SAT có công bằng không?

Được xem là kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng sinh viên đầu vào lớn nhất ở Mỹ, nhưng ngày nay, tính khách quan của SAT đang gây ra nhiều tranh cãi.

Lịch sử hơn 100 năm…

SAT được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901, khi phương pháp và chương trình giảng dạy ở các trường trung học giữa các bang và ngay trong một bang của Mỹ cũng có thể  rất khác nhau, đòi hỏi phải có một kỳ kiểm tra chuẩn hóa việc đánh giá sinh viên đầu vào cho các trường đại học. SAT do Tổ chức Kiểm định Giáo dục (Educational Testing Service- ETS) chịu trách nhiệm các khâu xây dựng nội dung, in ấn đề thi, và chấm điểm. Việc chiêu sinh được giao cho một công ty tư nhân khác là College Board. ETS là tổ chức kiểm định giáo dục phi lợi nhuận lớn nhất thế giới, với ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 900 triệu USD, phần lớn nhờ vào việc tổ chức các kỳ thi như SAT, TOEFL, GMAT…

Mặc dù tên viết tắt của kỳ thi từ ngày ra đời đến nay vẫn là SAT, nhưng tên gọi đầy đủ của nó trên thực tế đã thay đổi đến ba lần. SAT ban đầu được hiểu là Scholastic Achievement Test, hàm ý đánh giá trình độ của sinh viên đầu vào. Khi đó, chủ yếu chỉ có các trường đại học ở phía đông bắc nước Mỹ sử dụng kết quả thi SAT để xét tuyển sinh viên. Năm 1941, sau những bước phát triển đáng kể, College Board quyết định đổi tên kỳ thi thành Scholastic Aptitude Test- đề cao việc đánh giá năng lực, thiên hướng của thí sinh. Đây cũng là tên gọi được sử dụng lâu nhất của SAT. Những năm 1950 và 1960, SAT bắt đầu trở nên phổ biến ở khắp nước Mỹ và được biết đến cả ở nước ngoài.

Thành công của một số tổ chức luyện thi SAT như Kaplan và Princeton Review buộc College Board phải một lần nữa thay đổi tên gọi của kỳ thi: Năm 1990, kỳ thi chính thức mang tên Scholastic Assessment Test như một lời thừa nhận rằng, đây chỉ là kỳ thi đánh giá kết quả học tập mà thí sinh hoàn toàn có thể giành điểm cao nhờ luyện thi tốt, chứ không còn là thước đo năng lực, thiên hướng như ý nghĩa ban đầu. Điều này bị xem là một bước lùi về mặt lý thuyết của SAT.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Nhiều người cho rằng, khái niệm “assessment test” là quá rườm rà, và cuối cùng, tên gọi của kỳ thi chỉ còn là SAT một cách hoàn toàn trung tính, sau lời tuyên bố của College Board vào năm 1996: “Xin lưu ý mọi người rằng, SAT không phải là từ viết tắt, đằng sau nó không là cụm từ nào cả.”

Việc đăng ký dự thi SAT, không chỉ với thí sinh Mỹ mà cả với thí sinh nước ngoài đều rất dễ dàng và thuận lợi. Thí sinh chỉ cần đăng ký trước ngày thi ba tuần- qua mạng, bằng đường bưu điện hoặc gọi điện thoại. Ngày thi, địa điểm thi và môn thi đều có thể thay đổi hoặc hoãn, tất nhiên thí sinh sẽ phải trả phí cho những phát sinh này, chẳng hạn: thay đổi ngày thi, địa điểm thi, môn thi: 20 USD, hoãn thi: 36 USD. Một số thí sinh cho rằng, phí thi SAT khá cao, nhưng cũng nên biết, những thí sinh chứng minh được rằng mình đang gặp khó khăn về tài chính, hoàn toàn có thể được dự thi miễn phí.

Thông thường, College Boarf tổ chức thi SAT vào tháng 10, 11, 12, 1, 3 (hoặc 4), 5 hằng năm, trong đó một số kỳ được ấn định vào ngày thứ bảy đầu tiên trong tháng. Tuy nhiên, những thí sinh vì lý do tôn giáo (như trường hợp người Do Thái với lễ Sabbath- ngày thứ bảy trong tuần khi mà họ chỉ làm những việc tín ngưỡng và nghỉ ngơi, không được làm bất kỳ việc gì có tính vụ lợi), có thể đăng ký để xin lùi ngày thi sang ngày chủ nhật sau đó. Khoảng hai tuần rưỡi sau khi thi, thí sinh có thể xem kết quả bài thi trên mạng mà qua đó, họ không chỉ biết cụ thể số điểm nhận được từ các câu trả lời đúng, số điểm bị trừ đi từ các câu trả lời sai mà còn được thông báo có bao nhiêu người đạt điểm thấp hơn mình.

Những lời chỉ trích

Như đã nói ở trên, do sự khác biệt về giáo dục giữa các bang của nước Mỹ, và do chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế của từng bang- ở những bang giàu có, điều kiện học tập cũng tốt hơn – cho nên ngay từ khi ra đời, SAT đã đặt mục tiêu là tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm dân cư qua bài kiểm tra mang tính khách quan. Thế nhưng, ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng, SAT đang thiên vị phái nam và người da trắng. Người ta từng đưa ra nhiều bảng biểu để chứng minh cho lời chỉ trích này.

Một thí dụ nổi tiếng thường được viện dẫn để minh họa là trường hợp của câu hỏi loại suy (suy luận từ những sự việc, sự vật giống nhau) sau đây: Hãy tìm cặp từ có mối quan hệ gần nhất với mối quan hệ giữa runner-marathon (vận động viên chạy đua-cuộc thi marathon). Trong phần trả lời, đáp án oarsman-regatta (người chèo thuyền-cuộc đua thuyền) đã bị nhiều thí sinh bỏ qua. Theo một thống kê, trong khi có 53% thí sinh da trắng trả lời đúng thì chỉ có 22% thí sinh da đen trả lời đúng. Câu hỏi này bị chỉ trích vì người ta cho rằng đáp án đúng của nó liên quan đến một môn thể thao chỉ phổ biến trong giới những người có thu nhập tương đối cao.

Không chỉ các câu hỏi loại suy (analogy), mà một số câu hỏi dạng chọn đáp đúng trong số các đáp án cho sẵn (multiple choice) cũng bị chỉ trích là mập mờ, nước đôi, dễ gây hiểu nhầm.

Năm 2001, trong một bài phát biểu trước Hội đồng Giáo dục Mỹ, Richard C. Atkinson, Chủ tịch của ĐH California, đã kêu gọi chấm dứt việc coi kết quả thi SAT I (Reasoning Test) như một yếu tố xét tuyển sinh viên: “Bất kỳ ai ở trong ngành giáo dục cũng nên tìm hiểu xem, việc quá nhấn mạnh kỳ thi SAT đang gây ra hậu quả học lệch như thế nào, bao nhiêu người cho rằng SAT là không công bằng, và nó đồng thời đang tác động xấu đến khả năng tự đánh giá cũng như động cơ học tập của học sinh ra sao. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, việc quá đề cao kỳ thi SAT có thể làm hỏng nền giáo dục Mỹ.” và “Năm 1996, College Board tuyên bố ‘SAT’ là ‘SAT’, và các chữ cái không còn là chữ viết tắt nữa. Cái trò tu từ này chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho mục đích của bài thi SAT càng trở nên bí hiểm”.
Trong một bài báo trên tờ The New York Times, Giáo sư Les Perelman của Học viện Kỹ thuật Massachusettes (MIT) viết, ông thậm chí còn có thể vẽ biểu đồ cho thấy mối tương quan giữa độ dài và điểm số của các bài luận trong SAT. Mối tương quan này rõ ràng tới mức, như ông cho biết, không cần đọc mà chỉ cần nhìn qua độ dài của bài luận, ông cũng có thể đoán chính xác số điểm thí sinh sẽ nhận được. Và xác suất đoán trúng của ông lên tới 90%!

Đáp lại những lời chỉ trích, College Board thông báo sẽ thay đổi cơ cấu bài thi của SAT. Bắt đầu từ tháng 3/2005, trong đề thi SAT, một số loại câu hỏi đã được hạn chế, riêng câu hỏi loại suy thì hoàn toàn biến mất. SAT cũng được bổ sung thêm một phần thi viết luận kéo dài 25 phút nhưng không tính điểm mà chỉ coi đó như phần tham khảo thêm của người chấm điểm. Theo kết quả điều tra tại 374 trường cao đẳng và đại học do Công ty Kaplan tiến hành, 58% số trường được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng bài luận này để đánh giá việc các sinh viên có nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài trong các bài luận gửi kèm hồ sơ xin học hay không, trong trường hợp họ thấy có dấu hiệu thiếu nhất quán về trình độ viết của học sinh; 13% cho biết họ sẽ so sánh các bài luận của tất cả những người xin học.

… và ACT – một đối thủ cạnh tranh
Hiện nay, hơn 700 trường đại học ở Mỹ không xem SAT I như một điều kiện bắt buộc, và ngày càng quan tâm hơn đến các yếu tố khác có thể giúp họ đánh giá năng lực của sinh viên đầu vào. Một số trường đại học còn khuyến khích sinh viên đăng ký nhập học thi ACT (American College Test). Giống như SAT, ACT cũng là kỳ thi đánh giá chất lượng sinh viên đầu vào, bắt đầu nổi lên như một đối thủ cạnh tranh của SAT từ năm 1959. Nhưng khác với SAT, ACT không trừ điểm của những câu trả lời sai, vì vậy khuyến khích thí sinh trả lời tất cả các câu hỏi. Theo đánh giá của Kaplan và Princeton Review, đề thi của ACT gần với kiến thức cơ bản của học sinh hơn, và các câu hỏi cũng rõ ràng hơn, hay nói cách khác, ít gây hiểu nhầm hơn. Số thí sinh dự thi ACT đang có chiều hướng ngày càng tăng, và hiện cũng gần bằng số thí sinh thi SAT (khoảng hơn ba triệu lượt mỗi năm). Phần lớn các trường đại học ở Mỹ xem kết quả thi SAT và ACT có giá trị như nhau. Thậm chí trước kia, một số trường ở khu vực giữa miền tây chỉ nhận xét điểm thi ACT. Trong khi đó, phần lớn các trường đại học ở miền duyên hải vẫn đề cao kết quả thi SAT hơn.

T.T 


Nguồn tin: www.wikipedia.org và một số tài liệu khác

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)