Suy nghĩ về việc tổ chức thi trắc nghiệm Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giảng dạy Toán học phổ thông có mục tiêu chính là rèn luyện tư duy và lập luận, vì vậy việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển đại học) là không thực sự phù hợp.
Môn Toán ở bậc phổ thông không chỉ là một môn học giới hạn trong ngành của mình, mà là một môn học cơ bản, để từ đó áp dụng vào các môn khoa học tự nhiên khác. Ảnh: Đào Ngọc Thạnh, Thanh Niên.
Tầm quan trọng của giáo dục Toán học ở bậc phổ thông
Cần nhấn mạnh rằng chúng ta đang nói đến việc dạy và học môn Toán ở cấp phổ thông, chứ không phải môn Toán chuyên ngành từ đại học trở lên. Toán là một trong hai môn học (cùng với Ngữ văn) mà học sinh được học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm nhiều thời lượng học nhất trong các môn. Như vậy Toán là môn học quan trọng nhất trong bậc học phổ thông.
Môn Toán ở bậc phổ thông không chỉ là một môn học giới hạn trong ngành của mình, mà là một môn học cơ bản, để từ đó áp dụng vào các môn khoa học tự nhiên khác.
Khác với các môn khoa học xã hội, môn Toán là một môn học phổ quát, và chương trình môn Toán ở các nước trên thế giới khá tương đồng với nhau. Vì vậy, nếu một học sinh được học tốt môn Toán ở bậc phổ thông thì khi hội nhập với các nước khác ở bậc đại học hoặc cao hơn sẽ dễ dàng thích nghi và phát triển hơn. Đây cũng là một thực tế của nhiều học sinh Việt Nam khi du học ở nước ngoài, Toán là một trong các thế mạnh của các học sinh nước ta.
Mục tiêu của giáo dục Toán học ở bậc phổ thông
Trước khi xây dựng chương trình học, chương trình thi cho môn học, cần xác định rõ mục tiêu đào tạo của môn học đó là gì.
Mục tiêu chính của việc dạy Toán là rèn luyện tư duy và lập luận, đó là tư tưởng chung trên toàn thế giới.
Chúng ta có thể tham khảo các tài liệu về giáo dục của các nước trên thế giới, ở đây chúng tôi đơn cử hai ví dụ sau.
Theo Bộ Giáo dục Pháp1: việc học Toán ở THPT để rèn luyện các khả năng: tìm kiếm (phân tích vấn đề), mô hình hoá (đưa các bài toán thực tế về ngôn ngữ toán học), biểu diễn (chọn một hình thức tính toán để diễn đạt bài toán), tính toán (thực hiện các phép tính, các thuật toán đơn giản để giải), lập luận (sử dụng các kiến thức logic cơ bản để lập luận), trao đổi (thực hiện việc biến đổi giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ hình thức, phát triển các lập luận toán học đúng đắn, phản biện các bước giải hoặc các lời giải, trình bày rõ ràng và chính xác lời giải).
Theo Hiệp hội các giáo viên toán của Mỹ (NCTM)2: Toán học phổ thông có mục tiêu là tìm hiểu các vấn đề, các khái niệm dựa trên các hiểu biết và kinh nghiệm sẵn có, từ đó dựa trên các lập luận logic để đưa ra lời giải. Việc giải các bài toán dựa trên các bài có trước là không đủ, mà còn phải suy luận để có thể sử dụng Toán học một cách có ý nghĩa. Học sinh cần phải phát triển khả năng lập luận và phản biện.
Như vậy, học Toán không chỉ để giải các bài toán, mà quan trọng là học để biết cách tìm hiểu vấn đề và tìm ra cách giải quyết các vấn đề. Học Toán để rèn luyện tư duy khoa học. Mặt khác, việc trình bày một lời giải cũng rất quan trọng. Qua việc trình bày lời giải, học sinh học cách lập luận chặt chẽ, trình bày rõ ràng ý tưởng của mình. Có nhiều bài toán mà học sinh ngộ nhận tưởng rằng đúng, nếu không trình bày lời giải rõ ràng, thì không thể phát hiện ra được, và như vậy sẽ dẫn đến việc không hiểu bản chất vấn đề.
Qua các phân tích trên, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc giảng dạy môn Toán ở bậc phổ thông và việc thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vai trò và mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPH
Trong hai năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi. Hiện nay chỉ còn một đợt thi duy nhất vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Về cơ bản mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 cũng như vậy.
Cho đến nay, hầu hết các trường đại học đều chưa công bố phương án tuyển sinh riêng, và theo kinh nghiệm các năm trước (năm 2015 và 2016 tuyệt đại đa số các trường đại học đều xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT), có thể dự đoán rằng hầu hết tất cả các trường đại học đều sẽ căn cứ theo kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Vậy có thể nhận định rằng đây là một kỳ thi quan trọng nhất trong bậc học phổ thông, không chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà còn là căn cứ (quan trọng nhất) để xét tuyển đại học.
Ảnh hưởng của việc thi trắc nghiệm môn Toán
Chúng tôi xin nêu một số ý kiến quan trọng ủng hộ việc thi trắc nghiệm môn Toán và phản biện các ý kiến này.
1. “Việc thi trắc nghiệm đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và đã rất thành công.”
Chúng ta cần xác định rõ, kỳ thi trắc nghiệm của các nước được áp dụng trong khuôn khổ nào, có quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta không? Trong các bài viết trên Tia Sáng cũng như nhiều bài viết khác, chúng ta đã nhận thấy sự giới hạn của kỳ thi SAT ở Mỹ (kết quả của SAT chỉ được sử dụng như một trong các tiêu chí để xét tuyển), kỳ thi trắc nghiệm ở Nhật (ngoài kỳ thi trắc nghiệm còn có các kì thi xét tuyển tiếp theo để vào đại học, và việc thi trắc nghiệm này đang gây tranh cãi và có thể bị thay thế), kỳ thi trắc nghiệm ở Úc (các kỳ thi quan trọng cuối bậc phổ thông có phần thi tự luận). Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng ở hầu hết các nước khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Toán không chỉ thi riêng trắc nghiệm.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng gần như không ở nước nào, việc thi trắc nghiệm môn Toán được sử dụng trong một kỳ thi duy nhất và quan trọng để xét tốt nghiệp THPT (và xét tuyển đại học).
2. “Việc thi toán bằng hình thức trắc nghiệm sẽ tiết kiệm được thời gian thi cho các học sinh, tiết kiệm được công sức và chi phí cho việc chấm thi.”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng nhất như đã phân tích ở trên. Việc học sinh phải tập trung thi và Bộ GD&ĐT phải tổ chức thi, chấm thi là một việc cần làm, để có thể đánh giá đúng năng lực và khuyến khích việc học tập của học sinh, trong suốt 12 năm phổ thông. Một bài kiểm tra học kỳ có thể kéo dài mấy tiếng thì vì sao kỳ thi cuối cấp quan trọng nhất lại phải rút gọn từ 180 phút xuống 90 phút ? Như vậy tiêu chí thi nhanh, chấm nhanh không thể coi là một tiêu chí quan trọng trong việc tổ chức kỳ thi.
3. “Kỳ thi trắc nghiệm sẽ đánh giá được đúng năng lực của học sinh.”
Chúng ta cần chỉ rõ, kỳ thi trắc nghiệm môn Toán đánh giá được năng lực nào của học sinh.
Những đề thi được tham khảo hiện nay có một phần không nhỏ là các câu hỏi giải được bằng việc sử dụng máy tính. Điều này rất không phù hợp với việc giáo dục Toán học phổ thông. Học sinh cần biết cách giải, chứ không phải cần làm tính toán nhanh, bấm máy nhanh. Một học sinh có tư duy toán học tốt không chắc là một học sinh bấm máy nhanh. Nên những câu hỏi này không đánh giá đúng năng lực học Toán của học sinh. Trong các câu hỏi khác, có những câu hỏi học sinh có thể trả lời đúng nếu ước lượng được câu trả lời, và tìm ra lời giải bằng phương pháp tính gần đúng hay loại trừ. Đây có thể là một kỹ năng trong việc học Toán, nhưng nó không thể hiện bản chất tư duy của Toán học. Một học sinh học Toán là để có các khả năng tìm hiểu bài toán, tìm ra phương pháp giải đúng, chặt chẽ, chính xác.
Bản chất của việc giải một bài toán là đi tìm câu trả lời cho một bài toán, chứ không phải lựa chọn câu trả lời. Phương pháp tìm lời giải đó rất quan trọng. Nếu một học sinh có phương pháp giải đúng, mà có một nhầm lẫn nhỏ về tính toán, thì điều đó sẽ được thể hiện trong bài thi tự luận, và học sinh vẫn có điểm; trong khi nếu thi trắc nghiệm thì học sinh sẽ không được điểm nào cho việc tìm ra phương pháp giải.
Như vậy có thể thấy rằng kết quả thi trắc nghiệm sẽ không phản ánh được chính xác năng lực phân tích, lập luận của học sinh.
***
Kể từ trung tuần tháng Chín đến nay, rất nhiều trường trung học phổ thông đã có chương trình cấp tốc thay đổi cách dạy và cách học để chuẩn bị cho việc thi trắc nghiệm môn Toán. Có thể nói việc thi như thế nào đã quyết định việc học như thế nào, điều này không phải là nên hay không nên, mà nó là thực trạng tất yếu ở nước ta.
Học sinh tốt nghiệp phổ thông của nước ta có thế mạnh khi hội nhập với thế giới ở môn Toán, điều đó đã được minh chứng qua rất nhiều thế hệ học sinh du học ở nước ngoài. Những thay đổi về cách thi dẫn đến cách học sẽ dần dần làm thay đổi trình độ Toán học và khả năng tư duy của học sinh. Vì vậy rất nên thận trọng cân nhắc trước mỗi quyết định thay đổi để có thể giữ vững và phát triển việc học Toán ở bậc phổ thông, không chỉ cho các lớp học sinh hiện tại mà còn lâu dài cho các thế hệ học sinh trong tương lai.
——-
1Xem Les compétences mathématiques au lycée http://eduscol.education.fr/cid45766/mathematiques-au-lycee.html
2Xem Focus in High School Mathematics và Principles and Standards for School Mathematics của NCTM http://www.nctm.org/