Nỗi lo về sự áp đảo của tiếng Anh trong giáo dục

Trong khi một số nước vẫn đang chủ trương mở rộng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên quốc tế thì một số nước khác đã bắt đầu lo lắng về sự áp đảo của tiếng Anh trong môi trường học thuật.

Những năm gần đây, một số trường đại học Trung Quốc đã giảm bớt tầm quan trọng của môn tiếng Anh trong chương trình đào tạo. Trong ảnh: Trường ĐH Giao thông Tây An. Nguồn: INT

Ngôn ngữ của công ăn việc làm và học thuật

Mới đây, chính phủ Hy Lạp đã khởi xướng một số dự án nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến học tại nước này. Một trong những chiến lược đó là phát triển các chương trình dạy bằng tiếng Anh, đặc biệt là các chương trình đào tạo y khoa cho sinh viên quốc tế với mức phí khoảng 12.000 euro (12.700 USD)/năm, mức giá hết sức cạnh tranh so với các chương trình tương đương ở Anh hoặc Mỹ.

Tháng Tám vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch tương tự, được gọi là kế hoạch ‘Study Korea 300K’ nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế trong 5 năm tới, đặc biệt là sinh viên từ các nước nói tiếng Anh. Từ giữa những năm 2000, nhiều trường đại học Hàn Quốc được phép giảng dạy bằng tiếng Anh. Theo báo cáo của chính phủ, ở các trường đại học Hàn Quốc được công nhận đủ điều kiện và khả năng thu hút sinh viên quốc tế, số chương trình dạy bằng tiếng Anh chiếm 13%, một con số mà các trường cho là quá thấp. Hiện Hàn Quốc chủ yếu thu hút sinh viên châu Á mà với hầu hết, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. 

Nhìn sang Trung Quốc, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc ở tiểu học và trung học vào năm 2001, cùng năm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Trước đó, từ năm 1983, cùng với tiếng Pháp, Nhật, Nga, Đức và Tây Ban Nha, tiếng Anh được xác định là môn thi tuyển sinh đại học, nhưng đa số thí sinh – vốn coi “ngoại ngữ” là “tiếng Anh” – chọn thi tiếng Anh. Kể từ đó, đã có sự bùng nổ trong việc học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở nước này.

Ngoài ra, sinh viên ở phần lớn các trường đại học Trung Quốc được yêu cầu phải vượt bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn toàn quốc College English Test (CET) thì mới được tốt nghiệp – mặc dù chính phủ chưa bao giờ đưa yêu cầu này thành chính sách chính thức. Đây là bài kiểm tra dành cho sinh viên đại học và sau đại học trên toàn quốc, được tổ chức mỗi năm 2 lần kể từ năm 1987.

Ở Indonesia, sự khác biệt rõ rệt nhất giữa các chương trình quốc tế đắt đỏ và chương trình quốc gia ở trường phổ thông là khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của trẻ em.

Các hiện tượng nêu trên không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc, Indonesia hay Trung Quốc mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia không nói tiếng Anh. Việc sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu thường đóng vai trò vừa là công cụ vừa là biểu tượng của hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Tony Reilly, cựu giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh ở Marốc, cho biết, có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ thứ hai.

Nhiều trường đại học ở Bắc Âu chủ yếu giảng dạy bằng tiếng Anh. Ảnh minh họa: Sinh viên ở Na Uy. Nguồn: INT

Tiếng Anh được chấp nhận là ngôn ngữ chung trên Internet, 85% các tổ chức toàn cầu hoạt động bằng tiếng Anh và 70% nhà tuyển dụng ở các quốc gia không nói tiếng Anh yêu cầu tiếng Anh là một trong những tiêu chí tuyển dụng của họ. 

Việc các quốc gia không nói tiếng Anh đưa tiếng Anh vào giáo dục không chỉ mang tính sư phạm; nó mang tính chính trị sâu sắc. Các trường đại học bắt đầu ưu ái những giảng viên thông thạo tiếng Anh. Ở Trung Quốc, để đủ điều kiện được phong chức giáo sư, các học giả cần có trải nghiệm giáo dục toàn cầu, thông qua việc du học hoặc làm nghiên cứu ở nước ngoài, tốt nhất là ở các nước phương Tây.

Có một giả định ngầm rằng: thông thạo tiếng Anh là một điều kiện để kết nối với các trung tâm quyền lực và tri thức toàn cầu, được tiếp cận các cơ hội và mạng lưới quốc tế. Tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ, nó là tấm hộ chiếu đến với giới tinh hoa quốc tế và các cơ hội việc làm.

Mối đe dọa đối với các ngôn ngữ khác

Việc một số quốc gia quyết định thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua tiếng Anh đã ngầm khuyến khích thêm nhiều người sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu. Điều này có thể đe dọa sự tồn tại của các ngôn ngữ thứ hai khác.

Vào thế kỷ 19, về mặt lịch sử, có một lập luận chắc nịch rằng người Anh và tiếng Anh là ưu việt, do đó tương xứng với vị thế ngày càng nổi trội.

Mặc dù một số người hiện đang ủng hộ ý tưởng rằng việc sử dụng tiếng Anh trên toàn cầu là một chính sách trung lập, hoặc ít nhất là trung lập hơn so với việc quảng bá bất kỳ ngôn ngữ nào khác, từ góc độ ngôn ngữ học, việc chấp nhận tiếng Anh như ngôn ngữ toàn cầu vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngôn ngữ khác, thậm chí có thể gọi là “sự diệt chủng ngôn ngữ”.

Vị thế của tiếng Anh trên thế giới không phải là kết quả ngẫu nhiên hay tự nhiên mà có, theo Robert Phillipson – Giáo sư danh dự tại Khoa Quản trị, Xã hội và Truyền thông, Trường Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch. Hội đồng Anh và các tổ chức khác thúc đẩy việc sử dụng tiếng Anh trên toàn thế giới vì các mục đích kinh tế và chính trị.

Phillipson và Tove Skutnabb-Kangas, nhà ngôn ngữ học và giáo dục Phần Lan, lập luận rằng từ giữa những năm 1950, chính phủ Anh và Mỹ đã có chính sách đưa tiếng Anh trở thành “ngôn ngữ thứ hai” trên toàn cầu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của chủ nghĩa tư bản.

Sự áp đảo của các quốc gia nói tiếng Anh phát triển ở phương Tây trong lĩnh vực giáo dục đại học quốc tế càng thúc đẩy việc học và sử dụng tiếng Anh ở các quốc gia không nói tiếng Anh. Và việc các quốc gia khác quyết định thiết kế các khóa học dạy bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên quốc tế lại tiếp tục duy trì sự áp đảo của tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu.

Giáo dục toàn cầu là một lãnh địa phức tạp. Mặc dù trình độ tiếng Anh rất quan trọng nhưng nó không phải là chỉ số duy nhất để công nhận một nền giáo dục toàn cầu toàn diện. Các phẩm chất khác như tư duy toàn cầu, sự hiểu biết đa văn hóa, lòng tốt và sự đồng cảm đều quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn.

Thế nhưng, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở các quốc gia không nói tiếng Anh lại sử dụng tiếng Anh như một thước đo đơn giản cho tầm cỡ “quốc tế” của họ, và điều này càng làm nổi bật thành trì quyền lực của tiếng Anh trên phạm vi toàn cầu.

Những làn sóng kháng cự

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc gần đây đã chủ trương giảm bớt tầm quan trọng của tiếng Anh trong giáo dục.

Mới nhất, vào tháng Chín vừa qua, Đại học Giao thông Tây An, một trường đại học hàng đầu ở tây bắc Trung Quốc, ra thông báo, sinh viên sẽ không còn cần phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh CET – cũng như bất kỳ kỳ thi tiếng Anh nào khác – để đủ điều kiện tốt nghiệp.

Thông báo này được các mạng xã hội hoan nghênh và kêu gọi nhiều trường đại học hơn nữa làm theo với lý do thật phi lý khi bằng cấp học thuật của người Trung Quốc phải được xác nhận bằng bài kiểm tra ngoại ngữ tiếng Anh.

Trước đó, một số trường đại học đã giảm bớt tầm quan trọng của môn tiếng Anh bằng cách thay thế bài kiểm tra tiếng Anh toàn quốc CET bằng bài kiểm tra riêng của họ.

Từ năm 2021, tại Thượng Hải, thành phố quốc tế hóa nhất Trung Quốc, chính quyền đã yêu cầu các trường tiểu học không tổ chức thi môn tiếng Anh cuối kỳ với lý do cần giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh. Một số nhà lập pháp và cố vấn chính phủ cũng đề xuất không xếp tiếng Anh vào danh sách những môn học bắt buộc trong trường học phổ thông và loại nó khỏi kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Làn sóng kháng cự tiếng Anh cũng đang diễn ra ở một số nước như Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, với mong muốn khôi phục vị thế ngôn ngữ của họ tại các trường đại học. 

Tháng Sáu vừa qua, Robbert Dijkgraaf, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hà Lan, thông báo rằng ít nhất 2/3 nội dung giảng dạy trong các chương trình đại học sẽ phải được thực hiện bằng tiếng Hà Lan. Giới lãnh đạo đại học Hà Lan đón nhận quyết định này như một tin xấu. Người đứng đầu Đại học Công nghệ Eindhoven nói rằng đối với nhiều khóa học, như trí tuệ nhân tạo, họ thậm chí không thể tìm được giáo sư có thể nói tiếng Hà Lan. Chính phủ Hà Lan sau đó đành phải xuống nước, để chính sách này rơi vào tình trạng lấp lửng.

Điều đáng lo ngại là một ngôn ngữ như tiếng Hà Lan, nếu bị mất vị thế trong môi trường học thuật, cuối cùng sẽ trở nên thiếu vốn từ vựng cần thiết cho các chủ đề mới mẻ, đột phá. Những người thảo luận những chủ đề như vậy sẽ phải chêm thêm tiếng Anh, khiến cho việc nói theo cách này trở nên cồng kềnh đến mức rốt cuộc họ phải chuyển sang hoàn toàn nói tiếng Anh.  

Michele Gazzola ở Đại học Ulster, Belfast, Bắc Ireland, lưu ý rằng bảng xếp hạng toàn cầu của các trường đại học, chẳng hạn như bảng xếp hạng do Times Higher Education thực hiện, xem xét số sinh viên và giảng viên quốc tế như một tiêu chí đánh giá. Điều này thúc đẩy các trường đại học tìm cách thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế để tăng thứ hạng và kết quả là thêm nhiều khóa học bằng tiếng Anh được mở hơn bao giờ hết.

Tranh cãi tương tự như ở Hà Lan cũng diễn ra ở Đan Mạch. Năm 2021, trong nỗ lực thúc đẩy tiếng Đan Mạch ở trường đại học, chính phủ nước này đã giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh của các khóa học chỉ dạy bằng tiếng Anh. Năm nay có vẻ như chính phủ nước này lại thay đổi chiến lược một lần nữa khi tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh. Janus Mortensen ở Đại học Copenhagen cho biết, mới đây, trường đại học này đề ra chính sách “kỳ vọng” các giảng viên trong biên chế “đóng góp” cho việc giảng dạy bằng tiếng Đan Mạch trong vòng sáu năm. Trường sẽ tạo điều kiện để giảng viên không phải học tiếng Đan Mạch trong thời gian rảnh rỗi.

Đại học Oslo thì có quy định về “song ngữ”: tiếng Na Uy sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính, tiếng Anh được sử dụng “khi thích hợp hoặc cần thiết”; bảo đảm mọi sinh viên và giảng viên đều có lớp để học và dạy bằng tiếng Na Uy; các ấn phẩm phải có tóm tắt bằng cả hai ngôn ngữ; ưu tiên phát triển các thuật ngữ kỹ thuật bằng tiếng Na Uy, v.v. 

Trong quá khứ, phản ứng chống lại tiếng Anh chủ yếu xảy ra ở Pháp, xuất phát từ nỗi phẫn uất với sự thống trị của tiếng Anh và vị thế mờ nhạt của tiếng Pháp. Giờ đây, một số nơi khai phóng và đa ngôn ngữ nhất trên thế giới đang bắt đầu lo lắng về sự áp đảo của tiếng Anh, như một hệ quả từ chính sự thành công của họ.

Đỗ Lập tổng hợp

Nguồn: universityworldnews.com, economist.com, cnn.com

(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)