Rầm rộ tình yêu

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, chắc là ít nơi trên thế gian này người ta đón cái ngày nhà giáo tựa một cái tết nho nhỏ như ở thủ đô nước ta. Yêu thầy nào là những hoa, những inh ỏi trống kèn mít tinh kỷ niệm, những bữa tiệc, những cuộc viếng thăm và… quà. Phong tục xưa có nguy cơ nhoà dần trong ồn ào những trơ trẽn của thời đại vật chất. Biết ơn là một phẩm hạnh cao quý, song bày tỏ lòng tri ân ấy ra sao chắc cũng nên bàn.

Nhìn những đứa trẻ quê tung tăng đi tết thầy tôi thầm mong chúng còn nhiều ngây thơ hơn con nhà thành phố. Hy vọng là thế, bởi trước đó hàng tuần cô bé lớp trưởng đã nhắc cả lớp đóng tiền mua quà thăm thầy cô, cái việc xin tiền cha mẹ và cùng nhau chọn quà cho thầy cô có thể sẽ đọng lại trong đầu con trẻ lâu hơn là những tình cảm biết ơn. Người thành phố thường ít con hơn, muốn con hay chữ ai chẳng mong có dịp thăm thầy. Các trường đại học dịp lễ thầy cô tưng bừng quà cáp, chắc là vẫn còn nhiều tình, song tôi không thoát khỏi những suy tưởng rằng tình yêu thầy cô ấy sao mà rầm rộ.

Nước ta có thật nhiều trường, song lớp lớp người học ra trường chẳng thể hình thành nên một vài trường phái. Trò học được chữ, có được bằng, song trò ít cảm được cái chí của thầy và nuôi dưỡng thêm cái chí ấy, làm cho tư tưởng sống dần thành trường phái, thành những nếp văn hoá riêng biệt lan toả dần từ những mái trường.Muốn biết yêu cha, yêu mẹ, yêu thầy chắc rằng những người trẻ tuổi trước hết phải học yêu lấy chính mình, mạnh mẽ phát ra điều mình mơ ước và học dấn thân cho những điều mình cho là tốt đẹp. Muốn đạt được điều ấy, ngoài dạy chữ, người thầy hình như còn phải giúp học trò nhen lên những cảm xúc biết yêu điều tử tế, biết khám phá bản ngã chính mình và nuôi dưỡng những giá trị ấy qua nhiều thế hệ. Ngày qua ngày, những người thầy ấy trở thành trí nhớ chở gánh tình nối qua các thế hệ.

Thời đại trôi như những dòng thác lớn, thói quen của hàng triệu con người hình như cũng tạo nên những nếp sống khó có thể thay đổi, tựa như mỗi dịp ồn ào cờ hoa tri ân nhân ngày thầy giáo. Song tôi không thật tin lắm khi người ta bảo rằng nét văn hoá ấy là văn minh. Ồn ào thì ít khi sâu lắng, rợp cờ phướn thì cũng mau xơ xác chợ chiều. Tôi chợt thấy ngổn ngang trên báo chí nào những đi thầy, chạy lớp, những tống tình, tạt a-xít và đuổi đánh thầy giáo, nào những chiến dịch hai không, bốn không, nói không với đủ loại tiêu cực trong học đường.

Chiều se lạnh, chợt văng vẳng “bụi phấn vương trên tóc thầy..” những ca từ giản dị từ một bài hát quen. Tình yêu thầy thời @, rầm rộ quá, tôi chỉ mong còn chút thật.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)