Nền giáo dục thực chất và linh hoạt

Dằng dai, sôi sục hơn cả chục năm cuối cùng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cao đến thấp đã đồng thuận rằng đúng là GDĐT khủng hoảng trầm trọng, bức bách không thể ‘chịu đựng’ được nữa, dẫn tới các nghị quyết của Đảng về cải cách-đổi mới GDĐT với ba cụm từ nổi bật là Căn Bản-Toàn diện-Triệt để.

Là sự nghiệp của toàn dân, toàn quốc của 20 triệu người trẻ và tất cả các hộ gia đình nên các vấn đề – triệu chứng của GDĐT biểu hiện rất rõ gây bức xúc, lo lắng trên diện bao trùm. Về con người-nhân văn ta thấy đạo đức băng hoại, xuống cấp, phong hóa suy đồi. Tệ nạn, tội phạm ngày càng bạo liệt và ‘trẻ hóa’. Nhiều người trẻ mất niềm tin, hy vọng vào tương lai, gia đình và xã hội. Thành tích học vấn giả tạo, dối trá… Các cuộc ‘chạy’: chạy trường, chạy thầy, chạy điểm, chạy thi, chạy tuyển, chạy dự án, chạy giấy phép, chạy chỉ tiêu… khiến toàn dân mệt mỏi. Về tri thức và kỹ năng thì bất cập và quá tải là phổ biến. Chất lượng ‘đầu ra’ – thành phẩm của công nghệ GDĐT là không chấp nhận được dẫn đến thất nghiệp, không làm được việc, phải đào tạo lại dẫn tới nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Bộ máy và cơ chế vận hành GDĐT cũng khủng hoảng: Không có hình thù mạch lạc mà rối bời với hàng núi giấy tờ, thủ tục, lộ trình… hàng chục kiểu loại trường phổ thông, hàng trăm trường ĐH, CĐ chắp vá các loại mà trường không ra trường, trò không ra trò, thầy không ra thầy! Không gian GDĐT nhẽ ra phải là phần sạch nhất trong một xã hội bị vấy bẩn, lan tràn mọi tệ nạn từ tham nhũng, hối lộ, lãng phí đến giả dối gian lận, lừa đảo, từ bạo hành, dâm ô đến cướp giật, đánh lộn… Kết cục là 20 năm tuổi thơ-tuổi xuân đáng nhẽ là quãng đời tươi đẹp, hạnh phúc, nhân ái nhất của 20 triệu người hóa thành đáng chán, đáng ghét, đáng lo, đáng sợ, đầy rủi ro! Những trình bày mà tôi gom góp lại trên đây có thể phiến diện, thậm xưng nhưng tiếc thay về cơ bản lại đúng với bản chất và hiện thực.

Vì vậy nếu chọn một sự kiện trong năm qua mang lại hy vọng cho toàn dân thì tôi sẽ chọn ‘sự kiện’ sau: Dằng dai, sôi sục hơn cả chục năm cuối cùng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cao đến thấp đã đồng thuận rằng đúng là GDĐT khủng hoảng trầm trọng, bức bách không thể ‘chịu đựng’ được nữa dẫn tới các nghị quyết của Đảng về cải cách-đổi mới GDĐT với ba cụm từ nổi bật là Căn Bản-Toàn diện-Triệt để.

*Căn bản là gì? Bắt đầu từ ‘triết lý’ GDĐT tức lý tưởng cứu cánh của nó là gì, hướng tới cái gì, nhằm tạo ra những loại người gì với những phẩm chấy, khả năng gì? Đại loại ở nước ta từng có các ‘triết lý’ sau: Thời phong kiến là GDĐT ra một số nhỏ ưu tú, người có tri thức và kỹ năng làm quan lại với phẩm hạnh của ‘người quân tử’ tuyệt đối trung thành với vương quyền và với các giáo điều Khổng Mạnh. Thời thuộc địa là GDĐT ra một lớp người rộng lớn hơn (tùy thuộc khả năng và điều kiện của họ); người có tri thức kỹ năng chuyên ngành để hành nghề kiếm sống và sản xuất tinh thần với phẩm hạnh con người cá nhân tự do, trung thành với các lý tưởng phương Tây và chế độ thuộc địa. Tiếp sau đó là: GDĐT là của toàn dân và nhằm tạo ra ‘con người mới XHCN’, các trí thức ‘vừa hồng vừa chuyên’ với phẩm hạnh lý tưởng XHCN. Tuy nhiên các tiêu chí khá mù mờ khó thẩm định nên khi khối XHCN giải tán, đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường, cả quốc gia lao vào xóa đói nghèo, phấn đấu tăng trưởng vượt bậc thì GDĐT vừa như bị thả nổi, rớt lại phía sau, mất phương hướng, không có triết lý nào soi đường và chống lưng nữa.

Sứ mạng của GDĐT là cung cấp kiến thức cho toàn dân hay đào tạo trí thức tinh hoa, hay cung cấp kỹ năng cho từng nhóm để cung ứng nguồn nhân lực? Phẩm hạnh của con người được GDĐT ra là phẩm hạnh của con người cá nhân tự do, của công dân XHCN hay của người bán sức lao động trong kinh tế thị trường? Là nền GDĐT nhằm tạo ra những con người toàn diện trí -đức- thể- mỹ, trung thành với các truyền thống dân tộc hay là nền GDĐT tạo ra những con người phát huy khả năng chuyên biệt của mình với năng lực của công dân quốc tế sẵn sàng hội nhập, toàn cầu hóa…vv và vv. Tất cả những câu hỏi ‘căn bản’ ấy vẫn /đang/ đều được/bị bỏ ngỏ. Liệu cuộc cải cách/đổi mới sắp tới có câu trả lời, có tìm ra một triết lý khác / mới?

Chỉ xin chắc chắn một điều: nền GDĐT của ta hiện nay là không thực chất và không tương thích với yêu cầu và thực tiễn xã hội cũng như mong muốn của người dân.

*Toàn diện là thế nào? GDĐT là một siêu hệ thống với hàng chục hệ con và hàng trăm hệ con-con. Đổi mới toàn diện giống như dỡ toàn bộ một tòa nhà rồi làm lại nó từ móng lên mái theo một bản thiết kế khác hoàn toàn? Hàng loạt các chùm câu hỏi cần lời giải. Và bất kì câu hỏi nào cũng có nhiều đáp án cần cân nhắc. Xin nêu vài thí dụ về các cuộc tranh luận, hiến kế, thể nghiệm gần đây nhất.

Về đối tượng GDĐT: 100% trẻ em sẽ học hết lớp 5 hay đến lớp 9. Bao nhiêu phần trăm nên học nghề, đi làm ngay sau lớp 9. Bao nhiêu phần trăm sẽ vào CĐ, ĐH? Về thời gian học sinh học 9, 10, 11 hay 12 năm ‘phổ thông’, 3-4 hay 5 năm ĐH? Hoặc theo chứng chỉ hoàn toàn không quy định thời gian. 20 tuổi, 22 hay 23 có thể có bằng đại học?

Về nội dung, chương trình: bao trùm là chuyện phải giảm tải. Có giáo sư từng cả đời dậy phổ thông cho rằng môn nào cũng cần giảm tới 1/3 khối lượng kiến thức! Cấp 1, cấp 2 học bao nhiêu môn thì vừa, những môn nào cần bỏ, nên thêm?

Về phương pháp, công nghệ thì gay gắt nhất là chuyện dậy nhồi sọ, đọc chép, không lấy người học làm trung tâm, hành khổ học sinh, giáo viên và phụ huynh, tước đi niềm vui học tập của con trẻ, giết chết sự sáng tạo của thầy cô.

Về hệ thống thi, đánh giá kết quả có hàng chục phương cách đã được đề xuất, thử nghiệm đều không thành công nhưng đều chỉ rõ thi, tuyển, đánh gía như hiện nay là nặng nề, lãng phí lớn, không chính xác thậm chí giả dối…

Về giáo viên thì nổi cộm nhất là vấn đề tiền lương, đãi ngộ không đủ sống thì phải dậy thêm kiếm thêm, phải băng hoại giáo đức! Ở đầu kia là chuyện chất lượng người dậy, nhất là bậc CĐ/ĐH vì hàng chục năm qua ta đã cấp vô vàn bằng cấp không đạt chuẩn khiến đội ngũ giảng viên không đạt chuẩn thống trị các trường lại còn phải ‘chạy xô’ đến cũng quá tải luôn! Làm sao thu hút được nhân tài Việt Kiều và nước ngoài? Làm sao hợp tác và liên thông quốc tế mà không bị lừa, bị thiệt vv và vv

Về hạ tầng thì trường lớp, trang bị quá xập xệ… Trường là đơn vị kinh doanh sinh lợi hay không sinh lợi? Trường tự chủ, tự trị đến đâu, theo cách nào và khi đó thì Bộ làm gì? Danh mục các câu hỏi đề ra cho đổi mới ‘toàn diện’ là bất tận khó biết bắt đầu từ đâu ở, khâu nào!

Triệt để đâu phải dễ! Dĩ nhiên từ triệt để trong nghị quyết là nhắm vào nội dung cải cách/đổi mới GDĐT nhưng ai, những nhân sự nào sẽ thiết kế tòa nhà mới này đây? Bộ GDĐT sẽ là chủ lực, là tổng hành dinh? Điều đó có vẻ khó vì Bộ GDĐT đã liên tục tự đổi mới, tự cải cách nhiều thứ, nhiều năm, nhiều lần đều bất thành. Trong số những người kêu gọi đổi mới nhiệt tình, chí lý, thuyết phục nhất có rất nhiều ‘nguyên’, ‘cựu’ lãnh đạo và cốt cán của Bộ. Phải chăng vì có kinh nghiệm rằng nếu còn đương chức tại cơ chế hiện hành thì không thể đổi mới được nên mới có kiến nghị muốn triệt để lần này phải thành lập một cơ quan, một ủy ban, một đại bản doanh đổi mới GDĐT độc lập (với Bộ). Đại bản doanh-phòng thiết kế này đặt ở đâu: Trực thuộc Chính phủ, Quốc hội hay Trung ương? Thành phần nhân sự của phòng thiết kế này phải/nên/cần/có thể là như thế nào, gồm những ai: các chuyên gia, trí thức đầu ngành, một số lãnh đạo ‘cựu’ và đương chức, các chuyên gia Việt Kiều và quốc tế, các chuyên gia các ngành liên quan như KH&CN, luật, tài chính…? vv và vv.

Dư luận dường như trông chờ việc thành lập cơ quan-ủy ban này như hành vi đầu tiên thể hiện quyết tâm triệt để đổi mới GDĐT.

Một cuộc đổi mới được trông đợi, hứa hẹn sẽ đưa ta tới một nền GDĐT thực chất và linh hoạt/năng động để có thể tương thích với xã hội luôn biến đổi.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)