Muốn làm sách lịch sử… bán chạy

Giám đốc Alpha Books từng muốn lên tiếng “đánh động” giới trẻ về sự thiếu hiểu biết và thái độ bàng quan với lịch sử, nhưng sau đó anh nhận ra rằng xã hội cần những giải pháp cụ thể hơn là những lời chỉ trích.

Anh có nhắc đến một giải pháp, khi mới đây anh muốn tìm kiếm sự hợp tác với Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để sử dụng những tư liệu lịch sử quý giá mà Viện đang lưu trữ để in sách và giới thiệu cho đông đảo độc giả?

Vừa qua tôi đã đến Hội Khoa học Lịch Sử, Viện Sử học, Viện Hán Nôm ở Hà Nội và nhiều nơi khác để “tham quan” kho tư liệu. Tôi thấy có nhiều “gia tài lịch sử” cực kỳ hấp dẫn mà chúng ta chưa khai thác hết và ít người được tiếp cận. Những cuốn sách sử hiện nay hầu hết in ở dạng bìa cứng, dày như Bách Khoa Toàn Thư, giá lại cao nên chỉ phù hợp với giới nghiên cứu và số lượng phát hành rất hạn chế.

Hiện nay, tôi đã hình dung ra những gì tôi muốn làm và vừa bắt tay vào triển khai ở Alpha Books. Tôi dự định sẽ lựa chọn và tìm kiếm những cuốn sách về lịch sử hấp dẫn, thú vị và ít được biết đến nhưng sẽ trình bày ở dạng sách bỏ túi và được biên soạn sao cho dễ đọc, dễ hiểu.

Chúng tôi dự kiến tháng 9 tới sẽ xuất bản bộ sách đầu tiên mang tên “Câu chuyện lịch sử” với một số câu chuyện tiêu biểu: Trận đánh của Quang Trung ở gò Đống Đa; những ngày của Bảo Đại ở Hà Nội; câu chuyện về Đề Thám, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học… Đây là những tài liệu đầu tiên tôi đọc được và thấy cách viết rất hấp dẫn, không giống cách trình bày trong sách giáo khoa lịch sử. Những nhân vật trong đó, những câu chuyện trong đó sống động hơn, con người hơn, chân thật hơn. Họ là con người chứ không chỉ là hình mẫu khô khan cách biệt với chúng ta…

Điều gì giúp anh tự tin rằng bộ sách này sẽ dễ đọc và dễ bán?

Sách lịch sử có hai loại: loại thứ nhất là những bộ sử đồ sộ, chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thư, loại sách này hầu như chỉ dành cho giới nghiên cứu bởi đắt tiền, quá nặng, rất khó mang theo bên người. Nhiều bộ sử còn kèm theo phần in chữ Hán nên rất ít người đọc được. Bởi vậy tôi định làm một loại sách thứ hai: sách khổ nhỏ (khoảng 11x18cm hoặc 13×20,5cm), câu chữ đơn giản, trình bày thoáng, đẹp và có giá bìa rẻ, phù hợp với giới trẻ – điều mà các nhà sử học lâu nay không tìm ra cách làm.

Giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến lịch sử, điều đó không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác. Nhưng cũng phải có cách nhìn công bằng, rõ ràng kể cả những em yêu thích lịch sử cũng khó tìm đọc những tác phẩm đồ sộ và cũng không có những cách kể chuyện lịch sử thực sự mang lại hấp dẫn và bổ ích cho các em.

Khi nói đến từ “bán chạy”, anh nghĩ đến số lượng bao nhiêu?

Tôi nghĩ đến con số khoảng 2.000 đến 3.000 cuốn. Tôi không dám nghĩ đến con số 10.000, sách về lịch sử thì không thể “best-seller” như Harry Potter được. Nhưng quan trọng nhất là tôi muốn thay đổi suy nghĩ định kiến của nhiều người rằng “sách sử thì ai mua, ai đọc”. Nếu so với những bộ sách sử lâu nay xuất bản theo chương trình của nhà nước, in 500 bản rồi đem tặng, đem cho thì dự án này hoàn toàn mang tính chất tư nhân và thương mại hóa.

Bản thân tôi là một người đọc yêu thích đề tài lịch sử, tôi thấy ý nghĩa lớn nhất và quan trọng nhất của môn lịch sử ở chỗ giúp ta nhìn vào quá khứ để hiểu tương lai. Với cá nhân tôi, những câu chuyện và nhân vật lịch sử chứ không phải toán, lý, hay hóa, giúp tôi hiểu được đâu là giá trị đích thực của cuộc đời. Trong gần 10 năm điều hành Alpha Books, tôi chưa từng phải dùng đến phép tính phức tạp nào ngoài cộng – trừ – nhân – chia, nhưng những bài học lịch sử luôn hữu ích với tôi, với doanh nghiệp của tôi.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)