…, nói “có” với cái gì?
Chủ ý của bài viết này là nêu câu hỏi, ngoài việc nói không với tiêu cực trong Giáo dục, thì còn phải nói “CÓ” với cái duy nhất, xuyên suốt, và hoành tráng của một nền Giáo dục, ấy là CHẤT LƯỢNG và nói “CÓ” như thế nào?
Trong giáo dục thì khác. Nhà giáo dục không thể thỏa mãn với các sản phẩm mang cái thứ chất lượng tàm tạm. Thế nhưng, đến đây liền có ngay câu hỏi hồ đồ, tưởng như là rất đúng: vậy thì có thừa nhận thành tựu của Einstein “cao” hơn thành tựu của Newton? có thừa nhận thành tựu di truyền học thời Mendel “cao” hơn thành tựu sinh học chọn lọc tự nhiên thời Darwin? Nghĩ một tí thì trả lời được: thành tựu sau có thể “cao” hơn thành tựu trước, ở chỗ chúng gần hơn với chân lý khoa học và ứng dụng được nhiều hơn và dễ hơn vào cuộc sống thực của con người. Nhưng nếu chú ý tới một phương diện bên trong tâm lý của thành tựu kia, ta sẽ thấy là trước sau những con người có những thành tựu để đời cho loài người thảy đều có chỗ giống nhau trong phẩm chất tư duy. Nhìn theo chiều dọc lịch sử, đã thấy sự giống nhau về tư duy của những tác giả của những thành tựu “cao hơn” so với cái có trước, mà nhìn ngang theo chiều địa hạt, cũng thấy hiện tượng đó. Nhà tâm lý học Mỹ đương thời Howard Gardner, khi nghiên cứu những cung cách tư duy của những “bộ óc” khác nhau trong những địa hạt hoàn toàn khác nhau, Freud, Einstein, Picasso, Stracinsky, Eliot, Graham và Gandhi, ngoài việc chứng minh tiếp lý thuyết trí khôn nhiều thành phần đã tìm ra một mẫu số chung trong tính sáng tạo.
Thừa nhận với nhau điều đó, ta sẽ bị buộc phải thừa nhận rằng CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ở một cá thể học sinh nhất thiết phải bao gồm hai yếu tố: một là, những kỹ năng chiếm lĩnh và sở hữu trí tuệ người, và hai là một năng lực tư duy được tạo ra từ những kỹ năng đó, nói một cách giản đơn, tay làm đầu nghĩ. Nếu chỉ có tay làm bằng học lỏm thì đôi khi cũng có thể có một “chất lượng” kiểu đánh lừa. Cái làm nên sự khác biệt giữa chất lượng thật và chất lượng ảo, ấy là phẩm chất tư duy của người học. Đã tạo ra được cho học sinh một kỹ năng nào đó, thì cũng phải tạo cho các em một tư duy tương ứng với kỹ năng đó, là công cụ để các em tiếp tục tự học cả đời.
Cái chất lượng giáo dục nói trên ở từng cá thể học sinh còn phải được kiểm chứng bởi đơn đặt hàng xã hội. Sự chấp nhận của thị trường lao động xã hội sẽ trả lời và phân biệt những chất lượng khác nhau do các “lò đào tạo” khác nhau. Nói thế là giả định một ngày nào đó hệ thống trường học sẽ được tự chủ, sẽ xã hội hóa cao, sẽ có sự thi đua thực sự về chất lượng giữa các trường học.
2. Thi đua giữa các trường học, cũng có nghĩa là thi đua giữa các cung cách tạo ra chất lượng giáo dục, mà nơi thể hiện đầu tiên là những bộ sách giáo khoa.
Trong một bộ sách giáo khoa được nghiên cứu công phu và thực nghiệm nghiêm túc, chắc chắn sẽ lộ rõ phương pháp học thay cho “phương pháp” nhồi nhét. Sẽ lộ rõ một chỗ lấy người học làm trung tâm, và một nơi lấy bục giảng làm trung tâm. Nhìn vào hai bộ sách giáo khoa đối lập nhau, sẽ thấy rõ ở đâu chú trọng một cái đầu đầy và ở đâu chú trọng một cái đầu có tổ chức.
Thật vô lý khi bắt mọi người cùng xếp hàng “nói không” đồng loạt như nhau đối với những tiêu cực trong nền giáo dục đương thời. Trách nhiệm phải khác nhau giữa các cương vị khác nhau. Những em học sinh “ngồi nhầm lớp” chẳng nhẽ nào lại phải cùng nói “không” với những vị soạn sách giáo khoa “mới” mà cũ rích vì hoàn toàn không thể hiện được nội dung huấn luyện cách học cho các em, đua nhau tung ra những sách tham khảo hoàn toàn vô bổ chỉ có tác dụng hù doạ, những bộ đồ dùng dạy học ngô nghê thô thiển…
Trách nhiệm nói “không” (hoặc nói “có”) phải bắt đầu từ tầng chóp của ngành giáo dục, chứ không ở đám đông học sinh quay cóp khi đi thi. Và xin nhắc lại, phương thức nói “không” tốt nhất là nói “CÓ” với cái lõi của sự nghiệp giáo dục: CHẤT LƯỢNG giáo dục.