THẦY

Dù thầy không bao giờ đòi hỏi sinh viên phải biết ơn thầy, chúng tôi vẫn hiểu rằng, thể hiện lòng biết ơn thầy một cách đúng đắn nhất chính là ở chỗ phải tiếp nối được tinh thần của thầy và truyền lại tinh thần đó cho các thế hệ mai sau.

Tôi nhớ thầy đã từ chối, khi lần đầu tiên tôi gặp thầy để nhờ thầy hướng dẫn luận văn cao học. Thầy không ngại nói thẳng rằng, chương trình văn học phương tây mà tôi tiếp thu ở bậc đại học không đủ làm cơ sở để tôi có thể triển khai những đề tài mà thầy muốn hướng dẫn. Tôi thấy thầy hoàn toàn đúng. Tôi đến từ tỉnh lẻ, những thiếu hụt trong kiến thức là điều hiển nhiên. 

Ta báo đền ơn thầy mình một cách tệ hại nếu ta cứ mãi mãi làm học trò (1).

Rồi khi tôi thi đỗ cao học khóa ấy, khóa 1997, thầy đã nhận hướng dẫn tôi. Và thật bất ngờ, thầy đề nghị tôi làm việc về Alain Robbe-Grillet, hồi đó tôi chưa có một ý niệm nào về tác gia này. Vậy mà thầy đã giao cho tôi tác gia nổi tiếng là khó này của phong trào Tiểu Thuyết Mới. Tôi vẫn không hiểu tại sao thầy có thể tin rằng tôi sẽ xử lý được một tác phẩm như tiểu thuyết Ghen ở thời điểm đó (2). Với tôi, niềm tin ấy của thầy là khởi đầu cho tất cả mọi sự. Và không chỉ có mình tôi, tôi nghĩ rằng tất cả các sinh viên của thầy đều nhận được sự tin tưởng này. Tôi nhớ Nam Cao từng viết trong truyện Tư cách mõ: «Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm […] làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…» Tôi muốn mượn cách diễn đạt của Nam Cao để nói rằng: tin tưởng ở con người là một cách kỳ diệu để giúp họ phát triển tận độ khả năng của mình. Thầy đã cho chúng tôi, những sinh viên của thầy, niềm tin đó.

Không chỉ có sự tin tưởng. Thầy không để cho sinh viên của thầy có cảm giác họ là học trò. Thầy luôn đối xử với sinh viên như một đồng nghiệp, với một sự tôn trọng và bình đẳng tuyệt đối. Thầy không bao giờ áp đặt họ, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Và điều quan trọng hơn, thầy lắng nghe các ý tưởng của sinh viên, kể cả khi các ý tưởng đó trái ngược với ý tưởng của thầy. Cách đây không lâu, khi kể với tôi về các sinh viên mà thầy đang hướng dẫn, thầy nói: «có những điều tôi học lại từ sinh viên của mình». Thầy không dạy cho chúng tôi làm học trò. Thầy dạy cho chúng tôi cách làm việc độc lập. Thầy dạy cho chúng tôi tin tưởng ở chính bản thân mình. Tinh thần đó rất gần gũi với tinh thần của Nietzsche mà tôi đọc được trong cuốn Zarathoustra đã nói như thế: người thầy không dạy cho học trò phải làm học trò suốt đời, mà dạy cho họ cách giành được vòng nguyệt quế trên vương miện của chính thầy. Đó là một thái độ tôn trọng sâu sắc đối với con người. 

Dù thầy không bao giờ đòi hỏi sinh viên phải biết ơn thầy, chúng tôi vẫn hiểu rằng, thể hiện lòng biết ơn thầy một cách đúng đắn nhất chính là ở chỗ phải tiếp nối được tinh thần của thầy và truyền lại tinh thần đó cho các thế hệ mai sau.

Thầy là GS.  Phùng Văn Tửu.

17/11/2010

(1) Nietzsche, Zarathoustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1971, tr.153.

(2) 7 năm sau, vào cuối 2004, một giáo sư  Pháp ở đại học Paris 7, Françis Marmande, khi biết tôi chọn Robbe-Grillet làm đề tài cho luận án tiến sĩ, đã khuyên tôi, trước cả lớp học, rằng hãy đổi đề tài và chọn một tác giả khác. Trong mắt ông ta, người phụ nữ Việt Nam là tôi quá bé nhỏ so với một nhà văn như Robbe-Grillet. Ông ta không tin rằng tôi có thể hoàn thành luận án với đề tài như vậy. Tuy nhiên,  trái ngược với thái độ đó, giáo sư hướng dẫn của tôi, Evelyne Grossman, đã khuyến khích tôi, cho dù Robbe-Grillet không phải là tác giả yêu thích của bà.  Câu chuyện này có một ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi kinh nghiệm cá nhân, nó cho thấy sự tồn tại của những khuynh hướng khác nhau trong việc đánh giá người khác, và liên quan đến cái mà Nam Cao gọi là “lòng khinh trọng” đối với con người.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)