Nỗ lực trở thành trung tâm ĐH của Đông Á

Các nhà lãnh đạo kỹ trị có hoài bão lớn của Hàn Quốc đã làm đựơc kì tích biến một quốc gia nghèo nhất châu Á trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới chỉ trong vòng hai thế hệ. Giờ đây, họ đang muốn biến Hàn Quốc thành trung tâm giáo dục ĐH của toàn Đông Á và có khả năng cạnh tranh với các cơ sở giáo dục hàng đầu ở Singapore, Nhật, Trung Quốc và thậm chí, cả Hoa kỳ.

Hướng ra bên ngoài
Nếu cho rằng hoài bão này là viển vông thì bạn hãy nhìn vào kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc xây dựng Khu Kinh tế tự chủ Incheon, một trung tâm kinh tế rộng 52.000 mẫu Anh (1 acre = 0.4ha) và theo như kế hoạch đề ra trong năm 2007, sẽ thu hút loạt các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Đại học New York và North Carolina đã ký thỏa thuận mở các dự án nghiên cứu và các chương trình đào tạo cấp bằng ở đây. Một vài cơ sở giáo dục khác của Mỹ như ĐH Southern California, ĐH học George Maso và Đại học George Washington đang trong quá trình thảo luận ký kết các thỏa thuận tương tự.
Ông Hee Yhon Song, thành viên sáng lập Khu kinh tế tự chủ, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc thành phố Incheon cho biết mục tiêu của Icheon là “tạo ra một trung tâm toàn cầu trao đổi văn hóa và tri thức” và dự đoán Incheon sẽ thu hút được hơn 40 cơ sở nghiên cứu và ít nhất là 7 ĐH từ bên ngoài. Ông cùng nhiều người khác tin rằng Hàn Quốc rốt cuộc cũng có thể trở thành trung tâm của khu vực Đông Bắc Á giống như Thủ đô Brussel của Bỉ là trái tim của Châu Âu.
Incheon là dấu hiệu nổi bật nhất của công cuộc cải cách mạnh mẽ để đón đầu cái mà ông Song gọi là thế giới toàn cầu hóa giao tiếp bằng tiếng Anh đang diễn ra trong các trường ĐH của Hàn Quốc vốn có truyền thống hướng nội. Chính quyền ở các đặc khu kinh tế khác như thành phố cảng Pyeongtaek đang phát triển rất nhanh, nằm ở phía tây nam cách Seoul 90 phút đi xe cũng đã đầu tư nhiều triệu USD cho các dự án liên doanh về giáo dục.
Các trường ĐH hàng đầu của Hàn Quốc đã tiếp thu các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ mới đầy tham vọng. KAIST (ĐH KH&CN),  ĐH hàng đầu của Hàn Quốc, đang trong quá trình cải tổ sâu rộng nhất trong vòng 37 năm trở lại đây để trở thành một trường “thực sự mang đẳng cấp quốc tế”. Còn Yonsei, ĐH tư hàng đầu của Hàn Quốc, đã  mở chuyên ngành nghệ thuật có tên là Underwood International College đào tạo toàn bằng tiếng Anh, dự định sẽ thu hút cả sinh viên Hàn Quốc và sinh viên quốc tế.

Sức ép cạnh tranh
Liệu Hàn Quốc có đủ khả năng vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong khu vực để trở thành trung tâm giáo dục đẳng cấp quốc tế không?
Nước này có lợi thế địa chính trị nằm ở trung tâm Đông Bắc Á – Seoul chỉ mất hai giờ bay từ Bắc Kinh hoặc Tokyo – cộng với quy mô và mức độ phát triển cao của nền kinh tế, có tầng lớp ưu tú được đào tạo ở Phương Tây, và điều này tạo ra những lợi thế mà ít nước nào trong khu vực sánh được. Thế nhưng theo thống kê của Bộ giáo dục thì chỉ có 22.600 sinh viên nước ngoài học tại Hàn Quốc năm 2006, so với hơn 100.000 sinh viên học ở Nhật Bản. Và sự thực là rất nhiều trường ĐH nước ngoài đã gặp khó khăn để xác lập chỗ đứng ở các nước gần Hàn Quốc. Một ví dụ: ĐH New South Wales của Úc gần đây đã phải rút ra khỏi Singapore chưa đầy một năm sau khi mở cửa, do có quá ít sinh viên đăng ký.
Nhật cũng từng cố gắng quốc tế hóa ĐH từ hồi thập kỷ 80 và 90 và thu hút được vài chục ĐH Mỹ mở chi nhánh đào tạo. Nỗ lực này thất bại, bởi sinh viên Nhật chẳng thấy hứng thú học ở các trường mà rất nhiều người cho rằng chỉ là chi nhánh phụ của trường mẹ. Các sinh viên có cùng suy nghĩ rằng: hoặc là Mỹ xịn hoặc là không. Đến nay chỉ còn duy nhất trường ĐH Temple là còn đứng chân được ở đây.
 “Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn để tuyển được các sinh viên quốc tế. Không hiểu các trường mới ở đây sẽ làm thế nào? – ông Jongryn Mo, hiệu trưởng Trường Quốc tế Underwood, nói”. Ông này tin rằng chương trình thử nghiệm của trường Incheon cuối cùng rồi sẽ thất bại. “Thậm chí ngay cả khi Harvard tới Hàn Quốc, họ cũng không phát huy được tác dụng bởi chẳng bao giờ tìm đủ đội ngũ nhân viên đạt chuẩn ở đây.”
Hiệu trưởng Mo cũng tin rằng nếu có hy vọng để trở thành trung tâm giáo dục ĐH của khu vực thì hy vọng đó sẽ nằm ở các trường ĐH đã có uy tín của Hàn Quốc là KAIST, Đại học quốc gia Seoul và Đại học Yonsei.
Các chuyên gia nghiên cứu về các trung tâm giáo dục mới này nói rằng Hàn Quốc phải giải quyết được một số thách thức khi tiến tới quốc tế hóa giáo dục ĐH của mình.
 Điều quan trọng nhất là Hàn Quốc phải cạnh tranh với các nước cũng đang phát triển rất nhanh là Trung Quốc, Malaysia và thậm chí cả Thái Lan. Ông Don Olcott, người phụ trách Viện giáo dục ĐH không biên giới ở Luân Đôn, nói: “Tất cả các quốc gia này đều muốn có một hệ thống giáo dục bền vững”  Sinh viên sẽ chỉ chọn học ở nơi nào sau khi tính đến chi phí và tiềm năng xin việc sau khi tốt nghiệp.
Ông Christopher Ziguras, Phó giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne của Úc, cho rằng “sinh viên quốc tế thường mong muốn ở lại và làm việc ở nước mà họ học tập trước khi hồi hương”. Những kỳ tích về công nghiệp của Hàn Quốc như xe ô-tô, điện tử và công nghiệp trò chơi… có thể là lợi thế thu hút các sinh viên nước ngoài.

THÀNH HUY (Theo Chronicle of Higher Education)


Mặc dù đã chi 2.6% GDP cho giáo dục ĐH, chỉ kém Hoa Kỳ và nhiều hơn gấp 2 lần mức trung bình của hầu hết các nước Châu Âu, nhưng năm ngoái,  Hàn Quốc có 218.000 sinh viên du học. Cách đây hơn 10 năm, con số này thậm chí còn gấp đôi. Khoảng 30% số này đi Mỹ khiến cho số học sinh du học của Hàn Quốc ở Mỹ trở thành nhóm sinh viên lớn thứ ba trong số sinh viên quốc tế đang du học ở Hoa Kỳ.  Hàn Quốc ước tính hàng năm thất thoát khoản chi phí giáo dục dành cho du học khoảng 3-4 tỷ đô-la.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc thừa nhận “chảy máu chất xám sinh viên” đã trở thành một cuộc khủng hoảng và việc thuyết phục sinh viên học tập ở trong nước là một ưu tiên cao hiện nay. Chính phủ đang trợ cấp cho các trường ĐH dạy bằng tiếng Anh và hỗ trợ các nỗ lực thu hút nhiều hơn các giáo sư nước ngoài. Thành tích thu hút giáo sư tài năng từ nước ngoài của Hàn Quốc khá tệ. Năm 2007, báo cáo của Bộ giáo dục cho thấy 23 trường Đại học trên cả nước chỉ thu hút được 22 giáo sư nước ngoài về giảng dạy.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)