Nga đầu tư kinh phí để nâng cấp các cơ sở khoa học
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông báo, những ưu tiên của Dự án khoa học quốc gia là sẽ nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học và thiết bị nghiên cứu, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.
Trường đại học Công nghệ thông tin, cơ khí và quang học quốc gia Saint Petersburg (ITMO) là một trong các trường được đầu tư để lọt vào top 100 thé giới. Nguồn: ITMO
Theo hãng thông tấn Nga TASS, dự án khoa học quốc gia kêu gọi ít nhất có 15 trung tâm khoa học và giáo dục tầm cỡ thế giới cũng như nâng cấp hạ tầng nghiên cứu trong vòng 6 năm.
Ông Medvedev nhấn mạnh là tất cả các viện nghiên cứu hàng đầu của Nga sẽ nhận được các thiết bị tiên tiến với số lượng 50% thiết bị được nâng cấp hoặc thay mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tập trung vào đầu tư cho thiết bị có thể đem lại những đột phá công nghệ cũng như có một hiểu biết rõ ràng về kết quả sẽ đạt được trên chính thiết bị đó. “Việc các cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Nga lọt vào danh sách những cơ sở nghiên cứu hiện đại bậc nhất thế giới rất quan trọng”, ông nói.
Theo tường thuật về cuộc gặp gỡ đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm Nga vào ngày 6/2/2019 của TASS, thủ tướng Medvedev cũng cho biết, Dự án khoa học quốc gia có thể giúp giải quyết nhiều thách thức mà các nhà nghiên cứu Nga phải đối mặt trong khi mục tiêu đưa Nga vào top năm quốc gia dẫn đầu thế giới về KH&CN “khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được”.
Ông Medvedev cũng nêu rõ, các nhà khoa học trẻ cũng cần được ủng hộ, không chỉ về mặt tài chính mà còn cả việc tham gia các hoạt động học thuật như hội nghị khoa học, xuất bản công bố trên các tạp chí quốc tế, các ứng dụng từ sáng chế.
Các điều kiện xã hội cho các nhà khoa học
Ông nói, cần phải quan tâm đến việc cải thiện các điều kiện xã hội, điều kiện sống của các nhà khoa học, đồng thời thừa nhận nỗ lực thực hiện vẫn chưa đủ để đem lại cho họ chỗ ở.
Dự án Khoa học quốc gia được thiết kế để thúc đẩy điều đó cũng như các vấn đề liên quan khác. Hỗ trợ các tài năng khoa học và thúc đẩy nghiên cứu tiên tiến là ưu tiên của chính phủ, phải đi vào thực tế chứ không được là khẩu hiệu, ông cho biết thêm.
Phó thủ tướng Tatyana Golikova nói: “Chúng ta hiểu rằng để có thêm các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, chúng ta cần tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu cho họ.”
Thủ tướng Medvedev thông báo, ngân sách đầu tư cho dự án quốc gia này đã được chấp thuận, với khoảng 135 tỷ ruble (2 tỷ USD) được giải ngân trong vòng 3 năm. Trên thực tế, chi phí dành cho R&D đến từ tất cả các nguồn có thể tăng lên theo GDP, như dự án đã dự kiến.
Vào tháng 11/2018 vừa qua, tổng thống Putin đã thông báo là 635 tỷ ruble (khoảng 9,6 tỷ USD) có thể sẽ được phân bổ cho dự án Khoa học quốc gia đến năm 2025 với 405 tỷ ruble từ ngân sách trung ương và 231 tỷ ruble từ các nguồn ngoài ngân sách. “Chúng ta cần hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học và các kỹ sư xuất sắc, những người đang làm việc tại những lĩnh vực nhiều hứa hẹn nhất”, Putin nói tại một cuộc gặp gỡ Hội đồng KH&GD Liên bang Nga ngày 27/11/2018. “Chúng ta phải tập trung đầu tư tới hạn cho các lĩnh vực phát triển với các mục tiêu mà chiến lược đất nước về phát triển KH&CN đặt ra”.
Nga cần có được những kết quả mang tầm đột phát và đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo sức cạnh tranh của nền công nghiệp quốc gia, để hình thành một cơ sở sản xuất hùng mạnh, để làm mới cơ sở hạ tầng giao thông đất nước, để giới thiệu các công nghệ mới vào ngành công nghiệp và tăng trưởng môi trường, chất lượng y tế, theo một thông báo từ Dự án 5 – 100 của Nga.
Cắt giảm tệ quan liêu
Cùng thời điểm, Bộ KH và giáo dục đại học đang cải cách lại hệ thống quản lý quan liêu để đem lại những điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học, bao gồm việc cắt giảm tệ quan liêu, thủ tục hành chính giấy tờ, Bộ trưởng Mikhail Kotyukov đã thông báo như vậy trong một buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Nga ngày 28/11/2018.
Tệ quan liêu trong các trường đại học, vốn xuất hiện ở nhiều vấn đề, trải rộng từ việc cung cấp các thiết bị văn phòng, vật liệu thí nghiệm đến các báo cáo tài chính mà các nhà nghiên cứu phải nếm trải khi nhận được tài trợ cho nghiên cứu, sẽ được cắt giảm theo quan điểm chung của bộ.
Kotyukov cho biết trong khi xấp xỉ một nửa các thủ tục tài chính được đơn giản hóa thì những vấn đề liên quan tới các hoạt động nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu sẽ phải được chấp hành như trước.
“Bắt đầu một nghiên cứu mới có nghĩa là bảo vệ chủ đề nghiên cứu, điền vào các loại giấy tờ tưởng như vô tận, đi dạo quanh các tài liệu khác nhau và viết báo cáo,” Kotyukov đề cập đến vấn đề thủ tục giấy tờ trước đây các nhà nghiên cứu phải tuân theo. “Giờ tôi tin tưởng là Bộ Khoa học và giáo dục đại học cùng Viện hàn lâm Khoa học Nga sẽ làm việc cùng nhau để cắt giảm những thủ tục đó vì lợi ích của nghiên cứu.”
Chính phủ Nga đang lập kế hoạch đưa các sửa đổi đối với luật hiện hành để bắt buộc sinh viên sau đại học phải bảo vệ luận án tốt nghiệp. Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học sẽ trình bày các đề xuất và khuyến nghị của mình về các sửa đổi đó để trình chính phủ trong ba tháng đầu năm 2019.
Giáo sư Aleksandr Sergeev, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga đã nêu sự cần thiết của việc cải cách giáo dục sau đại học “để đảm bảo vai trò của nó như bước đầu tiên trong xây dựng sự nghiệp khoa học. Bảo vệ luận văn phải là yêu cầu bắt buộc với sinh viên sau đại học. Số lượng các giờ giảng dạy bắt buộc cũng phải giảm đáng kể. Họ là những nhà nghiên cứu tương lai chứ không phải giáo viên.”
Tài trợ thêm cho Dự án 5-100
Thủ tướng Medvedev cũng đã ký phân bổ một khoản trị giá 9,9 tỷ rruble (150 triệu USD) từ ngân sách liên bang hỗ trợ các trường đại học hàng đầu đất nước. Khoản kinh phí này được phân định để thúc đẩy sức cạnh tranh của chúng trên phạm vi toàn cầu và sẽ tới 21 trường thuộc Dự án 5-100.
Khoản hỗ trợ này sẽ được phân bổ cho dự án nhà nước Các nhà khoa học trẻ, vốn được trông chờ sẽ tăng sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục quốc gia. Nó cũng là một phần của Dự án giáo dục quốc gia nhằm mục tiêu đưa đất nước trở thành một thành viên quan trọng trong thị trường học thuật quốc tế.
Anh Vũ dịch
Nguồn: https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20190220071424238