Mỹ: Sinh viên trường tư nhận hỗ trợ gấp 10 lần sinh viên trường công

Khung pháp lý hoàn chỉnh và truyền thống hiến tặng được xem như những lý do chủ yếu giúp các đại học tư thục ở Mỹ phát triển theo định hướng nghiên cứu. Tuy vậy, thực tế này không phải là không có những bất cập. Bài viết dưới đây của nhà báo Joe Pinsker, đăng trên The Atlantic ngày 21/10 vừa qua chỉ ra những bất cập này.1

Năm 2002, Meg Whitman (cựu sinh viên Đại học Princeton khóa 1977), khi đó là Chủ tịch của eBay, hứa sẽ hiến tặng 30 triệu USD cho trường cũ của mình để xây dựng một khu ký túc xá mang tên bà. Tổng chi phí của ký túc xá có sức chứa 500 sinh viên này, trong đó bao gồm chi phí trả cho “thợ xây có tay nghề cao để cắt hàng ngàn viên đá” và “những cánh cửa gỗ sồi dày ba inch”2, tính ra trị giá khoảng 200.000 USD cho mỗi sinh viên mà ký túc xá mới này có thể chứa được. Mặc dù đã bỏ ra khoảng 30 triệu USD vào thời điểm đó, một nhà kinh tế học ước tính rằng khoản tiền thực mà Meg Whitman phải trả ít hơn nhiều: chỉ 20 triệu USD, nhờ vào chính sách miễn giảm thuế đối với các khoản hiến tặng cho trường đại học của Chính phủ Mỹ. Nghĩa là về bản chất, chính Bộ Tài chính Mỹ đã chi khoản 10 triệu USD chênh lệch.

Chính phủ, mà gián tiếp chính là những người nộp thuế, đóng góp một lượng tiền khổng lồ đáng kinh ngạc cho các trường tư thục xuất sắc, mà phần lớn những khoản tiền này khá là khó nhận biết và nắm bắt do chúng chỉ thể hiện qua các khoản khấu trừ thuế, như trong trường hợp của Whitman. Khó nắm bắt tương tự và thậm chí còn nhiều lợi nhuận hơn, đó là việc Chính phủ liên bang không đánh thuế đối với khoản thu nhập mà các trường kiếm được từ những khoản hiến tặng trị giá hàng tỷ USD. Một số khoản khấu trừ thuế được áp dụng để thúc đẩy nghiên cứu; các khoản khác tồn tại đơn giản vì các trường đại học, với danh nghĩa là các tổ chức xã hội, cam kết nghĩa vụ phục vụ lợi ích công cộng.

Khi tính cả những khoản miễn giảm thuế này, chúng ta nhận thấy tiền Chính phủ chi cho mỗi sinh viên trường tư thục với tiêu chuẩn đầu vào gắt gao cao hơn nhiều lần so với các trường công lập ít chọn lọc sinh viên hơn. Theo Robert Reich, một giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Berkeley, số tiền trung bình mà Chính phủ chi cho các trường đại học công chưa đến 4.000 USD/sinh viên, trong khi số tiền tương ứng được chuyển đến cho các trường tư thục xuất sắc, ví dụ như Princeton là hơn 50.000 USD.

Những chính sách miễn giảm thuế này, dưới danh nghĩa chủ nghĩa quân bình, lại làm lợi đặc biệt cho các trường có mức độ đa dạng về thành phần kinh tế của sinh viên thấp. Tại các trường có đầu vào chọn lọc nhất của quốc gia, tương ứng với mỗi sinh viên thuộc nhóm 25% dân số nghèo nhất thì lại có 14 sinh viên từ nhóm 25% dân số giàu có nhất. Người ta thường cho rằng các trường đại học giàu có nhất với những khoản quyên tặng khổng lồ sẽ thoải mái hơn trong việc tiếp nhận những sinh viên không có khả năng trả đầy đủ học phí và vì thế là những nơi có thể nở rộ sự đa dạng về thành phần kinh tế xã hội trong cộng đồng sinh viên của mình. Nhưng một phân tích trên tờ New York Times gần đây đã chỉ ra rằng độ lớn của các khoản hiến tặng không quyết định sự đa dạng về thành phần kinh tế như lập luận nói trên.

Độ lớn của khoản tiền từ Chính phủ đến với Princeton càng kinh khủng hơn khi đặt trong sự so sánh với khoản tiền mà Đại học New Jersey, một trường công lập có quy mô tương tự nằm cách Princeton chỉ khoảng 10 dặm, nhận được. Năm 2011, khoản thuế thu nhập được giảm đối với các hiến tặng dành cho Princeton, cùng với các tài trợ nghiên cứu từ liên bang và các khoản miễn thuế tăng giá trị tài sản, đạt khoảng 420 triệu USD, tương ứng với 54.000 USD cho mỗi sinh viên. Còn trường New Jersey, với khoản hiến tặng khiêm tốn 26 triệu USD, chỉ nhận được chưa đến 2.000 USD cho mỗi sinh viên từ các khoản tiền chính phủ trong năm đó.

Những năm gần đây, người ta phát hiện ra rằng việc tăng tỷ lệ sinh viên nghèo vào đại học thực tế lại dẫn đến nhiều bất bình đẳng hơn. Theo dõi dòng chảy tiền thuế của dân có thể cho chúng ta một lý giải nhất định. Mặc dù nhiều sinh viên thu nhập thấp đang theo học đại học, nhưng nguồn lực mà trường của họ nhận được lại thiếu hụt hẳn so với những trường tư thục đắt tiền. Nhiều sinh viên trong số họ thậm chí còn không tốt nghiệp được và sau đó gặp khó khăn khi phải trả hết các khoản mà họ đã vay để đi học, những vấn đề này ít gặp phải ở các trường đại học ưu tú.

Vậy chúng ta có thể làm gì? Một lựa chọn là loại bỏ hoàn toàn chính sách miễn giảm thuế cho các trường, mặc dù đây có thể là một động thái hơi thái quá. Cách khác là cho phép các trường tự áp dụng các chính sách sáng tạo của mình để tăng cường sự đa dạng về thành phần kinh tế xã hội trong sinh viên: thí dụ, trường Grinnell ở bang Iowa duy trì một tỷ lệ phần trăm tối thiểu sinh viên có cha mẹ không học đại học trong mỗi khóa đầu vào. Nhưng sẽ là hơi lý tưởng hóa nếu chúng ta thực sự cho phép các trường hoạt động tự do và chịu trách nhiệm về hoạt động của họ. Thay vào đó, một khả năng khác là chỉ nên trao các ưu đãi về thuế không trực tiếp liên quan tới nghiên cứu cho những trường thực tế có đông sinh viên từ thành phần xã hội có thu nhập thấp theo học. Khi đó, tiền thuế của người dân sẽ đến được nơi nó cần đến, chứ không phải là dành cho “những cánh cửa gỗ sồi dày ba inch”.

                                                                                              Hoàng Tuấn Anh dịch
———————-
1  Tia Sáng đặt lại tên bài báo từ tên gốc “Princeton Gets 10 Times as Much Tax Money per Student as Public Colleges”.
2 Năm 2002, trường Princeton xây thêm ký túc xá với đầu tư lớn nhằm phục vụ tốt nhất cho sinh viên nhưng với một số người, việc đầu tư này có phần hơi hoang phí (ví dụ như chi tiết cửa phòng ký túc được làm từ gỗ sồi dày 3 inch, tức gần bằng 8cm, thay vì các chất liệu thông thường khác).

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)