Những “con rùa biển” trở về
Sức hấp dẫn của một Trung Quốc đang trên đường trở thành cường quốc với những chính sách ưu đãi đã và đang thu hút không chỉ những Hoa kiều ưu tú trở về mà cả những người phương Tây xuất sắc.
Tình trạng chảy máu chất xám mà Trung Quốc đang phải đối mặt đã bắt đầu từ 30 năm về trước khi nước này thực hiện chính sách cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Những nhân tài của đất nước này đổ xô ra nước ngoài và rất ít người trong số họ quay trở lại. Theo số liệu thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1978 tới năm 2004, có khoảng 815.000 người du học nước ngoài và chỉ có khoảng ¼ trong số đó quay về phục vụ đất nước. Ngày nay, cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, Trung Quốc trở nên có sức hấp dẫn lớn không chỉ với những Hoa kiều đang sống và làm việc ở nước ngoài, hay nói theo cách của người Trung Quốc: những “con rùa biển” (hai gui) đã bắt đầu tìm cách bơi về nhà mà thậm chí cả những học giả phương Tây đã chuyển đến Trung Quốc sống và làm việc với số lượng không ngừng tăng lên.
Hoàng Minh là một ví dụ điển hình như thế. Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, năm 1985 chàng trai trẻ lên đường sang Mỹ hoàn thành chương trình sau đại học rồi trở thành công dân Mỹ và được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Cornell. Nhưng sau đó hai năm, anh quyết định về nước và hiện đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Trường Giang, Bắc Kinh. Sự khác biệt ở đây rất rõ ràng. “Ở Mỹ, tôi dạy cho các sinh viên 24 tuổi”, anh tâm sự, trong khi đó ở Trung Quốc 2/3 sinh viên theo học chương trình Executive-MBA của anh là đều đã là ông chủ các doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là “Tại đây, chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt tức thì khi quyết định đào tạo ra những người quản lí có thâm niên,” Hoàng cho biết.
Theo Daniel Bell, một nhà chính trị học người Canada, thì sức hấp dẫn lớn nhất đối với anh đó là cơ hội để tiếp cận và tìm hiểu kĩ hơn về cái nhìn của thế hệ trẻ của Trung Quốc.
Mặc dù nhiều trường đại học phương Tây sẵn sàng chia sẻ đội ngũ cán bộ giảng dạy của mình – cho phép các học giả như Hoàng tiếp tục giữ chức vụ giáo sư trong khi họ về nước làm việc bán thời gian – song việc đến Trung Quốc sống và làm việc vẫn còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Bên cạnh vấn đề tiền lương thấp, việc từ bỏ môi trường làm việc kiểu Mỹ sẽ dẫn đến việc giảm thâm niên công tác cũng như làm mất đi tính ổn định của công việc.
Nhưng sức hấp dẫn trong các chính sách ưu đãi của Trung Quốc khiến họ thật khó cưỡng lại, như ngoài việc được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, kế hoạch tài trợ nghiên cứu lên tới 2 triệu Nhân dân tệ (tương đương 292.000 USD) đồng thời tạo cho họ cơ hội hướng dẫn một nhóm nghiên cứu. Ở đây phải kể đến một “mánh khóe” của người Trung Quốc – các nhà khoa kể trên phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình để có thể đảm bảo chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ thanh toán đầy đủ các khoản tài chính cần thiết cho các công trình nghiên cứu của họ. Tính từ năm 1994 tới nay, kế hoạch này cũng đã thu hút được gần 1000 người quay trở lại.
Không có một con số thống kê nào mang tầm cỡ quốc gia về số lượng học giả nước ngoài hiện đang giảng dạy tại Trung Quốc song có thể dễ dàng nhận thấy rằng nhiều nhất vẫn là các giáo sư kinh tế và tài chính bởi lẽ lĩnh vực mà họ đảm nhiệm là những lĩnh vực có khả năng sinh lời lớn. Chen Fangrou, người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Wharton, từng làm giáo sư ở Đại học Columbia, hiện đang đào tạo một đội ngũ khoảng 40 cán bộ người nước ngoài cho trường Đại học Kinh tế Giao Thông, Thượng Hải, nơi anh đảm nhiệm công tác chủ nhiệm khoa biệt phái trong vòng 3 năm. Hằng năm, trường này phải chi khoảng 17 triệu USD cho việc trả lương và thu hút những chuyên gia nước ngoài
Trung Quốc cũng là một môi trường nghiên cứu đầy sức hấp dẫn, một phòng thí nghiệm khổng lồ với khoảng 1,3 tỉ đề tài nghiên cứu đang được tiến hành với tốc độ nhanh chóng. “Với những người quan tâm tới các vấn đề lớn về sự biến đổi chính trị – xã hội thì Bắc Kinh thực sự là một điểm đến lý thú”,
Hầu hết các học giả tới Trung Quốc đều không có phàn nàn gì về vấn đề tự do học thuật. Bell, từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Singapore, cho biết ở đó, anh bị chi phối bởi các yếu tố chính trị nhiều hơn tại Đại học Thanh Hoa “Tại đây, tôi được tự mình thiết kế các khóa học” – bao gồm kể cả một học thuyết dân chủ – “mà không phải chịu bất cứ sự chi phối nào”, anh nói. Và theo Michael Pettis, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Bắc Kinh thì sự thụ động của sinh viên cũng nhanh chóng biến mất khi họ nhận ra rằng điều mà các giảng viên trông đợi ở họ là một tư duy phản biện.
Cũng có không ít học giả lo ngại rằng việc từ bỏ công việc tại những trường đại học uy tín ở Mỹ để tới Trung Quốc sẽ khiến họ trở nên bị cô lập. Mặc dù ngày nay, internet đã làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều song “dù sao thì gặp mặt trực tiếp vẫn hơn”, Hoàng tâm sự. Phần lớn các học giả thừa nhận rằng cơ hội cho họ quay lại làm việc ở các nước phương Tây còn tùy thuộc vào việc họ có thể công bố được bao nhiêu bài báo, và cách thức họ truyền đạt bài giảng để sinh viên có thể tiếp thu một cách dễ dàng, đây được coi là những lợi thế lớn do chính bản thân họ tạo ra. Ngay cả sự cô lập về học thuật cũng sẽ trở nên có ích khi có ít người hơn cùng cạnh tranh để có thể giành tiền tài trợ nghiên cứu.
Nguyễn Phạm dịch từ newsweek
Nguồn: http://www.newsweek.com/id/151685?tid=relatedcl