Nào bàn, nào ghế …

Cứ theo như cách bố trí không gian lớp học xưa nay thì có thể thấy một điều: chưa bao giờ học trò Việt Nam có được chỗ ngồi hay tư thế thực sự độc lập và thoải mái ở chốn học đường.

Sao lục sách sử từ buổi đầu tiên có tổ chức dạy học (thế kỷ thứ II – III) cho đến khi hình thành nền học chế, thi cử dưới thời Lý với sự ra đời của Quốc Tử Giám kéo dài tới mạt kỳ phong kiến, hễ nói chuyện giáo dục, là chỉ thấy đề cập tới những việc đại sự như chuyện chế độ khảo thí, ghi chép kết quả khoa bảng, cùng lắm là luận đề học thuật tư tưởng to tát… chẳng thấy ở đâu có những dòng mô tả chi tiết, tỉ mỉ về không gian những lớp học trong thời phong kiến đã được bố trí, tổ chức ra làm sao.

Phải đợi đến khi người Pháp vào Việt Nam, chúng ta mới có được một kho dữ liệu để hình dung phần nào về đời sống của tiền nhân, trong đó có tổ chức sinh hoạt giáo dục. Nhờ những bức ảnh chụp lớp học của các thầy đồ Nho, những tranh khắc gỗ soi rọi, chúng ta biết nền học chế được diễn ra trong những điều kiện nào. Từ đó, có thể hình dung phương thức giáo dục đã gián tiếp tạo nên triết lý học tập, rèn luyện nhân cách và xa hơn, ảnh hưởng tới tính cách người Việt ra sao.

Từ những manh chiếu trải đất…

Có thể thấy rằng, trước đây, ngoài một thành phần con cháu công thần được học ở Quốc Tử Giám hay về sau là những trường lớn đô thị có tổ chức dạy học quy củ với mục đích đào tạo người tài ra phò vua giúp nước, thì hầu hết dân đen nơi thôn quê được hưởng thụ một chế độ giáo dục khá tự phát, diễn ra dưới những mái chùa, mái đình hay trong vườn, trong chái tranh của những thầy đồ Nho. Lớp học truyền thống của các thầy đồ được mô tả trong các bức ảnh tài liệu hết sức sơ sài và đơn giản: một tấm phản hay ghế gỗ cho thầy ngồi trên cao và những manh chiếu trải cho đám học trò ngồi dưới đất. Tư thế ông thầy đồ bao giờ cũng toát ra vẻ mô phạm, nghiêm khắc (có bức ảnh chụp cả cảnh ông thầy đồ ngồi trên phản gỗ, cách các học trò mình một khoảng khá xa, tay cầm một chiếc roi trỏ trên đám môn sinh đang khum người viết chữ), còn đám trò thì thường thấy trong tư thế khúm núm.

Điều đáng nói nhất, đó là một phương thức tổ chức không gian học hành hết sức thô sơ, chưa bao giờ vị trí của người học được (cái quyền) di dời thoải mái, tự do. Trong lớp học, đũng quần của họ không cất lên quá mặt đất (có lẽ vì vậy mà có thành ngữ “Mài đủng quần” để chỉ việc đi học trường lớp). Và từ một tầm nhìn thấp, các học trò ngước lên vị thầy đồ cao lồng lộng trên bậc phản hay chiếc ghế, quá trình tiếp thu kiến thức của họ chắc chắn sẽ đi cùng sự tuân phục, chịu định hướng và kính sợ.

Điều đó ăn khớp với truyền thống Nho học, “Tiên học lễ hậu học văn” mà cho đến nay, nhiều nhà trường hiện đại vẫn còn coi là kim chỉ nam của giáo dục.

Từ vị trí của kẻ ngồi trên nền đất, đứa học trò xưa tiếp nhận tri thức một cách bị động, nó được thầy đồ khai sáng vì “lớp học” có thể nói là nơi độc quyền về tri thức, việc tầm sư học đạo thật là gian nan nên nó không có nhiều lựa chọn cho con đường học vấn của mình. Ở những nơi thôn quê, số người ít học càng hiếm thì vị thế ông thầy đồ càng cao, danh giá của tấm chiếu trước sân nhà thầy đồ càng lung linh trong mắt bọn trẻ và cha mẹ chúng. Như vậy, để con mình thành nhân, thành công, phụ huynh còn cách nào khác là nằm lòng câu này: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Uy thế ông thầy đồ chỉ đứng sau vua, còn trên cả thân sinh (Quân, Sư, Phụ). Cho nên, chi phí trả cho chữ nghĩa thời đó, chuyện biếu xén hiếu hỷ giữa phụ huynh với thầy dạy học hẳn cũng hao hơi tổn sức với những nhà nghèo. Hình dung thế này, con cái nhà Nho thường bảy – tám tuổi, con cái nhà bình dân chừng 10 tuổi thì được cha mẹ mang đến gặp thầy xin “khải giáo”. Lễ nhập học thường bao gồm trầu rượu gà qué xôi thịt. Người thầy mà đứa trẻ theo học được gọi là nghiệp sư. Cha mẹ đứa bé có trách nhiệm đối đãi với nghiệp sư một cách chu đáo, ngoài phí học (gọi là tiền đồng môn) còn phải có lễ tết đều đặn và khi thi đỗ thì phải có một lễ gọi là bái môn.

Uy quyền của người thầy có học thức trước đám trò là con em dân đen thể hiện rất rõ (và người ta xem đó là một phần của chữ lễ) qua lối bố trí cấp bậc của không gian dạy học thời bấy giờ. Trong tranh khắc gỗ của Henry Oger, ngoài những bức vẽ sinh hoạt dạy học bình thường, còn có cả các bức ghi lại cảnh thầy đồ ngồi trên phản, dùng roi đánh học trò (như trong bức Giần tay) cho thấy ở lớp học, ông thầy được phép thể hiện cái sự kỷ luật khắt khe của mình bằng những hình phạt răn đe mạnh mẽ, cốt để trò phải chú tâm rèn đức luyện tài, thành người sống có ích cho dân nước.

…đến bàn ghế dàn hàng ngang

Thời Pháp thuộc, lấy cái mốc từ năm 1864, năm diễn ra kỳ thi hương cuối cùng ở đất Nam Kỳ1, nền Tây học du nhập như một làn gió mạnh mẽ và thức thời thổi vào lòng xã hội Nho học từ chương ngàn năm đang trên đà suy vi, làm lật tung mọi lề lối cũ, từ chữ viết đến chế độ giáo dục thi cử, thiết lập nên một trật tự mới với tư duy đề cao khoa học, tinh thần duy lý. Bấy giờ, những lớp học thầy đồ heo hút nơi các làng quê dần dần biến mất khi xã hội không còn dùng chữ Hán, chữ Nôm mà đổi dần sang Quốc ngữ hoặc Pháp ngữ; thay vào đó là những lớp học, trường Tây mọc lên khắp cả nước, từ thành thị đến chốn thôn quê.


Lớp học đầu thế kỷ 20

Khoan bàn đến những ưu việt hay hạn chế trong chính sách đào tạo của hệ thống giáo dục, chỉ trên những hình ảnh còn ghi lại được, có thể thấy, cùng với cơ sở vật chất, việc bố trí không gian các lớp học trong các trường giáo dục Pháp Việt dưới thời thực dân có những cải tiến đáng kể. Học trò không còn cảnh rách rưới nằm nhếch nhác, ngơ ngác dưới nền đất nghe thầy đồ truyền thụ chữ nghĩa mà được ngồi vào bàn ghế tập thể ngăn nắp, gọn gàng và “bài bản” hơn. Ông thầy học có bục giảng, bảng đen, những giờ giảng các môn khoa học có trang thiết bị thí nghiệm, có bản đồ, mô hình… Riêng lối bố trí bàn ghế, vị trí của thầy trò cũng đã có khác trước. Thầy trò tuy giữ một khoảng cách lễ nghĩa nhưng đã gần nhau hơn. Việc học xem ra dân chủ hơn, quan hệ thầy – trò ở trong lớp học bây giờ là quan hệ khai sáng, không còn là quan hệ của kẻ ban phát giáo điều với người ngu muội, của giai cấp trí thức với tầng lớp “dân ngu khu đen” như trước đây. Trong tư tưởng giáo dục mới, vị trí người học được đặt cao hơn, cứu cánh giáo dục tùy thuộc vào chọn lựa của người học, có nhiều ý hướng chọn lựa trong đời, không chỉ có nhất nhất giấc mộng ngàn năm là học để ra làm quan, phò vua giúp nước nữa.

Thời này, lớp học bắt đầu xuất hiện kiểu bàn dài liền ghế, mỗi bàn có thể ngồi được năm, đến mười học sinh tùy theo quy mô sĩ số lớp học; mỗi lớp được xếp nhiều dãy bàn. Công thức kiểu bàn này được áp dụng cho đến mãi sau này, trong lớp học trong trại tập trung dưới thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và kéo dài tới những năm bao cấp, đổi mới và hôm nay dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Bàn ghế ở lớp học còn được tận dụng làm chỗ họp hành cho người lớn, lớp học có khi là chỗ hoạt động bí mật các phong trào chính trị, các cuộc phổ biến, tập trung, tuyên truyền…

Cách thức sắp xếp, bố trí bàn ghế cho người học thể hiện phần nào vị trí của họ trong không gian chế độ giáo dục hay vị trí chính trị của họ trong không gian lớp học – một mô hình thu nhỏ của xã hội. Khoảng cách giữa bàn học đầu tiên trong lớp học đến bàn thầy giáo thường cách nhau một khoảng chừng một, hai mét và chênh một bậc cấp. Người thầy ngồi độc lập ở chiếc bàn của mình, đó là chiếc bàn có khăn phủ, có bình hoa, đủ rộng để đặt phấn, thước kẻ, giáo án giáo trình và các thiết bị khác phục vụ cho việc dạy. Bàn học trò bên dưới thường dài, được chia thành nhiều khoang, hộc hoặc có khi do các học trò tự mặc định “ranh giới” với nhau tùy vào điều kiện sĩ số lớp học.

Kiểu bàn ghế này thường được các nhà trường đưa ra tỉ lệ và tự quyết định kích cỡ. Ở các vùng quê, thời bao cấp, cơ sở vật chất các trường học phổ thông còn yếu, có cái bàn ngồi năm bảy đứa, được cất cái đũng quần lên khỏi mặt đất là thấy cuộc đời “sáng ngời hy vọng” lắm, có đâu mà đòi hỏi tiêu chuẩn nọ với tỉ lệ kia. Và đúng là công cuộc Đổi Mới là dẫn chứng trực quan sáng giá nhất để dạy cho chúng biết quán triệt bài học đạo đức chung tay gìn giữ của công và tiến lên một mô hình xã hội làm chủ tập thể. Hình ảnh học trò thời bấy giờ bớt lem luốc, nhếch nhách hơn nhiều dù những bộ bàn ghế dài cũ kỹ đóng từ gỗ ván tận dụng có khi cọc cạch, cót két. Dăm, bảy học trò chen chúc trên một bộ bàn ghế ọp ẹp trong lớp học đôi khi trông rất giống những đội vận động viên đang răm rắp mái chèo cố đưa con thuyền mình vượt lên phía trước, rất đúng tinh thần lạc quan, niềm tin tươi sáng có thể nói là chủ đạo trong các bài học thời này.

Những con thuyền đồng dạng đó tiếp tục đưa biết bao thế hệ người chèo tiến vào tương lai của nền công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhưng kiểu bàn ghế dài trong lớp học cũng đã tạo nên những nét tính cách kỳ quặc ở học trò Việt Nam (và có lẽ còn di căn thành tính xấu ở người trưởng thành về sau), đó là: núp bóng tập thể (các học trò học yếu, cá biệt thường thích ngồi bàn sau để núp lưng bạn, né tránh tầm mắt chú ý của thầy khi khảo bài), rụt rè, thụ động, thiếu ý thức cộng tác (học trò Việt Nam ít phát biểu ý kiến trong lớp học vì luôn sợ sai trước tập thể và thầy cô giáo), yếu kém trong làm việc nhóm (vì cách sắp xếp bố trí bàn ghế dàn hàng ngang, cố định nên thầy trò rất khó xoay sở trong các hoạt động thảo luận), so đo ranh giới (một thời trên các tuần báo như Hoa Học Trò, Mực Tím vẫn xuất hiện motif truyện ngắn được học trò yêu thích – vì thấy mình trong đó – đại khái: tôi giỏi toán, nó giỏi văn, hai đứa ngồi sát nhau nhưng phân chia ranh giới bằng một đường mực kẻ trên mặt bàn)…

Vẫn chờ được cải cách

Xét cho cùng, trong cái cùng này thì sinh ra cái biến kia, khi đã quá hao hơi tổn sức với những cuộc cải cách, thí nghiệm rộn ràng và bất tận từ triết lý dạy học đến chương trình sách giáo khoa nhưng vẫn bị mang tiếng chắp vá và thiếu tầm vóc, các quan chức giáo dục chợt giật mình nhớ lại, à, thì ra còn một thứ chưa được đưa vào hạng mục cải cách, đó chính là cái bàn, cái ghế của bọn học trò. Liên tiếp nổ ra những cảnh báo: cái kiểu bàn ghế lớp học được làm ra một cách đồng dạng đại trà và tỉ lệ phụ thuộc vào ông thợ mộc địa phương bấy lâu sinh ra lắm chứng bệnh ở người học. Đây, những cuộc điều tra mới về tác hại của bàn ghế sai tỉ lệ đến thể chất người học đầy tính thuyết phục để lái cuộc cải cách từ trang sách sang chiếc bàn: Tình trạng học sinh Việt Nam bị cong vẹo cột sống ở cấp tiểu học là 27,1%, cấp THCS chiếm 23,8%, THPT chiếm 23,6%. Hiện có tới hơn 50% học sinh tiểu học và hơn 70% học sinh lớp 8, 9 phải sử dụng bàn ghế kích cỡ không phù hợp 2.

Nhưng có một cuộc ảnh hưởng khác chưa được nói tới, đó là lối bố trí lớp học, bàn ghế bấy lâu đã rất có thể là nguyên nhân của những bệnh lý tinh thần và nhân cách khác: thiếu cá tính sáng tạo, thụ động, một mặt thiếu kỹ năng phối hợp trong công việc, một mặt lại thích cầu an, nương vào số đông.

Một điều hết sức thiếu sót, đó là bàn ghế học trò chưa bao giờ được xếp vào danh mục thiết bị giáo dục và có quy chuẩn cụ thể. Có lẽ các chuyên gia giáo dục quá bận tâm vào những nội dung, thông điệp giáo dục hơn là điều kiện tâm lý để người học – chủ thể của giáo dục – có thể dễ dàng tiếp nhận tri thức một cách hiệu quả nhất. Những bộ bàn ghế đi liền nhau từ thời Pháp thuộc vẫn tiếp tục tồn tại trong điều kiện nhà trường hôm nay một cách đầy hiển nhiên.3

Cho đến giữa năm 2011, Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế mới chính thức ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn quy định tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cơ sở những điều tra về nhân trắc học bình thường của học sinh Việt Nam từ đó quy định kích thước, vật liệu, kết cấu, kiểu dáng, màu sắc và bố trí bàn ghế trong phòng học. Một trong những điểm đáng chú ý trong Thông tư này đó là mỗi bàn không quá hai chỗ ngồi và bàn, ghế tách rời nhau.

Mặc dù quyết định trên được ban hành còn gây nhiều tranh cãi, song, về góc độ đầu tư cơ sở vật chất mà nói, đây là một bước ngoặt trong tư duy của nhà quản lý giáo dục và chắc chắn, nó ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm giáo dục. Điều đáng chú trọng hơn, thông tư này ra đời như một sự hô ứng cần thiết khi triết lý sư phạm đã có sự thay đổi ít lâu, với một sự nhận thức mới: đề cao tư thế chủ động, tính cá nhân sáng tạo của người học trong tiếp nhận tri thức, người thầy được xem là hướng dẫn phương pháp chứ không còn áp đặt tri thức lên học trò, khoảng cách thầy trò không còn cách biệt như trước v.v. Ngoài ra, cách thiết kế thiết bị giáo dục, bố trí lớp học thoải mái, tự do, khoa học ở những trường tư, trường nước ngoài đầu tư, trường ngoại ngữ cũng là những mô hình đáng để hệ thống giáo dục công lập tiếp thu, học hỏi.

Những chiếc ghế bàn riêng với trục nâng bề mặt, khoảng cách theo điều khiển chủ động và phù hợp với người sử dụng có thể sẽ là mơ ước không xa của học trò Việt Nam cùng với sự cởi mở, tôn trọng cá nhân, vị trí của người học theo đúng tinh thần giáo dục mới – dạy học là một nghệ thuật hợp tác. TS Hồ Đắc Túc, người đã có quá trình dạy học ở ĐH Deakin (Úc), khi trở về đứng lớp ở giảng đường Việt Nam đã có nhận định:

“Lớp học ở Việt Nam thường sắp bàn hàng ngang từ trên xuống dưới, thầy đứng trên bục giảng cao, bàn ghế của thầy cũng kê trên bục cao hơn bàn ghế của trò. Thầy và trò đối diện, từ lớp một đến đại học đều bố trí phòng học giống nhau.

Trong các giờ lý thuyết trên giảng đường đại học, cách sắp bàn ghế như thế cũng hợp lý. Nhưng khi chuyển qua sinh hoạt nhóm hay chia tổ thảo luận, thầy và trò đều chật vật vì khó di chuyển các bàn và băng ghế dài để từng nhóm có thể ngồi đối diện nhau. Người thầy đi vòng quanh, không thể nhập vào từng nhóm để hòa chung với trò thảo luận một vấn đề. Cách bố trí lớp học theo truyền thống này phản ánh triết lý giáo dục truyền thống: thầy giảng trò nghe, thầy tách biệt với trò, đứng và ngồi đều cao hơn trò.
(…)

Truyền thống bàn ghế dàn hàng ngang đối diện với người thầy kéo dài cho đến khi tôi đứng trước các sinh viên ở Việt Nam. Có thời gian dài ở Úc, tôi cũng đứng trước sinh viên nhưng không để ý chuyện này vì lớp học ở Úc mỗi sinh viên một bàn một ghế, khi cần, mỗi người tự di chuyển bàn ghế để thảo luận, thầy cũng chọn một ghế trống để ngồi ngang với trò.”4

Vì thế, xem lại những hình ảnh những chiếc bàn dài liền ghế một kích cỡ cho mọi cấp học chẳng khác nào những bàn họp hợp tác xã, hay trước đó là không gian bình dân học vụ, xa hơn, nhìn về những lớp học thầy đồ với đám học trò đói rách nhếch nhác xo ro trước ông thầy khăn đóng áo the nghiêm trang trịnh trọng, con cháu chúng ta sẽ hình dung được một hành trình tư duy giáo dục của người Việt đã trải qua và cắt nghĩa được phần nào cái làm nên hình ảnh xã hội trong những giai đoạn phát triển. Vì ở đó, việc xác định tư thế, hình ảnh tương quan người học với người dạy, vị trí người học trong không gian truyền trao tri thức sẽ góp phần rọi sáng, giải mã những điều sâu xa hơn về tư tưởng, văn hóa và vị thế chính trị của cá thể – với tư cách là sản phẩm giáo dục – trong từng xã hội.

—-

Tài liệu tham khảo:

An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, Alphabooks & NXB Hà Nội, 2008,

Nếp cũ, Con người Việt Nam, Toan Ánh, NXB Trẻ, 2005.

Di sản giáo dục, y học và y tế thời Pháp thuộc của PGS TS Trần Xuân Mai:http://www.hongbang-uni.edu.vn/Khoa-Chuyennganh/pdf_ khoachuyen/vnhoc_DisanGD-YH-TY_TranXuanMai.pdf

Kỹ thuật của người An Nam, Henry Orger, Nhã Nam, Thư Viện KHTH TP.HCM & NXB Thế giới, chủ biên Olivier Tessier & Philippe Le Failler, 2009

– Thông tư liên tịch số: 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16.6.2011.

1 Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ là vào năm 1915 và ở Huế là vào năm 1918. Có lẽ chậm hơn so với Nam Kỳ một phần do trung ương chế độ phong kiến đóng ở Huế, còn Bắc Kỳ tuy tiếp cận với người Âu từ sớm, nhưng lại là cái nôi lâu đời nhất của Nho học tại Việt Nam.

2 “TS Lê Anh Dũng, giám đốc Công ty Thiết bị Trường học Việt Nam, cho biết, khi để mặt bàn phẳng học sinh ngồi gục đầu nhiều hơn, nhưng khi điều chỉnh mặt bàn nghiêng học sinh ngồi ngay ngắn hơn. Mặt bàn phẳng cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến cột sống cổ c5 và c6 bị chèn ép, làm tổn thương dây thần kinh điều khiển hệ vận động, làm rối loạn chức năng vận động của tim, phổi, mắt và một số bộ phận khác…

3Bàn ghế không chuẩn còn ảnh hưởng đến hứng thú tiếp thu bài học của học sinh, làm cho chúng ức chế, mệt mỏi. Học sinh cần phải vận động nên không thể ngồi cứng đơ với cái bàn liền ghế. Bàn ghế liền làm cột sống cứng đơ trì trệ, không được vận động, căng thẳng…

Kết quả điều tra của PGS.TS Nguyễn Đức Thu, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), cùng các cộng sự về ảnh hưởng của bàn ghế tại 6 trường tiểu học, THCS và THPT ở huyện Sóc Sơn và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho thấy, 30,8% học sinh bị biến dạng cột sống. Tỷ lệ học sinh bị gù tăng dần lên theo từng cấp học: 2% bị gù ở học sinh tiểu học, 4% ở THCS và 6,2% ở THPT. (Theo Sức khỏe và đời sống, tháng 11/2011)

4 Lời nói đầu, Dịch thuật và tự do, Hồ Đắc Túc, Phương Nam Book, ĐH Hoa Sen & NXB Hồng Đức, 2012.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)