Rủ nhau học tiến sĩ Mỹ “ngoài luồng”

Không chỉ giảng viên các trường CĐ, ĐH địa phương, ngay cả nhiều giảng viên của các trường ĐH lớn cũng tham gia học tiến sĩ “chui”...

Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 150 người theo học tiến sĩ (chương trình liên kết với ĐH Quốc tế Mỹ) và trên 200 người học thạc sĩ (chương trình liên kết với ĐH quốc tế Adam) do Viện Kế toán và quản trị doanh nghiệp (Q.10, TP.HCM) tổ chức nhiều năm nay.

Đây là chương trình liên kết không phép và nội dung cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ công nhận. Ngoài một số cá nhân công tác tại các doanh nghiệp, đa số học viên những lớp này đều là giảng viên và cả cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ. Mỗi khóa học thạc sĩ, tiến sĩ có học phí 4.800-5.800 USD.

Rủ nhau học tiến sĩ “chui”

Theo danh sách các khóa học mà chúng tôi có được (tiến sĩ từ khóa 1 đến khóa 5 và thạc sĩ từ khóa 2 đến khóa 6), Trường CĐ Công thương TP.HCM có số lượng người theo học nhiều nhất với khoảng 20 người theo học tiến sĩ và thạc sĩ. Người đầu tiên của trường này theo học chương trình tiến sĩ là hiệu trưởng Lê Thanh Bình.

Từ đó, hàng loạt giảng viên của trường đã đăng ký học chương trình này ở các khóa tiếp theo. Trong đó, nhiều nhất là khóa 4 với năm giảng viên. Không dừng lại ở đó, đến khóa 5, có đến hai người hiện đang là phó hiệu trưởng, một số cán bộ quản lý của trường này theo học tiến sĩ.

Ông Lê Thanh Bình – học khóa I chương trình tiến sĩ – xác nhận đã hoàn thành khóa học và nhận bằng tiến sĩ. Cũng theo ông Bình, nhiều giảng viên và cán bộ quản lý muốn nâng cao trình độ nên lần lượt đăng ký học các khóa học sau mà không có thông tin đầy đủ về tính pháp lý của chương trình. Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh (tháng 8-2010 – PV) về việc liên kết không phép của chương trình này, các thành viên ban giám hiệu và nhiều giảng viên đã không theo học nữa.

Thông tin tuyển sinh của chương trình đào tạo này không được thông báo rộng rãi nên chủ yếu được thông tin đến người học bằng cách truyền miệng, người trước giới thiệu cho người sau. Anh K. – một học viên tiến sĩ khóa 5 – cho biết đang theo học song song hai chương trình tiến sĩ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Quốc tế Mỹ.

Một học viên chương trình thạc sĩ cho biết đầu vào của chương trình khá dễ, không yêu cầu về tiếng Anh. Khóa học có thời gian 14 tháng, mỗi tháng học tập trung hai ngày, thời gian còn lại là tự học. Giảng viên đến từ Mỹ và Malaysia, trong lớp có giáo viên chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt giảng viên từ các trường đã rỉ tai nhau và đăng ký học chương trình này. Những khóa càng về sau, số học viên là giảng viên các trường có số lượng ngày càng đông.

Công nhận hay không?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT – khẳng định bộ sẽ không công nhận bằng cấp của các chương trình liên kết đào tạo không phép tại VN. Tuy nhiên trao đổi với lãnh đạo một số trường cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về giá trị bằng cấp của các chương trình này.

Ông Lâm Thành Hiển – phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng – cho biết trường có năm giảng viên theo học chương trình tiến sĩ trên. Tuy nhiên, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh về chương trình này, trường đã làm việc với các giảng viên trên và khẳng định trường sẽ không công nhận bằng cấp của chương trình này nên các giảng viên đã ngưng không theo học nữa.

Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cũng khẳng định một số giảng viên của trường theo học tiến sĩ chương trình trên, nhưng đến thời điểm này chưa có ai nộp bằng tiến sĩ về trường.

Ông Hùng cũng cho biết quan điểm của trường về bằng cấp luôn rõ ràng: bằng cấp nộp về trường luôn được kiểm tra rất kỹ và chỉ chấp nhận các chương trình có phép. Ngay cả ứng viên đề án du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trường cũng phải duyệt trường cho ứng viên chứ không phải họ muốn chọn trường nào cũng được.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình cho rằng một số khóa đầu do chưa có thông tin nên nhiều giảng viên đăng ký học. Sau khi báo chí đăng về chương trình liên kết không phép, hầu hết giảng viên đã ngưng không theo học nữa. Riêng một số giảng viên đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trường không công nhận những bằng này và để đó làm… kỷ niệm, khi nào được Bộ GD-ĐT công nhận sẽ tính!

Ông Bình cho biết thêm: giảng viên tự bỏ kinh phí để học bổ sung chuyên môn, tuy bằng cấp không được công nhận nhưng dù sao như thế cũng nâng cao kiến thức của mình. Trường không khuyến khích giảng viên học các chương trình vớ vẩn!

Trong khi đó, một thành viên ban giám hiệu Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho rằng công nhận hay không cần phải có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT. Thực tế thời điểm các giảng viên của trường theo học là các khóa đầu tiên, thông tin về chương trình chưa có chứ không phải sau khi báo chí thông tin chương trình không hợp pháp mà vẫn theo học. Giảng viên tự bỏ kinh phí để nâng cao trình độ cũng là một việc tốt.

Còn ThS Lâm Tường Thoại – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) – khẳng định trường sẽ công nhận học vị tiến sĩ này và phân công giảng dạy phù hợp. Cũng theo ông Thoại, một số giảng viên của ĐH Kinh tế – luật, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) là giảng viên của khoa ngoại ngữ (tiếng Anh).

Với lợi thế về ngoại ngữ, những giảng viên này đã theo học khóa tiến sĩ quản trị kinh doanh và với học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh, họ có thể được bố trí giảng dạy ở ngành tiếng Anh thương mại hoặc quản trị kinh doanh.

Thống kê sơ bộ cho thấy Trường CĐ Kinh tế TP.HCM có chín người học thạc sĩ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có sáu người học tiến sĩ, ĐHQG TP.HCM có bảy người – hầu hết là giảng viên Trường ĐH Kinh tế – luật. Các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Lạc Hồng, Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) có từ 4-6 người/trường theo học. Một số trường ĐH khác như Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Hoa Sen, Marketing, Sài Gòn, Cửu Long, Yersin, Hồng Bàng có từ 1-2 giảng viên mỗi trường tham gia các khóa học tiến sĩ.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)