Nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục

Vừa qua, Đại hội XI đặt vấn đề: “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, qua đó có thể nói, Đảng đã thấy sự cấp bách và bức xúc của vấn đề này. Nhưng tôi và nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho rằng, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục.

Mục tiêu số một của giáo dục –  phát triển nhân cách**

Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, như những năm qua và ngay như hiện nay, thì còn xa mới có tính căn bản và toàn diện. Còn cải cách giáo dục, theo đề nghị của các nhà giáo, nhà khoa học, không chỉ nhằm khắc phục những thiếu sót có tính cục bộ mà là chuyển hệ thống giáo dục sang mô hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Với quan điểm đó, để góp phần triển khai chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, tôi xin nêu một số vấn đề có tính cốt lõi trong nhiều vấn đề cần quan tâm.

Sau Đại hội XI, đang có một cuộc thảo luận về triết lý giáo dục. Quan niệm một cách đơn giản, triết lý giáo dục là hệ thống quan điểm chi phối, dẫn dắt, tạo nền cho hoạt động thực tiễn về giáo dục, mà quan trọng trước hết là quan điểm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục. Tất nhiên, tùy tình hình và nhiệm vụ của đất nước ở từng giai đoạn, triết lý giáo dục có thể sửa đổi, bổ sung, phát triển.

Trong giai đoạn dân tộc phải tập trung vào nhiệm vụ “giệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” thì sứ mạng và mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập – tự do, đương nhiên, đó cũng là người lao động (trí óc và chân tay), phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn đó đã làm tròn sứ mạng và mục tiêu của mình.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, giữa một thế giới đầy biến động, nhiều cơ hội và nhiều thách thức, mỗi người Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam đang đối mặt với những yêu cầu gay gắt về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh… thì rất cần nghiên cứu, bổ sung để có một xác định cụ thể và đầy đủ về sứ mạng và mục tiêu của giáo dục. Đối chiếu với thực trạng giáo dục của nước nhà và những yêu cầu mà đất nước và dân tộc kỳ vọng ở hệ thống giáo dục, tôi thấy điều cốt lõi rất cần phải nhấn mạnh lúc này là dạy và học làm người, chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm cứu cánh, che lấp cả sứ mạng và mục tiêu phát triển nhân cách của nhà trường. Dù mỗi cấp học có mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng mục tiêu số một phải là phát triển nhân cách, cốt lõi của nguồn nhân lực có chất lượng. Bởi vì những phẩm chất như lòng nhân ái, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác trong lao động… chính là những yếu tố hết sức cần thiết ở một con người, bất kể là làm nghề gì, ở vị thế nào trong xã hội. Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng. Đấy là sứ mạng không thể thoái thác của nhà trường.

Ba chân kiềng chưa cân đối

Xem xét cả hệ thống giáo dục, thì vấn đề hết sức cấp thiết là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể cúa từng bộ phận, cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phận và cả hệ thống.

Giáo dục phổ thông là nền tảng của cả hệ thống giáo dục quốc dân và là pha đầu của quá trình học suốt đời. Hiện nay, với chất lượng yếu kém và cách tiến hành phổ cập còn nặng tính hình thức, hai cấp tiểu học và trung học cơ sở chưa bảo đảm cho mọi công dân đạt được một trình độ giáo dục tối thiểu cần thiết để hưởng sự công bằng về cơ hội phát triển. Để giải quyết vấn đề này, đã có nhiều ý kiến đề nghị cấu trúc lại để tiểu học và trung học cơ sở gắn kết thành một tổng thể hoàn chỉnh, có tính chất bắt buộc đối với mọi công dân và không thu học phí. Còn sau giáo dục cơ sở, để thực hiện phân luồng, thì có thể mở ra nhiều loại trường trung học có đào tạo nghề, trong đó trung học phổ thông tập trung chuẩn bị cho việc học tiếp ở cấp sau trung học. Những đề nghị cấu trúc lại giáo dục phổ thông như thế xuất phát từ yêu cầu phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế- xã hội của một nước nghèo lại muốn đi nhanh, đồng thời cân nhắc đến những điều kiện mới: sự phát triển tâm sinh lý, đặc biệt là trí tuệ của trẻ em.

Về giáo dục nghề nghiệp, là bộ phận có nhiệm vụ đào tạo ra những người lao động có tay nghề, trải qua mấy lần thay đổi về tổ chức và cũng được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa ra khỏi tình trạng bất cập. Việc nhiều công trình xây dựng phải sử dụng lao động nước ngoài, ngay cả đối với những công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, tất nhiên có khuyết điểm/ sai lầm trong quản lý lao động… song không thể không thấy đó là sự yếu kém trong công tác dạy nghề. Chúng ta nói rất nhiều đến việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông, nhưng đến nay, hằng năm vẫn có 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông chờ chực ở ngưỡng cửa đại học. Rõ ràng, cùng với việc mở mang kinh tế, tạo thêm việc làm, rất cần nâng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đạt chất lượng cao trong đào tạo và có sức thu hút thế hệ trẻ.

Về giáo dục đại học, không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ 2006 đến 2010, đã có thêm 64 trường đại học và cao đẳng (1), trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có đủ trình độ để bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, không ít giáo sư/phó giáo sư vẫn phải chạy sô, với số giờ dạy vượt xa mức quy định, khiến không thể có thời gian nghiên cứu khoa học, mà nghiên cứu khoa học lại là yêu cầu bắt buộc ở cấp học này. Bước vào thời kỳ đổi mới, đã từng có chủ trương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra” nhưng rồi quy trình này bị rỡ bỏ và các trường đại học, cao đẳng đang thực hiện một quy trình đảo ngược: “thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”. Đến năm học này, cả đầu vào cũng phải nới rộng vậy mà các trường đại học vẫn thiếu sinh viên, đến nỗi có trường đang tính chuyện bỏ bớt một số ngành đào tạo.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên về ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục, với quan điểm “học suốt đời”, “giáo dục cho mọi người” và mong muốn “xây dựng xã hội học tập”, không thể bỏ qua vị trí quan trọng của phương thức giáo dục không chính quy cũng như không thể không giải quyết các vấn đề nổi cộm về xã hội hóa giáo dục. Hiện nay, giáo dục không chính quy vẫn đóng vai trò phần phụ của giáo dục chính quy, cốt tạo cơ hội cho người học lấy văn bằng/chứng chỉ bất chấp yêu cầu chất lượng. Còn về chủ trương xã hội hóa, trong các trường ngoài công lập, phần lớn đều vì lợi nhuận, loại trường không vị lợi vẫn chưa định hình. Chủ trương phổ cập hóa giáo dục đã được triển khai nhưng trẻ em 3 đến 5 tuổi cư trú tại các các khu công nghiệp và thành phố vẫn thiếu chỗ học mẫu giáo.

Rõ ràng nhất thiết phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục chứ không thể chỉ chỉnh sửa một vài bộ phận hoặc một vài mặt nào đó trong công tác giáo dục. Tất nhiên, việc cấu trúc lại hệ thống giáo dục theo mô hình nào phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở xác định đúng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xu thế phát triển của giáo dục và khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.

Rũ bỏ sự áp đặt và loại bỏ kiến thức lạc hậu

Hiện nay, ngành giáo dục đang chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục mới. Đây là công việc hết sức khó khăn. Bởi vì muốn có chương trình mới cần phải đổi mới quan niệm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục, về kiến thức và kỹ năng, về cách dạy và cách học, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản. Những quan niệm mới không chỉ phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu hiện tại mà còn phải phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu trong tương lai, khi chương trình được triển khai. Muốn thế phải có tầm nhìn xa và dự báo được xu thế phát triển.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, tất nhiên các môn học và hoạt động đều góp phần phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân, phát triển vốn người cho đất nước, song tiếng Việt và lịch sử có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lưu giữ và làm giàu bản sắc dân tộc ở thế hệ trẻ. Trước kết quả quá kém về môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay (và có lẽ cả về ngữ văn nữa), dư luận lại bức xúc và Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Tới đây, khi xây dựng chương trình mới, rất cần có sự thay đổi căn bản về việc dạy và học tiếng Việt, cũng như dạy và học lịch sử, đặc biệt là lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Về phương pháp dạy và học, cần phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt, thay vào đó, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh. Chỉ có như vậy nhà trường mới đào tạo được những công dân tự tin, tự chủ, tự lập để có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Yêu cầu đổi mới phương pháp theo hướng đó không chỉ đặt ra đối với thầy/cô giáo mà phải được thể hiện ngay trong chương trình và sách giáo khoa. Vì có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng miền (chưa thể thu hẹp trong một thời gian ngắn) và sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em (cần bảo tồn và phát triển), cho nên trong cuộc cải cách sắp tới, phải có những phương án xử lý khác nhau đối với chương trình giáo dục phổ thông cũng như cần có nhiều bộ sách giáo khoa.

Về nội dung đào tạo đại học/cao đẳng, rất cần loại bỏ những kiến thức lạc hậu, bảo đảm để chương trình, giáo trình cập nhật với những thành tựu mới trong khoa học (cả tự nhiên và kỹ thuật, cả xã hội và nhân văn). Về phương pháp đào tạo, phải lấy tự học là chính, đồng thời tạo cơ hội để sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu/giải quyết những vấn đề do xã hội đặt ra. “Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo”  (2) cần phải trở thành cốt lõi trong văn hóa ứng xử ở các trường đại học/ cao đẳng. Chỉ có thực sự đổi mới một cách căn bản nội dung và phương pháp đào tạo thì các trường đại học và cao đẳng mới đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện chủ trương “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”(3).

Mặc dầu ai cũng biết nhà giáo có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục song trong những cuộc cải cách trước đây và đổi mới vừa qua, vấn đề làm sao để có được một đội ngũ nhà giáo có chất lượng vẫn chưa giải quyết được. Đến giờ, chẳng những chúng ta phải lo về chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có mà nhìn về tương lai, chỉ một vài năm nữa, rất có thể chất lượng đội ngũ nhà giáo còn thấp hơn nếu như không có giải pháp đúng và thực hiện một cách quyết liệt.

Hiện nay, các trường sư phạm không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của một trường nghề. Tình trạng bất cập trong việc bồi dưỡng/phát triển năng lực giáo dục trẻ em cho giáo sinh sư phạm là do những hạn chế về thời lượng và chất lượng giảng dạy ở các bộ môn tâm lý học, giáo dục học, phương pháp dạy học, đồng thời gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập. Còn việc bồi dưỡng giáo viên (bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng đạt chuẩn, bồi dưỡng thay sách v.v…) thì từ lâu đã có ý kiến cho rằng việc tổ chức và quản lý hoạt động này không được chu đáo và chất lượng rất thấp.

Điều gay cấn nhất hiện thời là chuyện thu nhập của thầy/ cô giáo. Trong khi phải làm việc căng thẳng, vất vả (phổ biến là số giờ lao động nhiều hơn quy định cho cán bộ/viên chức) nhưng thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương lại rất thấp (4). Tình trạng này dẫn đến một bộ phận không nhỏ nhà giáo phải dạy thêm ở trường tư hoặc kèm cặp học sinh ngoài giờ dạy chính thức (ít nhiều có tính áp đặt) hoặc phải làm công việc khác ngoài nghề nghiệp của mình để có thêm thu nhập. Nếu tiền lương và phụ cấp không bảo đảm nhà giáo và gia đình họ có một mức sống hợp lý thì không thể đòi hỏi thầy/cô giáo toàn tâm toàn ý với nghề. Càng đáng lo ngại hơn, do thu nhập của thầy/cô giáo còn thấp nên trường sư phạm và nghề dạy học đang trở thành kém hấp dẫn trước giới trẻ. Thực tế là, học sinh khá giỏi ngày càng không muốn vào học các trường sư phạm để theo nghề thầy và chính các trường sư phạm thì phải tìm cách mở ngành đào tạo khác để có điều kiện tồn tại.

Rõ ràng, để giải quyết tận gốc vấn đề giáo viên, không có gì khác là phải phải sớm bắt đầu cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp.

Đổi mới quản lý giáo dục
– đòi hỏi bức thiết

Chúng ta chủ trương, để đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện thì khâu đột phá là đổi mới quản lý giáo dục. Nên nhớ rằng, Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 do Chính phủ ban hành cách đây 10 năm cũng đã từng ghi y như thế, vậy mà không hề có đột phá. Sở dĩ như vậy vì ở trung ương, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi đến các bộ/ngành liên quan, đã không đột phá để địa phương và cơ sở có thể đột phá. Tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý, thiếu chuyên nghiệp trong tác nghiệp, không ai chịu trách nhiệm khi có sai sót là phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp nhưng riêng trong lĩnh vực giáo dục, nếu muốn đột phá từ khâu quản lý mà không bắt đầu sửa chữa một cách quyết liệt những thiếu sót từ cấp vĩ mô thì khó mà đổi mới căn bản, toàn diện được. Cuộc thử nghiệm “nói không với bệnh thành tích” đã cho một bài học rất có giá trị. Khi thấy cấp trên cũng thích thành tích là cấp dưới lập tức noi gương và làm theo. Đến năm nay, đã có hẳn 11 tỉnh thỏa thuận cùng sửa hướng dẫn chấm thi của Bộ để bảo đảm tỉnh nào cũng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Cái nguy hại ở đây là, các cấp quản lý trong ngành giáo dục mà báo cáo không đúng sự thật thì các trường học sẽ không tôn trọng sự thật và nếu thế thì làm sao đào tạo được con người trung thực?

Ở cấp cơ sở, Chính phủ đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động ở cơ quan (5), áp dụng cả với các nhà trường, vậy mà trong thực tế đã xẩy ra không ít sự việc chứng tỏ có sự lạm quyền, độc đoán khiến cho các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo không được các cấp quản lý tôn trọng và đến lượt mình, các thầy/cô lại không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh/sinh viên. Luật giáo dục cũng đã quy định các trường học (ở tất cả các cấp) phải có hội đồng nhà trường (6) nhằm tạo lập cơ chế chống lạm quyền, độc đoán để nhà trường có điều kiện thực hiện chủ trương dân chủ ở cơ sở, vậy mà điều đó không được triển khai thực hiện và đến nay, trong dự thảo Luật giáo dục đại học không còn quy định này. Muốn thực hiện mục tiêu đào tạo học sinh/sinh viên thành những công dân của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì không thể không dân chủ hóa giáo dục, dân chủ hóa nhà trường.

Thay đổi căn bản và toàn diện một nền giáo dục là một công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành giáo dục làm nổi. Trước mắt, Trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền giáo dục thực sự đổi mới căn bản và toàn diện. Trong đó, rất quan trọng là quyết định thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, nêu ra được giải pháp và lộ trình, để trình Trung ương và Quốc hội theo quy định của pháp luật. Tổ chức này, có thể là Ủy ban Cải cách giáo dục, cần bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục và các lĩnh vực liên quan đến giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ủy ban nên cần chấn chỉnh, kiện toàn, đổi mới thật sự về năng lực và cung cách quản lý. Với cơ quan tham mưu của Trung ương về công tác giáo dục, cụ thể là bộ phận khoa giáo (hiện đang nằm trong Ban Tuyên Giáo), cần được tăng cường để đủ sức và đủ điều kiện giúp Trung ương.

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người mà kết quả sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức và văn hóa xã hội. Một công cuộc đổi mới có tầm vóc to lớn như vậy, chắc chắn có rất nhiều khó khăn. Mà khó khăn lớn nhất lúc này là chưa có sự nhất trí trong nhận thức về vai trò quyết định của giáo dục đối với sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, do đó chưa thật sự có quyết tâm tiến hành cải cách để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Nếu nhất trí và quyết tâm, chắc chắn sẽ làm được và thành công.
—-
(*) Nguyên Phó Chủ tịch nước

(**) Các tít phụ do Tia Sáng đặt

 (1) Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2006 có 139 trường đại học, 183 trường cao đẳng; năm 2010 có 149 trường đại học, 227 trường cao đẳng.

(2) Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI.

(3) Trích Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020.

(4) Theo kết quả khảo sát năm 2010, thời gian lao động sư phạm của giáo viên (có chừng chục đầu việc ngoài giờ lên lớp) thì ở tiểu học là 62,95 giờ/tuần, ở THCS là 68,82 giờ/tuần, ở THPT là 72,48 giờ/tuần trong khi quy định về số giờ lao động của công chức, viên chức là 40 giờ/tuần. (Báo cáo về thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông hiện nay, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ trình bày tại Hội thảo do Quỹ HB và PT Việt Nam tổ chức ngày 10/3/2011).

(5) Nghị định số 71/1998 CP-NĐ ban hành ngày 08 tháng 09 năm 1998

(6) Điều 53 Luật hiện hành

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)