Olimpic Toán quốc tế 2006, Slovenia: HÀ NỘI – LJUBLJANA, đi một ngày đàng…
Mê cung-Toán học Hình vẽ trên đây là biểu tượng (lôgô) của Kỳ thi Olimpic Toán học quốc tế lần thứ 47, tổ chức tại Ljubljana (Slovenia) từ ngày 4 đến 18/7/2006. Chắc các bạn đều nhận ra đó là hình vẽ một Mê cung (Labyrinth).
Nhận cờ Olimpic |
Giải một bài toán khó cũng giống như tìm một con đường trong mê cung. Một lối đi sai, hoặc dẫn đến ngõ cụt, sẽ làm bạn chậm đến được mục đích. Nhưng một khi bạn tìm được đến đó, tức là bạn đã có cuộn chỉ Adriadne trong đầu, và nó sẽ giúp bạn tìm trở lại được con đường của bạn, giúp bạn đi được đến những miền đất kì bí mới. Đó cũng chính là sự quyến rũ của Toán học.
Tại sao trong lịch sử loài người, Mê cung xuất hiện sớm đến vậy, từ hơn 3500 năm trước? Có lẽ vì ngay từ buổi đầu hình thành, con người đã luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề gay cấn, tưởng chừng không có cách giải quyết. Và con đường quanh co, khúc khuỷu, khi tiến, khi lui để đến được mục tiêu, nếu vẽ lại sẽ cho ta hình ảnh một mê cung! Phải chăng vì thế mà mê cung xuất hiện ở khắp nơi, trong nhiều nền văn hoá khác nhau, như một nỗi ám ảnh của con người. Toán học, và rộng hơn là khoa học nói chung, luôn có khát vọng trang bị cho con người cuộn chỉ Adriadne mỗi khi họ đứng trước một mê cung. Vì lẽ đó, lấy mê cung làm lôgô cho một kỳ thi Olimpic Toán học thật là một ý tưởng hay.
Olimpic Toán học – Một cuộc đua thể thao?
Đúng vậy, và không phải ngẫu nhiên mà người ta dùng từ “Olimpic” (Olimpiade) để gọi tên các cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc tế. Đó là một cuộc đua thể thao, môn thể thao của trí tuệ. Vì đó là cuộc đua thể thao, nên người ta cần giành chiến thắng tại chính nơi đó, chính thời điểm đó. Cũng như trong thể thao, một đối thủ mạnh có thể thua một đối thủ bị xem là yếu hơn, nhưng nói chung, đối thủ mạnh thường giành chiến thắng. Và cũng như trong các Thế vận hội Olimpic, mọi vận động viên tham gia một cách trung thực cuộc chơi đều là người chiến thắng. Trong kỳ Olimpic Toán học quốc tế cũng vậy, có người được nhận huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng, nhưng nhiều người khác không có huy chương. Quan trọng hơn cả là họ đã tham gia kỳ thi, đã có dịp được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè khắp năm châu, và cái còn lại trong cuộc đời họ là vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa, là lòng mến khách của những đất nước mà họ được đặt chân đến, là tình bạn giữa những con người ở các nước khác nhau, là tình yêu toán học.
Đoàn Việt Nam |
Trong mỗi kỳ Olimpic Toán học, các “vận động viên” phải tranh tài qua 6 bài toán, mà Hội đồng thi lựa chọn theo tiêu chí: 2 bài “dễ’, 2 bài “trung bình”, và 2 bài “khó”. Thực ra rất khó đánh giá một bài toán nào đó là thuộc loại nào trong ba loại nêu trên. Thường thì điều này phụ thuộc kinh nghiệm của hội đồng, và không phải khi nào cũng đúng. Hơn nữa, một bài là dễ với đội tuyển nước này, lại có thể là khó với một đội tuyển nước khác, tùy thuộc thế mạnh, yếu của từng nước. Chẳng hạn, trong kì thi Olimpic 2006 ở Slovenia vừa qua, 2 bài dễ được chọn thuộc lĩnh vực Số học và Hình học, hai bài khó thì một bài thuộc lĩnh vực Đại số, bài kia là Toán tổ hợp. Khi Hội đồng chọn xong, tôi đã hơi “lo” cho đoàn Việt Nam, vì thế mạnh của chúng ta là Số học và Hình học, nay hai lĩnh vực đó đều được chọn bài dễ (mà dễ thật!), nên thế mạnh đó không còn phát huy tác dụng. Cũng còn may là một trong hai bài “khó” là đại số, nên có thể học sinh Việt Nam sẽ làm bài đó tốt hơn các nước khác. Kết quả đúng như vậy, nếu kể số điểm có được từ bài “khó” đại số, thì đoàn Việt Nam xếp thứ 3, trong khi một bài “trung bình” thuộc dạng tổ hợp thì đoàn ta chỉ có số điểm 6/42, đứng khoảng thứ 60! Vì thế nên “thứ tự xếp hạng” của các đoàn cũng chỉ là một tham số tương đối, không phải luôn luôn phản ánh đúng hoàn toàn thực lực. Hơn nữa, Olimpic Toán học quốc tế được xem là kì thi giữa các cá nhân, nên “bảng xếp hạng” của các đoàn luôn được ghi là “không chính thức”. Bảng xếp hạng các đoàn dựa trên tổng điểm của các thành viên trong đoàn, mà theo quy định, mỗi đoàn có không quá 6 học sinh (và rất ít nước gửi ít hơn 6). Tất nhiên là bảng xếp hạng “không chính thức” đó cũng rất được quan tâm!
Ban cố vấn IMO
|
Trong kì thi Olimpic vừa qua tại Slovenia, đoàn học sinh Việt Nam đạt thành tích khá cao: 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Trong tổng số 90 nước tham gia, có 6 đoàn hơn chúng ta về số huy chương, và 12 đoàn hơn về tổng điểm (trong số đó có 4 đoàn chỉ hơn đoàn chúng ta 1-5 điểm, trên tổng điểm tối đa là 252). Ông John Webb, Thư ký của Ủy ban Olimpic Toán quốc tế khi chuyện trò với tôi có kể rằng: nhiều người hỏi ông xem các đoàn thường thuộc “top ten” của Olimpic là những đoàn nào, và tất nhiên là ông nhắc đến Trung Quốc, Nga, Mỹ, nhưng khi nhắc đến Việt Nam thì người nghe giật nảy mình hỏi lại! Họ muốn biết xem tại sao một nước nghèo như Việt Nam mà lại thường đứng trong “top ten” của Olimpic, John Webb trả lời rằng, ông cũng không hiểu, và đang định tìm hiểu bí mật của điều đó khi đến Việt Nam tham dự Olimpic 2007 tại Hà Nội.
Olimpic 2007-Hà Nội: vui và lo
Được Ủy ban Olimpic Toán quốc tế và Chính phủ nước ta đồng ý, năm sau chúng ta sẽ đăng cai kỳ thi Olimpic lần thứ 48, diễn ra tại Hà Nội từ 19-31/7/2007. Đây thực sự là một niềm vui lớn, vì không mấy khi chúng ta được đón tiếp bạn bè đến từ khoảng gần 100 nước trên thế giới. Hơn nữa, đó lại là khoảng 600 bạn trẻ giỏi toán của khắp năm châu, cùng với khoảng 300 thầy giáo đi cùng. Nhưng nỗi lo còn lớn hơn, nhất là sau khi được chứng kiến sự tổ chức rất tuyệt vời của bạn. Chỉ cần kể một khâu rất nhỏ thôi, việc chấm thi, để có thể hình dung được những khó khăn của khâu tổ chức.
Học sinh sẽ thi trong hai ngày, mỗi ngày làm 3 bài toán trong 4 giờ 30 phút. Việc chấm thi và xét giải phải hoàn thành trong 2 ngày. Mỗi học sinh nhận đề thi và làm bài bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nước chủ nhà phải cử người chấm thi cùng với trưởng đoàn các nước, và chấm theo sự phiên dịch của họ (trưởng đoàn có thể yêu cầu dùng một trong 4 thứ tiếng chính thức là Anh, Nga, Pháp và Tây Ban Nha). Để có thể làm được điều đó, ngay buổi tối sau khi học sinh thi xong, các cán bộ chấm thi của nước chủ nhà và các trưởng đoàn phải có trong tay đầy đủ bài làm (kể cả giấy nháp) của từng học sinh để nghiên cứu trước. Như kì thi vừa qua, mỗi ngày bạn cần làm copy khoảng 10.000 trang có nội dung khác nhau thành nhiều bản, sau đó bỏ vào các phong bì theo từng bài toán, từng học sinh, tức là khoảng 1500 phong bì nhỏ, 500 phong bì to. Tất cả đều phải tuyệt đối chính xác, không được phép nhầm lẫn. Đồng thời, phải scan tất cả các trang đó thành dạng file pdf, rồi chuyển qua mạng LAN đến Hội đồng thi (cách chỗ thí sinh làm bài 150 km, vì lý do bảo mật), tại đó người ta ghi thông tin nhận được vào các đĩa CD, đã tách riêng từng thí sinh. Tất cả các công việc đó, bạn chỉ làm trong hơn 2 giờ đồng hồ (và thời gian cho phép cũng chỉ có vậy). Việc không hề đơn giản, và đòi hỏi phải được tổ chức rất khoa học, nhân viên phải là những người chuyên nghiệp và có kỷ luật cao.
Kỳ thi Olimpic là một dịp tuyệt vời để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Vì thế việc tổ chức tham quan, du lịch, hoạt động ngoại khóa cho học sinh cũng quan trọng không kém việc ra đề, chấm thi. Ở Slovenia, học sinh, thầy giáo được tổ chức tham quan những thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước họ. Tên gọi thủ đô Ljubljana, theo tiếng Slovenia, là “Cô gái đáng yêu”. Thật khó chọn cái tên nào hay hơn để nói về đất nước Slovenia, với những con người cởi mở, vui tươi và mến khách, với những khu rừng chiếm 65% diện tích đất nước, với hang động Postojna nổi tiếng nhất Châu Âu dài hơn 20 km trong lòng núi (rất giống với Phong Nha), với Hồ Bled trong vắt và tĩnh lặng như gương giữa một vùng núi non kỳ vỹ. Điều gây ấn tượng mạnh với những người đến từ Việt Nam như chúng tôi là, mặc dù Bled là khu nghỉ mát nổi tiếng của Châu Âu, không có một ngôi nhà nghỉ nào nằm bên bờ hồ. Tất cả đều ở trong phố. Chính điều đó đã giữ cho hồ ở trạng thái nguyên sơ và vẻ quyến rũ của nó, không phụ thuộc thời gian. Ước gì những thắng cảnh của chúng ta cũng được nâng niu, gìn giữ như vậy.
Đi thăm quan Hồ Bled |
Trong buổi bế mạc Olimpic 2006 ở Slovenia, ông Chủ tịch Ủy ban Olimpic toán học quốc tế nhận xét rằng, đây là một trong những kỳ Olimpic được tổ chức tuyệt vời nhất. Trong buổi lễ đó, bạn cũng giao lại cho Đoàn chúng ta lá cờ Olimpic. Chúng tôi nhận lá cờ đó mà lòng nặng trĩu lo âu. Thời gian còn quá ít. Theo bạn, họ đã bắt đầu công tác tổ chức từ 3 năm trước, trong khi chúng ta vừa mới khởi động được một tháng nay! Nước chủ nhà của Olimpic 2008 là Tây Ban Nha thì ngay từ bây giờ có vẻ đã vượt xa chúng ta trong khâu chuẩn bị rồi! Có thể nói, tổ chức Olimpic toán học ví như một hệ thống có khoảng một ngàn việc, mà việc nào xem ra cũng dễ, “trong tầm mắt, tầm tay” của chúng ta cả. Bởi thế, nhiều người thấy là không có việc gì khó! Có điều, tìm cho được “ngàn mắt, ngàn tay” đã khó, mà phối hợp chúng một cách hài hòa còn khó hơn! Ở ta, thường hơi nhiều “đầu, miệng”, mà quá ít mắt, ít tay! Nhiều người chỉ huy, nhiều người “phán”, nhưng thiếu “lính” nên tổ chức thường khó hơn bạn. Họ chỉ có một cái đầu thôi, để suy nghĩ và điều khiển một đội ngũ có tính chuyên nghiệp và kỷ luật nên hệ thống chạy rất trơn tru. Đó là chưa kể người tổ chức của chúng ta sẽ “vướng” các quy chế tài chính nào đó nên khó có thể ra được những quyết định chính xác và kịp thời, trong khi ở một kỳ thi Olimpic, mọi chuyện cần phải được hoàn thành rất nhanh, đúng thời gian biểu. Lo thì lo, nhưng ngẫm cho cùng, những khó khăn đó ở ta là khó khăn phổ biến, làm gì, ở đâu cũng gặp! Vậy thì chắc Olimpic Hà Nội 2007 rồi cũng sẽ “thành công tốt đẹp” chăng?
Từ Olimpic Toán học, nghĩ về “người tài”
Trong thời gian Olimpic Toán học quốc tế lần thứ 47 diễn ra ở Slovenia, thì tại Hà Nội có buổi lễ “Vinh danh những học sinh giỏi quốc tế thời kỳ đổi mới”, và sau đó là cuộc bàn luận khá sôi nổi về người tài và việc sử dụng người tài. Vậy thì, những học sinh giỏi quốc tế có thể xem là “người tài” không và cần bồi dưỡng, sử dụng họ thế nào?
Nhìn vào Ủy ban danh dự các kỳ thi Olimpic Toán học quốc tế, có thể thấy là tất cả các nước đều rất coi trọng kỳ thi này. Trong thành phần Ủy ban, thường có sự tham gia của Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, và tất nhiên là Bộ trưởng giáo dục. Nhiều Hoàng tử, Công chúa đã tham gia các buổi trao giải. Khi Olimpic được tổ chức ở Mỹ, Tổng thống Bush không đến dự trực tiếp được nhưng đã đọc lời chào mừng từ xa qua màn hình. Bởi vậy, không thể nói như một số người là chỉ ở nước ta, người ta mới quá quan tâm đến kỳ thi Olimpic.
Nói cho cùng, sự quan tâm của xã hội đối với các kỳ thi Olimpic Toán quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Rất nhiều nhà toán học, vật lý nổi tiếng của thế giới đã trưởng thành từ “phong trào Olimpic”. Nếu nhìn lại nền toán học Việt Nam hiện nay thì điều đó càng rõ ràng hơn: có thể nói tuyệt đại đa số các nhà toán học giỏi của nước ta đều đã từng được giải ở các kỳ thi Olimpic quốc gia và quốc tế (tất nhiên trừ những người mà vào thời họ chưa có các kỳ thi này). Riêng việc lọt được vào đội tuyển 6 người của một đất nước 80 triệu dân như nước Việt Nam, thì việc gọi họ là “người tài” cũng không có gì quá đáng. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì thấy những người trong số đó mà về sau trở thành những tài năng thực sự trong khoa học thì thường là do được đào tạo lâu dài ở nước ngoài (đại học và sau đại học). Khi chúng ta chọn một đội tuyển 6 người, thì không thể nói những người còn lại là kém hơn hẳn. Đây là một cuộc thi đấu “thể thao”, và có thể khẳng định ngoài 6 người đó ra, còn không ít người khác nữa cũng xứng đáng được gọi là “người tài”. Những những “người còn lại” đó sẽ khó có được cơ hội tốt để phát triển tài năng như các bạn may mắn của mình. Nguyên nhân là ở đâu?
Thành tích của học sinh phổ thông nước ta tại các kỳ thi Olimpic quốc tế cho thấy rất rõ rằng, chúng ta có thể đào tạo được những học sinh phổ thông đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Đó là một thành tích rất đáng tự hào. Nhưng nếu có cuộc thi “sinh viên giỏi quốc tế”, tôi chắc thành tích của sinh viên ta sẽ không thể cao như vậy, và sẽ còn thấp hơn nếu có cuộc thi “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, và đặc biệt kết quả sẽ rất thấp nếu thi “giáo sư quốc tế”! Dĩ nhiên không có các kỳ thi giả tưởng đó, vì không cần thi, người ta đã biết ai thắng, ai thua: chỉ cần nhìn vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ mỗi nước là biết ngay. Vậy thì tại sao chúng ta càng ngày càng đuối sức trong cuộc chạy maratông đến mục tiêu cuối cùng là phát triển khoa học, kinh tế và xã hội? Nói cho cùng, tất cả đều do sự đầu tư công sức, tiền bạc của xã hội cho từng giai đoạn.
Thành tích cao của học sinh phổ thông của chúng ta phần nhiều do hệ thống trường chuyên mang lại. Các trường chuyên được sự quan tâm lớn của Nhà nước, và đặc biệt là các gia đình học sinh. Như vậy, sự đầu tư của xã hội cho một bộ phận học sinh giỏi của chúng ta ở bậc phổ thông có lẽ cũng không thua kém các nước khác. Tuy nhiên, sang đến bậc đại học và cao hơn nữa thì rất khác. Chúng ta chưa đầu tư đúng mức đến việc xây dựng những trường đại học có thể ngang tầm quốc tế. Vậy mà đối với xã hội thì lớp người tốt nghiệp đại học mới thực sự là hạt nhân của sự phát triển, chứ đâu phải là học sinh tốt nghiệp phổ thông. Xem ra, người ta biết đầu tư đúng chỗ hơn ta. Bởi thế nên càng lên, họ càng vượt hẳn chúng ta. Trong khi mỗi tỉnh thành của chúng ta đều có một trường chuyên, không kể 4 trường chuyên phổ thông đặt ở các đại học (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), thì chúng ta chưa có lấy một cơ sở đào tạo sau đại học nào được đầu tư lớn để có thể hy vọng ngang tầm quốc tế1. Cũng như vậy, không nhiều giáo sư của chúng ta có được điều kiện làm việc “ngang tầm quốc tế”, nên cũng khó hy vọng trong một thời gian gần, nền khoa học chúng ta có thể đạt được tầm cao mong muốn. Nói cho cùng, cần xem lại chính sách đầu tư trong giáo dục, và cần mạnh dạn có những đột phá trong đầu tư vào đào tạo đại học và sau đại học, như chúng ta từng đột phá trong việc xây dựng các lớp chuyên phổ thông để có kết quả như ngày hôm nay.
Trên đây chỉ là đôi điều suy nghĩ tản mạn về đào tạo nhân tài, nhân nói về một kỳ thi Olimpic. Vấn đề quá lớn, nên chắc còn phải trở lại đầy đủ hơn. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc một vài quan niệm khác nhau vẫn tồn tại quanh vấn đề này. Có người cho rằng, có quan trọng gì đâu cái huy chương vàng Olimpic toán học, vì thực ra nó nào có liên quan thiết thực gì đến kinh tế, xã hội. Nếu nói vậy thì chắc cũng chẳng nên thi chạy 100 mét, 5000 mét, thi đi bộ làm gì, khi mà có thể dùng ôtô, máy bay! Nói cho cùng, các cuộc thi đó đều chứng tỏ khát khao của con người trong việc nâng cao khả năng của mình, cả về cơ bắp lẫn đầu óc. Và thắng lợi trong những cuộc thi đó không thể nói là không có ý nghĩa! Lại cũng có người đánh giá quá cao các tấm huy chương đã đạt được, và cho rằng nếu những “nhân tài” đó chưa được phát huy, trọng dụng thì có nghĩa là xã hội đã có lỗi. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc chạy maratông đến đỉnh cao của khoa học, những tấm huy chương vàng Ôlimpic mới là sự ghi nhận thành công của một kilômét đầu tiên. Chỉ những người quyết tâm cao, kiên trì suốt cả chặng đường mới có thể đến đích trước. Vì thế, tôi vẫn thường khuyên một số học sinh của mình sau khi các em được huy chương vàng: hãy quên ngay thành tích đó, và nếu có nhớ thì cũng chỉ nên nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, chứ không phải như một thành công trong cuộc đời.
——-
[1] Viện Toán học đang đề nghị xây dựng một cơ sở như vậy, nhưng xem ra còn lâu mới trở thành hiện thực.