Tám biện pháp cải thiện đại học Mỹ
Giáo dục đại học Mỹ luôn được cả thế giới nhắc đến như một mô hình đại học lý tưởng, là hình mẫu cho các quốc gia khác học tập. Nhưng cũng chính nền đại học này gần đây đang phải chịu nhiều búa rìu của dư luận về nhiều vấn đề như học phí quá cao và tăng liên tục, tỷ lệ tốt nghiệp có sự chênh lệch rất lớn giữa các nhóm xã hội khác nhau, và gần đây nhất là câu hỏi không mấy dễ chịu của dư luận, đó là: liệu sinh viên tốt nghiệp có thực sự học được điều gì có ích hay chăng? Nói cách khác, nền đại học Mỹ đang cần có những cải cách nếu không muốn bị mất vị trí hàng đầu mà nó đang có.  Nhưng cải cách giáo dục đại học Mỹ như thế nào đây? Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 20/2/2011 có tựa đề là “Eight ways to get higher education into shape”, Daniel de Vise đã đưa ra tám biện pháp để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong giáo dục đại học của Mỹ hiện nay, đó là:
1. Đo lường việc học của sinh viên
Các trường đại học Mỹ vốn nổi tiếng về mức độ tự chủ cao; đồng thời sinh viên đại học cũng có rất nhiều quyền lựa chọn trong việc học của mình. Điều này rất tốt, nhưng không phải không có mặt trái của nó. Theo Daniel de Vise, cách đây chỉ khoảng một thập niên trở về trước, rất ít trường đại học và cao đẳng của Mỹ có được những phương pháp khách quan để đo lường việc học của sinh viên, và vì vậy hầu như không nắm được các sinh viên đã học tập được gì từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp.
Mãi đến thời gian gần đây, trước những áp lực của cả Nhà nước lẫn công chúng thì giới đại học Mỹ mới nghiên cứu và đưa ra những bài trắc nghiệm đo lường thành quả của việc học của sinh viên đã tốt nghiệp (nói theo ngôn ngữ quản lý giáo dục của Việt Nam thì đây chính là “đánh giá chuẩn đầu ra”, tức đo năng lực đạt được của sinh viên sau khi học). Một nghiên cứu được thực hiện gần đây sử dụng bài trắc nghiệm CLA (Collegiate Learning Assessment, tạm dịch Bài trắc nghiệm học tập bậc đại học) nhằm đo lường năng lực tư duy của sinh viên tốt nghiệp đã đưa ra kết quả thực sự đáng báo động: Sinh viên tốt nghiệp đại học hầu như không có gì khác hơn so với sinh viên mới vào trường, hay nói cách khác, việc học tại trường hầu như không mang lại một chút giá trị gia tăng nào cho người học
Đây chính là lý do Daniel de Vise trong bài viết của mình đã đưa ra biện pháp cần phải đo lường việc học của sinh viên. Chỉ khi nào nhà trường đo đạc được chính xác kết quả của việc học tập của sinh viên sau từng môn học và có những hành động kịp thời để thúc đẩy việc học, thì lúc ấy việc học ở đại học mới đem lại cho người học những giá trị gia tăng cần có.
2. Ngưng cấp học bổng “tài năng”
Biện pháp này có vẻ rất vô lý, vì đây là một trong những điểm “hấp dẫn” của đại học Mỹ và là một chiêu tiếp thị quan trọng của tất cả các trường đại học Mỹ nhằm thu hút tài năng đến học ở trường mình. Nhưng theo lập luận của Daniel de Vise thì việc trợ cấp này thực ra chỉ giúp con nhà giàu chứ chẳng giúp gì cho con nhà nghèo cả. Con nhà nghèo thông thường sẽ có điểm học bạ ở phổ thông và điểm thi SAT/ACT thấp hơn (không có đủ điều kiện bằng con nhà giàu).
Nếu vẫn tiếp tục cách làm hiện nay, thì những người không thuộc diện được xét cấp học bổng “tài năng” không những phải đóng học phí để trả chi phí học tập của mình, mà còn phải gánh phần chi phí rất nặng của những người được cấp học bổng nữa. Kết quả là học phí ngày càng cao ngất ngưởng, khiến cho nhiều người cần học để cải thiện thu nhập nhưng không thể nào trả nổi học phí và phải nghỉ học. Khoảng cách giàu nghèo vì thế ngày càng tăng, và công bằng xã hội bị ảnh hưởng. (Việc cấp học bổng tài năng ở Mỹ nghe rất giống các chương trình cử nhân tài năng, và mở rộng hơn nữa là hệ thống các trường chuyên ở bậc trung học tại Việt Nam. Phải chăng giáo dục của chúng ta cũng đang xuất hiện mầm mống căn bệnh “lấy của người nghèo chia cho người giàu” chứ không phải là ngược lại).
3. Cấp bằng đại học sau 3 năm
Ba năm là thời gian đào tạo đại học chuẩn của châu Âu theo Tiến trình Bologna (hệ thống 3-5-8 tức 3 năm xong đại học, thêm 2 năm tức sau 5 năm xong thạc sĩ, thêm 3 năm tức sau 8 năm xong tiến sĩ). Tuy nhiên, ở Mỹ thì thời gian chuẩn để hoàn tất chương trình đại học là 4 năm, không kể những người học tăng số môn mỗi năm để rút ngắn thời gian.
Theo Daniel de Vise, tác giả bài viết, thực ra trước đây Mỹ cũng đã từng đào tạo đại học trong 3 năm, cho đến khi trường Đại học Harvard đưa ra yêu cầu phải kéo dài thành 4 năm (việc này xảy ra năm 1652). Hiện nay, một số đại học của Mỹ đang thử nghiệm áp dụng chương trình đại học trong 3 năm, và kết quả rất khả quan. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà không trở lại chương trình 3 năm để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Việc kéo dài thời gian học ra thành 4 năm, theo những người ủng hộ việc làm này, là nhằm có thời gian để sinh viên học những môn học “khai phóng” (liberal arts trong tiếng Anh, tạm dịch “khai phóng” trong khi chờ đợi một cách dịch hay hơn). Nhưng trong khi chi phí học tập ngày càng tăng, mà lợi ích của việc học chưa đo được rõ ràng, thì việc đòi hỏi giảm thời gian để giảm chi phí xem ra cũng rất hợp lý.
4. Cải cách chương trình cốt lõi
Một điểm tự hào khác của nền giáo dục Mỹ là chương trình đào tạo dựa trên một nền kiến thức rộng (mà ở trên ta đã đề cập đến dưới tên gọi là giáo dục khai phóng). Tất cả sinh viên Mỹ dù học ngành nào đều có chung một nền tảng kiến thức kinh điển tương tự nhau: Plato, Shakespeare, Darwin, tiếng La tinh hoặc tiếng Hy Lạp, vv. Những người ủng hộ cách xây dựng chương trình như trên đã đưa ra lập luận rằng một trong những sứ mạng quan trọng của trường đại học là truyền lại cho thế hệ sau những di sản tinh thần của nhân loại.
Những người ủng hộ cải cách lại cho rằng điều quan trọng không phải là cung cấp cho sinh viên những kiến thức kinh điển vốn ít đóng góp trực tiếp vào nhu cầu sử dụng hằng ngày và lại đầy ra trong sách vở, tài liệu, mạng Internet, mà là cung cấp cho họ những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống, ví dụ như kỹ năng tư duy phê phán chẳng hạn. Vì nếu không cải cách theo hướng này thì các trường đại học sẽ tạo ra những con người có thể biết rất nhiều nhưng chẳng làm được điều gì ra hồn cả.
5. Tăng cường giao bài tập về nhà
Nếu so với thời gian cách đây nửa thế kỷ thì thời gian học tập tại nhà của sinh viên đại học Mỹ đã giảm đi một cách đáng kể, từ 25 giờ một tuần xuống còn khoảng 15 giờ một tuần, Daniel de Vise đã ghi nhận như trên trong bài viết của mình. Tuy vậy, trong khi thời gian học tập giảm đi thì sinh viên ngày nay lại đạt điểm số trung bình cao hơn các “cụ” sinh viên cách đây 50 năm, (từ mức 2.5/4 tức mức trung bình khá lên thành mức 3.0/4 tức mức khá).
Những số liệu này phải chăng cho thấy sinh viên Mỹ ngày nay thông minh hơn và học hành có hiệu quả hơn cách đây nửa thế kỷ? Hay ngược lại, nó cho thấy các trường đại học Mỹ đang trở nên dễ dãi hơn rất nhiều đối với các sinh viên của mình? Các nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ thiên về cách diễn giải thứ hai. Xin nhắc lại kết quả của cuộc khảo sát sử dụng bài trắc nghiệm CLA đã đề cập ở trên. Cuộc khảo sát này cho thấy có đến 36% sinh viên tốt nghiệp hầu như không học được thêm một chút gì trong suốt thời gian học đại học. Nếu kết nối thông tin này với những số liệu đã nêu đoạn trên thì có thể thấy ngay sự dễ dãi của các trường đại học là nguyên nhân chính làm giảm sút chất lượng học tập của sinh viên Mỹ.
Tại sao các trường đại học Mỹ ngày nay lại trở nên dễ dãi đối với sinh viên hơn trước đây? Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung có hai nguyên nhân nổi bật. Trước hết là quan niệm xem sinh viên là những khách hàng và nhà trường cần chiều chuộng hơn là cần được kèm cặp, hướng dẫn, rèn luyện để giáo dục họ trở thành những con người theo những mục tiêu giáo dục đã định. Với tư cách là “thượng đế” trong trường đại học, sinh viên được quyền đưa ý kiến về mức độ hài lòng của mình sau mỗi môn học, và những ý kiến này được sử dụng để đánh giá giảng viên. Trong tình hình đó, các giảng viên sẽ trở nên dễ dãi với sinh viên, tránh đưa ra những yêu cầu quá cao hoặc những đòi hỏi khắt khe trong việc chuẩn bị bài vở ở nhà, vì điều này chỉ làm cho các thượng đế kém hài lòng về mình mà thôi.
Một nguyên nhân khác là chính sách quá nhấn mạnh thành tích nghiên cứu mà xem nhẹ chất lượng và hiệu quả của việc giảng dạy trong đánh giá giảng viên. Bài báo của Daniel de Vise trích lời một giảng viên giải thích tại sao ông ít giao các bài tập về nhà. Rất đơn giản: nếu giao nhiều bài tập cho sinh viên thì sẽ phải mất nhiều thời gian để chấm. Trong khi đó, cuộc chạy đua giành thành tích nghiên cứu để khẳng định vị trí trong các trường đại học thật nghiệt ngã. Như vậy, lựa chọn của giảng viên sẽ nghiêng về đâu là điều mà ai cũng có thể đoán được. Và hậu quả của điều này ra sao thì đã rõ. (Phải chăng xu hướng dễ dãi với sinh viên cũng đang tồn tại rất rõ nét tại Việt Nam, dù có thể do những nguyên nhân không giống với các nguyên nhân vừa nêu trong giáo dục của Mỹ?)
6. Gắn việc cấp kinh phí với tỷ lệ tốt nghiệp
Một loạt các kết quả nghiên cứu gần đây đã cho thấy giáo dục đại học Mỹ trên một số khía cạnh đã bộc lộ những nhược điểm khá trầm trọng và đang bị một số đối thủ tiềm năng vượt khá xa.
Một trong những nhược điểm ấy là tỷ lệ tốt nghiệp đại học của dân Mỹ chưa cao so với những nước công nghiệp phát triển khác. Một nghiên cứu của tổ chức College Board năm 2010 cho thấy nước Mỹ chỉ đứng hạng thứ 12 trên tổng số 36 quốc gia công nghiệp phát triển được khảo sát, với tỷ lệ là 40% thanh niên có một bằng cấp sau trung học (tối thiểu là bằng cao đẳng cộng đồng 2 năm), so với tỷ lệ 56% của Canada. Đáng lo ngại hơn nữa là sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn (tức không quá 6 năm kể từ ngày bắt đầu học) khi so sánh giữa các nhóm xã hội khác nhau tại Mỹ. Tỷ lệ này ở người da trắng là 60%, người gốc Mỹ Latinh là 49%, còn người da đen chỉ được 40%. Tỷ lệ bình quân quốc gia cũng chỉ đạt 57%, có nghĩa là cứ hai sinh viên theo học đại học tại Mỹ thì gần như có người không hoàn tất đúng hạn.
“Tám biện pháp cải thiện nền giáo dục Mỹ” tất nhiên cũng là ý kiến của chỉ một tác giả, và bài viết này sau khi ra đời đã gây ra những tranh cãi nảy lửa trên báo chí Mỹ, với những lời phản bác nặng nề. Nhưng bài viết của Daniel de Vise về những vấn nạn và giải pháp đối với nền đại học của Mỹ vẫn rất có giá trị vì những nhận định sắc bén và mới mẻ của nó. Và thật thú vị, nếu nền đại học Việt Nam rất khó học hỏi từ những thành tựu của mô hình đại học Mỹ, thì những bất cập và thất bại của nó dường như lại có thể là những bài học lớn mà các nhà lãnh đạo ngành giáo dục của Việt Nam có thể rút ra để cải thiện giáo dục của chính mình. |
Việc sinh viên tham gia vào quá trình đào tạo trong một trường đại học nhưng cuối cùng bỏ dở không tốt nghiệp đáng lo ngại vì hai lẽ. Trước hết, đây rõ ràng là một sự lãng phí rất cao cho cả hai phía nhà trường và người học, khi công sức, chi phí và thời gian bỏ ra trong quá trình đào tạo cuối cùng không đem lại kết quả gì hết; hơn nữa, điều này cho thấy việc đào tạo của các trường đại học có một khâu nào đó trục trặc; trên nguyên tắc, sinh viên khi đã được xét tuyển vào một chương trình đại học phải có đủ tiềm năng để hoàn tất chương trình này, và nhà trường phải có một chương trình đào tạo thích hợp, một kế hoạch hướng dẫn tỉ mỉ cũng như những điều kiện hỗ trợ cần thiết để sinh viên hoàn tất chương trình. Một khi số sinh viên đã được nhận vào nhưng sau đó lại không đủ năng lực để hoàn tất thì chỉ có thể hoặc do khâu tuyển sinh quá lỏng lẻo, hoặc do quá trình đào tạo của các trường không hiệu quả.
7. Cắt giảm hỗ trợ thể dục thể thao
Hoạt động thể thao sôi nổi của các trường đại học cũng là một trong những nét đặc thù tạo nên sự “hấp dẫn” của nền đại học Mỹ. Tuy nhiên, theo Daniel de Vise thì hoạt động này ngày càng được tổ chức giống hoạt động thể thao nhà nghề có tính thương mại, chủ yếu nhằm mục đích quảng cáo và xây dựng thương hiệu đối với công chúng, hơn là nhằm mục đích rèn luyện thân thể và tinh thần thượng võ cho các sinh viên, điều mà các trường đại học lẽ ra phải làm.
Chi phí cho các hoạt động thể thao nhà nghề là rất tốn kém, và nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động này đương nhiên được rút từ nguồn kinh phí chung của trường. Nói cách khác, mặc dù các huấn luyện viên và vận động viên đội tuyển của các trường đại học được trả lương cao ngất ngưởng như trong thể thao nhà nghề, thì chi phí cho các hoạt động này lại không phải tự trang trải (ví dụ, thông qua bán vé) mà được nhà trường bao cấp, hỗ trợ từ nguồn ngân sách được cấp và/hoặc từ học phí của người học. Chẳng trách học phí đại học của Mỹ cứ liên tục tăng trong suốt một thời gian dài và dường như chưa có ý định dừng lại. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay của Mỹ, rõ ràng là không thể tiếp tục mức độ hỗ trợ cho thể thao tại các trường đại học như hiện nay.
8. Xem xét lại việc tổ chức phụ đạo ở các trường cao đẳng cộng đồng
Cao đẳng cộng đồng là một đặc trưng nổi bật khác mà nền giáo dục Mỹ rất tự hào và được nhiều quốc gia trên thế giới học tập, trong đó có Việt Nam. Cùng với chính sách tuyển sinh mở (gần như ai cũng có thể vào học mà không phải trải qua một cuộc tuyển lựa khắt khe), các trường cao đẳng cộng đồng luôn cung cấp những chương trình giúp củng cố những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho những sinh viên yếu (dưới chuẩn) để giúp họ có thể theo kịp chương trình học ở trình độ sau trung học.
Tất cả nghe qua thì rất hay và rõ ràng đáng được duy trì, nhưng những con số sau đây chắc chắn sẽ làm cho bất cứ ai ủng hộ mô hình cao đẳng cộng đồng cũng phải giật mình. Cứ 5 sinh viên đăng ký vào học ở một trường cao đẳng cộng đồng thì có đến 3 người phải theo học những chương trình phụ đạo những kiến thức và kỹ năng của trung học. Đáng giật mình hơn là cứ mười sinh viên phải học phụ đạo khi vào cao đẳng cộng đồng thì chỉ có hơn hai người hoàn tất và tốt nghiệp với tấm bằng cao đẳng hai năm với thời gian học tổng cộng là … tám năm!
Những số liệu nêu trên bộc lộ một bất cập rất lớn trong mô hình cao đẳng cộng đồng hiện nay, mà điểm mấu chốt cũng là ở khâu tiếp nhận sinh viên. Bài viết của Daniel de Vise trích lời của Robert Templin, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Virginia, cho rằng các lớp học phụ đạo như hiện nay là không hữu ích và làm lãng phí thời gian của sinh viên vì phải học lại khá nhiều điều họ đã biết hoặc những điều không thực sự cần thiết cho việc học ở bậc cao đẳng và nghề nghiệp của họ sau này. Vì vậy, thay vì yêu cầu các sinh viên còn yếu kiến thức cơ bản (việc xác định sinh viên yếu được thực hiện dựa trên điểm số của một bài kiểm tra) phải theo học các lớp phụ đạo trước khi họ có thể bắt đầu chương trình chính khóa, một số trường vào thẳng chương trình chính và tự chọn tham gia các khóa học phụ đạo bất cứ khi nào họ thấy cần củng cố kiến thức để có thể học lên tiếp.