Nhà đông con và thích con trai ảnh hưởng tới kết quả học tập của trẻ

Gia đình đông con hoặc cố gắng sinh bằng được con trai sẽ làm cho kết quả học tập của trẻ kém đi.

Đó là phát hiện trong một nghiên cứu* gần đây của TS. Vũ Hoàng Linh và TS. Trần Quang Tuyến trên tạp chí International Journal of Educational Development** thuộc nhà xuất bản Elsevier.  

Việc tìm mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng gia đình đông con, sinh con trai hay con gái với kết quả học tập của trẻ được quan tâm nhiều nhưng trên thực tế các phát hiện nghiên cứu thường không thống nhất. Ví dụ, tình trạng đẻ đông con làm giảm kết quả học tập ở một số nước, nhưng lại tăng kết quả học tập hoặc không có tác động ở các nước khác. Theo Joshua Angist, nhà Kinh tế đồng đạt giải Nobel năm 2021 thì sự khác biệt này có thể do sự thiếu vắng phương pháp phân tích nhân quả (causal effects).

Trong hoàn cảnh thông thường, việc đẻ thêm con có thể khiến các gia đình phải giảm đầu tư vào giáo dục cho mỗi người con, dẫn tới kết quả giáo dục của trẻ kém hơn. Nhận định về “sự đánh đổi giữa số lượng và chất lượng con cái” được nhà kinh tế được giải thưởng Nobel năm 1992 Gary Becker (1930-2014) lần đầu đưa ra vào năm 1973. Thế nhưng việc đo lường không dễ, vì hành động, tác động này cũng có thể được bù trừ bởi những hành động khác. Ví dụ, có gia đình đông con nhưng vẫn có thể đầu tư cho con học tốt nhờ nỗ lực gia tăng thu nhập hoặc tiết kiệm, cắt giảm khoản chi tiêu khác. Mặt khác, các gia đình đông con cũng có lợi thế quy mô khi trẻ trong cùng một nhà chia sẻ sách vở và đồ dùng học tập, và sự tương tác giữa bọn trẻ trong gia đình như việc trẻ lớn giúp trẻ nhỏ học bài cũng có thể có tác động tích cực tới kết quả học tập.

Gia đình đông con hoặc cố gắng sinh con trai sẽ khiến kết quả học tập của trẻ bị kém đi. Ảnh: Internet

Để tìm hiểu “số trẻ em, thứ tự sinh và cấu trúc giới tính của trẻ có ảnh hưởng tới kết quả học tập hay không?”, TS Trần Quang Tuyến và TS Vũ Hoàng Linh đã phân tích nhân quả, sử dụng dữ liệu từ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Trong nghiên cứu này, kết quả học tập được đo bằng số năm đi học của trẻ và việc đi học của trẻ. Các biến số kiểm soát bao gồm tuổi, giới tính, sắc tộc, giáo dục của mẹ, tuổi của mẹ lúc sinh trẻ, và điều kiện kinh tế của hộ (đo chỉ số tổng hợp về tài sản), đặc điểm vùng miền, thành thị và nông thôn.

Khó khăn trong việc tính toán nằm ở chỗ các biến số “gia đình muốn sinh bao nhiêu con” hoặc “sinh con trai hay con gái” là không ngẫu nhiên mà bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố. Có thể nhiều gia đình có nhiều con lại chính là các hộ nghèo và do vậy ít có điều kiện đầu tư cho con hơn, làm cho chất lượng học tập của trẻ bị giảm sút. Tương tự, việc sinh con trai hay con gái cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố – thường ở Châu Á và Việt Nam ưa thích có con trai, dẫn tới hệ quả là các gia đình thường đầu tư cho con trai nhiều hơn gái. Những đặc điểm này mang tính cá nhân và cộng đồng và thường không quan sát được từ dữ liệu thu thập nhưng có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập của trẻ.

Rõ ràng, việc thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên là phương pháp tin cậy nhất nhưng không thể tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên trong thực tế được. Cũng theo Joshua Angrist, trong bối cảnh này, phương pháp biến công cụ là phù hợp và khả thi nhất. Việc sử dụng phương pháp hồi quy biến công cụ đã cho loại bỏ đang kể các biến nhiễu ảnh hưởng tới “số trẻ” và  “cấu trúc giới tính” để từ đó đảm bảo kết quả nghiên cứu tin cậy.

Kết quả tính toán cho thấy cho thấy, quy mô số trẻ trong gia đình có tác động tiêu cực tới kết quả học tập của trẻ. Cụ thể, có thêm một trẻ giảm số năm đi học là 0.16 năm. Cấu trúc giới tính có tác động tới kết quả học tập của trẻ – có thêm một bé trai làm giảm kết quả học tập cho cả bé trai và gái.

Nghiên cứu cũng cho thấy thứ tự sinh có tác động tiêu cực tới kết quả học tập. Nói cách khác, các bé càng sinh sau càng có kết quả học tập thấp hơn. So với trẻ đầu, trẻ thứ hai có số năm đi học ít hơn là 0.12  năm và thứ ba ít hơn là 0.14 năm.

Đặc biệt, khi một gia đình cố gắng sinh thêm con trai có tác động tiêu cực tới kết quả học tập của trẻ, giảm cả khả năng đi học là 12% và giảm số năm đi học là nửa năm.

Phân tích chi tiết hơn với các nhóm giới tính cho thấy tác động của quy mô trẻ tới giáo dục cho thấy tác động tiêu cực của số trẻ tới cả việc đi học và số năm đi học của các bé gái, nhưng không tác động với các bé trai.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng khẳng định rõ trẻ em nhóm dân tộc thiểu số có kết quả học tập thấp hơn, thể hiện ở cả việc đi học và số năm đi học. Hơn nữa, các trẻ em ở các gia đình chủ hộ là nữ thường có kết quả học tập thấp hơn. Thường ở Việt Nam, các chủ hộ nữ thường là các chủ hộ ly dị hoặc chồng mất, và do vậy hoàn cảnh kinh tế thường khó khăn khiến họ đầu tư ít hơn cho con cái. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy giáo dục của mẹ và điều kiện kinh tế của gia đình là những nhân tố quan trọng quyết định tới kết quả học tập của con.  

Nghiên cứu này cung cấp những hàm ý chính sách quan trọng. Thứ nhất, tác động tiêu cực của quy mô trẻ và kết quả học tập cho thấy chính sách kế hoạch hóa dân số vào những năm 1990 và 2000 có thể giúp phát huy hiệu quả của mô hình đánh đổi “số lượng và chất lượng con”, và qua đó đạt được thành tựu giáo dục. Thứ hai, thứ tự sinh và cấu trúc giới tính có tác động tới kết quả học tập của trẻ nên thiết kế chính sách giáo dục cần lưu ý điều này để cơ hội bình đẳng trong học tập cho các trẻ em trong nhóm yếu thế. □

—-
* doi.org/10.1016/j.ijedudev.2021.102461

** Tạp chí trong danh mục ISI (SSCI) và xếp hạng Q1 theo Scimago.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)