Thi để làm gì?

Thi cử động chạm đến những vấn đề cốt tủy của giáo dục. Nó là một trong số những câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà quản lý cần phải trả lời khi thiết kế và vận hành hệ thống giáo dục của mình. Nhưng tiếc rằng, cho đến nay, câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này vẫn còn bỏ ngỏ. Hoặc giả, câu trả lời cũng chưa đủ rành mạch cho tất cả những người có hoạt động liên quan đến giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2014 vừa kết thúc với kết quả đỗ tốt nghiệp lên đến hơn 99%. Một lần nữa, cuộc tranh luận xem có nên bỏ, hay tiếp tục duy trì, một cuộc thi tốn kém mà tất cả đều đỗ như vậy, lại bùng nổ. Chủ đề này càng nóng hơn khi đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiến hành cải cách thi cử như một bước đi chính thức của cuộc cải cách căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Và sâu sa hơn, câu hỏi “Thi để làm gì?” lại được đặt ra để thảo luận, vì nếu không trả lời rốt ráo câu hỏi này, thì mọi cải cách trong thi cử đều không có kết quả.

Nút bấm rúng động

Trong chương trình giao lưu trực tuyến do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/12/2013, Thứ trưởng Bộ GG&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cho rằng: đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá học sinh là khâu đột phá trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Ông coi đây là nút bấm, để bấm một cái cả hệ thống GD-ĐT sẽ rúng động.

Rúng động vì sao?

Vì cách học ngày nay có mục đích duy nhất là học để thi. Nhận định này đã được nhiều nhà giáo phát biểu, và cũng được xác nhận trong các khảo sát trực tiếp với học sinh bậc THCS và THPT mà tôi đã tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2013 tại Hà Nội.

Nhận định về vai trò của thi cử mỗi người mỗi phách, không thể thống nhất. Chính vì thế mà thi cử luôn gây ra tranh cãi suốt hàng chục năm nay, điển hình là những tranh luận xung quanh kỳ thi tốt nghiệp PTTH và đại học: gộp hay không gộp, thi riêng hay thi chung, “ba chung” liệu có phù hợp…?

Ngoài ra, học để thi cũng là một văn hóa điển hình của giáo dục Việt Nam, là sự tiếp nối của truyền thống giáo dục Nho giáo kéo dài cả nghìn năm trong thời phong kiến, đến mức lều chõng đi thi để trở thành ông cử ông nghè, rồi sau đó vinh qui bái tổ đã trở thành hình ảnh điển hình, đến mức ám ảnh, của bất cứ anh học trò xưa nào.

Nói vậy để thấy, cho rằng thi cử là cái nút bấm của hệ thống giáo dục hiện tại là có cơ sở. Lựa chọn tác động vào thi cử là một lựa chọn thông minh và vừa sức. Nhưng đây lại cũng chỉ mới là giải pháp mang tính chiến thuật, chứ không thể coi là giải pháp chiến lược của giáo dục.

Nó có thể làm cả hệ thống giáo dục rúng động, nhưng không chắc đã chuyển động để thoát khỏi tình trạng dậm chân tại chỗ bấy lâu nay.

Vậy làm sao để khi bấm cái nút thi cử này, giáo dục thực sự chuyển động? Trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi đơn giản nhưng cơ bản: Thi để làm gì?

Vòng luẩn quẩn: học để thi – thi để đánh giá sự học

Mỗi người, tùy vị trí đứng trong giáo dục mà có cách trả lời khác nhau cho câu hỏi thi để làm gì. Với học sinh, có lẽ thi để lấy điểm, thi để lên lớp, để vào trường tốt… sẽ là cách trả lời phổ biến nhất. Còn với các thầy cô thì khó hơn nhiều. Với các thầy cô, có lẽ không ít người coi đây là một thao tác thủ thực hiện theo chương trình định trước: Thi vì đến lịch phải thi, theo kế hoạch từ trên dội xuống, còn để làm gì thì đó là việc của “trển”, cấp dưới chỉ việc thi hành.

Một số thầy cô khác sẽ đưa ra câu trả lời mang tính sách vở: Thi để đánh giá việc dạy và học. Nhưng liệu cái logic học để thi, rồi thi lại để đánh giá việc học, liệu có rơi vào vòng luẩn quẩn? Trên thực tế, ở Việt Nam đúng là phần nào đang duy trì vòng luẩn quẩn này, bởi nếu không thi thì học sinh sẽ không học, hệ quả tất yếu của tình trạng học để thi hiện giờ.

Đồng thời, căn bệnh thành tích trầm trọng đã biến một sản phẩm phụ là chức năng lấy chứng chỉ, bằng cấp, trở thành mục đích chính của việc thi cử. Như vậy, thay vì tổ chức thi cử để rồi hơn 99% đều đỗ, vì sao người ta không cấp luôn chứng chỉ là xong, vừa đỡ tốn kém, vừa đáp ứng ngay lập tức nhu cầu lấy chứng chỉ của người tham gia thi cử?

Mục đích thực sự của thi cử: một phản tư của giáo dục

Thực tế cho thấy phản tư là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới hầu hết các tiến bộ mà con người đạt được. Thông qua quá trình phản tư mà con người hiểu biết thêm về tự nhiên, về xã hội và về chính mình (con người sống tốt hơn, người hơn bằng cách tự hỏi: Người là gì?) Phản tư chính là nguồn gốc của sự phát triển.

Thông qua thi cử và đánh giá, chúng ta có thể đo lường sự tiến bộ của người học và khiếm khuyết của người dạy, qua đó hiểu hơn về lý luận và thực tiễn giáo dục để từ đó tiếp tục cải thiện và phát triển giáo dục.  

Trong giáo dục, về mặt triết học thi cử chính là một quá trình phản tư. Thông qua thi cử và đánh giá, chúng ta có thể đo lường sự tiến bộ của người học và khiếm khuyết của người dạy, qua đó hiểu hơn về lý luận và thực tiễn giáo dục để từ đó tiếp tục cải thiện và phát triển giáo dục. Thi cử do đó không thể bỏ và không thể tách rời khỏi giáo dục. Chừng nào còn tham gia giáo dục, với bất cứ tư cách nào, dù là giáo viên hay học viên, thì còn phải tham gia thi cử.

Năng lực và chất lượng của một hệ thống giáo dục được biểu hiện trực tiếp qua năng lực tổ chức và chất lượng thi cử. Điều này cũng giống như năng lực của một cá nhân được biểu hiện thông qua năng lực phản tư của chính anh ta, và sự tiến bộ của anh ta được đo thông qua việc phản tư mà anh ta thực hiện.

Chỉ có ý nghĩa khi được tiến hành một cách độc lập và trung thực

Cũng giống như sự phản tư của con người, thi cử cần được tách ra khỏi chủ thể để nhìn nhận lại chủ thể. Như thế, thi cử hay đánh giá trong giáo dục, lý tưởng nhất là được tiến hành bởi một cơ quan độc lập. Trong trường hợp không thể thực hiện bởi cơ quan độc lập, thì thi cử phải được tổ chức khách quan nhất có thể để ngăn chặn những can thiệp của chủ thể bị đánh giá, bao gồm cả người dạy và người học, làm lệch lạc kết quả thi cử. Việc tổ chức các hội đồng coi thi và chấm thi chéo, việc rọc phách các bài thi, chính là sự cụ thể hóa quan điểm này. Xa hơn, việc chấm thi bằng máy tính, dù còn nhiều hạn chế, cũng đã được coi là một trong số các giải pháp được nhiều nơi thực hiện để đảm bảo tính khách quan của thi cử.

Tuy nhiên, một sự phản tư chỉ có ý nghĩa nếu đó là một sự phản tư nghiêm túc, theo nghĩa có một mục đích rõ ràng và được thực hiện bởi một quy trình khả tín và có tính hệ thống. Đặc biệt quan trọng là sự phản tư đó phải trung thực, vì nếu không trung thực, mọi sự phản tư, nếu được thực hiện thì cũng chỉ là tự lừa dối hoặc tự huyễn hoặc mình.

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu hiểu thi cử như một sự phản tư của giáo dục thì kỳ thi này nên được tổ chức các cơ quan khảo thí độc lập và có thể được tiến hành nhiều lần trong một năm. Khi đó sự phản tư mới có thể tránh rơi vào bẫy bao biện hoặc tự huyễn hoặc, và bệnh thành tích cũng vì thế mà ngăn chặn được.

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)