Phương pháp giáo dục “ngoài lề”
Giáo dục STEM là một phương pháp giảng dạy đã được hàng chục nghìn học sinh tại các trường phổ thông đón nhận ở Việt Nam nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc dạy ngoại khóa.
Trong buổi tọa đàm giới thiệu Ngày hội STEM lần thứ ba, anh Nguyễn Kiêm Tuấn, giáo viên trường THCS Trưng Vương đã hỏi ban tổ chức: “Ngày hội đã thắp lửa đam mê khoa học – công nghệ cho các em học sinh, nhưng làm sao để duy trì ngọn lửa này?”. Anh kể anh đã gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức CLB Khoa học vì nhiều phụ huynh coi đây chỉ là một hoạt động ngoại khóa. Do vậy, có học sinh của anh phải chờ đến 11h đêm, khi cả gia đình đi ngủ hết mới dám làm các thí nghiệm vì bố mẹ cho rằng: “Muốn giỏi thì không thể học những thứ vớ vẩn này”. Đó không phải là khó khăn riêng của CLB Khoa học của trường Trưng Vương mà của đa số các đơn vị đang triển khai giáo dục STEM ở Việt Nam.
Giáo dục STEM được đưa vào Việt Nam bởi những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN trong đó, phần lớn là những người từng học tập và làm việc lâu năm tại nước ngoài. Họ muốn đưa vào phương pháp “học qua hành”, “học theo dự án” mà học sinh sẽ sử dụng kiến thức tổng hợp của bốn môn khoa học – công nghệ – kỹ thuật và toán để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Từ đó, các em sẽ hình thành những kĩ năng và tư duy quan trọng để làm việc và hội nhập sau này như kĩ năng giao tiếp, cộng tác, tư duy phản biện và làm dự án. “Chúng tôi mong muốn giáo dục STEM như một luồng nước đẩy ngược từ dưới lên tác động và làm thay đổi quan điểm, chính sách giáo dục từ trên xuống” – Chị Nguyễn Thu Hương, đồng sáng lập Học viện Sáng tạo S3, cho biết.
Đầu tư lớn và bài bản
Công ty DTT là một trong số đơn vị đầu tư lớn, bài bản và dài hơi vào giáo dục STEM. Cùng với đối tác là tập đoàn giáo dục Eduspec (Malaysia) họ mua bản quyền chương trình giáo dục STEM Robotics của Đại học Carnegie Mellon cho tám nước Đông Nam Á với giá hơn 20 triệu USD. Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư vài nghìn bộ robot Lego Mindstorms đi kèm với chương trình học, mỗi bộ khoảng 600-800 USD. Các em sẽ được tiếp cận với phương pháp giáo dục STEM thông qua việc lắp ráp và lập trình robot thực hiện các nhiệm vụ. Sau một khóa học, các em sẽ được cấp chứng chỉ có giá trị quốc tế của Đại học Carnegie Mellon. Họ cũng gửi hai giáo viên được cấp chứng chỉ Master Trainers của Đại học Carnegie Mellon. Các Master Trainers có thể đào tạo và huấn luyện và cấp chứng chỉ giảng dạy STEM cho các giáo viên khác. “Tức là rất tiêu chuẩn, nếu mình đã làm thì mình phải làm đàng hoàng. Mình đã đủ trưởng thành ở trong môi trường này, mình biết là làm gì cũng phải đến nơi đến chốn” – Anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc DTT, chia sẻ với Tia Sáng mặc dù hiện nay “dạy [chương trình này] ở các trường học chắc chắn là lỗ”. Cũng như DTT, Học viện Khám phá, đồng tổ chức Ngày hội STEM lần thứ hai tại Tp. Hồ Chí Minh và lần thứ ba tại Hà Nội mua bản quyền của High Touch High Tech (ht2) – một đơn vị của Mỹ xây dựng các bài giảng và chương trình để học sinh tự thực hiện các dự án khoa học và hiện đã có chi nhánh ở tám nước trên thế giới. Để áp dụng chương trình của ht2 một cách hiệu quả vào điều kiện và năng lực của học sinh Việt Nam, Học viện Khám phá xây dựng hai đội ngũ gồm Đội ngũ nghiên cứu và phát triển (gồm các nhà khoa học được đào tạo ở Mỹ và châu Âu) phát triển bài giảng và Đội ngũ nghiên cứu phương pháp giảng dạy (gồm các nhà nghiên cứu giáo dục).
Mặc dù không lựa chọn việc mua bản quyền từ các chương trình nước ngoài, những người sáng lập Học viện Sáng tạo S3 chứng thực chương trình của mình bằng trải nghiệm của mình với tư cách là các nhà khoa học và giáo viên giảng dạy nhiều cấp học phổ thông. Dựa trên các bộ sách giáo khoa trong và ngoài nước, họ tự xây dựng một khung chương trình bao gồm các dự án khoa học lí giải các câu hỏi gần gũi với cuộc sống. Lấy ví dụ, để trả lời câu hỏi “Tại sao thức ăn bị thiu?”, các em học sinh sẽ tiến hành một loạt các thí nghiệm, đặt cơm vào các lọ trong một loạt các môi trường khác nhau: trong nước, trong sáng, trong một nửa sáng nửa tối…, quan sát, ghi chép kết quả. Quá trình từ khi đặt vấn đề cho đến khi giải quyết nó tương tự như quá trình nghiên cứu của một nhà khoa học. Và đặc biệt là, “giáo viên hướng dẫn cũng sẽ không có câu trả lời cho hầu hết kết quả của các thí nghiệm” – Anh Đặng Văn Sơn, đồng sáng lập Học viện Sáng tạo S3 nói.
Nhưng khó lan rộng
Hầu hết các đơn vị giáo dục STEM tại Việt Nam hiện nay đang triển khai phương pháp này chủ yếu ở bậc Tiểu học, chỉ có một số ít ở THCS và chưa đến bậc THPT. Việc đưa giáo dục STEM vào lứa tuổi Tiểu học hiện nay tương đối đơn giản vì học sinh có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa mà không chịu nhiều áp lực thi cử. Đến THCS, bắt đầu trở nên khó khăn: “Với cấp học THCS, tầm nhận thức cũng như cái tôi của học sinh cao hơn nhiều so với học sinh (HS) tiểu học. Chương trình đào tạo cho HS THCS không chỉ cần đáp ứng về mặt kiến thức mà còn phải tạo sự hứng thú cho học sinh thì mới đạt hiệu quả. Biết đâu đó cũng là nguyên nhân mà các đơn vị giáo dục STEM hiện nay ở Việt Nam chưa tập trung vào độ tuổi này.” – Anh Thế Trung lí giải. Anh Đặng Văn Sơn cũng đồng tình với ý kiến này, anh cho rằng, cái khó của việc đưa giáo dục STEM vào cấp THCS nằm ở chỗ, khi đã không làm quen với giáo dục STEM ở tiểu học thì cấp hai sẽ khó thích thú với nó. Hơn nữa, đến lớp 8-9, các em bắt đầu lo thi cử vào cấp ba và chịu nhiều sức ép từ kỳ vọng của gia đình: “Bố mẹ thấy con không chịu làm bài tập mà cứ mày mò cái gì đấy là đã có vấn đề rồi”. Và đến THPT, việc đưa giáo dục STEM còn thách thức hơn nữa vì các em lại tập trung cho thi cử vào đại học.
Tuy vậy, việc triển khai giáo dục STEM lên các cấp học cao hơn là điều cần thiết vì “Chương trình cấp một “nồng độ” chơi cao, nhưng không thể chơi mãi được. Tiểu học là lúc hình thành nhân cách. THCS là lúc hình thành tính cách. THPT là lúc hình thành kĩ năng. Nếu sáng tạo trở thành thói quen ở THCS thì lớn lên các em cũng vẫn sáng tạo” – Anh Thế Trung nói.
Hiện nay, DTT đã đón khoảng 30 nghìn lượt học sinh và Học viện Khám phá nhận khoảng 40 nghìn lượt học sinh tham gia các khóa học của mình. Tuy nhiên, con số đó chỉ như “muối bỏ biển” đối với hơn 20 triệu học sinh trên cả nước. Bản thân các đơn vị, dù rất muốn cũng không đủ tiền và nguồn lực để triển khai đại trà. Để tất cả học sinh ở Việt Nam được tiếp cận giáo dục STEM, cần phải có chủ trương, chính sách bắt buộc đưa giáo dục STEM trong chương trình chính khóa.
Nếu không bắt buộc như vậy thì xã hội hóa giáo dục STEM gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đưa vào học chính khóa ở các trường công lập. THCS Trưng Vương là một ví dụ, mặc dù được ban giám hiệu ủng hộ, giáo dục STEM vẫn là hoạt động “ngoài lề”. “Nếu thanh tra kiểm tra thấy giáo án khác đi một chút là không được!” – anh Nguyễn Kiêm Tuấn nói. Hơn nữa, trường cũng không hỗ trợ kinh phí cho các thầy cô khi triển khai một phương pháp giáo dục mới. Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ với phóng viên Tia Sáng rất thành thật rằng, thậm chí, các thầy cô giáo sẽ không có thời gian dạy thêm kiếm sống khi theo đuổi giáo dục STEM như vậy.
Chương trình quốc gia về giáo dục STEM
TS. Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn phương pháp dạy khoa toán – tin, Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang nghiên cứu về phương pháp giáo dục STEM, đã đưa ra một số ưu thế của giáo dục STEM. Thứ nhất, STEM thể hiện được xu hướng phát triển của thế giới: những vấn đề khoa học và đời sống cần kiến thức của nhiều môn học ngày càng có khuynh hướng gắn kết lẫn nhau cả ở mặt phương pháp luận và kỹ thuật thực hiện. Thứ hai, sự phát triển của các nghiên cứu về thần kinh học, tâm lý học đã chỉ ra những điểm mới về cách giáo dục đối với từng cá nhân, từng giai đoạn và xã hội cũng đòi hỏi con người những mục tiêu khác nên phương pháp giáo dục STEM chiếm ưu thế vì học qua trải nghiệm, tăng cường tính làm chủ, tính hợp tác, óc tưởng tượng và sáng tạo.
Chị không đồng tình việc giáo dục STEM chiếm toàn bộ trong chương trình học vì phụ thuộc vào giai đoạn và năng khiếu của từng học sinh nhưng chị cho rằng: “STEM cần được phát triển sâu và nhân rộng ở Việt Nam vì nó sẽ là một điển hình cho sự tích hợp (mang tính tư tưởng, phương pháp) và nó có ích cho cả những lĩnh vực khác. Đồng thời, nó khắc phục được cách học thụ động và không có thực tiễn đã thành “bệnh” ở Việt Nam. Khi STEM được dạy một cách hệ thống, chắc chắn sẽ thay đổi được chất lượng giáo dục.”
Mark Windale, chuyên gia giáo dục STEM ở trường Đại học Sheffield Hallam (Anh) trong một buổi tọa đàm về giáo dục STEM do Hội đồng Anh tổ chức cho biết, nếu muốn triển khai giáo dục STEM trên toàn quốc, cần xây dựng một chương trình quốc gia với mục tiêu rõ ràng và nghiên cứu cụ thể về thực trạng giáo dục, những khó khăn thách thức sẽ gặp phải, nhu cầu và khả năng đóng góp của các bên liên quan (các công ty, các trường đại học, các trung tâm dạy STEM) và từ đó đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể.
Phải mất ba năm (2011-2014) để có được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh và thuyết phục các trường, DTT mới đưa được chương trình giáo dục STEM của họ vào trong khoảng 20 trường tiểu học trên cả nước dưới dạng các câu lạc bộ (CLB) Robotics. Sau đó, Học viện Khám phá hay Học viện Sáng tạo nhanh hơn, họ mất khoảng hơn một năm để triển khai các CLB ở các trường. Nhưng CLB giáo dục STEM như vậy chỉ diễn ra 1-2 buổi/tuần, tương đương với các CLB mang tính chất năng khiếu như khiêu vũ, võ, mỹ thuật…Với thời gian ít ỏi và mang tính ngắn hạn, nội dung dạy trong các CLB sẽ chỉ ở mức độ nhập môn, cơ bản và kết quả đầu ra rất khiêm tốn. |