Thày giáo Tôn Thất Thân

Hễ nói đến những nhà toán học lừng danh của đất Việt, ai cũng phải nghĩ đến một trong những người thày giáo đã tham gia đúc kết nên họ từ rất sớm, thày giáo Tôn Thất Thân.

Điều vinh quang đó như hòn đảo nổi lên giữa đại dương cuộc đời. Và đôi khi chính hòn đảo đó làm người ta quên luôn đi cả cái hòn núi nền tảng đội hòn đảo này tít từ tận dưới đáy đại dương.

Có rất nhiều góc độ để chiêm ngưỡng hòn núi nền tảng này. Ở đây là sự chiêm ngưỡng của một người học trò cũ, người không liên quan gì đến… toán học!

Đẹp trai là lượt

Mấy chục năm trước đây nếu đã có các cuộc thi sắc đẹp “Mister ngành giáo dục”, rất nhiều khả năng thày phải đoạt giải này.

Có người sẽ bảo “đẹp trai, thì là chuyện trời cho, có gì phải biểu dương?”.

Thế này.

Có những người “ăn ảnh”, nhưng không “ăn phim”.

Bởi vì “ăn phim” đòi hỏi vẻ đẹp sống động, trong hành động, hiển lộ tinh thần, chứ không chỉ “đẹp khoảnh khắc” như “ăn ảnh”.

Thày đẹp “ăn phim“, đó là một nhẽ.

Thày lại ăn mặc bao giờ cũng chỉn chu, cao ráo, nhã nhặn, kể cả vào những thời đói kém nhất. Nên tôi phải dùng đến khái niệm “đẹp trai là lượt“ là thế. Sau này càng quan sát các nhà toán học, tôi càng thất vọng tràn trề về khả năng ăn mặc của họ. Ngay cả học trò vĩ đại nhất của thày, nhà toán học Ngô Bảo Châu, xem ra cũng vẫn chưa khéo ăn mặc chỉn chu bằng thày. May quá, tôi không phải là nhà toán học! 😉

Phải mất rất nhiều thời gian xã hội mới hiểu ra giá trị của sự chỉn chu. Sự chỉn chu của một nhà giáo của lũ trẻ tuổi teen vượt ra ngoài câu chuyện mỹ cảm cá nhân: riêng điều đó thôi đã là một hành động giáo dục bền bỉ, thuyết phục, sống động, xác tín, cho nhiều thế hệ học trò, và cả cho xã hội.

Tôi nghe nói cho đến tận những năm 90 của thế kỉ trước thì ông thủ tướng Võ Văn Kiệt mới cấm được các đại nghị sĩ xứ Việt đi họp Quốc hội bằng dép lê.

Tất nhiên điều đó cũng có hệ quả phụ. Nhiều cô giáo trẻ thời đó say mê thày, còn mấy cô học trò bé tí thì hằng ngày họp báo đưa tin nhau tỉ mỉ về một “hình như là người yêu của thày.” Chuyện này kiểm chứng được, đơn giản thôi.

Nhà giáo logic học

Với đám học sinh mươi, mười một tuổi thời ấy, những bài học đầu tiên thày thích dạy không phải là tính toán, mà là các phép tính logic, các trò chơi logic, các nghịch lý logic. Thật là cách mạng! Hơi tiếc là những tiết dạy đó không được đẩy luôn lên thành một bộ môn cho học sinh.

Bọn trẻ thật hào hứng đón nhận những kiến thức và những gợi mở đó.

Nhà giáo thẩm mỹ văn thơ

Có những giờ học thày tranh thủ chuyển hẳn sang văn thơ.

Không chỉ xúc cảm văn thơ chung chung, thày giãi bày luôn cả các sáng tác riêng của mình. Để ý thì lúc đó thày còn rất trẻ, và khi đọc thơ của mình, đôi má thày ửng đỏ.
Cả một sự hưng cảm, sáng tạo được thắp lên trong lớp học. Thày nói đến vẻ đẹp trong tâm hồn mình, mấy cậu trẻ lại ánh vẻ đẹp đó sang tâm hồn của cô bạn “của mình” trong góc lớp.

Nhà triết học

Tùy theo cảm nhận của đám trẻ, riêng tôi luôn nhận ra những xúc cảm và suy nghĩ đầy triết lý của thày qua các giờ học và qua các giao tiếp, ngay từ khi đó (chắc ai đó bảo tác giả bốc phét, chịu thôi, đó là bản quyền của người đọc).

Nói triết học, triết lý, vì sự trao đổi, truyền thụ kiến thức ở thày luôn nằm dưới dạng gợi mở, mang một sức đẩy bên trong, chứ không tự đóng bao khâu kín với chỉ những nội dung đó.

Con người

Sau hết, cái học được ở thày nhiều nhất, là con người thày.

Hoàn cảnh thời trẻ của thày mang nhiều yếu tố của nghịch cảnh.

Gia đình thày chịu những mất mát nặng nề riêng.

Có những cái nhìn bất lợi của xã hội cho thày về lý lịch.

Những cánh cửa cho sự phát triển các năng lực đặc biệt của thày bị đóng khép lâu ngày.
Vân vân. Và vân vân.

Nhưng thày đặt triết lý cuộc sống lên cao hơn nghịch cảnh!

Thày tự gọi tắt mình là thày “Tôn Thân”, để sang một bên những rắc rối về dòng dõi Tôn Thất của mình.

Thày dồn năng lượng, tình yêu của mình cho dạy học, cho học trò, và tất nhiên, rất nhiều cho người yêu của mình.

Thày bền bỉ tiến lên, mở rộng các hợp tác, mở rộng các nghiên cứu, rồi thành công các công trình giáo dục có ý nghĩa rộng lớn ở tầm quốc gia.

Thày dung dị, lạc quan, yêu đời, và cuộc đời yêu lại thày.


Sau này, tôi có dịp gặp lại thày cùng bạn bè.

Thày vẫn vui hoạt như thế, như tự mấy chục năm về trước. Tiếng cười của thày giòn giã, vô tư. Và người yêu của thày thuở xưa vẫn bên thày, quyến luyến, tinh tế, trẻ trung nữa là đằng khác.

Thày bảo “anh có điều gì tiếc với tôi không?”

– “Thày ạ, thày Tôn Thất Thân, các anh học trò của thày đều tiếc rằng con gái thày xinh đến như thế, mà lại lấy chồng mất rồi ạ!”.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)