Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946. Kỳ 2: Bộ máy giáo dục năm 1945-1946
Mặc dù bị đặt trước nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua, với tất cả khả năng và điều kiện của mình, bộ máy giáo dục từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam thời bấy giờ vẫn nỗ lực hoạt động. Nhìn vào tổ chức của Bộ Giáo dục thời gian 1945 – 1946, có thể thấy cơ quan này phải gánh vác nhiều trách nhiệm không những về giáo dục từ phổ thông tới đại học và xóa nạn mù chữ mà còn cả về dạy nghề, nghiên cứu khoa học, bảo tàng, lưu trữ công văn và thư viện, lưu chiểu văn hóa phẩm, công tác thanh thiếu niên và phong trào thể dục thể thao.
Ngày 24.1.1946, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Nghị định cử ông Nguyễn Hữu Lương vào Nam giữ chức Giám đốc Sở Bình dân học vụ Nam Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 8 ngày 23.2.1946), đến ngày 26.1.1946 lại có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ “yêu cầu quí bộ cho một bức thư giới thiệu ông ấy với các Ủy ban Hành chính Bắc Trung Nam để việc chuyển dịch của ông ấy không gặp khó khăn trong tình thế nghiêm trọng này”. Ở Nam Bộ thì sau một thời gian đình đốn vì chiến tranh, hoạt động giáo dục trong vùng kháng chiến cũng từng bước được khôi phục. Phúc trình chung năm 1948 về tình hình chung trong miền Trung Nam Bộ (gồm các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Gò Công, Trà Vinh, Long Châu Tiền) ngày 4.1.1949 do Thanh tra Chánh trị miền Trung Nam Bộ Nguyễn Thành A ký tên có đoạn:
“Giáo dục. Phong trào học hỏi được khuyến khích và phát huy. Dân chúng ham học nhưng ở vài tỉnh phong trào tiến chậm vì giặc khủng bố luôn (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre). Có mở những lớp học gia đình ở những vùng bị uy hiếp”.
Và báo cáo về tình hình Bình dân học vụ:
“Ngưng trệ trong mùa nước (Long Châu Tiền) đã bắt đầu hoạt động mạnh lại. Có đào tạo giáo viên, thành lập Hội đồng giáo dục ở tỉnh, Hội chống nạn mù chữ (Vĩnh Long)”.
Tỉnh | Lớp học | Giáo viên | Học sinh |
Mỹ Tho
Bến Tre (tháng 7) Tân An Vĩnh Long Sa Đéc Gò Công Trà Vinh Long Châu Tiền |
289
136 149 447 195 112 435 69 |
340
136 162 139 326
549 |
4.696
1.545 2.084 13.878 7.985
9.098 1.623 |
Về Tiểu học vụ, báo cáo trên nêu ra vài con số. (Bảng trên).
Mỹ Tho mới mở một trường chưa báo cáo rõ
Bến Tre 161 lớp, 161 giáo viên, 6.261 học sinh
Tân An 38 lớp, 35 giáo viên, 1.016 học sinh
Sa Đéc 32 lớp, 50 giáo viên, 1.098 học sinh
Vĩnh Long 465 lớp, 447 giáo viên, 15.121 học sinh
Trà Vinh 316 lớp, 287 giáo viên, 10.523 học sinh
Long Châu Tiền 67 lớp, 71 giáo viên, 2.199 học sinh (11).
Ở miền Đông Nam Bộ mà tình hình còn khó khăn hơn, báo cáo ngày 28.12.1948 của Tạ Nhựt Tu cũng đề nghị “Về văn hóa: Thống nhứt công tác tu thơ để rảnh bớt một số giáo viên đang dùng vào Tiểu học vụ. Các Ban Tu thơ các ty chỉ lo soạn những tài liệu về tình hình tỉnh mình mà Ban Tu thơ Nam Bộ không làm được”. Nhưng ngày 6.1.1949, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra Nghị định số 13-NĐ đặt Nha Giám đốc Giáo dục phụ trách các bậc trung học, tiểu học và Bình dân học vụ ở Nam Bộ (12). Trong tình hình chung ấy, cũng dễ tưởng tượng ra không khí sôi động của hoạt động giáo dục ở vùng Trung Bắc trước ngày 19.12.1946.
Từ bài diễn văn đọc trong ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 2.9.1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp phát biểu “Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bậc trung học sẽ không có học phí, học trò nghèo sẽ được cấp học bổng (…). Trong thời hạn rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh eo hẹp này chúng ta cũng quả quyết tiến hành (13). Ngắn gọn hơn, trong bài Chống nạn thất học kêu gọi toàn thể nhân dân ủng hộ và tham gia phong trào Bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%. Như thế thì tiến bộ làm sao được?” (Báo Cứu quốc, số 58, ngày 4.10.1945): tiến bộ xã hội được coi như cơ sở vững chắc và mục đích lâu dài của nền độc lập dân tộc, mà để có tiến bộ xã hội thì phải có một nền giáo dục độc lập và hiện đại. Và để xây dựng hệ thống giáo dục mới trên cương vị là hệ thống chính thống của nền giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục phải thực hiện nhiều nhiệm vụ như tổ chức bộ máy, mở rộng hoạt động, xác lập chương trình và bao trùm lên tất cả là xác định mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp giáo dục. Muốn tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam thời gian 1945 – 1946 thì cần tìm hiểu việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Cần bắt đầu từ việc xây dựng bộ máy giáo dục. Sau khi thành lập ngày 28. 8. 1945, Bộ Giáo dục đã trải qua nhiều bổ sung điều chỉnh về mặt tổ chức, đến Sắc lệnh tổ chức Bộ Giáo dục ngày 9.7.1946 rồi Nghị định ấn định nhiệm vụ các cơ quan trung ương của Bộ Giáo dục ngày 13.7.1946 thì bộ máy tổ chức cơ bản đã được xác định, theo đó ngoài văn phòng và các phòng sự vụ trung ương còn có Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ, Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ, Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ, Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ, Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục (Việt Nam Dân quốc công báo, số 29, ngày 20.7.1946, và số 32 ngày 10.8.1946), ngoài ra trước ngày Toàn quốc kháng chiến khoảng một tháng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã thành lập Ban Giáo dục Ấu trĩ và chuẩn bị mở lớp huấn luyện giáo viên mẫu giáo để nuôi dạy trẻ em chưa đến tuổi đi học (Fonds Bộ Giáo dục tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Từ đây viết tắt là Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 5). Bên cạnh đó còn có hệ thống Thanh tra học vụ thành lập theo Sắc lệnh ngày 8. 9. 1945, được chia thành hai bộ phận Thanh tra Trung học vụ và Thanh tra Tiểu học vụ lệ vào Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ và Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ, cũng có cấp dưới ở kỳ và tỉnh (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, số 4, ngày 20.10.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3, Báo Cứu quốc, số 282, ngày 3.7.1946), đến tháng 7.1946 thấy Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ cũng có bộ phận Thanh tra, nhưng không thấy tư liệu nào ghi nhận Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ và Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục có bộ phận này (Việt Nam Dân quốc công báo, số 29, ngày 20.7.1946, và số 32, ngày 10.8.1946). Đáng chú ý là một phần công việc chuyên môn ở đây đã được xã hội hóa với các tổ chức và cá nhân không thuộc biên chế chính thức của Bộ Giáo dục như Hội đồng Cố vấn Học chính thành lập theo Sắc lệnh ngày 10.10.1945 – đến ngày 10.7.1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục còn ra Nghị định thành lập ở Thuận Hóa và Sài Gòn các Ban Cố vấn Học chính địa phương cho Trung Bộ, Nam Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 4, ngày 20.10.1945, Báo Cứu quốc, số 269, ngày 18.6.1946, Việt Nam Dân quốc công báo, số 32, ngày 10.8.1946), Hội đồng Sách giáo khoa chính thức thành lập theo Sắc lệnh ngày 23.7.1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 17, ngày 27.4.1946 và số 31, ngày 3.8.1946) nhưng có những đóng góp rất quan trọng chẳng hạn trong việc xây dựng những nguyên tắc căn bản cho nền giáo dục mới ở Việt Nam. Không chỉ các trí thức như Vũ Đình Hòe, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thái Mai, Nguyễn Mạnh Tường, mà cả các chính khách như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cũng tham gia vào việc giảng dạy hai lớp Cao đẳng Chính trị và xã hội ở Đại học Việt Nam (Việt Nam Dân quốc công báo, số 9 ngày 17.11.1945). Cũng phải kể thêm sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ như Hội Phụ huynh học sinh, Liên đoàn giáo giới (Việt Nam Dân quốc công báo, số 25, ngày 22.6.1946, Báo Cứu quốc, số 300, ngày 24.7.1946).
Tiến bộ xã hội được coi như cơ sở vững chắc và mục đích lâu dài của nền độc lập dân tộc, mà để có tiến bộ xã hội thì phải có một nền giáo dục độc lập và hiện đại.
Ngoại trừ Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ không có tổ chức ở các địa phương, các nha còn lại đều có hệ thống cấp dưới tức sở ở các kỳ và ty ở các tỉnh. Bộ máy nhân sự ở đây được tinh giản tới mức tối đa, ví dụ ngoài Tổng Giám đốc Đại học vụ, Tổng Giám đốc bốn nha còn lại đều kiêm nhiệm chức Giám đốc các sở cấp kỳ ở Bắc Bộ, ví dụ Tổng Giám đốc Nha Tiểu học vụ kiêm Giám đốc Sở Tiểu học vụ Bắc Bộ, Tổng Giám đốc Nha Bình dân Học vụ kiêm Giám đốc Sở Bình dân Học vụ Bắc Bộ. Hay ngày 1.3.1946 có Nghị định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục tạm bãi văn phòng Tổng Thanh tra Trung học vụ, chuyển công việc này cho văn phòng Tổng Giám đốc Nha Trung học vụ tạm kiêm (Việt Nam Dân quốc công báo, số 11, ngày 16.3.1946), có lẽ vì Tổng Thanh tra Trung học vụ Đặng Thái Mai được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay Bộ trưởng Vũ Đình Hòe được đổi làm Bộ trưởng trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2.3.1946.
Nha Tổng Giám đốc Đại học vụ quản lý cấp đại học và các thư viện công, các nhà bảo tàng (Quốc gia Bảo tàng viện tức Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội, Lâm Ấp Bảo tàng viện tức Bảo tàng Parmentier ở Đà Nẵng, Gia Định Bảo tàng viện tức Bảo tàng Blanchard de la Brosse ở Sài Gòn), các học viện như Học viện Đông phương Bác cổ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 7, ngày 3.11.1945), Văn hóa viện Trung Bộ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 6 ngày 27.10.1945) và một số cơ quan khác như Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc trong đó có Quốc gia thư viện tức Thư viện Pierre Pasquier ở Hà Nội, Sở Lưu chiểu văn hóa phẩm toàn quốc (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, và số 9 ngày 2.3.1946).
Nha Tổng Giám đốc Trung học vụ quản lý bậc trung học và các trường dạy nghề, tổ chức bài vở cho nguyệt san Giáo dục tân san (trung học), tham gia xây dựng chương trình cải cách bậc trung học.
Nha Tổng Giám đốc Tiểu học vụ quản lý bậc tiểu học, tổ chức bài vở cho nguyệt san Giáo dục tân san (tiểu học), tham gia xây dựng chương trình cải cách bậc tiểu học, cuối năm học 1945 – 1946 còn phải chịu trách nhiệm soạn thảo dự án cải cách ngạch hương sư thành giáo viên hương học (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Ở cấp kỳ thì từ tháng 10.1945 trở đi do Nha Học chính cũ ở các kỳ đảm nhiệm (Fonds Bộ Giáo dục, hồ sơ 3). Theo Nghị định ngày 14.6.1946 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì Thanh tra Tiểu học vụ các tỉnh thành thay thế hoàn toàn các viên Ủy viên giáo dục ở địa phương trước đó (Việt Nam Dân quốc công báo, số 27, ngày 6.7.1946). Trên phương diện quản lý theo địa bàn, trường tiểu học ở các tỉnh thành còn được tổ chức thành các học khu do cơ quan Tiểu học vụ địa phương lãnh đạo.
Nha Tổng Giám đốc Bình dân học vụ thành lập theo Sắc lệnh ngày 8.9.1945 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945) phụ trách phong trào Bình dân học vụ có nội dung chủ yếu là xóa nạn mù chữ, trực tiếp thực hiện chủ trương cưỡng bách giáo dục, tiến hành hoạt động giáo dục ở cấp học bình dân. Đây là bộ phận chủ yếu làm nên không khí sôi động của nền giáo dục Việt Nam thời gian 1945 – 1946, với những cách thức và phương tiện đặc biệt vượt ra khỏi tất cả các qui chuẩn thông thường, thậm chí còn có một loại “dấu hiệu” tức huy hiệu riêng cho các nhân viên, giáo viên và kiểm soát viên (Việt Nam Dân quốc công báo, số 25, ngày 22.6.1946). Ngoài các bộ phận hành chính và chuyên môn, cơ quan này cũng có bộ phận thanh tra đặt dưới quyền Tổng Thanh tra Bình dân học vụ (Việt Nam Dân quốc công báo, số 32, ngày 10.8.1946).
Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể dục (hậu thân của Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời thành lập ngày 28. 8. 1945 và giải thể sau khi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2. 3.1946) phụ trách công tác thanh thiếu niên và thể dục thể thao, được thành lập theo Sắc lệnh ngày 27.3.1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 1, ngày 29.9.1945, số 14, ngày 6.4.1946 268). Sau một số khóa đào tạo cán bộ được tổ chức trong thời gian còn là Bộ Thanh niên, sau tháng 3.1946 nha này đã thành lập Trường Cán bộ Thanh niên và Thể dục (Việt Nam Dân quốc công báo số 29, ngày 20.7.1946, số 32, ngày 10.8.1946). Ngay trong hoàn cảnh quân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Hải Phòng và ráo riết đẩy mạnh các vụ khiêu khích, xung đột quân sự trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tháng 11.1946 nha này vẫn công bố chiêu sinh cho một khóa học từ ngày 2.12.1946 đến 15.1.1947 do Chi Cán bộ Thanh niên Trường Huấn luyện Hồ Chí Minh tổ chức ở Hà Nội (14).
Nhìn vào tổ chức của Bộ Giáo dục thời gian 1945 – 1946, có thể thấy cơ quan này phải gánh vác nhiều trách nhiệm, không những về giáo dục từ phổ thông tới đại học và xóa nạn mù chữ mà còn cả về dạy nghề, nghiên cứu khoa học, bảo tàng, lưu trữ công văn và thư viện, lưu chiểu văn hóa phẩm, công tác thanh thiếu niên và phong trào thể dục thể thao. Ngoài ra việc thành lập hai lớp Cao đẳng Chính trị xã hội trong thời gian xây dựng chương trình mới cho trường Đại học Luật khoa nhằm cấp tốc đào tạo một số cán bộ chuyên môn về hành chính, tư pháp và ngoại giao từ năm học 1945 – 1946 (Việt Nam Dân quốc công báo, số 4, ngày 20.10.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2301, Việt Nam Dân quốc công báo số 9, ngày 17.11.1945) cho thấy Bộ Giáo dục còn phải trực tiếp góp phần đáp ứng nhu cầu cán bộ của chính quyền. Bên cạnh đó, việc thành lập trường Đại học Văn khoa, “một trường mà người Pháp ngày trước không bao giờ muốn mở cả” (Việt Nam Dân quốc công báo số 4, ngày 20.10.1945, số 9, ngày 17.11.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2301) tuy có mục tiêu trước mắt là nhằm đào tạo giáo sư Ban Văn khoa cho bậc trung học nhưng trong thực tế còn đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Đến cuối năm học 1945 – 1946 thì bộ máy giáo dục đã bước đầu hoàn chỉnh với bốn bậc học bình dân, tiểu học, trung học và đại học (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 5). Việc thiết lập được nền tảng hành chính bên cạnh cơ sở pháp lý nói trên là một thành tựu đặc biệt quan trọng của nền giáo dục sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam.
Đến cuối năm học 1945 – 1946 thì bộ máy giáo dục đã bước đầu hoàn chỉnh với bốn bậc học bình dân, tiểu học, trung học và đại học.
Cần lưu ý rằng từ ngày 15.8.1945 Toàn quyền Đông Dương người Nhật đã ra Nghị định giải thể Nha Học chính Đông Dương và Nghị định chuyển các trường đại học, cao đẳng và trung học ở Việt Nam cho chính quyền Bảo Đại, dĩ nhiên không phải vì thật lòng trao lại quyền độc lập về giáo dục cho Đế quốc Việt Nam mà vì đúng hôm ấy Nhật hoàng Hirohito đã đọc bài diễn văn Gyokuon-hòsò tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng minh nên bộ máy cai trị của Nhật Bản ở các nước bị họ chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai dĩ nhiên cũng phải giải thể. Cả hai Nghị định nói trên đều cam kết bảo đảm chi trả lương bổng của những nhân viên hữu quan đến ngày 31.8.1945 bằng Ngân sách Đông Dương (Fonds Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Hồ sơ 1534). Việc xây dựng bộ máy giáo dục mới ở đây do đó cũng gắn liền với việc tiếp quản bộ máy và nhân viên của hệ thống giáo dục cũ với vô số vấn đề cá nhân cũng như công vụ do quá khứ để lại hay đang liên tục phát sinh. Từ việc khôi phục quyền lợi cho một số giáo viên bị đối xử không công bằng dưới thời Pháp thuộc đến việc sa thải những nhân viên, giáo chức bất lực hay hạnh kiểm xấu, từ việc giải quyết chính sách chế độ tới việc thuyên chuyển đề bạt khen thưởng kỷ luật, thậm chí có lần còn phải trả số tiền thuê in sách mà Nha Học chính Đông Dương cũ còn thiếu Nhà in Trung Bắc tân văn trước đó (Fond Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10)…, tất cả đều phải tiến hành trên cơ sở pháp lý và qui định hành chính vốn có. Có thể nêu ra hai trường hợp tiêu biểu về hoạt động của Bộ Giáo dục trên phương diện này.
Ngày 20.10.1945 Bộ trưởng Bộ Giáo dục ra Nghị định cho ba người trong đó có Bùi Quang Huy, Giáo sư thượng hạng hạng nhất ngạch Tiểu học tòng sự tại Trường trung học Đỗ Hữu Vị về hưu. Ngày 22.10.1945 ông này gửi đơn khiếu nại. Ngày 25.10.1945 Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục gửi văn thư trả lời “sự quyết định của Hội đồng dựa vào những lý do chính đáng, ví dụ như những điều ám muội trong một kỳ thi xưa kia,… một việc rất đáng tiếc với một nhà mô phạm”. Nhưng ngày 5.2.1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại ký Nghị định cử Bùi Quang Huy, Giáo sư thượng hạng hạng nhất ngạch Tiểu học hưu trí sung vào Hội đồng Cố vấn Học chính (Việt Nam Dân quốc công báo số 7, ngày 3.11.1945). Một người thầy trong nhà trường, trên bục giảng cần có một hình ảnh nếu không hoàn hảo thì ít ra cũng phải sạch sẽ, còn một chuyên gia trong Hội đồng Cố vấn Học chính phải có kiến thức và kinh nghiệm để phát hiện những vấn đề trong hoạt động giáo dục và có thể đóng góp ý kiến giải quyết, không thể vì lỗi lầm của người trước mà phủ nhận năng lực của người sau.
Ngày 19.6.1945 một Thư ký hạng 6 của Nha Học chính Đông Dương được cử vào Sài Gòn công cán, nhưng Cách mạng Tháng Tám nổ ra rồi kế đó là Nam Bộ kháng chiến, ông ta nhập ngũ tham gia chống Pháp, đến ngày 20.12.1945 đang đóng ở Vũng Tàu – Bà Rịa nhân có đồng đội ra Bắc bèn gửi thư cho Bộ Giáo dục xin được lãnh lương từ tháng 7.1945 và đề nghị cho vợ mình được lãnh giúp. Sau khi được thư, ngày 12.2.1946 Bộ Giáo dục gửi công văn cho Bộ Tài chính đề nghị giải quyết bằng cách ra một sự vụ lệnh tạm thời (affectation pour ordre) bổ nhiệm ông ta về Bộ Giáo dục kể từ ngày nhập ngũ và coi lá thư kia như một giấy ủy quyền (procuration) cho người vợ được thay mặt lãnh lương từ tháng 7.1945. Vì trên nguyên tắc các nhân viên của Nha Học chính Đông Dương cũ được trả lương đến hết tháng 8.1945, tờ sự vụ lệnh kia lại thừa nhận ông ta là nhân viên của Bộ Giáo dục từ ngày Nam Bộ kháng chiến tức tháng 9.1945, nên chỉ mười ngày sau khi gửi công văn trao đổi với Bộ Tài chính, ngày 22.2.1946 Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục đã gửi văn thư cho vợ ông ta báo tin đã chuẩn bị xong ngân phiếu trả lương từ ngày 1.7.1945 đến ngày 31.12.1945 và từ ngày 1.1.1946 đến ngày 28.2.1946, “Khi nào ngân phiếu được duyệt ký, tôi sẽ gửi cho bà để bà lĩnh tiền. Còn từ tháng 3 trở đi, cứ hằng tháng Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục làm ngân phiếu để trả lương ông Minh cho bà” (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Việc xử trí rất uyển chuyển mà đúng qui trình, mau lẹ và chu đáo chỉ với một nhân viên cấp thấp đang không trực tiếp làm việc ở bản bộ như vậy tự nó cho thấy nhiều điều về tác phong nỗ lực vì công việc, công tâm khi giải quyết, tuân thủ pháp luật, quí trọng con người thời bấy giờ ở Bộ Giáo dục. Tác phong hành chính tích cực ấy cũng giúp cơ quan này vượt qua được nhiều khó khăn mà hoàn cảnh Việt Nam thời gian 1945 – 1946 đưa tới. Cần nói thêm rằng trong một thời gian dài trong ngành giáo dục đã có tình hình các Bộ trưởng làm việc không hưởng lương, nhiều viên chức làm việc không nhận lương, nhiều giáo viên Bình dân học vụ dạy học không có lương, nhưng tinh thần dân tộc được kích thích bởi ý thức công dân ở một đất nước vừa giành được độc lập đã khiến nhiều người bất kể khó khăn, thiếu thốn hay bệnh tật hết lòng ra sức phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục mới của nước nhà.□
(Còn tiếp)
—–
Chú thích:
(11) Phúc trình chung năm 1948 về tình hình chung trong miền Trung Nam Bộ (số 1-TT-MT ngày 4. 1. 1949), Fonds Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Hồ sơ 12.
(12) Việt Nam Dân quốc công báo số 2, ngày 15. 3. 1949.
(13) Xem thêm Cao Tự Thanh, Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ, sđd., tư liệu 034.
(14) Báo Cứu quốc số 415, ngày 24. 11. 1946.