Người Mỹ nói về mô hình giáo dục Phần Lan?

Tại bãi cỏ bên ngoài khuôn viên trường Kallahti, một nhóm trẻ em khoảng 9 tuổi ngồi dựa lưng vào nhau, lấy que cây, quả thông, quả dâu và đá sỏi xếp hình trên mặt đất đóng băng. Để cho các em khác tuy không nhìn thấy các hình xếp ấy nhưng vẫn có thể nói đó là hình gì, nhóm trẻ xếp hình sẽ phải dùng những từ ngữ hình học thích hợp để mô tả các hình thù đó.

Ông Veli-Matti Harjula, thầy giáo phụ trách dạy nhóm học sinh này suốt từ lớp 3 đến lớp 6, giải thích: Đây là một cách dạy toán khác với cách dùng bút và giấy, nó có thể trực tiếp đi thẳng vào đầu óc lũ trẻ. Thực ra khái niệm dạy “Toán học ngoài trời” (Outside math) ấy do các nhà giáo dục Thụy Điển nghĩ ra, chứ không phải của Phần Lan. Có điều thầy giáo Harjula chẳng cần xin phép ai cả mà vẫn có thể áp dụng phương pháp này miễn là làm sao cho học sinh đạt được các mục tiêu tổng thể của giáo trình giảng dạy do Ủy ban Giáo dục Phần Lan quy định. Nói riêng về môn toán, giáo trình cơ bản chỉ có 10 trang (tăng thêm 3,5 trang so với trước đây).

Gần đây tất cả mọi người trên thế giới đều sửng sốt khi thấy Phần Lan nổi lên như một vì sao mới trong lĩnh vực giáo dục. Trong kỳ trắc nghiệm PISA gần đây nhất vào năm 2009, Phần Lan đứng thứ 2 về hiểu biết khoa học, thứ 3 về toán và thứ 2 về đọc hiểu. Trong khi đó, thành tích của Mỹ về tất cả các chỉ tiêu hầu như đều tụt hạng, họ đứng thứ 15 về đọc, chỉ đạt trình độ trung bình của OECD. Chính bản thân người Phần Lan cũng ngạc nhiên với những thành tựu trong giáo dục của mình bởi họ cũng chỉ làm mỗi một việc là giảm hết mức việc kiểm tra sát hạch học sinh mà thôi.

Chỉ có hai cường quốc giáo dục châu Á – Hàn Quốc và Singapore mới là đối thủ thực sự của Phần Lan. Hai quốc gia này áp dụng phương pháp luyện học sinh học rất nặng, khiến người ta nhớ đến chương trình luyện học sinh giỏi để dự thi Olympic của khối Xô Viết cũ. Quả thực gần đây một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa – bà Amy Chua, có viết một cuốn sách tên là Chiến ca của Mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother), trong đó bà chê trách các phụ huynh người Mỹ đã không áp dụng kỷ luật sắt trong việc dạy con – cách làm bà cho là cần thiết để đào tạo được học sinh giỏi. Cuốn sách ấy đã khiến cho nhiều người băn khoăn không hiểu làm như thế có quá đáng hay không.

Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng thoải mái của Phần Lan có thể đem lại thành công cấp thế giới. Điều đó đã thu hút các đoàn cán bộ giáo dục từ Mỹ và khắp thế giới đến Helsinki để khảo sát học hỏi. “Tại châu Á, học sinh phải học rất nhiều giờ ở trường và nhiều giờ ở nhà. Nhưng tại Phần Lan học sinh học ở trường ít giờ hơn học sinh Mỹ. Đây là một mô hình hấp dẫn hơn”. – ông Andreas Schleicher, người phụ trách thi PISA của OECD nói.

Hơn nữa bài làm về nhà của học sinh Phần Lan cũng rất ít. Ông Katja Tuori chuyên trách công tác tư vấn tại trường Kallahti, nơi học tập của các trẻ em dưới 16 tuổi, nói: “Mỗi ngày làm bài tập ở nhà một tiếng đồng hồ là đủ để trở thành học sinh giỏi. Lũ trẻ còn có cuộc sống của chúng chứ”.

Dĩ nhiên nhà trường cũng có nội quy của mình. Chẳng hạn không được mang iPod hoặc điện thoại di động vào lớp; trong giờ học không được đội mũ (thậm chí người ta còn định cấm mặc áo khoác trong lớp, nhưng vì khí hậu quá lạnh nên thôi). Chỉ thế thôi, không nhiều hơn. Có lần thầy Tuori phát hiện thấy một học sinh nhắn tin trong giờ học, ông nhìn cậu bé với ánh mắt trách móc, thế là cậu ta ngoan ngoãn cất điện thoại đi. Tuori nói: “Chỉ khi học sinh có những hành vi thực sự xấu như đánh nhau thì mới bị trừng phạt”.

Xét về mặt coi học sinh là trẻ con để dạy dỗ chúng, người Phần Lan có rất nhiều ý tưởng khôn ngoan. Chẳng hạn họ để cho giáo viên phụ trách một lớp suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu; như vậy sẽ có thời gian lâu dài dăm năm để theo dõi nắm được tính tình học sinh và qua đó tìm được cách thích hợp dạy dỗ chúng.

Thành công của giáo dục Phần Lan đa phần bắt nguồn từ một vũ khí không có gì bí mật cả – đó là thầy cô giáo. Ông Schleicher ở OECD nói: “Chất lượng giảng dạy là nhân tố làm cho Phần Lan thành công về giáo dục. Tại nước Mỹ, giáo dục đã trở thành một mô hình công nghiệp, giáo viên chỉ là công cụ dùng để chuyên chở một sản phẩm làm sẵn. Còn ở Phần Lan thì giáo viên là tiêu chuẩn mẫu mực (của xã hội)”.

Đó cũng là một trong các nguyên nhân vì sao nhiều người Phần Lan muốn trở thành giáo viên. Nhờ thế nước này có thể lựa chọn ra những giáo viên giỏi từ một kho đầy ắp nhân tài sư phạm. Số liệu mới nhất cho thấy năm 2008 có 1.258 sinh viên tốt nghiệp đại học xin dự khóa đào tạo giáo viên tiểu học, nhưng chỉ có 123 người (tương đương 9,8%) được nhận. Khóa đào tạo tiêu chuẩn này kéo dài 5 năm. Mỗi giáo viên đều phải có học vị thạc sĩ (người Phần Lan gọi là thạc sĩ giáo dục, tức kasvatus, từ được dùng để gọi bà mẹ dạy con). Mức lương hằng năm của giáo viên là từ 40 đến 60 nghìn USD và họ làm việc mỗi năm 190 ngày.

Ông Jari Lavonen Chủ nhiệm Khoa Sư phạm trường Đại học Helsinki nói: “Bỏ ra 5 năm để đào tạo tất cả các giáo viên là một việc làm tốn kém, nhưng điều đó làm cho các thầy cô giáo của chúng tôi được xã hội rất tôn trọng và khen ngợi”. Nhận xét về các đồng nghiệp Phần Lan, Dan MacIsaac, chuyên gia giáo dục môn vật lý người Mỹ tại Đại học bang New York ở Buffalo từng đến thăm Phần Lan hai tuần đã nói: “Các thầy giáo của họ chuẩn bị bài dạy môn vật lý tốt hơn chúng ta. Họ được tự do phát huy kỹ năng giảng dạy chứ không như ở Mỹ, nơi người ta đối xử với giáo viên như với người đưa bánh piza, nghĩ cách làm thế nào để đưa bánh đến nơi nhanh hơn”.

Theo Reijo Laukkanen cố vấn Ủy ban Giáo dục Nhà nước: “Phần Lan là một xã hội công bằng, còn Nhật và Hàn Quốc là những xã hội cạnh tranh rất mạnh — nếu bạn không học tốt hơn hàng xóm thì cha mẹ bạn sẽ bỏ tiền cho bạn đi học các lớp học buổi tối. Người Phần Lan không quá coi trọng việc mình phải có biểu hiện xuất sắc hơn người hàng xóm. Ở xứ này mỗi người đều đạt được trình độ trung bình, nhưng trình độ trung bình ấy rất cao”. Nguyên tắc đó đã giúp cho Phần Lan gặt hái được thành công lớn về giáo dục. Kết quả trắc nghiệm PISA về kiến thức khoa học năm 2006 cho thấy 80% nhóm học sinh kém nhất của Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh kém nhất) của OECD. Còn ở nhóm học sinh khá nhất thì chỉ có 50% học sinh Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh khá nhất) của OECD. Điều đó xét về tổng thể, việc nâng cao trình độ trung bình của nhóm học sinh bậc thấp đã đem lại hiệu quả sâu xa.

Dường như Phần Lan có thể xuất khẩu một số chính sách giáo dục của họ, nhưng sẽ không dễ để họ xuất khẩu được ý tưởng “tất cả vì một người, mỗi người vì mọi người” mà họ vẫn theo đuổi. Xin nêu một thí dụ: Thái Lan từng có ý định nhập khẩu mô hình Phần Lan để áp dụng cho hệ thống giáo dục của mình. Tuy nhiên, tại xứ sở châu Á này mỗi khi xuất hiện tình hình học sinh nào đó học kém thì phụ huynh sẽ mời gia sư đến nhà dạy thêm – một chuyện khó có thể tưởng tượng ở Phần Lan.
 
Nguyễn Hải Hoành  lược dịch Nguồn: Finnishing School
http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,2062465,00.html Apr. 11, 2011

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)