Sự kiện Ngô Bảo Châu và nỗi lo về thực trạng giáo dục nước nhà

Sự kiện Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Mọi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào và thêm tin tưởng vào khả năng của thế hệ trẻ. Riêng đối với những người làm công tác khoa học và giáo dục thì vừa mừng, vì qua sự kiện đặc biệt này, một lần nữa chúng ta lại củng cố niềm tin, người Việt mình có tố chất trí tuệ để vươn tới tầm cao về khoa học và công nghệ, lại vừa lo nhưng phần lo lắng có lẽ nhiều hơn, vì bên cạnh niềm vui do Châu mang lại chúng ta càng thấy canh cánh nỗi bất an trước thực trạng yếu kém, lạc hậu không chỉ của đại học Việt Nam mà của cả một nền giáo dục quốc dân, và rộng hơn nữa là sự bất cập về dân trí, nhân lực, nhân tài trước yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình cạnh tranh gay gắt về nhiều mặt ở khu vực và quốc tế.

Kể từ ngày đổi mới, giáo dục nước ta không ngừng tăng lên về số lượng, đến năm học vừa qua đã có tới 23 triệu học sinh, sinh viên – nghĩa là hơn một phần tư dân số, nhưng về chất lượng, thì ngày càng bộc lộ sự yếu kém, yếu kém về nhiều mặt. Báo chí đã không ít lần cảnh báo về tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng và xu thế gia tăng tội phạm ở trẻ vị thành niên, về chiều hướng lan rộng những hành vi bạo lực trong và ngoài học đường, về sự lạc hậu của nội dung và phương pháp giáo dục cũng như những lỗ hổng trong kiến thức và kỹ năng của học trò, thậm chí đôi khi của cả thầy cô giáo, rồi lại rộ lên về sự gian dối quá ư phổ biến trong thi cử và mua bán văn bằng… Rõ ràng là nhà trường của chúng ta, ở tất cả các cấp, chưa thành công trong việc giúp cho thế hệ trẻ có được những giá trị nhân bản, chưa rèn rũa cho học sinh/ sinh viên những kỹ năng thực hành, kể cả cách ứng xử cho ra những con người có giáo dục, và xã hội càng hẫng hụt khi trông đợi nhà trường đào tạo ra những thanh niên có tư duy độc lập và sáng tạo.

Cùng với tình cảm tự hào về Ngô Bảo Châu, chúng ta không thể không bày tỏ lòng biết ơn đối với nền đại học Pháp, nơi đã giúp Châu biến tố chất thông minh thành tài năng khoa học thực sự, cũng như không thể không bày tỏ lòng biết ơn đối với các nền giáo dục phát triển khác đã, đang và chắc chắn sẽ còn tiếp tục đào tạo các nhà khoa học cho Việt Nam.

Trước tình hình đó, đã có nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội chỉ ra những khuyết tật mang tính hệ thống của nền giáo dục và kiến nghị cần tiến hành một cuộc cải cách giáo dục. Tôi tin rằng, nếu Đảng và Nhà nước có chủ trương thì các nhà giáo, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có uy tín và tâm huyết có thể cùng nhau vạch ra một hệ thống giải pháp hữu hiệu, đồng bộ và khả thi để chỉnh sửa một cách căn bản nền giáo dục quốc dân. Ở đây, nhân dịp Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields, trong bài viết ngắn gọn này, với mong muốn đất nước và dân tộc ta có thêm nhiều những tài năng trên một nền tảng dân trí cao và một nguồn nhân lực dồi dào và thuần thục,  tôi xin phác họa một số vấn đề mà tôi cho là cần đặc biệt quan tâm.

Cần thấy đúng vị trí của giáo dục trong chiến lược phát triển đất nước.

Bước vào thế kỷ 21, nhân loại đang đối diện với một thách thức là dân số ngày càng tăng và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Để phát triển, chỉ có thể trông đợi vào con người và việc xây dựng nền kinh tế tri thức là giải pháp căn bản mà các nước đang hướng tới. Vì thế, tất cả các quốc gia, dẫn đầu là các nước công nghiệp phát triển, đều không ngừng tiến hành các cuộc cải cách giáo dục để từ đó làm giàu nguồn vốn con người mà chủ yếu là tăng lên gấp bội tiềm năng tri thức và tư duy sáng tạo trên nền tảng nhân cách lương thiện của mọi công dân. Đối với nước ta, từ lâu Đảng và Nhà nước đã xác định, giáo dục – đào tạo cùng với khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư phát triển. Về quan điểm, không thể có gì đúng đắn hơn thế. Tiếc thay, chúng ta chưa thực sự làm được điều đó. Trên thực tế, các địa phương đều quá chăm chú vào những dự án mở sân gold, xây trung tâm thương mại, phát triển nhà hàng, khách sạn mà quên đi việc dành đất xây cất trường lớp. Hằng năm, chúng ta đã chi hàng trăm/ nghìn tỷ đồng để tổ chức các lễ hội, để làm mới các công trình chưa thật cấp thiết trong khi trẻ em còn chưa đủ chỗ học. Các tỉnh đều thiết tha xin mở trường đại học nhưng thực chất cũng chỉ là chạy đua về bề nổi, rất ít nếu không muốn nói là chưa có đại học địa phương nào được đầu tư để đủ điều kiện về giảng viên và cơ sở vật chất cho xứng tầm một trường đại học. Rõ ràng, để khắc phục những yếu kém về giáo dục thì trước hết, những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước phải được thể hiện trên thực tế, nghĩa là phát triển giáo dục phải trở thành mối quan tâm hàng đầu và thường trực của tất cả các cấp lãnh đạo.

Chương trình giáo dục phải tập trung vào việc dạy và học làm người,
dạy và học cách nghĩ, dạy và học cách học.

Trong điều kiện xã hội chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ xã hội truyền thống và khép kín sang xã hội chịu tác động của xu thế hiện đại và hội nhập, đã và đang có những biến động về thang giá trị và định hướng giá trị với những biểu hiện cả tiêu cực và tích cực trong đời sống xã hội, cũng như trong hoạt động giáo dục. Điều đáng quan tâm/ lo ngại là, lòng nhân ái, tính trung thực, niềm tin vào lẽ phải đang là những giá trị bị xuống hạng trong nhân cách ở một bộ phận đáng kể không chỉ riêng lớp trẻ. Đành rằng, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người là nhiệm vụ của mọi gia đình và toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng. Vì vậy, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại là mục tiêu số một, là sứ mạng không thể thoái thác của giáo dục. Mong rằng điều này không chỉ cần được các nhà hoạch định chương trình giáo dục lưu tâm mà còn cần được mỗi nhà trường và từng nhà giáo quán triệt trong hoạt động giáo dục hằng ngày của mình.

Về phương pháp giáo dục, phải thay thế cách dạy nhồi nhét, học như vẹt bằng những phương pháp gợi mở hấp dẫn, kích thích học sinh ham muốn khám phá, luyện tập cho các em biết cách tư duy, phát triển năng lực tự học để học suốt đời. Bên cạnh việc học trên lớp, nhà trường cần có những hoạt động khác giúp học sinh có nhiều thời gian luyện tập thể dục thể thao, làm quen với các loại hình nghệ thuật, gần gũi với thiên nhiên… Hoạt động tập thể, sinh hoạt Đoàn/ Đội phải là cơ hội để học sinh/ sinh viên thực hành dân chủ, thể hiện tư cách công dân trung thực và lương thiện. Tiêu chí quan trọng mà ngành giáo dục cần cố đạt được là nhà trường phải trở thành nơi hấp dẫn đối với tuổi trẻ, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để mỗi giờ học là một cơ hội giúp trẻ khám phá ra những điều mới lạ. Đồng thời, cũng phải nói thêm, để trẻ em nên người, không thể xem nhẹ vai trò giáo dục của gia đình, của xã hội. Gia đình hạnh phúc, xã hội yên bình và mối quan hệ gắn bó, thống nhất về mục tiêu giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội là điều kiện cực kỳ quan trọng đối với giáo dục. 

Phải có chính sách đúng trong việc đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đối với nhà giáo.

Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo không chỉ là giúp cho học trò có được kiến thức và kỹ năng mà quan trọng nhất là giáo dục để học trò nên người. Phẩm chất đạo đức và trình độ học vấn của cô giáo, thầy giáo là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục nhà trường. Vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay là phải khắc phục những hạn chế, bất cập ở tất cả các khâu/ các mặt trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo: từ đào tạo, tuyển dụng cho đến quản lý, đãi ngộ. Về đào tạo, cần cải cách/ đổi mới các trường sư phạm nhất là về nội dung và phương pháp trong đó cần đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng phẩm chất và nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh. Về đãi ngộ, cần phải khẳng định chế độ tiền lương hiện nay chẳng những không tạo được động lực đối với giáo viên mà còn không bảo đảm để giáo viên thực hiện được nhiệm vụ người thầy. Mức lương thấp đã buộc các nhà giáo phải dạy thêm và nẩy sinh không ít những hiện tượng tiêu cực/ tham nhũng. Đã đến lúc không thể tiếp tục duy trì tình trạng thầy dạy thêm để thu tiền, trò đóng tiền để được học thêm bởi vì kiểu hành xử “tiền trao cháo múc” như thế đang hủy hoại tính chân chính của cả một nền giáo dục. Muốn khắc phục tận gốc, không có cách nào khác là cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên. Thực hiện trả lương xứng đáng cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện được năng lực và giữ gìn được phẩm giá đồng thời cải cách hệ thống các trường sư phạm, đổi mới tuyển dụng đi đôi với sàng lọc, là những giải pháp căn bản để xây dựng đội ngũ nhà giáo và chỉ trên cơ sở đó mới có thể nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội và bảo đảm sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh và bền vững.

Phải chấn chỉnh, kiện toàn các cơ quan quản lý và điều hành giáo dục.

Giáo dục là một ngành lớn, có tính tổng hợp, tác động mạnh mẽ và sâu sắc về nhiều mặt kinh tế-chính trị-xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý và các cán bộ quản lý phải có có tầm bao quát: chẳng những phải có năng lực quản lý về nghiệp vụ chuyên ngành là khoa học giáo dục mà còn phải có năng lực quản lý xã hội, quản lý hành chính, quản lý các nguồn đầu tư trong đó có tài chính, đất đai… Ngành giáo dục đã đúng khi xác định đổi mới quản lý là khâu đột phá. Tuy nhiên, trước những vấn đề gai góc đang đặt ra đối với sự nghiệp giáo dục, công chúng đang mong muốn cơ quan và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, tính mô phạm, chuyên nghiệp và minh bạch. Hiện nay, rất cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi ngành, mỗi cấp ở trung ương và địa phương trong lĩnh vực giáo dục; cần tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch với sự giám sát chặt chẽ và thực sự có hiệu lực của cộng đồng/ xã hội. Hơn bao giờ hết, cần phải có một hệ thống giải pháp khoa học, căn bản, đồng bộ để khắc phục những yếu kém, lạc hậu trong lĩnh vực giáo dục thay vì những chủ trương đổi mới từng mảng riêng rẽ như vừa qua. Để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục phải thực sự coi trọng việc tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục và các khoa học liên quan đến hoạt động giáo dục.
*
Qua sự kiện Ngô Bảo Châu, chúng ta càng mong mỏi đất nước sẽ có nhiều nhân tài trong nhiều lĩnh vực bởi chúng ta tin rằng nhân tài tạo ra sức bật cho sự phát triển của đất nước. Nhưng rồi chúng ta cũng thấy, nhân tài muốn phát huy được năng lực, tạo ra được sức bật cho cả một lĩnh vực thì cần có một tập thể các nhà chuyên môn, một không gian thuận lợi cho hoạt động tư duy và sáng tạo, và Nhà nước phải có chính sách đúng đắn với trí thức và đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài. Mặt khác, nhân tài chỉ xuất hiện nhiều lên trên nền tảng dân trí cao và nhân lực được đào tạo trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tóm lại, để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất thiết phải có một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, một nền giáo dục đủ sức tạo ra chất lượng và hiệu quả cao trong hoạt động đào tạo con người – chủ thể của sự nghiệp phát triển đồng thời là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt cho sự nghiệp phát triển. Hiện nay Đảng đang tiến hành đại hội ở các đảng bộ, chuẩn bị để đầu năm 2011 tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11. Nhân dân đang hướng về Đảng, mong muốn bằng những lựa chọn và quyết định đúng đắn, Đại hội Đảng sẽ mở ra một giai đoạn mới trên lộ trình phát triển của đất nước. Và trong việc xác định chiến lược phát triển mười, mười lăm năm tới của đất nước, rất mong các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đầy đủ đến một vấn đề tối quan trọng là sự nghiệp phát triển giáo dục – sự nghiệp “trồng người cho cả trăm năm” như chúng ta hằng tâm niệm./.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)