Nếu chính sách giáo dục chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế

Trao đổi về bài viết Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới của tác giả Lê Trường Tùng, nghiên cứu sinh Tao Phùng nhấn mạnh, nếu một nền giáo dục không được xây dựng dựa trên những giá trị nhân văn, thì mọi biện pháp cấu trúc lại nó dựa trên các tính toán về mặt kinh tế sẽ không đem lại những điều tốt đẹp cho đa số người dân.

Nhìn vào đề xuất thay đổi kiến trúc hệ thống giáo dục, tôi thấy đây là một hướng đi nhiều hứa hẹn ở khía cạnh người học có nhiều lựa chọn hơn về thời gian học tập trong nhà trường và có thể sẽ làm cho việc học tập trong nhà trường phù hợp hơn với thực tế đa dạng và phong phú của người học cũng như nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy rằng có nhiều lực lượng xã hội tham gia vào giáo dục có mong muốn gia tăng thời gian học tập trong nhà trường và dẫn đến hiện tượng người lao động ngày càng cần có bằng cấp cao để xin được việc làm.

Ở Mỹ thời gian mà một người phải đi học tăng dần lên, và hiện nay nếu như không có bằng thạc sỹ thì khả năng kiếm việc làm là hạn chế. Người ta phải đi học triền miên và gánh chịu những khoản nợ khá nặng. Một người quen của tôi ước tính sẽ phải mất 10 năm để trả nợ sau khi tốt nghiệp đại học và số tiền bạn ấy phải vay là 200 nghìn USD. Tôi google thấy có chỗ nói trung bình một sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học phải nợ khoảng 24 nghìn USD. Nghe ra thì chỉ cần vài năm đi làm là đủ, nhưng sau vài năm đi làm, họ thường lại phải học tiếp lên. Hiện tượng này có thể do yêu cầu công việc ngày càng tăng, nhưng tôi nghĩ còn là do nền kinh tế suy thoái, không tạo được việc làm cho người dân và bản thân giáo dục đã trở thành một ngành kinh doanh. Người ta xây dựng và quảng bá các chương trình học, phối hợp với các đơn vị tuyển dụng để nâng cao yêu cầu về bằng cấp, bởi bằng cấp dù sao cũng thể hiện sự đầu tư học tập của các ứng viên. Ngành kinh doanh giáo dục có sức áp đặt của nó lên xã hội, chứ không phải chỉ biết phục vụ nhu cầu thật của xã hội. Khi nó lạm dụng quyền lực của nó, nó tạo ra các nhu cầu ảo. Nó ép người ta đi học để có bằng cấp và địa vị, và cung cấp rất nhiều sản phẩm dịch vụ người ta không cần đi kèm với những thứ người ta thật sự cần. Ngày càng phải có bằng cấp cao để tham gia thị trường lao động là một xu thế chung trên thế giới, nhưng nó là một tình thế cần các biện pháp quản lý để kiểm soát hơn là sự chấp nhận như một điều hiển nhiên là tốt đẹp.

Tôi cũng nghĩ rằng nhà nước ta không đủ kinh phí bao cấp cho hệ thống giáo dục sau phổ thông, và việc tăng học phí ở các trường đại học có lẽ là cần thiết, nhưng nó vẫn cần phải thực hiện trong một chừng mực nhất định. Các nước giàu có ở Tây Âu cũng phải chấp nhận thu và tăng học phí đại học công nhưng họ vẫn cố gắng duy trì mức học phí không quá đắt đỏ với sự trợ cấp một phần rất lớn từ nhà nước; và đó là việc họ buộc phải làm, chứ không phải là một cách thức “tiến bộ” hơn. Nhà nước chỉ tập trung lo tài chính cho giáo dục phổ thông thì sẽ dẫn đến nhiều bất công trong xã hội. Nước Mỹ đi theo lối đó, và so với các nước phát triển, đây là một nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất, có tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần lớn nhất và tỉ lệ người ngồi tù cũng lớn nhất. “Xã hội hóa” giáo dục là một biện pháp cần làm, nhưng làm nó tới đâu, theo hướng nào lại là một điều cần phải tính toán. Gánh nặng về mặt tài chính và thời gian học tập cho người dân, hay là sự lãng phí nguồn lực xã hội nói chung, hầu như sẽ không giảm nếu như nhà nước không có những biện pháp sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả và đảm bảo công bằng trong xã hội.

Dường như là hơi lạc quan nếu cho rằng việc kiến trúc lại hệ thống giáo dục và xã hội hóa giáo dục chắc chắn sẽ giúp việc sử dụng nguồn lực xã hội hiệu quả hơn vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố phức tạp khác. Nếu một nền giáo dục không được xây dựng dựa trên những giá trị nhân văn, thì mọi biện pháp cấu trúc lại nó dựa trên các tính toán về mặt kinh tế sẽ không đem lại những điều tốt đẹp cho đa số người dân. Chẳng hạn, mọi người đều đồng ý về tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhưng tôi cho rằng công nghệ thông tin phát triển cần phải gắn với các chính sách về tự do ngôn luận. Việc cải thiện tiếng Anh cũng cần phải nhận ra rằng trên thế giới có rất nhiều nước coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ thứ hai mà không hề giàu có, như Sudan và Uganda chẳng hạn. Một cách cá nhân, tôi nghĩ người dân phải được sống sao cho họ có thể yêu đất nước của mình, có mong muốn và điều kiện để xây dựng đất nước. Một vấn đề cần quan tâm là hiện giờ nhiều bạn trẻ học tiếng Anh với khao khát là đi ra nước ngoài chứ không phải là dùng tiếng Anh để xây dựng đất nước. Tôi không nói nó chắc chắn là điều xấu, nhưng nó chắc chắn không phải là điều hiển nhiên tốt đẹp.

Những hướng đổi mới nền giáo dục mà tiến sỹ Lê Trường Tùng đưa ra có thể tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập với những hướng đi cần thiết và hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp. Nhưng những điều đầy hứa hẹn ấy có thể không trở thành hiện thực nếu như các chính sách giáo dục chỉ hướng đến các mục tiêu kinh tế chứ không phải là các mục tiêu nhân văn.

***

* Nghiên cứu sinh ngành Chương trình, Giảng dạy và Đào tạo giáo viên, Đại học Michigan, Mỹ

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)