Người nghèo “chê” giáo dục miễn phí

Hai năm rưỡi qua*, tôi đã lãnh đạo và tiến hành nghiên cứu ở Hạ-Sahara của châu Phi (Kenya, Nigeria, và Ghana) và châu Á (Ấn Độ và Trung Quốc). Và tôi đã phát hiện ra một cuộc cách mạng – do người nghèo tự làm cho mình – rất đáng chú ý nhưng cho đến nay vẫn bị lờ đi. Trong thế giới đang phát triển, người nghèo đang tìm cách né tránh hệ thống giáo dục miễn phí vì lo ngại về chất lượng thấp và thiếu trách nhiệm giải trình của nó. Trong khi đó, những người làm kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục từ những cộng đồng nghèo khó đã tự dựng lên những ngôi trường phù hợp với túi tiền của dân chúng.

Kenya là một trong những trường hợp được LHQ coi là thí dụ cho thấy tác dụng của hệ thống giáo dục cơ sở miễn phí. Giáo dục tiểu học miễn phí (FPE) được áp dụng ở Kenya từ tháng 1/ 2003, với khoản tài trợ là 55 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) – đây là khoản tài trợ trực tiếp cho lĩnh vực dịch vụ xã hội lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả làm thế giới phải ngạc nhiên: cựu Tổng thống Bill Clinton từng nói với khán giả chương trình truyền hình trong giờ cao điểm của Mỹ rằng người ông muốn gặp nhất là Tổng thống Kibaki của Kenya vì “ông ấy đã bãi bỏ học phí”, việc này “sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn là bất cứ vị Tổng thống nào đã từng làm hoặc sẽ làm”. Còn Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Gordon Brown – khi đến thăm trường tiểu học mang tên Olympic Primary School, một trong năm trường quốc lập ở ngoại ô Kibera– đã nói với đám đông ở đấy rằng phụ huynh học sinh nước Anh hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng tiền thuế của họ để tài trợ cho chương trình FPE. Mọi người – trong đó có các Sir Bob Geldof  và Bono – đều ca ngợi việc có thêm 1,3 triệu trẻ em Kenya được cắp sách đến trường. Lí trí thông thường cho rằng hành động hào hiệp của cộng đồng quốc tế đã cứu được những đứa trẻ này thoát khỏi cảnh dốt nát, tối tăm.

Nhưng lí trí thông thường hóa ra hoàn toàn sai. Nó bỏ qua thực tế đáng chú ý là người nghèo ở châu Phi không khoanh tay chờ đợi những ngôi sao ca nhạc và chính khách phương Tây rút hầu bao để đảm bảo con em họ được học tập một cách tử tế. Thực tế là các trường tư thục dành cho trẻ em nghèo đã đồng loạt xuất hiện trong một số những khu ổ chuột nghèo nàn nhất ở châu Phi và châu Á, có chi phí thấp hơn những trường công lập.

Tôi đã đến Kibera (ở TPNairobi, Kenya, được coi là khu nhà ổ chuột lớn nhất châu Phi) để tự mình xem xét, với linh cảm rằng câu chuyện thành công được phổ biến một cách sâu rộng có thể che giấu một cái gì đó. Ở Ấn Độ, tôi đã thấy người nghèo hoàn toàn không hài lòng với các trường công lập – công trình nghiên cứu gần đây chứng tỏ rằng khi các nhà nghiên cứu bất ngờ tới các trường công lập dành cho người nghèo thì chỉ có một nửa hoạt động mà thôi– như vậy là có rất nhiều trẻ em đến các trường tư thục với học phí rất thấp. Kenya có gì khác không? Mặc dù ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói với tôi ở nước ông trường tư là dành cho người giàu chứ không phải người nghèo, và như vậy là tôi đã lầm lạc trong quá trình tìm hiểu, nhưng tôi vẫn kiên trì và đi đến các khu ổ chuột.

Chỉ trong vòng mấy phút, tôi đã tìm thấy điều mình đang tìm kiếm. Tấm biển quảng cáo bên ngoài một ngôi nhà hai tầng lợp tôn ọp ẹp viết: “Trường cấp một Makina”. Trong văn phòng chật hẹp, cô Jane Yavetsi, người chủ của ngôi trường, sẵn sàng kể lại câu chuyện của mình: “Giáo dục miễn phí là nguyên nhân chính,” cô nói. Từ khi có giáo dục miễn phí, số học sinh của cô đã giảm từ 500 xuống còn 300, và bây giờ cô không biết lấy đâu ra tiền trả phí thuê nhà. Nhiều phụ huynh muốn con em mình ở lại, nhưng những người khá giả hơn trong số những phụ huynh nghèo khổ, cũng là những người trả học phí đúng hạn, đã mang con họ đi. Học phí ở đây chỉ khoảng 200 đồng Kenya (khoảng 2,80 USD)/tháng. Nhưng những đứa trẻ nghèo nhất, trong đó có 50 em mồ côi được miễn phí. Cô thành lập ngôi trường này cách đây 10 năm và đã vượt qua nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ cô cảm thấy chán nản: “Giáo dục miễn phí làm tôi điêu đứng”, cô nói.

Trường của Jane không phải là trường tư thục duy nhất ở Kibera. Chúng tôi đã tìm được tổng cộng 76 trường tư thục với hơn 12.000 học sinh. Trong khi đó, năm trường của chính phủ phục vụ khu Kibera với khoảng 8.000 em – nhưng một nửa số đó sống ở các khu trung lưu. Hóa ra là, ngay cả sau khi đã có hệ thống giáo dục công lập miễn phí, các trường tư thục vẫn là nơi mà phần lớn trẻ em trong các khu ổ chuột nghèo nàn theo học.

Kinh nghiệm chung?

Những điều Jane đã trải qua có phải là điển hình kể từ khi có giáo dục tiểu học miễn phí hay không? Phần lớn trong số 70 chủ sở hữu các trường tư thục ở Kibera đều nói rằng từ ngày có hệ thống FPE, số học sinh đã giảm nghiêm trọng. Nhưng nhiều người cũng nói rằng các phụ huynh ban đầu đem con em đi thì nay đã quay trở lại vì họ không thích những chuyện đang diễn ra trong các trường công lập. Tính toán cho thấy rằng số học sinh hụt đi từ các trường tư là nhiều hơn con số 3.300 em được báo cáo là mới nhập học vào các trường công lập ở ngoại vi Kibera, và số em mới nhập học này đã được người ta tính luôn vào trong số một triệu học sinh mới đến trường – một thành tích vẫn được ca ngợi khá nhiều.

Nói cách khác, sĩ số gia tăng là điều ảo tưởng: FPE không hề làm gia tăng số trẻ đến trường, và chỉ khiến một số em chuyển từ trường tư sang trường công mà thôi.

Tôi đem kết quả nghiên cứu ra thảo luận với các quan chức cao cấp của Chính phủ, của WB và các cơ quan viện trợ. Số trường học mà tôi tìm thấy làm họ ngạc nhiên. Nhưng họ lại bảo rằng nếu trẻ em chuyển từ trường tư sang trường công thì tốt: “Không ai tin là trường tư có thể dạy với chất lượng tốt”, họ nói với tôi như thế.

Trong quá trình tiếp tục khảo sát ở Kenya, tôi và nhóm của mình đã được tiếp xúc với những phụ huynh từng mang con đến các trường “miễn phí” của nhà nước, nhưng sau đó đã phải thất vọng vì kết quả thu được và buộc phải cho con em mình quay lại trường tư. Lí do rất dễ hiễu: các lớp trong trường công quá đông, thầy giáo không thể quản nổi 100 hoặc hơn học sinh trong mỗi lớp, nhiều hơn gấp năm lần học sinh trong lớp ở trường tư. Phụ huynh so sánh và thấy rằng có khi cả tuần cũng chẳng thấy giáo viên trường công ghi nhận xét vào vở, trong khi ở trường tư giáo viên chú ý kiểm tra từng bài tập của học sinh. Họ nghe trẻ em kể lại rằng giáo viên trường công thường đan hoặc ngủ trong giờ học. Một người đã tổng kết tình hình một cách cô đọng như sau: “Ra chợ mà được cho rau quả thì đấy là rau quả thối. Muốn ăn rau quả tươi thì phải trả tiền”.

Có thể là các vị phụ huynh này đã bị lầm lẫn. Các quan chức tin là như thế. Nhưng họ có lí không? Chúng tôi đã dùng những bài tập tiêu chuẩn hóa về toán, tiếng Anh và tiếng Kiswahili để kiểm tra 3.000 em, một nửa từ khu nhà ổ chuột ở Nairobi, còn nửa kia từ các trường công lập. Chúng tôi kiểm tra hệ số IQ của cả giáo viên lẫn học sinh, chúng tôi còn phỏng vấn học sinh, phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lí nhà trường với mục đích nắm được tất cả các thông số có liên quan. Mặc dù trường công lập dạy cả con em tầng lớp trung lưu đặc quyền đặc lợi cũng như con em các khu ổ chuột, còn trường tư chỉ dạy con em các khu ổ chuột – học sinh trường tư giỏi hơn học sinh trường công về toán và tiếng Kiswahili, còn trường công thì khá hơn một chút về Anh văn. Nhưng con em gia đình khá giả có thể giỏi tiếng Anh vì được xem TV và giao tiếp với cha mẹ.

Nhưng thế chưa phải là hết. Trường tư còn hơn trường công ở chỗ chi phí thấp hơn. Ngay cả nếu như chúng ta bỏ qua chi phí khổng lồ của bộ máy quan liêu của chính phủ và chỉ tập trung chú ý đến lớp học thì chúng ta sẽ thấy ngay trường tư tốt hơn trường công vì lương giáo viên trường tư chỉ bằng một phần ba lương giáo viên trường công: lương giáo viên trường công là 11.080 Ksh (155 USD)/tháng, trong khi lương giáo viên trường tư chỉ là 3.735 Ksh (52 USD)/tháng.

Một phụ huynh đưa ra biện pháp: “Chúng tôi không muốn cho con em vào trường công, nơi Chính phủ cho học miễn phí. Tại sao Chính phủ không đưa tiền cho chúng tôi và để chúng tôi tự chọn trường cho con em mình?” Đối với vị phụ huynh này, hệ thống voucher (phiếu trả tiền trước, cấp cho người sử dụng) là biện pháp tiến bộ, trả lại cho bà quyền kiểm soát nhà trường.

“Giúp đỡ” mãi mãi

Nigeria đã ban hành Luật Giáo dục tiểu học miễn phí từ năm 1976. Từ đó đến nay, nền giáo dục công lập của nước này đã được cộng đồng quốc tế trợ giúp những khoản tiền lớn, nhưng dường như nó chưa làm được việc gì ra hồn.

Ở khu ổ chuột Makoko (ở TP Lagos), nơi trú ngụ của khoảng 50.000 người, có ba trường tiểu học công lập, vốn là các trường của Công giáo, đã bị nhà nước quốc hữu hóa trong thập niên 1980. Ba ngôi trường này làm người ta thất vọng. Chuyến thăm của chúng tôi đã được sắp xếp, nhà trường đã có thời gian chuẩn bị. Nhưng, dường như học sinh trong hầu hết các lớp học đều chẳng có mấy việc để làm. Trong một lớp, thầy giáo trẻ đang ngủ gật, anh ta thậm chí chẳng thèm ngẩng lên khi các học trò ồn ào đứng dậy chào khách. Trong các lớp khác, thầy giáo hoặc là đang ngồi đọc báo hoặc đang nói chuyện với ai đó bên ngoài cửa, sau khi đã viết vài câu lên bảng cho trò chép vào vở. Tại một trong ba ngôi trường đó, lớp 1 có 95 học sinh. Ghép ba lớp lại với nhau vì các giáo viên nghỉ dài hạn. Tôi hỏi các em đang học gì – không thấy em nào trả lời, bà hiệu trưởng bèn hỏi to để các em trả lời. “Đây là giờ toán”, bà nói lại một cách vui vẻ, chẳng ăn nhập gì với thực tế là trước mặt các em không có cuốn sách nào được mở ra hết.


Một trường tư không đăng ký ở vùng nông thôn Badagry, bang Lagos, Nigeria

Ông Fredson, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Fredson, một trường tư chi phí thấp ở vùng nông thôn Badagry, bang Lagos, Nigeria.

Một trong ba trường này có thể chứa tới 1.500 học sinh. Bà hiệu trưởng bảo chúng tôi rằng cách đây vài năm, phụ huynh cho học sinh nghỉ hàng loạt vì giáo viên bãi khóa. Nhưng tình hình đã được cải thiện, các em đã quay về và hiện có 500 em. Trên tầng thượng của tòa nhà hoang vắng có sáu lớp bỏ trống, tất cả đều được trang bị đầy đủ bàn ghế, đang chờ học trò. “Tại sao phụ huynh không cho con em tới đây?”, chúng tôi hỏi. Bà ta giải thích đơn giản như sau: “Phụ huynh trong khu ổ chuột này không coi trọng giáo dục. Họ là những người mù chữ và dốt nát. Một số còn không biết là học ở đây không mất tiền nữa kia. Nhưng đa số không có thì giờ đưa con tới lớp”. Chúng tôi nhận xét một cách ngây thơ rằng có thể phụ huynh cho con em tới trường tư. Bà ta vừa cười vừa bảo: “Các gia đình sống trong khu vực này nghèo lắm… Làm sao có tiền cho con học trường tư!”

Lòng nhân từ và thương mại

Nhưng bà ta sai hoàn toàn. Trường Ken Ade (trên phố Apollo gần đó) do ông Bawo Sabo Elieu Ayeseminikan – được mọi người gọi là ông B.S.E. – dựng năm 1990, ban đầu chỉ có năm học sinh, lớp học được tiến hành trong tiền sảnh của nhà thờ, phụ huynh trả tiền theo ngày, đấy là nói lúc họ có đủ tiền. Hiện nay nhà trường có 200 học sinh, từ mẫu giáo đến lớp sáu. Học phí là 2.200 đồng Nigeria (khoảng17 USD)/học kì hay 4 USD/tháng, nhưng có 25 em được học miễn phí. “Trẻ mồ côi, tôi biết làm sao. Tôi không thể đuổi học bọn trẻ được”, ông nói. Trong động cơ xây dựng trường của ông có cả lòng nhân từ lẫn thương mại – vâng, ông cần việc làm và thấy rằng các phụ huynh thất vọng với trường công cần có chỗ cho con em học.

Khi phụ huynh động viên B.S.E. thành lập trường cách đây 15 năm, họ biết giáo viên trường công thường bãi khóa – nhằm phản đối việc chậm trả lương. Chúng tôi sắp xếp đến thăm một số phụ huynh. Tất cả phụ huynh trong cộng đồng này đều là người nghèo, đàn ông thường làm nghề đánh cá, còn đàn bà thì buôn bán cá hay những món hàng khác dọc theo phố Apollo. Thu nhập cao nhất của họ vào khoảng 50 USD/tháng. Các phụ huynh nói với chúng tôi rằng nếu họ đủ sức thì không có vấn đề lựa chọn, chắc chắn họ sẽ cho con em đến trường tư. Một số gia đình có một hoặc hai đứa trẻ đến trường tư, một hoặc hai đứa khác đến trường công. Họ bảo chúng tôi rằng họ biết rõ sự khác biệt trong những trường này. Một phụ nữ nói: “Chúng tôi thấy ở trường công các em chẳng bao giờ đụng tới sách”. Một ông nói thêm: “Chúng tôi đi qua trường công mấy lần, trẻ con toàn đứng bên ngoài lớp, chẳng làm gì hết. Nhưng trong trường tư thì ngày nào cũng học hành dữ lắm. Trong trường công trẻ con bị bỏ mặc”.

Và dĩ nhiên là trường Ken Ade không phải là trường tư duy nhất ở Makoko. Trên thực tế, đấy chỉ là một trong số 30 trường tư trong khu ổ chuột này mà thôi. Tôi biết như thế vì tôi đã đưa một đội khảo sát tới đây để tìm tất cả các trường mà họ có thể tìm. Theo báo cáo, có 3.611 học sinh theo học tại 30 trường tư thục, tất cả đều là con em khu ổ chuột, trong khi đó học sinh của ba trường công nói trên là 1.709 em, nhưng có một số là con em khu vực bên ngoài Makoko. Như vậy là đa phần, ít nhất cũng có 68%, học sinh ở Makoko, theo học các trường tư.

Dù ở Nigeria hay Ghana – hai nước này khởi động chương trình giáo dục tiểu học miễn phí vào năm 1996, hay Ấn Độ – từ năm 1986, trong những khu vực đói nghèo, các cộng tác viên của tôi đều phát hiện ra cùng một câu chuyện: đa số học sinh nghèo đều theo học các trường tư thục, đấy là những trường tốt hơn trường công, nếu so sánh về mặt chi phí cho giáo viên.

Đáng chú ý là tại bang Lagos, Nigeria, các chuyên viên của nhà nước nói với chúng tôi rằng 50% trẻ em trong độ tuổi đến trường không đi học. Nhưng kết quả khảo sát của tôi cho thấy rằng chỉ có 26% – số còn lại đang theo học trong các trường tư, nhà nước không theo dõi được.

Nhưng toàn bộ câu chuyện thành công này lại không được người ta chào đón. Lí do có thể cũng tương đối rõ. Chính phủ quốc gia bị cuộc cách mạng ngược trong lĩnh vực giáo dục như thế đe dọa, nếu việc giáo dục cơ sở mà Chính phủ không làm cho ra trò thì họ có thể làm được chuyện gì? Người dân có thể tự hỏi như thế. Các tổ chức thiện nguyện cũng có thể tự hỏi họ có lầm lẫn suốt hàng chục năm qua hay không. Còn các chuyên gia về phát triển thì cụt hứng: họ tin rằng người nghèo cần được trợ giúp thông qua các trường do chính phủ quản lí;  họ cảm thấy khó chịu khi nhận ra rằng dường như người nghèo có cách suy nghĩ riêng về biện pháp cung ứng tốt nhất những nhu cầu về giáo dục. Nhưng các phụ huynh nghèo biết việc họ đang làm. Họ muốn những điều tốt nhất cho con em mình và họ biết rằng trường tư là biện pháp tiên tiến hơn. Câu hỏi còn lại là: những người có quyền lực và ảnh hưởng có nghe họ hay không?

Phạm Nguyên Trường lược dịch
theo http://www.thefreemanonline.org/ features/backing-the-wrong-horse-how-private-schools-are-good-for-the-poor/
————
James Tooley là giáo sư về chính sách giáo dục tại ĐH Newcastle, Giám đốc Trung tâm E.G.West Centre, và đồng tác giả công trình nghiên cứu: Trường tư thục có ích cho người nghèo: Công trình nghiên cứu về trường tư trong các nước có thu nhập thấp (Viện Cato).
* Bài viết được đăng vào thời điểm năm 2006
Ảnh: James Tooley/ Pauline Dixon

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)