Những lá thư bay và triết lý nuôi dạy một con người

Từ những lá thư của một người mẹ viết cho con gái mình, bạn đọc cảm nhận được nhiều điều hơn tình yêu thương vô bờ của người mẹ.

Với cái tên rất giản dị, Thư gửi con*, tập hợp một số những lá thư gửi con được viết trên những chuyến bay – và một số tạp bút, cũng viết riêng cho con, tác giả Thái Kim Lan dường như không có ý định gì hơn ngoài việc gửi gắm vào cuốn sách của mình tình yêu thương vô bờ của người mẹ hướng đến đứa con. Thế nhưng, qua những suy ngẫm về thời cuộc, con người, về đạo về đời, về tình cảm quê hương, những triết lý độc đáo của bản thân về việc nuôi dạy con mà bà bộc lộ rất thật thà trên trang sách, người đọc lại nhận được từ cuốn sách này nhiều hơn thế.

Trước tiên, đó là sự đồng cảm, một sự đồng cảm tuyệt đối đáng ngạc nhiên giữa những người làm cha làm mẹ rất khác nhau, chí ít là về mặt địa lý, không gian sống và hệ lý thuyết, tư tưởng của mỗi người. Người đọc sẽ không cần biết rằng, tác giả Thái kim Lan là một giáo sư triết học giảng dạy về Triết học so sánh ở một trường đại học ở Đức, họ chỉ thấy những băn khoăn lo lắng của bà về việc nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ cũng hoàn toàn là những băn khoăn của họ bấy nay. Khi đứa con còn là bào thai, manh nha một mầm sống, ngọ nguậy một cách cảm động trong bụng mẹ, người mẹ cần làm gì cho con để truyền được cảm xúc tích cực và những điều tốt đẹp nhất hướng tới tương lai? Và sau khi con ra đời, dạy con thế nào, chọn trường cho con ra sao, hướng nghiệp thế nào, theo lý thuyết nào hay cứ nương vào bản năng làm cha mẹ, với sự yêu thương, mà nuôi con khôn lớn? Có hay không cái gọi là Triết lý giáo dục theo kiểu phương Đông hay phương Tây, quyền uy hay phản quyền uy? Giữa cha mẹ và con cái nên xây dựng một mối quan hệ như thế nào, các phương thức giao tiếp giữa các thế hệ ra sao? Có hay không góc nhìn giáo dục con trẻ theo quan điểm Phật giáo?

Rất nhẹ nhàng, những-lá-thư-bay đã trả lời cho chúng ta những câu hỏi nói trên, với cách đặt vấn đề độc đáo của một bà mẹ sinh con và nuôi con ở xa Tổ quốc mình. Vì xa nên cảm nhận khái niệm “quê” lại mạnh mẽ đến nỗi, bà đã không chọn triết lý phương Đông hay phương Tây, mà chọn “Triết lý quê hương” để mà dạy con – chắt lọc những khía cạnh tinh tuý và tích cực của hồn quê để làm cái nôi bao bọc con khi họ vẫn và mãi ở nước người. Không chỉ là vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, cái cảm xúc mạnh mẽ trong triết lý “quê” – cái gốc xa xưa thấm vào con người từ trong tiềm thức, lại trở thành sức mạnh bí ẩn sâu xa để hai thế hệ giao tiếp với nhau, hiểu nhau, yêu thương nhau và có nhau mọi lúc, mọi nơi. Đó là bí quyết nuôi dạy con của riêng người mẹ Thái Kim Lan vậy!

Thái Kim Lan thích nhắc đi nhắc lại một câu trong Quán Kinh: “Khi tâm chúng sinh tưởng nhớ đến Phật thì tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật”. 

Từ đó mà mẹ nói với con: “Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời nào mẹ con cũng gặp nhau.

Mẹ, không chỉ là mẹ, mà còn làm mẹ. Là mẹ và làm mẹ, một thể tính trộn lẫn, tròn đầy là một. Nên không là mẹ nếu không làm mẹ. Mọi nghĩa “là mẹ” thể hiện trong “làm mẹ.” Suốt cuộc sinh và nuôi trọn vẹn. Đừng ngạc nhiên hay phê phán vội nếu không tìm thấy dấu tích gì về yếu tính mẹ này trên những lời thư cho con của Thái Kim Lan. Bởi vì, không những Thái Kim Lan chỉ dành một phần trích của mẹ cho con (phần trích của không cùng tận!) mà khi nói với con, Thái Kim Lan đã hoàn toàn thoát thân RA KHỎI tổng thể mình. Khi ấy, không có và không cần nữa mọi thứ trang sức lỉnh kỉnh trong thân và ngoài thân, nào triết, nào đạo, nào văn học, nào lý luận, phê bình, nghiên cứu… Khi ấy, không cần phải là gì và làm gì cả, với con hay bất kỳ ai, mẹ bốc hơi trong nghĩ tưởng về con, thành khí thể hòa nhập cùng con bất chấp thời gian không gian cách trở.

Nguyễn Thị Hoàng nói về “Thư gửi con” của Thái Kim Lan

Và đây, chính là triết lý giáo dục với tình yêu thương, hoàn toàn giống với tư tưởng của nhà tư tưởng Nga Lev Tolstoy. Từ tình yêu, ta xoá bỏ được mọi áp đặt, mọi ép buộc, mọi mệnh lệnh, và đứa trẻ của ta nhưng lại là một cá thể độc lập đứng ngoài ta, không phải sở hữu của cha mẹ để mà nhào nặng theo ý muốn. Ta chỉ có thể gợi ý, hướng dẫn hoặc đồng hành với chúng trên chặng đường từ đứa trẻ trở thành người lớn. Và một trong những phương pháp giáo dục của Thái Kim Lan đối với con chính là luôn giữ sợi dây liên hệ giữa mẹ và con, một cách hữu hình, là những lá thư! Yêu thương phải được nói ra, dặn dò, chăm sóc từ xa cần được nói ra – những lá thư là sự hiện hữu của người mẹ bên cạnh con khi mẹ ở xa. Đôi khi nó còn có tác dụng dẫn dắt, chăm sóc về mặt tinh thần mạnh mẽ hơn cả khi mẹ luôn ở bên cạnh mà… phê bình, nhắc nhở…

Trong cuốn sách, tôi còn đọc được cả cảm xúc ngưỡng mộ, biết ơn của người mẹ đối với… đứa con của mình. Chỉ khi có con, mẹ mới bắt đầu được trải qua cảm xúc làm mẹ. Và mẹ biết ơn con về điều đó. Khi con khôn lớn, nó vượt qua bóng của mẹ, mẹ vui mừng vì điều đó. Điều này khiến tình mẫu tử trở nên rất đặc biệt, và cả hai người – mẹ và con – đều nhận được những bài học nho nhỏ cảm động từ việc giao tiếp với nhau hàng ngày, từ khi con còn nhỏ đến mãi sau này. Đây có thể nói cũng là một bí quyết không phải ai cũng biết và cũng có được, để có thể ngờ thành một người mẹ hạnh phúc!

Thái Kim Lan còn là một nhà thơ từng nhận giải thưởng Thơ ca sáng tác bằng tiếng Đức. Vì thế, cuốn sách của bà còn tặng cho bạn đọc những áng văn giàu chất thơ. Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn văn đẹp của bà – mô tả tâm trạng đầy mâu thuẫn của một người sau mấy mươi năm mới có dịp về quê hương ăn Tết, nhưng trên đường ra sân bay, lại thầm cầu trời để mình lỡ chuyến -:

Đứa con không biết rằng trong một triệu thứ phải “biết” trên đời, một điều chắc chắn mà tôi biết lúc ấy là nếu tôi không ra phi trường để bị trễ tàu, bắt buộc phải quay về không đi nữa, có lẽ tôi sẽ điên, sẽ bệnh vì tiếc nuối chuyến về quê ăn Tết. Phải đi như bản năng của cá hồi, khi ngọn gió thổi về làm sởn ốc làn da, khi con nước chảy xiết dồn máu bừng trong gan đánh thức nỗi nhớ âm ba nguồn cội, khi ánh dương quang trên sóng nước tha phương làm đỏ mắt cá mơ về những sỏi đá thuở sơ sinh, khi hơi thở sủi tăm bỗng nồng nàn hương suối tóc rong rêu nơi hốc đá sinh thành, cá hồi quay quắt ngược dòng, PHẢI trở về nguồn, dù chuyến băng đồng vượt thác về nguồn là cuộc tử sinh mười phần chết bảy. Đối với cá hồi hình như chuyến về gian nan sau mỗi phiêu lưu mang nghĩa sống tột cùng của thân phận cá hồi, không trở về mới là nỗi chết mòn mỏi.

Thế nên con người như tôi cũng PHẢI ĐI, đi một vòng để cảm thấy mình đã có đi – mà con người  thì phức tạp hơn cá hồi với bao thủ thuật tự che đậy mình! Nên đi rồi quay lui, đi như một thứ lễ nghi của phù thủy đồng bóng biến thế giới thực thành ảo, ảo thành thực, để được an lòng. Nếu không ra phi trường thì sự tiếc nuối chuyến đi sẽ vô cùng vô tận và tôi sẽ không tha thứ cho tôi đã ngồi lại không lên đường về với Tết quê hương. Hình như cuộc đi nửa vời này là một sự đánh lừa cái TÔI HUẾ đang quay quắt mong về quê ăn tết, tương tự như tôi xin lỗi cái TÔI HUẾ rằng, tôi lỡ chuyến tàu nên xin hẹn một lần khác.

* “Thư gửi con”, Thái Kim Lan, NXB Hội Nhà văn, 2012.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)