Suy nghĩ về một trường sư phạm quốc gia
Lâu nay, bàn về định hướng phát triển các trường đại học ở Việt Nam, người ta thường tranh luận về liệu nên chú trọng khoa học cơ bản hay ứng dụng, hay liệu có nên hướng theo mô hình các đại học nghiên cứu hay không? Đối với Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), dù theo bất kỳ quan điểm nào thì rõ ràng đây phải là trường dẫn đầu về khoa học giáo dục.
Khoa học giáo dục rõ ràng không chỉ mang lại những ứng dụng cụ thể mà còn có vai trò như một khoa học cơ bản, giúp đề ra những tư tưởng, triết lý nền tảng trong giáo dục. Ở Việt Nam, phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục cũng như việc tổ chức dạy học, luôn xuất hiện ở mọi loại hình đào tạo, song những công việc đó dường như mới chỉ dừng lại ở đúc rút kinh nghiệm và thực hành. Phải chăng đất nước đang gặp nhiều khó khăn trong cải tổ giáo dục, rồi ngay cả triết lý giáo dục cũng chưa thực sự thuyết phục và mạch lạc, đó là vì khoa học giáo dục còn nhiều hạn chế. Có người đã khắt khe đặt câu hỏi: Chúng ta đã thực sự có khoa học giáo dục hay chưa?
Để khắc phục tình trạng yếu kém về tư tưởng và lý luận giáo dục, trước hết các trường đại học sư phạm nói chung đều cần phải hướng tới trở thành những trường đại học nghiên cứu, trong đó khoa học giáo dục là mũi nhọn, mà sản phẩm tạo ra là những phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục, cùng với thực tiễn phát triển xã hội! Rằng quyết không thể dùng chủ nghĩa kinh nghiệm, thay cho khoa học.
Việc đặt vị trí tương xứng cho ĐHSPHN, với tư cách là Trường ĐHSP Quốc gia, “cỗ máy cái” của cả hệ thống sư phạm quốc gia, là một việc hết sức nghiêm túc. Rõ ràng nó không thể chỉ là một trường thực hành, đào tạo nghề, mà nó phải là một đại học nghiên cứu, mạnh về khoa học cơ bản, trong đó đặc biệt mạnh về khoa học giáo dục!
Cũng cần nói thêm rằng, nền học thuật của chúng ta chưa bao giờ đạt tới “hàn lâm”, cũng như khoa học giáo dục chưa thực sự phát triển, vì thế mà khuynh hướng thực dụng trong giáo dục luôn dễ có cơ hội nảy nở. Điều này thật nguy hại như Einstein đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thúc 2007, trang 48).
Bài viết được lược lại từ bài gốc đăng trên Văn hóa Nghệ An:
http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/suy-nghi-ve-mot-truong-dai-hocsu-pham-quoc-gia