Thay đổi quan niệm về mối quan hệ tương tác giữa nhà nước và trường đại học: Trường hợp Israel từ 1948 đến 2008

Lịch sử mối quan hệ giữa Nhà nước và trường đại học bao giờ cũng chứa đựng nhiều nhân tố phức tạp, và đã từng có những thời đại trong đó mối quan hệ ấy có tính chất hợp tác hài hòa cũng như có những thời kỳ mối quan hệ ấy chứa đựng đầy khả năng bất đồng và xung đột (Perkin, 1984, 1991). Tuy vậy, những bước phát triển trong mấy thập kỷ gần đây kể từ những năm 50 đã khiến các trường đại học phải đương đầu với những vấn đề lớn lao và trọng đại chưa từng có, những vấn đề đang thách thức cả những khái niệm hết sức cơ bản về trường đại học như quyền tự chủ của nhà trường (institutional autonomy), tự do học thuật (academic freedom), sự chính trị hóa nhà trường và vai trò của Nhà nước trong giáo dục đại học.  

Nhà nước ngày càng quan tâm chú ý nhiều hơn đến các trường đại học là do những nhân tố như:
1.   nh hình khó khăn về tài chính,
2.   nhu cầu về giáo dục đại học ngày càng tăng,
3.  mong muốn liên thông giáo dục đại học với các bậc học khác (chẳng hạn với giáo dục đại cương và sau trung học),
4.  nhu cầu về lực lượng lao động,
5.  những thay đổi về nhân khẩu học (chẳng hạn về tuổi lao động, nhập cư và di cư…),
6.  sự thay đổi chính sách về phúc lợi nhà nước dẫn tới đòi hỏi ngày càng tăng của những nhóm thiểu số hoặc những nhóm người chưa được chú ý đúng mức (Van Vught, 1989; Meek at al., 1991; Neave and Van Vught, 1991).

 

Thực ra sự thay đổi của giáo dục đại học từ chỗ “tinh hoa” đến “đại chúng” rồi “phổ cập” (Trow, 1974; 2000) đã dẫn đến sự liên đới với công chúng và sự can thiệp có tính chất chính trị ngày càng tăng. Áp lực tài chính đặt lên vai các Chính phủ trong việc cung cấp ngân sách hoạt động cho các trường đại học có vẻ như đã dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học đến chỗ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tạo ra những sản phẩm mới, tận dụng những nguồn tài nguyên mới, và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng (i.e. MBA/EMBA/IMBA).

Trong một công trình nghiên cứu so sánh về cơ cấu quyền lực hay sự phân chia quyền lực giữa nhà nước và nhà trường tiến hành ở 7 quốc gia (Đức, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Anh,  Hoa Kỳ, và Nhật Bản), Van de Graaf, Clark, Furth, Goldschmidt, và Wheeler (1978) đã tóm tắt những nhân tố đã tạo ra áp lực thay đổi đối với cơ cấu trường đại học truyền thống ở những quốc gia này là:  
1.  Sự mở rộng số lượng sinh viên và giảng viên tạo ra nhiều vấn đề về chất lượng.
2.   
Nhu cầu của thị trường lao động và áp lực đối với giáo dục đại học trong việc đào tạo nhiều sinh viên đa dạng về kỹ năng và ngành nghề;
3.
Chủ nghĩa bình quân, vốn chú trọng không chỉ vấn đề cơ hội tiếp cận giáo dục mà còn là điều chỉnh nội dung và cơ cấu những ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc cần được ưu tiên (phụ nữ, người dân tộc thiểu số, những nhóm người chưa được chú ý đúng mức).
4. 
Sự bùng nổ tri thức và vai trò trung tâm của nhà trường trong việc phát triển khoa học theo hướng tăng cường sự khác biệt và chuyên môn hóa (cả trong phạm vi từng ngành lẫn liên ngành), nhằm làm cho tri thức trở thành gắn bó hơn với những lĩnh vực mới và với nhu cầu của xã hội;
5. 
Chi phí tăng cao, kết quả của sự mở rộng số lượng sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý, mở rộng sự đa dạng về chuyên ngành, khiến chi phí công dành cho giáo dục đại học tăng nhanh hơn so với chi phí dành cho giáo dục nói chung, so với tổng ngân sách và tổng sản lượng quốc gia. Xu hướng này đưa đến kết quả là áp lực chính trị đối với các trường đại học tăng lên nhằm gia tăng sản phẩm và đòi hỏi của các chính phủ trong việc giải trình trách nhiệm của trường đại học cũng trở nên mạnh mẽ hơn, và điều này thường được trả giá bằng việc giảm bớt quyền tự chủ của nhà trường. (Sheldrake and Linke, 1979);
6.Chính trị hóa, theo nghĩa hẹp, là hợp pháp hóa sự liên đới của các đảng phái chính trị, các viên chức Chính phủ, các nhóm lợi ích trong và ngoài trường trong quá trình xây dựng chính sách của nhà trường. Theo nghĩa rộng hơn, là sự công nhận rằng giáo dục đại học phải kết hợp với đòi hỏi của quốc gia và nhu cầu của xã hội. Sự công nhận này ngụ ý rằng hệ thống giáo dục đại học cần đa dạng về cơ cấu, cũng như cần khuyến khích những hình thức mới của giáo dục đại học hay nâng cấp những trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp hiện tại (như các trường cao đẳng sư phạm hay trung cấp đào tạo y sĩ, y tá…) thành những cơ quan học thuật (academic institutions). 

 

Những nhân tố chính trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân chia thẩm quyền giữa trường đại học và giới chức nhà nước. 

Mục đích của bản báo cáo này là trình bày một bức tranh tổng quan về những thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà nước và trường đai học ở Israel trong sáu thập kỷ qua, có nhấn mạnh vào hai thập kỷ cuối, và phân tích ảnh hưởng của những thay đổi này. Việc phân tích sẽ được giới hạn trong những thay đổi về chính sách trong phạm vi mà Becher và Kogan (1980) gọi là “mức thẩm quyền trung ương” và “mức độ nhà trường” chứ không phải ở mức “đơn vị cơ bản” hay như cái mà Clark (1983) gọi bằng thuật ngữ “cơ cấu thượng tầng” (“superstructure”) (những cơ cấu điều tiết của nhà nước và những hệ thống khác nhằm liên kết các tổ chức lại với nhau) và những cơ cấu ở giữa hoặc cơ cấu của một tổ chức (các tổ chức riêng lẻ trong tính toàn vẹn của nó), chứ không phải những cơ cấu bên dưới (như các khoa, các tổ bộ môn hay giảng viên).

Nhà nước Iarael, xã hội Israel và giáo dục đại học Israel được thấm nhuần sâu sắc trong văn hóa khoa học- kỹ thuật hiện đại. Israel là nơi ý thức hệ của chủ nghĩa phục quốc rất nổi bật  trong khoa học, kỹ thuật và học vấn nói chung, cũng như có vai trò quan trọng trong đổi mới xã hội và xây dựng quốc gia.

Từ thời lập quốc, Nhà nước Israel đã coi khoa học, kỹ thuật và học vấn như những công cụ quan trọng trong quá trình xây dựng một đất nước mới. Từ đó đến nay, sự tồn tại của Israel như một Nhà nước và một nền văn hóa luôn phụ thuộc vào sự ưu tú về khoa học và kỹ thuật, điều đảm bảo cho sự thịnh vương về kinh tế, hệ thống phúc lợi xã hội và sự khai sáng về văn hóa.

Thực ra sự ủng hộ của nhà nước và xã hội đối với giới học thuật Israel đã đưa Israel đến vị trí hàng đầu của các xã hội phát triển. Trong số tất cả các nước giành được đậc lập sau Thế chiến thứ hai, Israel là nước duy nhất đạt đến trình độ của các nước phương Tây và thậm chí vượt qua cả một vài nước trong số ấy về mặt khoa học, kỹ thuật và kinh tế.

Tuy là một nước nhỏ (20,700 km2 và 7  triệu dân năm  2008), Israel đứng đầu nhiều lĩnh vực nghiên cứu trong nông nghiệp, công nghệ sinh học, di truyền học, y khoa, toán học, khoa học máy tính, khoa học không gian, khoa học nguyên tử, v.v. và các nhà khoa học Israel giữ những vị trí nổi bật trong nhiều trường đại học danh tiếng. 

Người ta tin rằng đàng sau Thung lũng Silicon và hành lang Công nghệ cao gần Boston, Israel có mức độ tập trung cao nhất thế giới đối với  những công ty công nghệ cao. Có thể ước lượng rằng 1/3 công nghệ truyền thông đã được xây dựng ở Israel.  

Tuy nhiên, giáo dục đại học ở Israel trong những năm gần đây đang trải qua một cuộc khủng hoảng về ý thức hệ – khái niệm,  về quản lý – điều hành và kinh tế – tài chính. Những điều này phản ánh sự cân nhắc thận trọng về ảnh hưởng lẫn nhau giữa giới học thuật, giới doanh nghiệp và Nhà nước đối với chỗ đứng tương lai của khoa học và của các trường đại học trong xã hội Israel.

Nhiều đạo luật nhà nước, các báo cáo và hoạt động của các ủy ban do nhà nước thành lập đã dẫn đến những thay đổi về cấu trúc của hệ thống giáo dục đại học từ thập kỷ 50. 
I.  1948-1951, ba trường đại học độc lập được thành lập với tổng số 1635 sinh viên năm 1948 và 3022 trong năm 1951.
II.  1955-1964, bốn trường đại học mới được thành lập (Bar-Ilan, Tel-Aviv, Haifa và Ben- Gurion), số lượng sinh viên đã tăng đến 18,368. Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học đã tăng 45.5% so với trước đó. Năm 1958 Nhà nước thành lập Hội đồng Giáo dục Đại học (Council for Higher Education -CHE) phục vụ như một tổ chức nhà nước giải quyết mọi vấn đề liên quan đến giáo dục đại học trong nước.
III.  1965 -1974 Giai đoạn mở rộng và điều chỉnh – Số sinh viên tăng lên đến 35,374 trong năm 1969/70. Ngân sách dành cho giáo dục đại học đã tăng đến 80% của ngân sách thông thường cho giáo dục. Nhà nước và Hội đồng Đại học đã thành lập Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách nhằm điều hành ngân sách dành cho giáo dục đại học. Mặc dù số sinh viên lên đến 54,480 trong năm học 1979/80 ngân sách dành cho dịch vụ xã hội trong đó có giáo dục đã giảm sút nghiêm trọng.
IV.  1975 -1985 Việc cắt giảm ngân sách cho dịch vụ giáo dục trong đó có giáo dục đã làm gia tăng sự can thiệp của nhà nước thông qua Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, cơ quan này nay đã trở thành lực lượng tập trung hóa trong mọi vấn đề về cấp phát ngân sách, xây dựng kế hoạch, chính sách và đánh giá, từ chỗ là một cái “thiết bị giảm xóc” giữa nhà nước và nhà trường trở thành cái “bánh lái” của hệ thống giáo dục đại học.
V.  1990 – đến nay: Giai đoạn Đa dạng hóa: Nhà nước phải đương đầu với nhu cầu về đào tạo đại học tăng cao bằng cách mở thêm nhiều trường mới. Kết quả là trong 228,695 học sinh tốt nghiệp phổ thông năm 2003/04, đã có 48,320 người vào các trường đại học công cũng như tư. Tiếp theo là hiện tượng nhập cư hàng loạt trong thập kỷ 90 từ Liên bang Xô viết cũ đã tạo ra nhu cầu cao về đào tạo đại học và tạo áp lực mở rộng hệ thống thông qua việc mở thêm nhiều trường và tăng thêm ngân sách hoạt động. Việc cắt giảm ngân sách trong thập kỷ 90 đã gây kết quả khủng hoảng trong giáo dục đại học và để lại những ý nghĩa lâu dài. Phần ngân sách được Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách phân bổ trong năm 2003 chiếm khoảng 65% ngân sách của các trường đại học và 45% các trường cao đẳng tổng hợp cấp khu vực.

 

Thực ra, kể từ thập kỷ 90, giáo dục đại học Israel đang trải qua những thay đổi rất cơ bản. Những khái niệm cơ bản như quyền tự chủ của nhà trường và những nguyên lý được yêu mến tôn trọng từ lâu đời như tự do học thuật và chủ nghĩa tinh hoa đang được xem xét lại và đang thay đổi.

Quyền tự chủ của cả hệ thống giáo dục đại học như một tổng thể và của từng trường đã giảm đi rất đáng kể. Đòi hỏi cao về sự giải trình trách nhiệm để đáp ứng một hệ thống đào tạo hiệu quả hơn, với những chương trình có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, những tiêu chí về “năng suất” đối với các khoa và các trường cũng được áp dụng để xác định việc phân bổ ngân sách cũng như thanh tra định kỳ, nội bộ và từ bên ngoài, từng bộ môn và từng ngành học trong từng trường và trong cả hệ thống.

Các trường đại học tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động do áp lực từ sự can thiệp của nhà nước trong những vấn đề chính sách như tiêu chuẩn tuyển sinh, học phí, cắt giảm ngân sách, sự hình thành của Hội đồng Đại học với số đại diện của các trường đang giảm đi, và cơ cấu quản trị của từng trường. Sự can thiệp của nhà nước trong những vấn đề này bị các trường xem là xâm phạm quyền tự chủ của nhà trường, vốn được coi là điều kiện tiên quyết và cốt yếu cho tiêu chuẩn cao về học thuật của giới khoa học Israel (Ba’Shaar, 2004; Neaman Institute, 2004).

Chúng tôi có thể kết luận rằng hệ thống giáo dục đại học của Israel đang ở ngã tư đường. Để vượt qua khủng hoảng, các trường đại học, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Hội đồng Đại học và Bộ Tài chính sẽ phải tìm cách cân bằng giữa xây dựng kế hoạch một cách hiệu quả, với tài chính và chính sách ở từng trường cũng như ở cấp quốc gia, xem xét lợi ích quốc gia và lợi ích công chúng, tự do học thuật và quyền tự chủ của nhà trường.  Một cách tổng quát, cần nhiều khéo léo hơn ở tất cả các bên nhằm đáp ứng những thử thách và tình trạng khẩn cấp mà Israel ngày nay đang phải đương đầu.

Nhữrng ý nghĩa của kinh nghiệm Israel đối với các hệ thống giáo dục đại học khác cũng sẽ được thảo luận trong bài viết này.

TS. Phạm Thị Ly dịch

———

* Chủ tịch Ủy ban Giáo dục vì Hòa bình, sự Khoan dung và Giá trị con người của UNESCO Bar Ilan University, Israel

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)