đàn ông” của xì gà, hai chúng tôi trước con mắt theo dõi đầy tình cảm của Văn Thành, chúng tôi nói với nhau những điều gan ruột nhất – những hoài bão của tôi ở lúc cuối đời nên càng cảm nhận được định nghĩa thế nào là “chân trời”, cái chốn càng đi tới càng thấy phải đi tới nữa nữa – và những hoài bão của Nguyên Vũ, nhỉnh chút chút hơn một nửa tuổi của tôi, con người đang thành đạt, và vẫn đang âu lo một chút gì đó không để cho riêng cá nhân mình.

Sáng hôm đó, chúng tôi nói với nhau về những việc đang làm, về Giáo dục, về gây dựng một Khát vọng mang chung tên gọi là Việt Nam. Kỳ lạ là sự bắt quen để thành tình bạn, mà tôi nghĩ đó không thể là do sự hấp dẫn của cá nhân một người đang là ông già với một chàng trai chưa bao giờ thành ông già như Nguyên Vũ.

Càng hợp tác với nhau, tôi càng nghiệm ra rằng, nếu thiếu vắng cái mẫu số chung gọi tên thành hai chữ Việt Nam, chắc chắn ngọn gió cao nguyên sẽ chẳng bao giờ vờn tới cánh buồm mơ mộng của chúng tôi.

Nguyên Vũ đã mở màn cho loạt sự kiện chúng tôi tổ chức vào ngày thứ Bảy giữa mỗi tháng: những Ngày Sư phạm Cánh Buồm – cái buổi đầu tiên ấy, tôi không thể quên, có nội dung tập trung vào sự lựa chọn lý thuyết Tâm lý học chỉ đạo cách cư xử với trẻ em trong sự nghiệp Giáo dục. Như một cơ duyên Trời định, buổi sinh hoạt khoa học phổ cập đầu tiên ấy có cả Nguyên Vũ, có cả Ngô Bảo Châu, lại có cả Giáp Văn Dương. Đã gọi là “buổi sinh hoạt” dù là sinh hoạt về nội dung sư phạm, nhưng đó vẫn là một câu lạc bộ, với nội dung là những gợi ý khoa học chứ không là những “bài học” áp đặt. Thế thì, cái buổi thứ Bảy giữa tháng 7 năm 2013 ấy chính là một diễn đàn cho những ý kiến tìm cách hội tụ về một định hướng – định hướng hạnh phúc của con người Việt Nam cho con người Việt Nam, không phải thứ “hạnh phúc” ở chân trời, mà cái hạnh phúc ở đây và ngay hôm nay – khi trẻ em theo cách tổ chức được Tự học – Tự Giáo dục của Cánh Buồm, đang chung tay thày và trò cùng hiện đại hóa nền Giáo dục cho chính mình.


Ngày Sư phạm Cánh Buồm được tổ chức hằng tháng tại Cà phê Trung Nguyên
52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong ảnh: Ban tổ chức cùng những diễn giả chính
của Ngày Sư phạm Cánh Buồm đầu tiên, tháng 7/2013

 

Một công cuộc hiện đại hóa không lai căng. Một công cuộc hiện đại hóa không tốn tiền. Một công cuộc hiện đại hóa nhất thiết phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết TỰ HỌC – năng lực tự học như một món quà duy nhất nhà giáo dục hai tay dâng tặng trẻ em để các em mang hành trang đó đi suốt cuộc đời.

Kỷ niệm một năm Nguyên Vũ gặp đoàn thủy thủ Cánh Buồm, một năm Nguyên Vũ “ra lệnh” cho Trung Nguyên ở Hà Nội tháng tháng giúp tổ chức Ngày sinh hoạt sư phạm Cánh Buồm – với “hội trường” vừa đủ lịch sự, với trợ giúp tài chính (và cả cà phê, khá nhiều cà phê) đủ để tạo được sự động viên thân tình của người đồng hành với những bạn thủy thủ không bao giờ hết viển vông – cái viển vông khiến họ sống trong sáng, ưỡn ngực đón gió, mãi mãi vươn tới cái Đẹp của sự nghiệp Giáo dục, không phải là sự luồn cúi đi tìm “thắng lợi” trong “công tác” Giáo dục.

Kỷ niệm một năm đoàn thủy thủ Cánh Buồm gặp và nhận gió từ cao nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ, mình thay mặt Cánh Buồm tặng bạn bài thơ mình dịch đã hơn 50 năm và không bao giờ đăng báo, bài thơ “Cánh Buồm” của nhà thơ Nga Lermontov, ấy là khi mình tự học tiếng Nga, ngồi lẩn mẩn làm “bài tập” vào lề cuốn sách Le Russe của bà Nina Potapova.

Cánh Buồm

Đơn độc cánh buồm trắng
Trong sương mờ biển xanh
Tìm chi nơi xa vắng
Mà lảng tránh đất lành?
Biển dâng gió gào rú
Cột buồm vặn đớn đau
Nơi nào có hạnh phúc
Hạnh phúc biết tìm đâu!
Lấp lóa buồm căng lướt
Ánh vàng mặt trời lên
Cánh Buồm trong bão tố
Sóng gió chốn bình yên

1970

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)