Những hồi ức về toán học của một đất nước thời đang bị cấm vận

LTS. Ngay sau khi trên Tia Sáng và Tuổi trẻ TPHCM có bài viết về GS Hoàng Tụy nhân 80 năm ngày sinh của GS, Tòa soạn đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc gửi đến chúc mừng GS và mong muốn được biết thêm thông tin về ông- một nhà khoa học lớn, nhà giáo dục tâm huyết và uy tín của đất nước. Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc bài phỏng vấn GS Hoàng Tụy được thực hiện năm 1989 bởi GS Neal Koblitz, Đại học Washington ở Seattle, và được công bố trong số 3 tập 12 năm 1990 của tạp chí Người đưa tin toán học rất nổi tiếng trong giới toán học quốc tế. Theo GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán, ông có may mắn làm việc cùng cơ quan với GS Hoàng Tụy ngay từ lúc chập chững làm nghiên cứu và đã học được rất nhiều điều từ nhân cách, nghị lực và phương pháp làm việc của GS. Để tỏ lòng biết ơn GS Hoàng Tụy, ông đã dịch bài trả lời phỏng vấn này.

Koblitz: Thưa GS Hoàng Tụy, xin ông bắt đầu bằng việc kể một chút về nguồn gốc gia đình và những năm thơ ấu.
GS Hoàng Tụy: Tôi sinh năm 1927 tại làng Xuân đài, nay thuộc xã Điện quang, khoảng 20 km về phía nam Đà nẵng. Cha tôi, ông mất lúc tôi mới 4 tuổi, đã đỗ kỳ thi tiếng nho kiểu cổ và là một quan lại nhỏ của triều đình cũ. Những năm 20 chế độ hiện đại của Pháp đang trong quá trình hình thành ở Việt Nam. Mặc dù cha tôi có vị trí xã hội nhưng gia đình tôi nghèo. Nhiều người anh tôi phải đi làm từ lúc rất trẻ.
Gia đình tôi có truyền thống bất hợp tác với chính quyền thực dân. Một trong những tiền bối của tôi là ông Hoàng Diệu, tổng đốc thành Hà Nội vào những năm 1880. Ông đã anh dũng chống quân pháp để bảo vệ thành Hà Nội nhưng thành phố đã thất thủ. Cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về việc đó, ông đã tự vẫn để khỏi phải rơi vào tay kẻ thù. Sự kháng cự và tự vẫn của ông được coi là những hành động yêu nước vĩ đại. Năm 1945, khi cách mạng giành lại Hà Nội từ tay quân Pháp, Hà Nội đã được đổi tên là Thành Hoàng Diệu trong một thời gian.
Thế hệ chúng tôi tiếp tục truyền thống kháng chiến đó. Nhưng chúng tôi hầu như không làm được gì trong nhiều năm. Một người anh của tôi bị đuổi khỏi trường mỹ thuật khi đang học để trở thành họa sĩ vì tham gia các cuộc bãi khóa. Anh cả của tôi là giáo viên trung học – một nghề được coi là danh giá trong xã hội Việt Nam khi đó – bị đuổi việc do hoạt động chống chế độ thuộc địa. Gia đình tôi có truyền thống văn hóa và yêu nước được truyền từ đời này sang đời khác.

Ông bắt đầu quan tâm đến toán học như thế nào?

Khi còn là đứa trẻ đi học trường làng tôi đã học giỏi hai môn văn và toán. Sau đấy tôi đến Huế, nơi anh tôi làm giáo viên trung học, và vào học trường licee ở đó, một trong ba trường tốt nhất ở Việt Nam thời kỳ đấy. Nhưng không may là các giáo viên dạy văn của tôi rất dở, còn các giáo viên dạy toán thì rất giỏi.

Đó là những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Việc học của ông có bị gián đoạn không?
Có, điểm học của tôi không tốt lắm do tôi bị ốm. Năm 15 tuổi, tôi phải bỏ học một năm vì bị bệnh hô hấp và liệt một phần. Tôi bị liệt mất 3 tháng và sợ không chữa được. Thế nhưng sau đó tôi được chữa khỏi bởi một ông thầy châm cứu lành nghề.


GS Hoàng Tụy và cùng học trò và đồng nghiệp

Đó là năm 1942. Pháp và Nhật đang chiếm đóng đất nước. Máy bay Mỹ ném bom thường xuyên, ngay cả ở làng tôi vì nó nằm giữa hai con sông gần hai chiếc cầu trên tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Gần như ngày nào chúng tôi cũng phải chạy vào hầm trú ẩn.
Sau khi bỏ học một năm, tôi chuyển từ trường licee sang trường tư thục mà ở đó tôi có thể nhảy cóc 2 lớp và tốt nghiệp sớm một năm vào năm 1946. Thế nhưng cũng có chuyện vì cách mạng diễn ra năm 1945.

Cách mạng ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch của ông?
Đấy là thời kỳ cách mạng. Sau khi nhận bằng trung học bậc I, tôi trở về làng tham gia cách mạng. Lúc đó tôi 18 tuổi và tôi biết rằng có mối nguy hiểm là tôi không thể tốt nghiệp trung học bậc II.
Để nhận được bằng này phải trải qua hai phần của một kỳ thi khó được tổ chức hai lần một năm vào tháng năm và tháng chín. Sau khi trở lại Huế vào tháng hai năm 1946 tôi chỉ có ba tháng để chuẩn bị cho kỳ thi tháng năm và chỉ mong qua được một phần thi. Nhưng kết quả thi của tôi đứng nhất lớp nên tôi quyết định thi ngay phần hai mặc dù không chuẩn bị gì cho nó. Tôi ngạc nhiên khi biết tôi đạt điểm cao nhất trong cả kỳ thi. Vậy là tôi nhận bằng tốt nghiệp, có thời gian nghỉ ngơi đôi chút rồi đi làm kiếm tiền để ra Hà Nội.

Ông có vào thẳng trường đại học không?
Mùa hè năm 1946 tôi kiếm tiền bằng cách dạy tư để có thể đi. Cuối tháng 9 tôi đi tàu từ Huế ra Hà Nội để vào trường đại học. Lúc đó tôi đã nghe về ông Lê Văn Thiêm, sau này trở thành người sáng lập ra các cơ sở toán học ở Việt Nam, và tôi muốn học với ông Thiêm. Có tin đồn rằng ông sẽ từ châu Âu trở về năm đó để làm hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội. Trường theo hệ thống Pháp, và tôi theo chương trình toán của Khoa khoa học cơ bản.
Hai tháng sau đó, vào tháng 12 năm 1946, chiến tranh nổ ra, Hà Nội thất thủ, và trường đại học đóng cửa.

Thế ông làm gì?
Tôi dùng số tiền còn lại mua sách toán để học sau này. Sau đó tôi quay về làng tôi ở phía Nam Đà Nẵng.
Đầu năm 1947 tình hình ở Việt Nam trở nên phức tạp. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, theo thỏa thuận của phe Đồng minh, quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm đóng miền Bắc (kéo dài đến phía nam Đà Nẵng), còn quân Anh thì chiếm miền Nam. Mục đích của họ là giải giáp quân Nhật, như Pháp đã thỏa thuận để thay thế quân Tưởng và quân Anh. Do đó, quân Pháp đã có mặt ở nhiều thành phố kể cả Đà Nẵng, khi chúng tôi tổ chức bảo vệ nền độc lập. Tình hình quân đội chúng tôi rất không thuận lợi.
Chúng tôi kháng cự lại quân Pháp trong vòng 2- 3 tháng rồi quân đội Việt Nam rút lui. Tôi phải nói rằng chúng tôi rút lui khá lộn xộn bởi vì chúng tôi bị bất ngờ trước quy mô tấn công của quân Pháp. Khi quân đội rút khỏi thành phố thì nhiều người dân cũng đi sơ tán theo, để lại đồng bằng để lên vùng núi. Thật kinh khủng. Chúng tôi đốt sạch để kẻ thù không còn gì để dùng.

Ông đi đâu? Ông có sống cùng gia đình không?

Tôi sống với mẹ và anh em trong miền núi phía tây tỉnh nhà khoảng 2 tuần. Sau đó mọi người chuyển đến một vùng cách  đó 100 km về phía nam, và  tôi đi dạy ở một trường trung học tỉnh Quảng ngãi. Thời đó Quảng ngãi có trường trung học tốt nhất ở vùng tự do của chúng tôi (được gọi là Liên khu năm). Tôi dạy toán ở đó từ năm 1947 đến năm 1951.

Công tác giáo dục có bình thường trong thời kỳ này hay không?

Ở một mức độ nhất định thì bình thường. Vùng tự do khá ổn định, có trình độ tổ chức kinh tế và chính trị với đời sống văn hóa cao.

Chính trong thời kỳ này ông viết sách giáo khoa?

Đúng thế, cuốn sách được nhà xuất bản kháng chiến in năm 1949. Đó chỉ là một cuốn sách hình học sơ cấp cho các  trường trung học, nhưng nó có thể là cuốn sách toán học đầu tiên do chính phủ kháng chiến xuất bản.
Tôi thích thú khi thấy một cuốn truyện nổi tiếng gần đây có nhắc đến cuốn sách hình học của tôi. Anh có biết năm 1954 nước tôi bị chia cắt tại vĩ tuyến thứ 17. Thời kỳ này một số vùng ở Việt Nam đã được giải phóng, nhưng vì hiệp ước Giơ-ne-vơ  nên bộ đội và giáo viên của các vùng giải phóng đã ra miền bắc. Không may là nhiều học sinh không đi cùng được với các giáo viên và họ phải tìm cách tiếp tục tự học. Theo cuốn truyện nổi tiếng này thì có hai cuốn sách được những học sinh khen nhiều nhất là một tập thơ của Tố Hữu, một nhà thơ Việt Nam đương đại, và cuốn sách của tôi.

Ông có thể học toán ở Quảng Ngãi không?

Có, trong khi dạy học tôi vẫn học toán từ những cuốn sách tôi mua ở Hà Nội.

Ông có thăm gia đình thời kỳ này không ?
Có, trong vùng chúng tôi vẫn có thể đi lại bằng tàu hỏa. Cuối tuần tôi thường đi về phía nam để thăm gia đình. Tàu đi ban đêm, không có đèn để tránh quân Pháp phát hiện. Trong hai năm đầu có một đầu tàu chạy bằng hơi nước. Nhưng đầu tàu này bị máy bay phá hỏng năm 1956. Tiếp theo chúng tôi tìm cách kéo một cái xe bởi một động cơ ô tô. Nhưng động cơ bị hỏng và chúng tôi không có cái thay. Sau đấy con tàu nửa ô tô này được đẩy đi bởi 4 người. Nó có tốc độ khoảng 7-8 km/h và tất nhiên là nó chạy nhanh hơn khi xuống dốc. Như vậy chúng tôi có thể rời Quảng Ngãi lúc chập tối và đến phía nam trước khi trời sáng. Tôi cho rằng đây là một phương tiện vận chuyển độc nhất vô nhị vì nó là một cái xe chạy bằng sức người trên đường ray.
Người ta cũng có thể đi lại bằng xe đạp. Tuy nhiên, xe đạp đắt và tôi không có tiền mua. Vì vậy tôi luôn luôn đi tàu.
Mặc dù cuộc sống diễn ra bình thường hầu hết thời gian, đó là một thời kỳ khó khăn. Năm 1948 trường trung học nơi tôi dạy bị thiêu hủy hoàn toàn trong một cuộc bỏ bom nửa tiếng đồng hồ bởi máy bay Pháp. 17 học sinh và một nữ giáo viên bạn tôi bị chết.

Tại sao Pháp lại bỏ bom trường học?
Thời kỳ này quân Pháp rất dã man. Chúng bỏ bom mọi thứ. Ngay cả một người đi đường cũng bị tấn công. Chúng tôi đã nghĩ rằng do ai cũng  biết rõ chúng tôi là một trường trung học nên chúng tôi không cần ngụy trang. Sau trận bom chúng tôi trở nên thận trọng hơn, và chúng tôi chuyển các lớp học sang các làng khác và ngụy trang chúng.

Khi nào ông quyết định rời miền Nam ?
Năm 1949, sau khi Hà Nội bị chiếm đóng và trường đại học đóng cửa, một vài lớp đại học toán được thành lập tại các vùng giải phóng ở miền núi khoảng 200-300 km về phía bắc gần biên giới với Trung Quốc. Thêm vào đó có hai đại học đại cương được thành lập ở các vùng tự do: một bởi GS Nguyễn Thúc Hào ở Chiến khu tư và một bởi GS Nguyễn Xiển ở vùng Đông Bắc.
Trí thức Việt Minh tổ chức một cuộc thi dưới sự quản lý của Bộ giáo dục. Tôi là một trong hai người dự thi đến từ vùng của tôi ở phía nam. Anh phải biết rằng cuộc thi kéo dài và phức tạp vì các đề bài và bài làm của chúng tôi được chuyển đi theo đường mòn trên núi (sau này được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) bởi các giao liên kháng chiến. Thông thường phải cần đến khoảng 3 tháng để nhận được thư từ miền bắc gửi vào. Nhưng tôi phải nói rằng phương thức này hoàn toàn tin cậy, không có gì bị thất lạc hoặc đưa nhầm. Thật vậy, bưu điện Việt Minh thời đó làm việc hiệu quả hơn rất nhiều bưu điện Việt Nam ngày nay.
Sau khi gửi bài làm đi, tôi phải đợi 8 tháng mới biết kết quả. Đề bài kiểm tra toán đại cương của đại học năm thứ nhất, chủ yếu là giải tích và cơ học. Bất chấp điều kiện thiếu thốn, cuộc thi được thực hiện rất nghiêm ngặt. Hội đồng thi vùng tôi được thành lập trực tiếp bởi Ủy ban Việt Minh liên khu Năm. Do đó cuộc thi có thanh thế cao, và mọi người đã rất hân hoan khi nhận được tin là tôi thi đỗ.

Ông ra bắc ngay sau khi biết tin?
Không, đó là cuối năm 1949. Tôi còn dạy học thêm hai năm nữa. Năm 1951 tôi biết chắc rằng Lê Văn Thiêm đã quay trở về Việt Nam và đang làm việc trong vùng giải phóng ở miền Bắc. Khi đó tôi xin phép được ra miền Bắc và được chấp nhận.

Ông đi ra Bắc như thế nào?
Chỉ có một con đường đi bộ xuyên núi. Thời kỳ này, đường mòn Hồ Chí Minh vẫn là một đường mòn theo đúng nghĩa, một đường mòn cho đi bộ rất hẹp. Nhưng nó được tổ chức rất tốt. Cứ khoảng 30 km có một trạm nghỉ qua đêm và có giao liên đưa chúng tôi đến trạm tiếp theo. Tất nhiên là cũng có những hiểm nguy.

Cái gì là mối nguy hiểm chính?
Có 3 thứ: quân Pháp, bệnh sốt rét và cọp.

Ông đi bộ ra Bắc mất bao lâu?

Chuyến đi kéo dài ba tháng. Đoạn đầu ở vùng gần Đà Nẵng còn tương đối dễ bởi vì chúng tôi đi trên đồng bằng, theo các con đường về ban đêm. Thành phố và làng mạc đều không có người ở  do Pháp bỏ bom, nhưng không bị chiếm đóng.
Tiếp theo về phía bắc thì quân Pháp chiếm đóng tất cả vùng phía dưới và chúng tôi phải đi trên núi. Đây là quãng đường gian khổ nhất của chuyến đi – trên vùng núi của tỉnh Bình Trị Thiên hiện nay.
Tất nhiên chúng tôi làm mọi cách để mang nhẹ. Chúng tôi chỉ mang theo gạo và muối để ăn. Khi tôi ra đi, tôi mang theo những cuốn sách toán bỏ đi bìa và cắt lề để chúng nhẹ hơn cho chuyến đi ra bắc.
Sau đó, khi chúng tôi đến Liên khu tư gần Hà Tĩnh, ngay ở phía Nam thành phố Vinh, chúng tôi có thể an toàn đi trên đồng bằng và do đó đi nhanh hơn.
Nhưng tôi ở lại dạy tư hai tháng tại Liên khu tư nhằm kiếm tiền để tiếp tục đi. Thật thú vị khi nhớ lại trong thời gian chiến tranh vẫn có những trường học hoạt động trong khắp các vùng tự do. Đối với một người có trình độ thì không khó kiếm việc dạy học cho lắm và vẫn có nhu cầu về thầy giáo dạy tư. Tôi dạy học vào kỳ nghỉ hè – từ tháng bảy đến tháng 9 năm 1951 – là thời gian mà học sinh trung học thích học thêm. Các lớp tư học nhỏ này được tổ chức trong những căn phòng có bảng đen, và mỗi học sinh tự đem theo một chiếc ghế nhỏ cho mình.
Sau thời gian gián đoạn dạy học ở khu tư tôi đã hoàn tất chuyến đi chỉ trong vòng một tháng bằng cách đi vòng qua vùng Hà nội bị chiếm đóng rồi cuối cùng đến được trường đại học tự do ở phía Bắc.
(Xem tiếp kỳ sau)

ảnh trên cùng: GS Hoàng Tuỵ, khi được thỉnh giảng tại ĐH Dresden (CHDC Đức) năm 1972. (ảnh tư liệu)

Ngô Việt Trung (dịch)

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)