Sinh viên quốc tế – ngành công nghiệp tỷ đô

Năm 2012, sinh viên quốc tế đóng góp cho nước Úc 9.8 tỷ USD tiền học phí. Về thương mại, giáo dục (mà chủ yếu là giáo dục đại học) đã trở thành lĩnh vực xuất khẩu thứ tư của nước này. Tuy vậy, xét trên bình diện quốc tế, Úc vẫn chưa phải là nước kinh doanh giáo dục tốt nhất, bởi họ vẫn phải xếp sau hai cường quốc khác là Anh và Mỹ. Thời gian gần đây, bên cạnh các đối thủ truyền thống này, Úc bắt đầu gặp phải cạnh tranh từ các cường quốc mới nổi về xuất khẩu giáo dục khác đến từ Châu Á.

Động lực xuất khẩu giáo dục đại học

Cũng như mọi ngành, lĩnh vực kinh doanh khác, động lực lớn nhất đối với những nhà xuất khẩu giáo dục đại học chính là vì mục tiêu lợi nhuận. Nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên trên toàn thế giới về việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục sau trung học chất lượng cao, các nước có truyền thống về giáo dục đại học như Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đã đi đầu trong việc biến giáo dục đại học – vốn vẫn được xem như một loại hàng hoá công trở thành sản phẩm thương mại có giá trị lợi nhuận lớn.

Kết quả, trong khoảng thời gian 20 năm từ 1990 đến 2010, số lượng sinh viên quốc tế trên phạm vi toàn cầu đã tăng trưởng “chóng mặt” từ 1,3 lên 4,1 triệu sinh viên. Trong đó, riêng năm 2010, năm nước Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand (thường được giới chuyên môn gọi là MESDCs – Major English Speaking Destination Countries) đã có tới gần 1,7  triệu chiếm hơn 40 % thị phần toàn sinh viên quốc tế trên thế giới.

Trong bối cảnh nhiều chính phủ, nhất là tại các nước MESDCs có xu hướng cắt dần viện trợ cho giáo dục đại học, động lực kể trên lại càng trở nên cấp bách với nhiều trường đại học.

Ở nhiều nơi, việc học phí cho sinh viên quốc tế gấp đôi, gấp ba sinh viên nội địa đã trở thành hiện tượng phổ biến.  Trong năm 2012, học phí của sinh viên quốc tế đóng góp tới 16% tổng kinh phí hoạt động của các trường đại học tại Úc.

Đối với một số trường hợp đặc biệt, tỷ lệ này có thể lên tới 25-30%, thậm chí 40%. Với những trường này, thu hút được sinh viên quốc tế hay không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chính họ.

Động lực thứ hai, sau tài chính định hướng tới mục tiêu dài hơi hơn: cung cấp nguồn nhân lực tại các ngành mũi nhọn cho tương lai.

Thực vậy, tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số ngành, lĩnh vực đặc thù liên quan đến kỹ thuật như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ hóa học hay vật liệu là vấn đề lớn kéo dài trong nhiều năm nay.

“Việc thu hút thành công sinh viên quốc tế về số lượng thôi chưa đủ, mà cần phải thu hút đủ sinh viên theo học những ngành đặc thù mà sinh viên bản địa ít hứng thú.”

Ví dụ, theo báo cáo của Quỹ Khoa học quốc gia NSF, trong năm 2014, cứ 4 kỹ sư trình độ cao hoặc nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ làm việc tại nước Mỹ, lại có 1 người là người nước ngoài.

Khoảng 2/3 trong số họ ở lại làm việc sau khi đã tốt nghiệp thạc sỹ hoặc tiến sỹ tại nước này. Chính vì vậy, việc thu hút thành công sinh viên quốc tế về số lượng thôi chưa đủ, mà cần phải thu hút đủ sinh viên theo học những ngành đặc thù mà sinh viên bản địa ít hứng thú.

Động lực lớn cuối cùng là nhằm duy trì ảnh hưởng chính trị, văn hoá, kinh tế của nước cung cấp (bên nhận sinh viên du học) lên nước nhận dịch vụ (bên có sinh viên du học).

Trong thực tế, đây chính là động lực truyền thống và lâu đời nhất đối với giáo dục đại học quốc tế. Trong các chương trình du học nhằm mục đích này, bên cung cấp dịch vụ thường cho học bổng để sinh viên các nước khác đến học tại nước mình.

Một số chương trình học bổng tiêu biểu nhàm hướng tới mục đích này là Colombo của Anh (dành cho sinh viên các nước thuộc Khối thịnh vượng chung), AUF của Pháp (dành cho sinh viên các nước Pháp ngữ) hay Fulbright của Mỹ (nhằm cho sinh viên trên toàn thế giới).

Những mô hình xuất khẩu giáo dục mới

Khoảng hơn 10 năm gần đây, bên cạnh mô hình xuất khẩu giáo dục truyền thống (sinh viên chuyển tới một nước khác sinh sống và học tập), một mô hình xuất khẩu giáo dục khác (mô hình “du học tại chỗ”) cũng phát triển và ngày càng trở nên phổ biến.

Theo đó, sinh viên thay vì phải di chuyển tới một nước khác có thể theo học tại một chương trình liên kết giữa một đại học trong nước và một đại học nước ngoài hoặc tại một trường đại học nước ngoài có chi nhánh đặt tại nước ngoài.

Đối sánh với mô hình kinh doanh quốc tế nói chung (mô hình Uppsala), có thể xem du học truyền thống thuộc vào loại hình “xuất khẩu trực tiếp”, du học tại chỗ theo chương trình liên kết quốc tế thuộc vào loại hình cấp phép (licensing) hoặc nhượng quyền (franchising); còn du học tại chỗ tại một chi nhánh của đại học nước ngoài thì có thể thuộc loại hình liên  doanh (joint-venture) – (Ví dụ Đại học Giao Thông Tây An Liverpool là một liên doanh giữa Đại học Giao Thông Tây An Trung Quốc với Đại học Liverpool, Anh Quốc có trụ sở đặt tại Thành phố Tô Châu) hoặc 100% vốn nước ngoài (wholly owned) – (ví dụ ĐH RMIT tại Việt Nam).

Theo thống kê, tổng số chi nhánh đại học trên toàn thế giới, tính đến 2010 là 162 cơ sở, trong đó có tới 76 trường đặt trụ sở tại một trong bốn nước Châu Á là UAE, Trung Quốc, Singapore và Qatar – chiếm 50%.

Những cường quốc mới

Trải qua hơn 20 năm phát triển, thị trường sinh viên quốc tế đang ở trong đoạn giữa của thời kỳ tăng trưởng và dự báo sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Theo nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, ước tính, đến năm 2025, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 8 triệu du học sinh.

Và cũng như quy luật phát triển của mọi ngành kinh doanh khác, ở giai đoạn tăng tốc, bao giờ cũng xuất hiện nhiều đối thủ mới cạnh tranh với những nhà cung cấp truyền thống.

Với giáo dục đại học quốc tế, những đối thủ mới này chủ yếu đến từ Châu Á, trong đó, có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, UAE hay Malaysia.

Theo ước tính, một năm các gia đình Việt Nam chi trả khoảng 1,7 tỷ USD cho việc du học của con cái của mình – số tiền, theo ước tính của các nhà kinh tế, đủ để xây dựng một đại học chất lượng quốc tế ở Việt Nam.

Với Trung Quốc, chiến lược thu hút sinh viên quốc tế đi kèm với chiến lược xây dựng Đại học đẳng cấp quốc tế của Chính phủ nước này (chương trình 985).

Với Đài Loan, đất nước vốn có nền giáo dục đại học rất phát triển nhưng lại ít được thế giới biết đến, chiến lược tham gia vào cuộc chơi giáo dục đại học quốc tế phần nhiều gắn với khâu quảng bá, xây dựng hình ảnh, song hành với việc nâng cấp các điều kiện hỗ trợ sinh viên quốc tế nói chung như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính….

Chiến lược chung của Singapore, UAE và Malaysia là liên kết với các đại học thuộc Top 100 đến từ Anh, Mỹ, Pháp, xây dựng các trường đại học phương Tây tại Châu Á nhằm biến những nước này trở thành các trung tâm (hub) giáo dục đại học tầm cỡ quốc tế tại khu vực.

Vị trí của Việt Nam trong thị trường sinh viên quốc tế

Số lượng sinh viên người Việt hiện đang du học trên toàn thế giới cỡ khoảng 70,000 người. Tính đến cuối năm 2014, trong cả nước có khoảng 250 chương trình liên kết quốc tế và 2 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ước tính, một năm các gia đình Việt Nam chi trả khoảng 1,7 tỷ USD cho việc du học của con cái của mình – số tiền, theo ước tính của các nhà kinh tế, đủ để xây dựng một đại học chất lượng quốc tế ở Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, về cơ bản, sinh viên ngoại quốc vẫn còn là điều khá xa lạ đối với giáo dục đại học Việt Nam mặc dù cách đây vài năm chúng ta đã có hẳn 1 thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó có một số điều khoản ưu tiên đối với sinh viên quốc tế trong việc tuyển sinh.

Tuy vậy, một số thành công gần đây của Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học FPT trong việc thu hút sinh viên quốc tế (tự phí 100%) cho thấy đây không phải là nhiệm vụ khó đến mức bất khả thi.

Tất nhiên, thành công của 2 đại học này cũng mới chỉ dừng lại ở mức khởi đầu; và để có thể lan rộng, chắc chắn không thể không có một quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược của các nhà làm chính sách ở tầm vĩ mô.  

                                                                                            Theo giaoducvietnam.vn

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)