Phản biện GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục (6)

Các phản biện của tôi có thể gây hiểu lầm là tôi thấy tư tưởng giáo dục nào của GS HNĐ cũng sai. Thực ra,  tôi thấy ông có nhiều cái đúng.

Ví dụ như phương pháp dạy ý thức trách nhiệm cho học sinh bằng cách cho học sinh luân phiên nhau làm lớp trưởng, ai cũng có lúc phải làm lớp trưởng. Cách này là một trong những phương thức của thể chế dân chủ từ thời Hy Lạp cổ, mọi công dân đều phải có lúc có trách nhiệm tham gia các vấn đề chung của xã hội

Nhận xét của tôi về GS HNĐ là, ông có nhiều điểm đúng, nhưng cũng có nhiều điểm cực đoan hay có thể nói là sai lệch, và có vẻ quá tự tin. Một số từ ngữ câu văn ông dùng trong giáo dục rất khó hiểu, ví dụ như “thiết kế tiếng Việt” (tiếng Việt đã có như nó đã có, cần gì ai phải “thiết kế” ?), “trẻ em là một thực thể tự nhiên” (chẳng nhẽ người ta nghĩ nó là phi tự nhiên à ?), “giáo dục hiện đại là nền giáo dục trong phạm trù cá nhân theo logic nội tạng”1 [nội tại ?], v.v. (Tôi mà phải học nhiều câu như thế này có khi sẽ bị tẩu hỏa nhập ma). Theo tôi, câu cú càng khó hiểu, thì càng ít người hiểu mình muốn nói gì, và bản thân các ý của mình càng dễ rơi vào cái bẫy “vô nghĩa hoặc sai lệch” mà khó nhận ra.

Lớp nào quan trọng nhất ?

Người thì nói “đại học” vì đại học đào tạo ra “đầu tầu” để kéo nền kinh tế và giáo dục nước nhà đi lên, muốn đi lên được cần có đầu tầu tốt. GS HNĐ nói “lớp 1″ vì những năm đầu tiên là năm quan trọng nhất hình thành nhân cách, ảnh hưởng cả cuộc đời. Ai cũng có lý. Theo tôi thì quá trình giáo dục có thể ví như một cái dây xích, và độ chắc của một dây xích thể hiện ở cái mắt xích yếu nhất của nó (châm ngôn tiếng Anh: “a chain is only as strong as its weakest link”). Hàng năm tôi có trồng cà chua trong vườn, và thấy bất kỳ tuần nào mà mình không quan tâm đến nó thì đều có nguy cơ nó bị thời tiết không thuận lợi làm cho thui chột cả (mà quái lạ là thường cứ đúng tuần mình đi vắng thì xảy ra thời tiết khắc nghiệt với cà chua !). Giáo dục cũng vậy, không thể “lơi là” lớp nào.

Câu hỏi “lớp nào quan trọng nhất” có thể là câu hỏi bị chệch vấn đề. Vấn đề thực sự là: đâu là những điểm yếu nhất hiện tại của nền giáo dục, cần được “sửa chữa tu bổ” nhất? Những điểm yếu nhất không nằm ở “lớp nào”, mà nằm ở hệ thống ảnh hưởng đến toàn bộ các lớp.

Giáo dục và nhân tài

GS HNĐ phản đối vế “bồi dưỡng nhân tài” của phương châm giáo dục “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, vì theo ông, “nhân tài là sản phẩm cá nhân của người có tài”, chứ giáo dục không tạo ra được nhân tài.

Bản thân câu “nhân tài là sản phẩm cá nhân của người có tài” của GS HNĐ có vẻ lủng củng về cấu trúc, vì “nhân tài” chính là “người có tài”, và sản phẩm của một người đối với xã hội không phải là bản thân người đó, mà là những cái người đó mang lại cho xã hội. Nhưng ta hãy bỏ qua chuyện đó, mà đi vào vấn đề: nhân tài có cần được giáo dục bồi dưỡng không ?

Theo tôi hiểu, các thiên tài nổi tiếng, làm được những điều lớn lao, đều là một sự tập hợp của nhiều yếu tố rất thuận lợi mà thành, trong đó tư chất cá nhân chỉ là một yếu tố. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố bên ngoài như, gia đình có nuôi nấng tốt khi bé không, nền tảng văn hóa giáo dục ra sao, môi trường xã hội có thuận lợi hay không, thời điểm có thuận lợi hay không,  v.v. Hãy thử hình dung thế này: cứ 100 người có 1 người có tư chất năng khiếu bẩm sinh đặc biệt có thể thành thiên tài. Nhưng 100 người mới có 1 người có gia đình có đủ khả năng chăm sóc thật tốt cho năng khiếu đó. 100 người mới lại có 1 người khi đi học học gặp được đúng thầy bà hướng dẫn và điều kiện thật thuận lợi cho năng khiếu của mình. 100 người mới lại có một người khi làm việc gặp được đúng các điều kiện hoàn cảnh thuận lợi để phát huy tối đa năng khiếu của mình, và phải hội tụ được cả 4 yếu tố đó mới thành thiên tài. Như vậy thì tuy lúc sinh ra, cứ 100 người có 1 người có tiềm năng tư chất để thành thiên tài, nhưng trên thực tế cả trăm triệu người mới có được 1 người hội tụ được đủ các điều kiện để thành thiên tài. Hay là “nhân tài” ở mức khiêm tốn, thì tuy cứ vài người sinh ra có 1 người có tư chất nhân tài, nhưng cũng phải hàng trăm  người mới có một nhân tài. Tuy giáo dục không phải là “yếu tố duy nhất” hình thành nhân tài, nhưng cũng là một trong các yếu tố quyết định, và một nền giáo dục tốt, tạo điều kiện tốt cho những người có năng khiếu có thể làm nhân số nhân tài lên nhiều lần so với một nền giáo dục tồi. Đấy chính là ý nghĩa của câu “bồi dưỡng nhân tài” mà tôi thấy rất dễ hiểu, không hiểu tại sao GS HNĐ lại phản đối.

GS HNĐ  phủ nhận sự cần thiết của các lớp chuyên trong các phát biểu của mình, và nói đại ý là các lớp đó có đào tao được nhân tài nào đâu. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, đại đa số các nhà khoa học VN thế hệ mới là từ các lớp chuyên mà ra. Phủ nhận giá trị các lớp chuyên cũng bằng phủ nhận giá trị của toàn bộ nền khoa học VN và nhiều thứ khác nữa. Nếu như nền khoa học VN còn yếu, thì tội không nằm tại các lớp chuyên, mà tại không có điều kiện làm việc tử tế cho các nhà khoa học (mất hẳn một trong các điều kiện tạo thành nhân tài). Không hiểu sao, một mặt GS HNĐ nói là giáo dục “không được cào bằng” mà phải linh hoạt sao cho thích hợp với từng học sinh, một mặt khác lại phủ nhận vai trò của trường chuyên, là một trong những biểu hiện của sự linh hoạt tạo các mức học khác nhau cho các học sinh với trình độ khác nhau.

Khác nhau do gen hay do tinh thần ?

Trong bài báo “Đừng sỉ nhục trẻ con ..“1  của GS HNĐ có đoạn sau:

… Trẻ em của thế kỷ 20 khác trẻ em của thế kỷ 21. Đầu năm 2001, Mỹ công bố bản đồ gen cho thấy trẻ em sinh ra có 99,94 % số gen giống nhau. Số gen khác nhau chưa đến 1/100 nhưng lại không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Trẻ em khác nhau không phải do gen quyết định mà do tinh thần quyết định …

Chuyện gen người giống nhau trên 99% rất dễ thấy: con người giống nhau đến mức người này có thể hiến máu, thậm chí hiến thận cho người khác. Thậm chí khỉ cũng giống người đến 96% về gen cơ mà. Chính cái phần khác nhau nhỏ bé còn lại GS HNĐ “coi như không đáng kể”  là cái phần phân biệt người này với người khác, nên mới có chuyện kiểm tra ADN trong hình sự hay trong quan hệ họ hàng. “Khác nhau” về gen không có nghĩa người này “đẳng cấp cao hơn” người khác, mà chỉ nói lên sự phong phú của tự nhiên, và tất nhiên có người có thiên hướng hơn về mặt này, có người có thiên hướng hơn về mặt khác, do gen tạo ra vậy.  Quá trình tiến hóa của người cũng đồng thời là quá trình tiến hóa của gen. Đây là khoa học không phủ nhận được,  dù GS HNĐ có nói ngược lại.

Tất nhiên, ngoài gen, còn có các yếu tố khác tạo nên thể chất và tư cách con người. Nhưng câu nói “khác nhau là do tinh thần quyết định” theo tôi hơi tối nghĩa.  “Tinh thần khác nhau” không phải là “quyết định” sự khác nhau, mà bản thân nó đã chính là sự khác nhau giữa mọi người. Câu hỏi đặt ra là “cái gì tạo nên tinh thần khác nhau” ? Bản thân tinh thần của mỗi người là sản phẩm hợp thành của môi trường bên ngoài trong toàn bộ quá trình sống, và tất cả những gì người đó có khi sinh ra (trong đó bao gồm cả gen, cả thể tạng lúc được mẹ sinh ra, và cả “dấu ấn trời đất” của lúc đó nữa nếu nói một cách “mê tín”) , ngoài ra còn yếu tố nào nữa không ?

1/ http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-GD/Dung-si-nhuc-tre-con-bang-cach-vi-von-no-voi-dua-tre-khac/141725.gd

(Hết)

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)