Người gác cổng thiên đàng

"Những sự khác biệt mà không thật sự tạo nên được những sự khác biệt thì không phải là những sự khác biệt"! Đó có lẽ là hạt nhân của triết thuyết dụng hành Mỹ, xem nguồn gốc của mọi việc là ở trong hành động, hướng đến kết quả của hành động và mời gọi hành động.

Vì thế, triết thuyết dụng hành không tra hỏi về những “sự thiện tối cao” hay những nguyên lý phổ quát, mà về sự khả biến của thế giới, về tính chất diễn trình của nó. Thế giới là “đề án”, là “thử nghiệm”, nên chìa khóa của sự tiến bộ không nằm trong quá khứ hay trong các giá trị cao xa như thói quen của triết học, mà trong việc thẩm định thực trạng. Nếu tương lai đặt nền móng trong hiện tại và con người có thể tạo nên cái mới bằng tư duy sáng tạo, thì con người cũng tự gánh chịu trách nhiệm, bởi phải tự mình cân nhắc trước những hậu quả của hành động. Chưa bàn đến lời phê bình có thể có đối với thuyết dụng hành: hành động của con người, kỳ cùng, có hướng theo những giá trị bất biến nào không, ta tập trung vào hai câu hỏi sau cùng trong triết thuyết giáo dục-hành động của John Dewey: bản chất của phương pháp và vai trò của nhà trường trong sự tiến bộ của xã hội.

BẢN CHẤT CỦA PHƯƠNG PHÁP

Dewey theo thuyết dụng hành, (thậm chí ông còn gọi là “thuyết công cụ”), vì thế, với ông, thế giới dựa trên kinh nghiệm và con người chỉ có thể học hỏi nếu biết nối kết kinh nghiệm với quá khứ và tương lai. Công thức nổi tiếng của ông: “giáo dục là kinh nghiệm liên tục được tái tạo”. Vậy, kinh nghiệm là gì? Ông trả lời: đó là tiến trình tuần hoàn liên tục giữa hành động của ta và thế giới chung quanh. Một khi vòng tuần hoàn này gặp rắc rối, bị tắt nghẽn và không thể giải quyết bằng thói quen được nữa, ta gặp phải “vấn đề”. Bấy giờ tình huống buộc ta phải suy nghĩ và tiến hành “có phương pháp”. Phần đóng góp của tư duy phương pháp càng lớn, chất lượng giáo dục của kinh nghiệm càng cao. Để kinh nghiệm có thể trở thành “kinh nghiệm giáo dục”, ta cần phân biệt hai loại kinh nghiệm: kinh nghiệm cấp một, bằng “thử và sai”; kinh nghiệm cấp hai, như là hệ thống và khoa học. Chỉ có kinh nghiệm cấp hai này mới có giá trị trong giáo dục. Ở cấp hai này, ta phải trải qua “toàn bộ hành trình tư duy” gồm năm bước:

–     nhận diện tình huống như là “có vấn đề”;

–     làm rõ tình huống bằng cách xác định vấn đề và phác họa một kế hoạch.

–     nghiên cứu vấn đề, đặt và kiểm tra các giả thuyết;

–     suy nghĩ thấu đáo những hệ quả của giải pháp; và sau cùng

–     quyết định chọn một giải pháp, rồi lại kiểm tra lần nữa trước khi chấp nhận hoặc bác bỏ.

Vậy, chỉ khi ta suy nghĩ và hành động có phương pháp, ta mới thu thập tri thức và kinh nghiệm để tiến tới kinh nghiệm cao hơn, xa hơn.

Dewey rút ra kết luận: việc học trong nhà trường là một chuỗi những tình huống có vấn đề, mà học sinh phải xử lý dựa vào “phương pháp khoa học”. Đi vào cụ thể, thầy giáo lựa chọn những tình huống sao cho học sinh không thể giải quyết chỉ bằng những kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của cá nhân mình, trái lại, buộc học sinh phải tra cứu kinh nghiệm của những người đi trước, tức phải cầu viện đến tri thức hàn lâm và chuyên ngành để cân nhắc phương hướng, đề ra giả thuyết và hoàn thành được nhiệm vụ. Chính “phương pháp vấn đề” sẽ giúp phát triển năng lực tư duy trong hành động thực tiễn và nâng cao chất lượng kinh nghiệm dựa theo một kế hoạch cặn kẽ.

Theo Dewey, tất nhiên cần phải xem trọng những thắc mắc, ham thích và thiên hướng tự nhiên của học sinh, nhưng chức trách của nhà giáo còn ở chỗ thách thức người học về mặt trí tuệ bằng những đề nghị, câu hỏi và tư liệu hấp dẫn trên nhiều lĩnh vực: những bài toán, những thí nghiệm khoa học, những nghiên cứu điền dã, những công trình sáng tạo v.v.. Quan trọng ở đây là: không chỉ kích thích động cơ học tập mà còn giúp người học sở đắc những kiến thức vững chắc từ những “vấn đề” hiện thực và khách quan, qua đó mở rộng và nâng cao kinh nghiệm.

NHÀ TRƯỜNG VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI

Dewey đã từng xem nhà trường là cơ sở hiệu quả nhất của giáo dục và tiến trình xã hội hóa. Bây giờ, ông còn đi một bước xa hơn nữa: nhà trường và giáo dục là phương tiện hiệu quả nhất để biến đổi xã hội. Trong “Tín niệm giáo dục của tôi”, ông viết: “Tôi tin rằng giáo dục là phương pháp cơ bản cho sự cải cách và tiến bộ xã hội”. Nhờ năng lực khoa học và uy tín xã hội, nhà trường có thể giúp xã hội Mỹ trở thành nền “dân chủ xã hội” dựa trên sự tự do và bình đẳng về cơ hội.

Muốn thế, cần phải có một “đội ngũ” nhà giáo thực sự trưởng thành. Họ cần được huấn luyện về tâm lý, đào tạo về khoa học và sẵn sàng dấn thân. Họ không thể tiếp tục nhận đồng lương chết đói và là chỗ trú chân tạm thời cho nữ giáo viên trước khi lập gia đình như tình hình ở nước Mỹ đương thời. Trái lại, họ phải được chuyên nghiệp hóa và phục vụ xã hội, độc lập với bộ máy quan liêu. Dewey gửi gắm toàn bộ niềm tin vào sức mạnh, quyền lực và sự liêm khiết của nhà giáo qua những lời hùng hồn hiếm có khi kết thúc tác phẩm nói trên: “Tôi vững tin rằng nhà giáo luôn là công bộc của xã hội để bảo tồn trật tự xã hội đúng đắn lẫn sự tăng trưởng xã hội đúng đắn (…), vì thế, nhà giáo bao giờ cũng là nhà tiên tri của Thượng Đế đích thực và là người gác cổng của thiên đàng đích thực”.

Ông hiểu “trật tự xã hội đúng đắn” là nền dân chủ tự do do các “tổ phụ” khai sinh ra nước Mỹ tạo ra và mục tiêu mà “sự tăng trưởng xã hội đúng đắn” hướng tới là xã hội đa nguyên, không có áp bức, bóc lột và có sự tham dự và hợp tác của mọi công dân.

Dewey không đơn độc trong ước vọng này về nhà trường và giáo dục nếu ta nhớ lại bối cảnh của nước Mỹ từ nửa sau thế kỷ 19. Ngay từ 1883, Francis W. Parker, giám đốc trường sư phạm Chicago (được Dewey rất ngưỡng mộ) từng gọi nhà trường là “cộng đồng hoàn hảo” và là “bào thai của nền dân chủ”. Parker tiên đoán: “Một ngày nào đó, nhà giáo sẽ lãnh đạo xã hội và định hình công luận”. Với Parker cũng như Dewey, nhà trường là hình thức lý tưởng của xã hội, mang trọng trách song đôi: là “cơ sở đào tạo chính trị” để mang lại ý thức trách nhiệm và năng lực phê phán cho “trí tuệ xã hội”, đồng thời là “trung tâm phục vụ xã hội” giúp công dân biết tự giúp mình và tự khai phóng chính mình.

Nhưng rồi cũng chính kinh nghiệm khắc nghiệt trước thực tế xã hội đã khiến Dewey có phần điều chỉnh lại sự hưng phấn của tuổi trẻ trong “Kinh nghiệm và Giáo dục” (1938). Nhà trường và giáo dục tuy vẫn là “điều kiện cần” nhưng chưa thể là “điều kiện đủ” cho sự cải biến xã hội.

Tuy nhiên, sự xác tín không thay đổi nơi ông: nhà trường không phải là chỗ tái sản xuất những “con người công cụ” cho xã hội mà là nơi nuôi dưỡng và tái tạo nhân tố cải cách xã hội.

Người đàn ông bé nhỏ với hàng râu mép đáng yêu ấy mang dáng dấp của một Moses nhẫn nại trước ngưỡng cửa của “thiên đàng giáo dục”! (Lawrence A. Cremin, 1961).


Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)