Mười đặc điểm của trường đại học nghiên cứu hiện đại

Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) Việt Nam, được ban hành và có hiệu lực từ 1-1-2013, đã xác định rõ chủ trương của Nhà nước về xây dựng một hệ thống GDĐH có tính chất đa dạng, với những loại trường khác nhau nhằm thực hiện những sứ mạng khác nhau và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của xã hội. Trong ba loại trường ĐH (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành), trường ĐH nghiên cứu có vai trò đặc biệt trong việc duy trì sự ưu tú, tạo ra những kiến thức mới, ý tưởng mới, sáng tạo mới nhằm dẫn dắt tiến bộ xã hội cũng như thúc đẩy sự giàu mạnh của quốc gia.

Do vai trò đặc biệt đó, trường ĐH nghiên cứu cần có những đặc quyền, không chỉ về nguồn lực, mà còn là một môi trường hỗ trợ nhằm bảo đảm cho nó thực hiện được những nhiệm vụ trọng yếu của mình. Nhận thức rõ điều này, ngày 10 tháng 10 năm 2013 vừa qua, tại thành phố Hợp Phì (Trung Quốc-TQ), chín trường ĐH tinh hoa của TQ– thành viên của nhóm C9 thường được công nhận là “Ivy League của TQ” – đã ký một bản tuyên ngôn cùng với các vị Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học Hoa Kỳ, Nhóm 8 trường của Australia, và Nhóm các Trường ĐH Nghiên cứu hàng đầu ở Châu Âu, nhằm cam kết việc xây dựng, gìn giữ, và xiển dương những giá trị cốt lõi đã làm nên các trường ĐH nghiên cứu và bảo đảm cho nó thực hiện được vai trò của mình. Bản Tuyên ngôn nêu ra mười đặc điểm của trường ĐH nghiên cứu hiện đại, và khẳng định rằng “không có một môi trường hỗ trợ, trường ĐH nghiên cứu không thể truyền đạt được những kiến thức cần thiết để tạo ra lợi thế cạnh tranh, và không thể nào đạt được sự công nhận trên phạm vi toàn cầu”.

Dưới đây là toàn văn Tuyên Ngôn Hợp Phì về mười đặc điểm của trường ĐH nghiên cứu.

MỤC ĐÍCH

Mục đích của bản Tuyên ngôn này là xác định những đặc điểm trọng yếu đã làm nên các trường ĐH nghiên cứu và đem lại hiệu quả cho nó; cũng như thúc đẩy một môi trường chính sách có thể bảo vệ, nuôi dưỡng và vun trồng những giá trị, chuẩn mực và cách xử sự vốn là biểu hiện của những đặc điểm trọng yếu ấy, và tạo điều kiện cho những giá trị, chuẩn mực, và cách xử sự ấy có thể nảy nở nếu như nó hiện chưa tồn tại. Không có một môi trường hỗ trợ như thế, trường ĐH nghiên cứu không thể truyền đạt được những kiến thức cần thiết để tạo ra lợi thế cạnh tranh, và không thể nào đạt được sự công nhận trên phạm vi toàn cầu mà các nước đều tìm kiếm.

Bốn tổ chức liên minh ký tên trên văn bản này cam kết rằng họ sẽ:

• Làm việc cùng nhau để phát triển và gìn giữ những đặc điểm này;

• Làm việc với các thành viên trong liên minh của mình nhằm bảo đảm họ sẽ cùng đạt đến nhận thức ấy; và

• Thúc đẩy những giá trị căn bản của các đặc điểm này trong việc xây dựng chính sách về giáo dục đại học.

Đã có những thay đổi hết sức to lớn trong các hệ thống GDĐH ở hầu hết các nước trên thế giới trong thập kỷ qua. Đặc biệt là, nó được dẫn dắt ít ra là một phần bởi quá trình tái cấu trúc nền kinh tế trong đó khu vực dịch vụ ngày càng quan trọng, và bởi nền kinh tế tri thức đang tiếp tục tăng trưởng. Các trường ĐH trên thế giới đang ngày càng tăng số lượng và quy mô. Ở nhiều nước, nó cũng ngày càng đa dạng, phản ánh nhu cầu đem lại những dịch vụ có chi phí hợp lý đáp ứng những yêu cầu tức thời của từng nước. Một thước đo cho sự đa dạng ấy là công nhận các trường ĐH nghiên cứu, vốn có số lượng tương đối ít, nhưng có một vai trò rất đáng kể trong những nỗ lực về hoạt động nghiên cứu khoa học của từng nước.

Vì các trường ĐH đã phát triển từ những tổ chức tinh hoa vốn chỉ phục vụ một số ít người được chọn lọc trong dân chúng, trở thành những tổ chức đào tạo ngày càng nhiều người, nhiều đối tượng đa dạng trên phạm vihầu như toàn cầu, môi trường chính sách trong đó các trường đang vận hành đã và đang thay đổi. Đặc biệt là, chính sách ở nhiều nước đang thể hiện quan điểm xem các trường như những công cụ, một quan điểm đã trói buộc vai trò và mục đích của nhà trường vào việc sản xuất ra những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc vận hành nền kinh tế hiện đại và thực hiện những nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển của quốc gia.

Tuy đó rõ ràng là những mục tiêu đáng mong muốn, sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào những mục tiêu ấy đã loại ra ngoài những vai trò trọng yếu khác của trường đại học, khiến hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như chính sách GDĐH chỉ tập trung vào những kết quả trước mắt, là điều thực ra chỉ phản ánh được một phần nhỏ những gì trường đại học đóng góp cho xã hội, cho sự thịnh vượng nói chung, và cách mà các trường thực hiện điều này. Những thay đổi trong các ưu tiên của quốc gia đã khiến chính sách nói chung và các chương trình cụ thể nói riêng định hướng hoạt động của các trường vào việc đáp ứng những mục tiêu hẹp của quốc gia; nhưng lại đặt các trường ĐH nghiên cứu vào tình thế hiểm nghèo là đánh mất những gì đã khiến họ trở thành độc nhất, không thể thay thế trong hệ thống đổi mới quốc gia và những gì họ có thể đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước. Phần lớn những gì nhà nước và xã hội mong ước ở trường ĐH là những thứ nảy sinh từ những năng lực nằm sâu bên trong và là những kết quả vô hình mà lối tiếp cận coi nhà trường là công cụ đã không đánh giá đúng, thậm chí đã không nhìn thấy.

Các trường ĐH trên khắp thế giới đứng trước rủi ro mất đi sự hiệu quả của mình nếu môi trường chính sách toàn cầu và chính sách của từng nước tiếp tục nhấn mạnh vào những thứ trước mắt thay vì nhằm vào lợi ích dài hạn, tiếp tục nhắm vào những thứ đã biết thay vì phải nhằm vào những gì chưa biết, và tiếp tục những lối đi hẹp thay vì mở ra một con đường rộng hơn.

MỞ ĐẦU

Các trường ĐH nghiên cứu được xem là đặc biệt là do chất lượng, bề rộng và chiều sâu của những cam kết mà họ dành cho hoạt động nghiên cứu. Các nước ngày càng dựa vào các trường ĐH nghiên cứu nhiều hơn trong việc dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia. Những người tốt nghiệp ĐH rời trường đi làm trong khu vực nhà nước, các doanh nghiệp, hay các tổ chức phi lợi nhuận, mang theo họ kiến thức, kỹ năng, và sự hiểu biết khiến cho những cơ quan, tổ chức ấy hoạt động có hiệu quả, có thể đáp ứng với một bối cảnh đang thay đổi, và không ngừng đổi mới. Trong công việc của họ cũng như trong các tương tác xã hội, họ dựa vào những trải nghiệm tiếp thu được trong thời sinh viên và những giá trị được xây dựng trên những trải nghiệm ấy, để tạo ra một xã hội giàu có hơn, có sức bật mạnh hơn, đa dạng hơn và nhân văn hơn.

Các trường ĐH nghiên cứu là trung tâm của việc phát triển những ý tưởng mới và những khám phá mới. Họ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta bằng cách kiểm nghiệm và thách thức những kiến thức hiện đang có. Họ cũng là trung tâm sáng tạo, nơi phát triển những kỹ thuật mới và những cách thức mới để làm điều này điều khác. Thông qua việc đào tạo và tạo ra tri thức uyên bác, những trường này đã đóng góp to lớn cho văn hóa, nghệ thuật của địa phương, của quốc gia và cả quốc tế. Những nghiên cứu mà các trường này thực hiện là động lực cho đổi mới, giúp cho việc đáp ứng với những vấn nạn chính của quốc gia và của toàn cầu, và đem lại những diễn giải giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về một thế giới ngày càng biến động và thay đổi nhanh chóng.

Các trường ĐH nghiên cứu là tâm điểm của hợp tác quốc tế, đem lại cơ hội tiếp cận các kiến thức chuyên môn đa quốc gia và những điều kiện có thể không có sẵn ở từng nước. Họ làm tăng thêm uy tín quốc tế cho đất nước của họ, và thu hút tài năng trên khắp thế giới. Điều quan trọng là, các trường ĐH cũng là nơi lưu giữ kiến thức và cất trữ những năng lực có thể chuẩn bị cho các doanh nghiệp, các chính phủ, các cộng đồng xã hội một sự bảo hiểm thận trọng dựa trên năng lực để giúp họ xử lý những sự cố bất ngờ, hay những gì chưa bao giờ được biết đến trước đây. Khả năng đáp ứng nhanh chóng và sáng tạo này, rút ra từ bề dày của năng lực hình thành xuyên suốt các chuyên ngành, càng lúc càng quan trọng hơn trong một thế giới ngày càng nhiều biến động và những điều bất ngờ không thể dự tính trước đã biến thành chuyện hàng ngày.

“ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU” CÓ Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO?

Các trường ĐH nghiên cứu được định nghĩa bởi những cam kết nghiêm túc và xuyên suốt của họ với hoạt động nghiên cứu khoa học; bởi sự ưu tú, bởi bề rộng và khối lượng những kết quả nghiên cứu của họ; và bởi cách thức văn hóa khoa học thẩm thấu, lan tỏa trong mọi hoạt động của họ, từ giảng dạy, nghiên cứu đến gắn kết với giới doanh nghiệp, với chính phủ, và với cộng đồng xã hội. Việc đào tạo bậc ĐH ở các trường ĐH nghiên cứu được hưởng lợi to lớn từ những cơ hội mà nhà trường mang lại cho sinh viên trong những lớp học hay phòng thí nghiệm với các giáo sư và nghiên cứu sinh đang làm việc ở tuyến đầu của tri thức. Đào tạo sau ĐH ở các trường ĐH nghiên cứu được làm cho phong phú thêm nhờ sự gắn kết trực tiếp và mạnh mẽ của các nghiên cứu sinh trong việc thực hiện nghiên cứu, còn chất lượng và năng suất của hoạt động nghiên cứu trong trường thì được lợi rất nhiều nhờ sự sáng tạo và năng lượng của các nghiên cứu sinh. Các trường ĐH nghiên cứu thường chỉ là số ít trong hệ thống GDĐH của mỗi nước, nhưng bao giờ cũng chiếm một phần đáng kể thành quả nghiên cứu của quốc gia.

Chính phủ các nước có vai trò hỗ trợ rất quan trọng đối với các trường ĐH nghiên cứu thông qua những khoản tài trợ nghiên cứu trọn gói hoặc tài trợ trên cơ sở cạnh tranh; kể cả thông qua việc công nhận và hỗ trợ cương vị của họ bằng một môi trường quản lý thích hợp. Tuy vậy, sắc lệnh hay nghị định chính phủ tự bản thân nó không thể tạo ra được các trường ĐH nghiên cứu. Những trường ĐH như thế được xây dựng trong khuôn khổ một hệ thống quản lý có tầm nhìn chiến lược và có sự vận hành xuất sắc nhằm bảo đảm nhiều nguồn tài trợ cần cho việc trang bị cơ sở vật chất và tuyển dụng tài năng ở nhiều chuyên ngành. Chính những giảng viên tài năng lại thu hút nghiên cứu sinh tài năng, những người này lại là cục nam châm thu hút những giảng viên tài năng mới từ nơi khác. Địa vị của một trường ĐH nghiên cứu được công nhận bởi năng lực của nó trong việc cạnh tranh giành ngân sách nghiên cứu, bởi năng suất của nó trong việc tạo ra những tri thức và kết quả nghiên cứu được quốc tế công nhận, và bởi phẩm chất, tầm cỡ của những sinh viên và nghiên cứu sinh mà nó đào tạo. Những thành quả này tạo ra nhu cầu hợp tác nghiên cứu ở các trường khác, trao đổi giảng viên, và những quan hệ chiến lược bền vững. Trường ĐH nghiên cứu là một phần của mạng lưới hợp tác toàn cầu giữa những trường tương tự, tạo ra những đóng góp đáng kể và đáng giá trong những nỗ lực nghiên cứu toàn cầu. Nó hội nhập vào cộng đồng quốc tế bởi vì sự ưu tú được công nhận của nó có khả năng thu hút được sự chú ý, những quan hệ hợp tác, và sự ủng hộ.

Mặc dù ĐH nghiên cứu có ảnh hưởng quan trọng và lớn lao như thế, có những dấu hiệu cho thấy rằng môi trường chính sách GDĐH và công chúng đang xem đóng góp của những trường ĐH này là chuyện đương nhiên. Trọng tâm của trường ĐH nghiên cứu là mở rộng tri thức, dẫn đến những hiểu biết mới, sản phẩm mới, quá trình mới, nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, và làm phong phú cho nền văn hóa của đất nước. Lợi ích của những tri thức tiên tiến là cực kỳ to lớn, nhưng con đường đạt đến nó thì dài. Các trường ĐH nghiên cứu đang bị áp lực chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo ra những lợi ích ngắn hạn và thu hẹp chương trình đào tạo của họ lại nhằm theo đuổi những mục tiêu giáo dục ngày càng mang tính chất công cụ. Điều tối quan trọng là tất cả những chính sách liên quan phải thể hiện được sự công nhận những lợi ích rộng lớn, dài hạn và lan tỏa mạnh mẽ của hoạt động nghiên cứu và đào tạo của trường ĐH; cũng như đem lại sự hỗ trợ và một môi trường bảo đảm cho những trường này tiếp tục đơm hoa kết trái; duy trì những đặc điểm nền tảng đã khiến các trường ĐH nghiên cứu trở thành một phần vô giá của hạ tầng quốc gia ở bất cứ nước nào.

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU

1. Theo đuổi sự ưu tú trong tất cả mọi hoạt động của mình, tự điều chỉnh mình qua sự đánh giá vô tư, vô vụ lợi, độc lập, và có cơ sở thông tin của các tổ chức và cá nhân trong giới hàn lâm ngoài trường; cam kết duy trì một hệ thống dùng người minh bạch, chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất trong việc lựa chọn giảng viên, sinh viên và nhân viên; tạo ra một môi trường nội bộ có thể nuôi dưỡng tinh thần học tập, sự sáng tạo và khám phá, và làm nảy nở, làm phát triển mọi tiềm năng của giảng viên, nhân viên, sinh viên và nghiên cứu sinh.

2. Có một kết quả nghiên cứu đáng kể, với chiều sâu và chiều rộng, tạo ra những kết quả nghiên cứu được quốc tế công nhận, và được phổ biến rộng rãi thông qua các ấn phẩm khoa học, qua giảng dạy và gắn bó với cộng đồng.

3. Có sự cam kết với việc đào tạo những người làm nghề nghiên cứu, đặc biệt là thông qua các chương trình đào tạo tiến sĩ, là nơi sẽ đem lại dòng chảy liên tục không ngừng những người có năng lực cao và được kính trọng (theo đánh giá của các nhà nghiên cứu có cương vị quốc tế), những người có khả năng tạo ra bước tiến mới cho tri thức và sự hiểu biết, và đóng góp cho sự đổi mới quốc gia và quốc tế trên mọi lĩnh vực.

4. Có sự cam kết với việc giảng dạy ở cả bậc ĐH và sau ĐH, nhằm tạo ra những người được giáo dục với nền tảng kiến thức rộng và có khả năng đóng góp cho sự giàu mạnh của quốc gia qua nhiều hoạt động phong phú.

5. Tận tâm tận lực với những chuẩn mực cao nhất về sự chính trực trong hoạt động nghiên cứu và những nghĩa vụ đạo đức liên đới. Đó là điều bảo đảm cho sự trung thực trong khi thu thập dữ liệu, đánh giá và phân tích, khiến nó độc lập với bất cứ tính toán nào về nguồn tài trợ, về những lợi ích của cá nhân hay của tổ chức, và điều này được hỗ trợ bởi một quy trình rõ ràng và hiệu quả để đáp ứng với bất cứ luận điệu hay nhận thức nào về những cách xử sự hay những công trình nghiên cứu phi đạo đức.

6. Thực thi quyền tự do học thuật có trách nhiệm với giảng viên, để họ không bị kiềm chế một cách không đángtrong việc tạo ra và phổ biến tri thức thông qua nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ; để họ làm việc trong một không gian văn hóa khoa học dựa trên con đường rộng mở trong tìm kiếm tri thức; để họ không ngừng kiểm nghiệm những hiểu biết đang có ở mức độ vượt ra xa hơn tính chất nghề nghiệp hay công cụ; để họ nhìn xa hơn những nhu cầu trước mắt, và tìm cách phát triển sự hiểu biết, kỹ năng và tri thức chuyên môn cần thiết cho tương lai và cho việc diễn giải về thế giới đang thay đổi của chúng ta.

7. Có thái độ khoan dung, công nhận và hoan nghênh những quan điểm, cách nhìn, khuôn khổ nhận thức và cương vị khác nhau, vì đó là điều cần thiết để hỗ trợ cho sự tiến bộ; cùng với nó là cam kết gắn bó với những tranh luận dân sự và những cuộc thảo luận nhằm nâng cao hiểu biết, tạo ra tri thức mới, công nghệ mới.

8. Có quyền tự xác định ưu tiên của nhà trường, trên nền tảng khoa học, về những gì cần làm và bằng cách nào thực hiện nghiên cứu và giảng dạy, dựa trên sứ mạng của nhà trường, dựa trên kế hoạch phát triển chiến lược và sự đánh giá của nhà trường về nhu cầu hiện tại và trong tương lai của xã hội; có quyền xác định sẽ tuyển dụng người nào và tuyển sinh như thế nào, trong đó có cả khả năng tuyển dụng trên phạm vi quốc tế nhằm thu hút những người tài giỏi nhất nhằm đạt được những ưu tiên ấy.

9. Cam kết hỗ trợ cộng đồng địa phương và quốc gia cũng như đóng góp cho sự thịnh vượng của thế giới bằng cách hành động và xây dựng một thứ văn hóa có thể phát huy tối đa những lợi ích trước mắt và lợi ích dài hạn của những hoạt động nghiên cứu và giảng dạy mà nó thực hiện.

10. Có một cơ cấu quản trị cởi mở và minh bạch có thể bảo vệ và hỗ trợ cho sự gắn bó liên tục với những đặc điểm đã làm nên và duy trì sự tồn tại những trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, và đồng thời, bảo đảm cho nhà trường thực hiện được trách nhiệm của nó trước công chúng.

Phạm Thị Ly viết lời giới thiệu và dịch

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)