Sinh viên Harvard vẫn là người ưu tú

Steven Pinker phản biện bài viết của William Deresiewicz cho rằng các sinh viên ở những trường ưu tú có vẻ thông minh năng động, nhưng thực tế, bên trong họ lại có những biểu hiện của sự lo lắng, sợ hãi, thậm chí trầm cảm, trống rỗng và mất định hướng trong cuộc sống.

Bài viết của Giáo sư Steven Pinker – nhà ngôn ngữ học, tâm lý học thực nghiệm, và là tác giả của nhiều sách khoa học phổ thông được nhiều người đón nhận ở Mỹ và trên thế giới đăng trên tạp chí New Republic, một tạp chí tuần uy tín với những bài viết về chính trị và nghệ thuật ra đời cách đây tròn một thế kỷ, đã phản biện một bài viết, cũng được đăng trên New Republic của William Deresiewicz, tác giả của cuốn sách “Chú cừu xuất sắc: Sự giáo dục sai lầm của tầng lớp ưu tú Mỹ và cách để có một cuộc sống có ý nghĩa” (Excellent Sheep: The Miseducation of the American Elite and The Way to a Meaningful Life).

William Deresiewicz:
Sự què quặt của giáo dục Harvard

Trong bài viết của mình mang tựa đề “Đừng gửi con bạn đến các trường Ivy League” với dòng phụ đề “Các trường hàng đầu quốc gia đang biến con cái chúng ta thành những xác chết biết đi”, William Deresiewicz đã chỉ ra rằng mặc dù các sinh viên trong hệ thống đào tạo ưu tú của những trường này có vẻ thông minh năng động, nhưng trong thực tế, sự cân bằng tâm lý của họ lại đang đi xuống ở mức báo động: nhiều sinh viên tỏ ra rất ganh đua và có phần kiêu hãnh với những gì mình đã làm được và về vị trí của họ trong các tầng lớp ưu tú hàng đầu của Mỹ, nhưng bên trong thì họ lại có những biểu hiện của sự lo lắng, sợ hãi, thậm chí trầm cảm, trống rỗng và mất định hướng trong cuộc sống. Ông lý giải điều nay do không chỉ vì các trường ưu tú của Mỹ có định hướng giáo dục quá tập trung đến các kỹ năng phân tích vấn đề và ăn nói thuyết phục người khác để khi sinh viên ra trường đáp ứng ngay được nhu cầu của những ngành lợi nhuận cao trong nền kinh tế như tài chính, mà còn do quá trình lớn lên của các sinh viên này là một sự chuẩn bị đặc biệt của gia đình để khi đến tuổi họ cũng có đủ điều kiện được nhận ngay vào các trường ưu tú như Harvard, Stanford, Williams, khiến họ có ít trải nghiệm về thất bại và rất sợ rủi ro.

Ngoài ảnh hưởng lên các sinh viên, William Deresiewicz còn cho rằng cách lựa chọn đầu vào và hệ thống giáo dục trong các trường này khiến chỉ con cái những gia đình giàu có và quyền lực mới được hưởng những tinh hoa ưu đãi của xã hội, và tầng lớp này sẽ càng lúc càng xa rời phần còn lại của xã hội nói chung, đặc biệt là tầng lớp thấp hơn của xã hội nói riêng vốn bao gồm những người cần nhiều sự giúp đỡ nữa. Harvard vốn nổi tiếng là môi trường đào tạo những lãnh đạo không chỉ của Mỹ mà cho toàn thế giới, thì sự tách rời này cũng sẽ khiến cho những người lãnh đạo tương lai này không thể hiểu và cảm nhận được thực tế cuộc sống của những người mà họ có thể sẽ làm việc cùng sau này.

Kết luận bài viết, Deresiewicz chỉ ra rằng những yếu tố trên đều tác động tiêu cực lên xã hội và bản thân những sinh viên ưu tú trong hệ thống Ivy League. Có chăng nó chỉ làm lợi cho các trường khi mà đơn xin học vẫn nườm nượp và học phí vẫn tăng đều đặn. Ông khuyên các sinh viên tương lai tìm đến một hệ thống giáo dục “cởi mở” nơi họ có thể tìm hiểu và xây dựng chính mình, và trở thành một con người đúng nghĩa. Với hệ thống giáo dục Mỹ nói chung, Deresiewicz cho rằng các cải cách cần được thực hiện để tạo cơ hội ai cũng được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao. Hệ thống giáo dục mang tính quý tộc (aristocracy) hay mang tính “trọng dụng nhân tài” (meritocracy) một cách chung chung như hiện nay sẽ không đem lại lợi ích lâu dài cho các sinh viên, xã hội hay nước Mỹ như một quốc gia.

Steven Pinker:
Tấm bằng ở Ivy League vẫn là bằng chứng cho sự thông minh và kỷ luật

Và khi Steven Pinker phản bác những lập luận của William Deresiewicz để bảo vệ Harvard – nơi mình đang giảng dạy, ông chỉ ra rằng bài viết của Deresiewicz mang đầy những kết luận áp đặt và thiếu phân tích khách quan, tập trung quá vào tính tương đối của “giá trị cuộc sống”, mà bỏ qua sự phát triển khả năng trí tuệ nói riêng và sự thành công trong cuộc sống nói chung. Ông so sánh bài viết của Deresiewicz như một phát súng săn tung tóe trúng đủ thứ nhưng lại trượt mất mục tiêu quan trọng nhất của mình.

Deresiewicz đã không chỉ ra được luận chứng nào thuyết phục người đọc rằng các sinh viên Ivy League thời nay thiếu trưởng thành, xa rời thực tế hơn thế hệ trước của họ, khi so với các sinh viên ngoài hệ thống Ivy League hay trong toàn nước Mỹ nói chung. Hơn thế, ông còn “buộc tội” các sinh viên muốn học tốt, đạt kết quả cao nhất chỉ nhằm mục tiêu tạo nền tảng để đạt được sự thành công về tiền bạc, về địa vị và danh vọng. “Vậy thì sinh viên nên làm gì đây, thử ma túy và chơi điện tử suốt ngày ư ?” Steven Pinker hỏi.

Mặc dù có thể là ở nhiều các trường “hạng nhì” lượng sinh viên tài năng cũng sánh ngang với các trường ưu tú và một số ngành học ở các trường này lại còn vượt hẳn so với các trường Ivy League thì vẫn không có lý do để tin là sinh viên các trường đó ham học hỏi, cởi mở, ít ganh đua và khiêm tốn hơn so với các sinh viên Ivy League, như Deresiewicz khẳng định. Ngược lại, chính các trường “hạng nhì” cũng nổi tiếng với các cộng đồng sinh viên mải chơi, lười học, chểnh mảng thi cử và chỉ học cho qua. Do vậy, kết luận rằng việc sinh viên nên đăng ký vào các trường tốp dưới vì các trường này cho họ một nền giáo dục toàn diện hơn chỉ là kết luận thiếu căn cứ của Deresiewicz.

Kết quả nghiên cứu của nhà kinh tế học Caroline Hoxby cho thấy các trường ưu tú nhất bỏ ra chi phí cho cơ sở vật chất và hệ thống đào tạo của mình về trung bình gấp 20 lần so với các trường kém hơn. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các sinh viên Ivy League có khả năng ra trường đúng hạn cao hơn, chọn được bạn đời như ý hơn và tạo được thu nhập cao hơn 20% so với những người bạn cùng lứa từ các trường bình thường.

Về mục đích của giáo dục đại học, Deresiewicz cho rằng “điều đầu tiên sinh viên cần được học từ đại học là khả năng suy nghĩ”, nhưng ông lại phủ nhận kỹ năng phân tích và ăn nói thuyết phục vốn rất quan trọng cho sự nghiệp của sinh viên sau khi ra trường là cần thiết. Sự coi nhẹ thực tiễn này là phi lý.

Ngoài ra, ông còn bác lại quan điểm của Deresiewicz cho rằng giáo dục đại học còn là để cho sinh viên có cơ hội “xây dựng bản thân như một cá thể độc lập”. Theo Pinker, sinh viên cần được trang bị kiến thức toàn diện về văn hóa lịch sử cũng như chính trị xã hội hay nghệ thuật để có thể biết thưởng thức cái đẹp và có một cái nhìn sâu sắc về thế giới nói chung. Nếu sinh viên muốn “xây dựng bản thân như một cá thể độc lập” thì họ có thể tự làm ngoài lớp học chính quy của mình.

Trong số ít những luận điểm của Deresiewicz mà Pinker đồng tình, ví dụ như giáo dục đại học chất lượng cao nên được phổ thông hóa (dân chủ hóa) để mọi công dân có thể tiếp cận, cách nhìn của Pinker cũng có nhiều khác biệt. Ông cho rằng khả năng và nhu cầu của các thí sinh khi nộp đơn vào các trường đại học không đồng nhất, và sự đa dạng hóa của các trường đã phản ánh rất trung thực sự thật này. Nhưng điều này không phải là bất biến. Pinker chứng minh cho quan điểm của mình qua lịch sử của chính Harvard, nơi trước những năm 1960 chỉ dành cho giới thượng lưu của xã hội. Rồi vào những năm 1960, dưới sức ép chiến tranh Lạnh với sự cạnh tranh giữa Xô – Mỹ mà tiêu điểm là tàu Sputnik bay vào vũ trụ thành công, cùng với những phong trào quốc gia chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thái độ bài Do Thái, Harvard đã phải thay đổi chính mình, tập trung vào chính sách “trọng dụng người tài”, mang lại một loạt kết quả trong các lĩnh vực kinh tế khoa học công nghệ của nước Mỹ. Một thực tế nhiều người biết là hiện nay Harvard chỉ dành tối đa 10% (thậm chí có thể thấp đến mức 5%) chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của mình dựa vào kết quả học tập, còn lại là dựa vào sự phát triển toàn diện của các cá nhân như khả năng thể thao hay nghệ thuật. Vậy, một hệ thống tuyển sinh như thế làm sao có thể chỉ để sản sinh ra những “cái xác biết đi”, hay những “chú cừu” như nhận định của Deresiewicz.

Pinker kể mặc dù ông là một trong những giáo sư được sinh viên yêu thích và các bài giảng của ông có nội dung quan trọng sẽ có trong đề thi cuối kỳ nhưng có những hôm hội trường chỉ có một nửa số sinh viên đi học. Rõ ràng không phải họ lười, mà là các sinh viên Harvard “bận kinh khủng” với các lịch ngoại khóa từ thể thao đến nhạc họa. Qua chính những hoạt động “chơi” này mà sinh viên được cảm nhận sự gắn bó đồng đội và đạt được những thành tích từ chính nỗ lực của họ, một phần không thể thiếu trong “trải nghiệm toàn diện ở Harvard”.

Vậy tại sao khi sinh viên Harvard “ham chơi hơn học” này ra trường, các công ty tư vấn hay tài chính đầu tư hàng đầu lại vội vàng vơ lấy họ, và trả họ lương 20% cao hơn lương của những sinh viên mới tốt nghiệp khác? Một là do tấm bằng cử nhân một trường ưu tú Ivy League là bằng chứng cho trí thông minh và kỷ luật, những yếu tố quan trọng hơn kiến thức cụ thể vì khi có những yếu tố này thì sự tiếp thu kiến thức chỉ là vấn đề thời gian. Hai là có những kỹ năng mà kể cả người thông minh nếu không có cũng khó mà thành công được, thì hầu hết các sinh viên từ các trường ưu tú đều được trang bị, như khả năng suy nghĩ logic và một tư duy phản biện rõ ràng. Một yếu tố nữa là một nhân viên có bằng cử nhân từ Harvard ít có khả năng “làm sai” và cũng làm đẹp đội hình của công ty rất nhiều.

Thế thì rõ ràng là rất có lý khi các gia đình có điều kiện đầu tư cho con cái từ nhỏ để khi đến tuổi thì chúng có đủ điều kiện để được xem xét nhận vào các trường hàng đầu ưu tú rồi.

Nguồn:

http://www.newrepublic.com/article/119321/harvard-ivy-league-should-judge-students-standardized-tests

http://www.newrepublic.com/article/118747/ivy-league-schools-are-overrated-send-your-kids-elsewhere

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)