Tem phiếu giáo dục: Giải pháp cho bất bình đẳng đại học công – tư

Việc đổi mới để tạo ra được một cơ chế tài chính hiệu quả hơn, công bằng hơn giữa đại học công và tư nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục đại học là vấn đề quan trọng không kém so với việc đổi mới quản trị đại học hay cải cách tuyển sinh, vốn được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây.

Sau hơn 20 năm phát triển, khu vực đại học ngoài công lập chưa thực sự phát triển như mong đợi cả về chất và lượng.

Về số lượng, các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập hiện nay mới có chỉ có khả năng “gánh được” hơn 14% sinh viên trong cả nước (số liệu 2013); con số này quá nhỏ khi so với các nước láng giềng (tỷ lệ tương ứng ở Malaysia năm 2010 là 44%; ở Phillipines năm 2005 là hơn 65%). Về chất lượng, rất ít trường tư có chất lượng đào tạo so sánh được với các trường công hàng đầu, đồng thời cũng không có thành tựu đáng kể trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức – hai chức năng quan trọng khác của đại học tiên tiến.

Các nhà hoạch định chính sách hiện nay không mấy lạc quan về triển vọng phát triển của khu vực đại học tư nhân. Bằng chứng là trong bản điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 (Quyết định 37/2013/QĐ-TTg), chỉ tiêu 30-40% sinh viên trong cả nước học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục được quy định tại quy hoạch cũ (Quyết định 121/2007/QĐ-TTg) đã được gỡ bỏ.

Thiên vị công – tư và hệ lụy

Chính sách thiên vị công-tư đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ cho bản thân các trường tư mà cả sinh viên tốt nghiệp của họ. Việc một số tỉnh như Nam Định hay Đà Nẵng từ chối sinh viên tốt nghiệp trường tư dự tuyển công chức gần đây là ví dụ điển hình. Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng này, nhiều giải pháp đã được bàn thảo tại Hội nghị, trong đó việc điều chỉnh quy định liên quan đến tài chính được coi là giải pháp quan trọng nhất.

“Cần tạo sân chơi bình đẳng giữa trường công và tư”.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường
ĐH, CĐ ngoài công lập (VTC, ảnh: Phạm Thịnh)

Những nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam gần đây cho thấy những chính sách liên quan đến tài chính (tài trợ nhà nước, học phí, học bổng,  vay vốn sinh viên) đang gây ra hai hậu quả ngoài mong muốn của các nhà làm chính sách:

Thứ nhất, việc duy trì cơ chế trợ cấp cho trường công khoảng 7 triệu/sinh viên như hiện nay, thoạt nhìn có vẻ như nhắm đến mục tiêu tạo bình đẳng cho sinh viên không có điều kiện kinh tế có khả năng tiếp cận với giáo dục đại học, nhưng thực tế, lại tạo ra tác dụng phân bổ ngược – regressive redistribution (người giàu hơn lại được hưởng lợi nhiều hơn từ trợ cấp nhà nước – cũng chính là tiền thuế của toàn dân bao gồm cả phần đóng góp từ thành phần nghèo hơn). Nguyên nhân do học sinh ở khu vực thành phố và xuất thân từ gia đình có điều kiện sẽ có nhiều cơ hội đỗ đại học công cao hơn, bởi khả năng đỗ đại học của học sinh phổ thông đã được chứng minh là tỷ lệ thuận với khả năng tài chính của bố mẹ đầu tư cho học thêm cũng như chất lượng đào tạo (ở bậc học phổ thông), đặc biệt trong bối cảnh các trường công ở Việt Nam hiện nay chỉ đủ chỗ cho chưa đến 20% những người ở độ tuổi đi học đại học. Hiện tượng phân bổ ngược đã được kiểm chứng ở nhiều nước, trong đó có cả ở Việt Nam: điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam cho thấy gần 65% sinh viên Việt Nam vào năm 2004 xuất thân từ nhóm ‘giàu’ và ‘cận giàu’; số liệu tương ứng đối với nhóm ‘nghèo’ và ‘cận nghèo’ chỉ khoảng 22%.

Thứ hai, cơ chế hiện nay vô hình trung làm mất đi động lực đổi mới ở các trường khu vực công, đồng thời làm giảm động lực học tập ở sinh viên. Dù hoạt động tốt hay dở, nguồn thu của trường công cũng không tăng lên hay giảm đi (trợ cấp nhà nước rót thẳng về thông qua quota sinh viên được duyệt; còn học phí thì bị khóa mức trần). Về phía sinh viên, sau khi bước vào cổng trường công nghiễm nhiên chỉ phải đóng học phí thấp và nhận trợ giúp gián tiếp từ nhà nước trong vòng 4 năm mà không cần phải cố gắng nhiều. Điều này là trái ngược hoàn toàn với khu vực tư, nơi các trường phải vật lộn để đảm bảo nguồn thu, còn sinh viên trong suốt 4 năm đại học dù phấn đấu bao nhiêu cũng hoàn toàn không có cơ hội được hưởng trợ cấp từ nhà nước.

Giải pháp tem phiếu giáo dục

Xét một cách công bằng, những bất cập trên đây phần nhiều là do nguyên nhân lịch sử mà đa số các nước đang khi chuyển đổi từ mô hình giáo dục tinh hoa (cho số ít) sang đại chúng (cho số đông) đều mắc phải. Bên cạnh đó, Nhà nước ta cũng đã có một số nỗ lực nhất định nhằm đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học và giảm dần tình trạng phân biệt đối xử trường công – trường tư, ví dụ Chương trình vay tín dụng sinh viên 157 được triển khai rộng rãi trong cả nước mà mọi sinh viên, không phân biệt công – tư đều được vay vốn như nhau. Tuy vậy, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy mức cho vay còn quá thấp so với nhu cầu chi tiêu của sinh viên, tuy có tăng theo từng năm nhưng vẫn chậm hơn tốc độ lạm phát của thị trường.

Để giải quyết vấn đề kể trên, Việt Nam có thể áp dụng mô hình tem phiếu giáo dục (education voucher) mà một số nước phát triển đang thực hiện. Điểm mấu chốt của mô hình này là thay vì rót kinh phí hỗ trợ sinh viên vào tài khoản (của trường công), nhà nước có thể chuyển kinh phí đó tới thẳng sinh viên (ở Việt Nam có thể thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội). Sinh viên có thể dùng tiền tài trợ này vừa để trang trải một phần cuộc sống, vừa để đóng học phí tại trường công hoặc trường tư tùy theo nguyện vọng (nếu là trường công thì mức học phí đã được nới lỏng mức trần). Mức độ hỗ trợ và hình thức hỗ trợ (là khoản vay hay học bổng hoặc nửa học bổng, nửa cho vay, v.v.) chủ yếu dựa trên kết quả học tập của sinh viên trong suốt 4 năm, ngoài ra có thể xét đến các yếu tố khác, bao gồm các tiêu chí dành cho đối tượng chính sách vẫn đang được áp dụng hiện nay.

Cơ chế tem phiếu giáo dục sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các trường (cả công và tư), những trường thực sự có chất lượng tốt hơn sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn, nhờ vậy có nhiều nguồn thu hơn. Động lực học tập của sinh viên cũng sẽ được cải thiện, vì những người xuất sắc và nỗ lực nhiều hơn sẽ có cơ hội chuyển mức hỗ trợ thành học bổng thay vì phải trả nợ sau khi tốt nghiệp.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)