“Thâm cung bí sử” biên soạn SGK ngữ văn

Tại hội thảo quốc gia về dạy học văn trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 5 và 6.1 ở TP.Huế, các đại biểu thừa nhận đa số học sinh chối bỏ môn văn. Thế nên thay đổi mạnh mẽ dạy và học, chương trình - sách giáo khoa của môn này là việc cấp thiết.

Môn số 1 nhưng học sinh xem nhẹ

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một trong nhà trường phổ thông. Ngoài chức năng công cụ, môn học này còn góp phần rất lớn nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học”.

Trong khi đó, PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chuyên trách về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 thông tin: “Trong những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký học, thi ban xã hội và nhân văn ngày càng ít. Không những thế, chất lượng cũng ngày càng giảm. Các số liệu thống kê cho thấy, môn ngữ văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học ban xã hội – nhân văn. Như vậy, gần 100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp”.

Quy trình ngược

Chương trình không quy định chi tiết đến từng tác phẩm văn học cụ thể phải được dạy và học. Nên dành một tỷ lệ nhất định các tác phẩm văn học do chính học sinh lựa chọn trong số những tác phẩm do giáo viên hay tổ bộ môn giới thiệu
   
PGS Bùi Mạnh Hùng
Trường ĐH Sư phạm TP. HCM

Tại hội thảo này, lần đầu tiên những chuyện “thâm cung bí sử” trong quá trình biên soạn chương trình, SGK ngữ văn hiện hành được các tác giả viết sách chủ động chia sẻ và coi đó như bài học kinh nghiệm sâu sắc cho lần đổi mới chương trình, SGK sau 2015.

Quá trình ngược này dường như đang bị ngược. Lẽ ra phải xây dựng một chương trình học trước, căn cứ vào đó mới viết SGK phù hợp, nhưng thực tế theo hướng ngược lại. Vì thế nên thường xuyên có sự bất đồng quan điểm giữa tác giả viết sách với tác giả chương trình. GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, chia sẻ: “Có những điểm tác giả SGK không đồng tình với tác giả chương trình và đề nghị tác giả chương trình sửa chữa, tuy nhiên không phải bao giờ cũng có thể thực hiện được như vậy. Có lúc tác giả chương trình bảo lưu ý kiến, có khi đồng ý nhưng không sửa kịp hoặc rất khó sửa vì sợ… rút dây động rừng”.

GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn cơ bản cấp THPT, nêu rõ: “Khi bắt tay viết sách, có nhiều vấn đề chương trình chưa thống nhất. Ví dụ, có quan điểm cho rằng ở phổ thông chỉ dạy văn bản mà thôi. Trái lại nhiều người cho rằng phải dạy tác giả. Tranh luận mấy buổi cuối cùng nhất trí là có dạy nhưng chọn những tác giả nào? Có người nói chỉ chọn ba người, trao đổi thấy không ổn. Rồi chọn tác phẩm cũng không đơn giản, trao đổi mãi mới đưa vào chương trình chính thức…”. Chính vì sự thật này mới có tình trạng như hiện nay nội dung SGK có nhiều vấn đề khập khiễng, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần. “Biên soạn SGK trong tình huống như vậy không thể tái diễn ở lần tới”, ông Luận thẳng thắn.

Chọn tác giả viết SGK cũng là một vấn đề. Một giáo sư chuyên về văn học Việt Nam viết bài khái quát văn học Việt Nam cho học sinh đã kéo dài đến hơn 30 trang. “Thế đấy, không phải là giỏi văn chương, giỏi phê bình văn học hoặc là giáo viên giỏi hay giáo sư chuyên sâu đều có thể viết SGK được”, ông Luận nhận định.

Học sinh được quyền lựa chọn học cái gì

Để môn văn thực sự gần gũi với học sinh, PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề nghị: “Chương trình phải rất mở, có thể làm cơ sở cho việc biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau”. Ông đề xuất: “Chương trình không quy định chi tiết đến từng tác phẩm văn học cụ thể phải được dạy và học. Quyền lựa chọn tác phẩm thuộc về tác giả SGK. Ngoài ra, nên dành một tỷ lệ nhất định các tác phẩm văn học do chính học sinh lựa chọn trong số những tác phẩm do giáo viên hay tổ bộ môn giới thiệu”.

Chủ yếu vẫn là đọc chép

Nghiên cứu ở 3 nhóm trường phổ thông với những điều kiện khác nhau của nhóm nghiên cứu Nguyễn Thúy Hồng, Trần Thị Kim Dung (Bộ GD-ĐT) cho kết quả như sau: 93% học sinh cho biết phải thường xuyên nghe giảng và ghi chép (trong khi chỉ có 28,6% giáo viên đánh giá thường xuyên sử dụng phương pháp dạy học này). 36,5% học sinh cho biết thường xuyên học thông qua thực hành gắn với tình huống giao tiếp cụ thể. Như vậy, kiểu dạy học truyền thụ một chiều giảng giải, minh họa, “thầy đọc, trò chép” vẫn chiếm ưu thế.

Ý kiến của nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng do chương trình từ trước đến nay quy định quá chi tiết các tác giả và tác phẩm cần học, nên các kỳ thi ngữ văn thường xoay quanh những tác giả và tác phẩm quen thuộc. Đó là mảnh đất màu mỡ cho nạn học vẹt, học tủ, thiếu khả năng sáng tạo và vỗ béo các lò luyện thi.

Ở góc độ bàn về kỹ năng, GS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ quan điểm: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy học văn là làm sao học sinh trau dồi được năng lực tạo lập các văn bản cần thiết cho cuộc sống. Trong cuộc sống, chúng ta cần giao tiếp cả dạng viết lẫn nói, tương ứng với 2 dạng đó là năng lực tạo lập văn bản viết và nói. Thế nhưng, tổng cộng cả 3 lớp cấp THPT chỉ có 5/94 tiết học có cả nội dung viết và nói. Xem ra, chúng ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho các em năng lực nói trong hoạt động giao tiếp”. Đồng quan điểm, PGS Bùi Mạnh Hùng cho rằng: “Dạy văn phải tạo môi trường để học sinh cảm thấy tự tin và có hứng thú “mở miệng” trong lớp, để các em không chỉ phát biểu với thầy cô mà còn tranh luận với nhau. Có như vậy, môn ngữ văn mới giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, sự tự tin, tính tự lập và tinh thần cộng đồng”.

Cần coi trọng tính thẩm mỹ

GS Phan Trọng Luận băn khoăn cho rằng hiện đang có khuynh hướng giảng dạy xã hội học dung tục, chủ nghĩa thực dụng làm tổn thương đến hiệu quả giáo dục nhân văn, thẩm mỹ cho học sinh. Ông Luận khẳng định dạy văn không phải đào tạo ra những người viết văn mà là những công dân có văn hóa, có kỹ năng đời sống. Về cơ bản, dạy văn vẫn phải là dạy văn, nếu coi nhẹ đặc trưng nghệ thuật thẩm mỹ thì sẽ hạn chế sức mạnh riêng của môn học này.

Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội, phát biểu: “Nếu việc học, kiểm tra đánh giá xa rời cuộc sống thì không cần phải hỏi làm sao học trò chưa thực sự yêu văn. Làm sao vẫn có tình trạng cách dạy rất phản văn lại đang có điểm tốt?”. Vì vậy, bà Kim Anh đề nghị đề văn cần “nóng hổi hơi thở đời sống”.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)