Tản mạn về lều chõng

Người học ngày nay vẫn nơm nớp với những gì không thật sự giá trị như nhớ đúng, thuộc đủ những công thức, những ý tứ máy móc để quên mất điều quan trọng hơn là sự chủ động trong tư duy và hứng thú sáng tạo. Sự thiếu hụt, bỡ ngỡ bị xem là tối dạ; cách sao chép, mô phỏng được cho là cứng cáp, là tiềm năng.

Thú thực, xem xong bộ phim Lều chõng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (Hãng phim TFS sản xuất) dễ đến cả tuần lễ sau tôi vẫn bị ám ảnh. Bộ phim dựa trên một truyện dài cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố xoay quanh câu chuyện về anh học trò tài năng Đoàn Vân Hạc bị hỏng thi hết lần này lần khác vì nhiều lí do khác nhau. Có điều, tất cả những lần thi hỏng ấy đều từ những lí do khách quan như ốm đau, hay quy phạm ngặt nghèo của trường thi mà tài năng kiệt xuất ấy đã không được trân trọng và lựa chọn. Không chấp nhận những rủi ro liên tiếp như định mệnh, Đoàn Vân Hạc vẫn bản lĩnh vượt qua tất cả trong lần dự thi cuối cùng. Tưởng như đã chạm được một tay vào danh vị thủ khoa năm ấy thì bỗng dưng anh biến thành kẻ trắng tay trong phút chốc. Giấc mộng công danh biến mất, màn ảnh nhỏ khép lại, người xem thấy tiếc cho một tài năng, thấy bức bối với quy định nghiệt ngã của xã hội cũ và có thêm một suy cảm mới mẻ: Nhìn lại chuyện bút nghiên ngày nay, vẫn còn quá nhiều rào cản và thử thách không đáng có ngăn trở bước tiến của những tài năng trong cuộc sống hiện đại.

    Trong suốt gần một ngàn năm tồn tại, các kì thi này đã tuyển chọn, cất nhắc được nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng mà không câu nệ vào tuổi tác như trạng Nguyễn Hiền 13 tuổi hay tướng mạo xấu xí, quái dị như Mạc Đĩnh Chi. Tuy nhiên, ở giai đoạn thoái trào của các tập đoàn phong kiến, đã xuất hiện những quy định phiền hà, oái oăm đánh trượt nhiều tài năng. Trước sự vận động của thời cuộc, đòi hỏi tìm kiếm những người có tài năng, cá tính mạnh mẽ. Có tư duy linh hoạt bứt phá thì những chuẩn mực lạc lõng kia thực sự là những rào cản nghiệt ngã. Sự tồn tại của nó xuất phát từ quan niệm ấu trĩ về cách đánh giá và lựa chọn hiền tài dựa trên những tiêu chí máy móc. Nó buộc người ta phải vượt qua những may rủi của con đường thiên lý đến những sự tránh né, kiêng kị trong câu cú, gò mình trong khẩu khí.

Chuyện lều chõng tưởng cũng đã xưa. Vậy mà bất giác lại khiến tôi nghĩ đến một kỷ niệm. Nhớ lại cái ngày còn bé, gia đình tôi còn ở một bản miền núi. Tôi hiểu vào đời lập nghiệp thiêng liêng thế nào khi chứng kiến anh trai mình dậy từ gà gáy khăn gói về Hà Nội thi đại học. Hai giờ sáng xe chạy, mất gần hai ngày rong ruổi đủ cả ngủ trọ, cơm nắm, cơm đùm, qua bao đèo dốc quanh co… Đêm trước ngày thi, Hà Nội lại có cơn giông lớn, cây đổ gây ách tắc nhiều ngả đường, phố xá ngập lụt. Đường đến cổng trường đại học của những thí sinh năm đó lại đằng đẵng thêm một quãng nữa. Có phải số anh tôi vất vả hay cái nghiệp thi cử thời nào cũng gian nan thế ư? Sau này lớn lên tôi hiểu, điều ấy được đổi lại bằng sự công tâm của những kì thi mà nếu đưa về các địa phương hay lồng ghép “2 trong 1” thì thật là khó…

Vài năm sau gia đình tôi chuyển về gần Hà Nội. So với anh cả, tôi và các em tôi được làm “người phố xá” nên thấy cái gì cũng lợi, cũng tiện, hơn hẳn những học trò vùng xa xôi. Quá khứ thi cử nhọc nhằn của anh giờ chỉ còn là chuyện kể vui tai trong bữa cơm của đại gia đình. Có lẽ, những con đường mòn lầy lội kia đã vĩnh viễn nằm dưới lớp bê tông, chiếc xe khách cà tàng ba ngày chạy về Hà Nội một chuyến đã vào một bãi sắt vụn nào đó. Nhưng hoá ra không phải, những phương tiện hiện đại đã giúp người học bớt đi một phần sức lực nhưng vẫn còn đó quá nhiều những rào cản không đáng có bởi những quan niệm cũ kĩ.

Thời phổ thông, học trò căng sức với các môn thi đại học. Kiến thức đa phần nằm trong quyển vở ghi lời lẽ của thầy. Thế mà vào đại học chúng tôi cứ vấp hết thứ này đến thứ khác. Những thứ khó vì lạ chứ không phải vì đòi hỏi trình độ tư duy. Nào là: cách đọc sách, cách lập dàn ý, cách viết tiểu luận, làm việc theo nhóm, seminar… mà lần đầu tiên đã là lần đánh giá trình độ.

Có phải vì đã là sinh viên (được coi là có học) là phải biết rồi chứ! Phải sẵn từ trước đó. Người phương Tây cho rằng, để chuẩn bị cho toàn cầu hoá nền giáo dục, họ sẽ bắt đầu xây dựng từ cấp phổ thông. Bởi lẽ, họ muốn trang bị cho học trò những kĩ năng trước khi vào cuộc đua tri nhận kiến thức và tư duy ở các cấp học cao hơn. Nói cách khác, mọi học sinh đều ngang tầm nhau về trang bị và hồ hởi đua sức. Khi đó việc đánh giá, phân loại sẽ dễ dàng và chính xác biết bao. Thế mà học trò của ta lắm khi cứ bị “bé đi”, bị “trầy xước” bởi việc làm quen với những thao tác kia trước khi nhập cuộc đua tri thức.

Ngẫm lại mới thấy sự ám ảnh với chiếc lều chõng là có lí thật. Dẫu rằng, ngót trăm năm qua những thứ gianh tre kia đã mục nát lâu rồi. Đó là một gánh nặng khác. Gánh nặng của những quy tắc đã lỗi thời mà ở những nền giáo dục tiên tiến không còn tồn tại. Đó là người học vẫn nơp nớm với những gì không thật sự giá trị như nhớ đúng, thuộc đủ những công thức, những ý tứ máy móc để quên mất điều quan trọng hơn là sự chủ động trong tư duy và hứng thú sáng tao. Sự thiếu hụt, bỡ ngỡ bị xem là tối dạ, cách sao chép, mô phỏng được cho là cứng cáp, là tiềm năng. Như thể ta mãi chú ý cái tầm cao của tên lửa mà quên nhìn lại cái mấp mô, lổn nhổn của từng bệ phóng cho tri thức.

Cũng như muôn vàn bình diện khác của cuộc sống, giáo dục đang tự làm mới mình bằng những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Công bằng mà nói chuyện thi cử của chúng ta ngày nay cũng rất nghiêm túc. Nhưng cớ sao chuyện tìm kiếm và đào tạo nhân tài vẫn còn nhiều điều bất cập. Có lẽ chỉ khi nào chúng ta dũng cảm từ bỏ được những quan niệm cũ thì nỗi ám ảnh ấy không còn nữa. Như thế con đường lập nghiệp bằng chữ nghĩa mới thật sự rộng mở với mọi người.

 

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)